BÀI ĐỌC 1 (Cv6, 1-7 )
Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần.
Trích sách Tông Đồ Công vụ.
1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.
2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.
3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.
4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."
5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.
6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.
Có nhiều khi chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng Giáo Hội sơ khai không có vấn đề nội bộ: bài này làm chúng ta an tâm. Rõ ràng có những tranh chấp và thật ra điều thú vị cho chúng ta trong bài này là cách các Tông đồ xử lý các cuộc tranh chấp đó.
Trước tiên vấn đề từ đâu đến trong câu truyện được kể ở đây ? Rất giản dị, đó là những khó khăn khởi nguồn từ các nhóm khác nhau chung sống trong cộng đoàn, chắc chắn rồi, chúng ta không lạ gì ! « Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên» (c1) Nếu tôi không lầm, lý do xảy ra vấn đề cho cộng đồng Ki-tô mới này đến từ sự thành công của họ : « khi số môn đệ thêm đông» họ trở nên đông đúc làm cho sự hiệp nhất trở nên khó khăn, tất cả các nhóm đang phát triển đều phải đối đầu với vấn đề này : làm thế nào hiệp nhất khi chúng ta quá đông ?...đông tức là khác nhau. Nghĩ cho cùng, nếu suy ra sự khó khăn này đã nảy mầm từ buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần. Hẳn các bạn biết phần cuối bài tường thuật lễ Ngũ Tuần trong sách Công vụ Tông đồ : «Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: « Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư?8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?» (Cv2, 5-8) Lúc ấy chúng ta đang thời kỳ còn phấn chấn ngạc nhiên, nhưng sau đó những vấn đề mới có nguy cơ bắt đầu.
Ngay sáng hôm ấy có những trường hợp hoán cải – hình như có ba ngàn người - và có nhiều người khác những tháng năm sau đó. Những người mới trở lại toàn là người Do Thái ( vấn đề chấp nhận những người không phải gốc Do Thái, sau này mới được đặt ra) nhưng rất có thể rất nhiều người trong họ chính là những người Do Thái từ mọi nơi đến Giê-ru-sa-lem hành hương, tiếng mẹ đẻ của họ không phải tiếng Do-Thái mà cũng không phải tiếng A-ram. Cũng có thể là những Do Thái kiều phân tán khắp nơi về định cư ở Giê-ru-sa-lem ( có những đền thờ trong Giê-ru-sa-lem trong đó những nhóm như thế đến cầu nguyện). Vì lẽ ấy cái cộng đồng trẻ - mới tinh - phải đương đầu với cái gọi là « thách đố ngôn ngữ » .
Đầu đề một quyển từ điển, tôi gặp câu sau đây : « một ngôn ngữ là một mạng lưới phủ lên những thực tế. Một ngôn ngữ khác là một mạng lưới khác, ít khi các mắt lưới trùng hợp với nhau. » Chúng ta cũng biết hàng rào ngôn ngữ ấy vượt qua hơn cách phiên dịch các ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ khác nhau, có nghĩa là giáo dục, tập quán, nhân sinh quan khác nhau, cách nhìn ra và xử lý một vấn đề cũng khác nhau…
Để trở về với cộng đồng non trẻ Giê-ru-sa-lem, có vấn đề chung sống giữa những anh em nói tiếng Hy-lạp và tiếng Do-thái, Rất cụ thể, giọt nước làm tràn bình, là sự bất công rõ ràng đối với sự giúp đỡ hằng ngày các phụ nữ góa chồng. Không lạ gì cộng đồng rất quan tâm đến việc chăm sóc các phụ nữ góa chồng, đó là một điều răn của giới Do Thái, nhưng cũng phải tin rằng những người có bổn phận ( dược tuyển chọn từ người Do-thái) có khuynh hướng thiên vị các bà góa của nhóm họ. Loại cãi cọ như thế, mặc dù có cơ sở, ngày qua ngày nhiễm độc, cho đến lúc tới tai các Tông đồ. Phản ứng của các ngài gồm ba điểm.
Các ông tụ tập tất cả các môn đệ : chính trong buổi họp khoáng đại của cộng đồng mới lấy ra quyết định. Hình như ở đây chúng ta nhìn ra sự hoạt động cổ điển của Giáo-hội…có lẽ cũng nên cố gắng vươn tới cách này. Sau nó các ông nhắc lại mục tiêu : đó là trung thành với ba đòi hỏi của đời sống tông đồ (cầu nguyện, phục vụ Lời Chúa, và phục vụ anh em). Sau cùng các ông không ngần ngại đề nghị một tổ chức mới, đổi mới không phải thiếu trung thành .Trái lại, trung thành đòi hỏi thích nghi với điều kiện mới. Trung thành không phải cứng nhắc với quá khứ( ở đây có nghĩa là vẫn giao toàn các công việc cho nhóm Mười Hai, bởi vì họ đựơc Chúa Giê-su chọn), trung thành là luôn giữ mắt nhìn đến mục tiêu.
Mục tiêu chính xác như Thánh Gio-an nói, họ phải « là một, để thế gian tin ». Chắc chắn vì thế mà các Tông Đồ không dự định cắt cộng đồng ra làm hai, một bên là anh em nói tiếng Hy-lạp, một bên tiếng Do-thái. Chấp nhận tính đa diện là một thách đố cho mọi cộng đồng đang phát triển( và tôi biết, đâu đó có những ê-kíp không muốn mở rộng để không có nguy cơ bất đồng), nhưng khi đó bất đồng việc chia ra chắc chắn không phải giải pháp tối ưu. Chính Thánh Thần Chúa đã gợi lên nhiều cuộc thảo luận và đa dạng như thế, chính Ngài đã linh ứng cho các Tông đồ hầu có ý tổ chức khác hơn để đảm nhận các hậu quả.
Nhưng họ không sợ canh tân. Chính vì phải chung sống lâu dài nên phải tổ chức : giải pháp các ông tìm ra là nói lên : chính vì chúng tôi không thể đảm nhận mọi công tác, hãy tìm cho chúng tôi những người trợ giúp : « , thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa." » (c3)
Đấy là quy chế một tổ chức mới được sáng lập. Các người phục vụ mới của cộng đồng chưa được xưng danh. Tôi xin lưu ý chữ « phó tế » không được dùng trong bài này. Chúng ta không nên sớm đồng hóa các phó tế của chúng ta ngày nay với các người này, họ phục vụ bàn ăn ở Giê-ru-sa-lem. Chúng ta chỉ nên nhớ Chúa Thánh Thần luôn luôn biết linh ứng cho mỗi thời đại, những đổi mới cần thiết để trung thành chu toàn mọi sứ vụ và mọi ưu tiên cho Giáo Hội.
** *
THÁNH VỊNH (Tv32, 1.2 4.5 18-19)
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa.
Hoặc đọc : Alleluia !
1 Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA,
kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.
2 Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm,
kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.
4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.
18 CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Chúng ta đã gặp bài thánh vịnh này trong Mùa Chay. Lần này trong mùa Phục Sinh phụng vụ chọn những câu ca ngợi, dĩ nhiên rồi. Rất có thể bài được sáng tác hoà với âm điệu đàn thụ cầm ( đàn hạc) « gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt ». Cũng như thường khi, chúng ta khá thất vọng vì phụng vụ cắt xén đi, ví dụ như ở đây, chúng ta chỉ được nghe 6 trên 22 câu bài thánh vịnh này. Thật ra có lẽ để mời gọi chú ý hơn về sự phong phú chứa đựng trong 6 câu này. Thật vậy, khi nhìn kỹ, đây là bản tóm tắt đức tin Do Thái. Đọc kỹ từng câu chúng ta nhận ra trải nghiệm It-ra-en, Xuất Hành, Giao Ước. Tôi xin đơn giản đọc lại lần lượt từng câu.
«Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA ! Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen ! » Ngay câu đầu chúng ta biết ngay đang ở đâu : trong một phụng vụ tạ ơn, giữa những người tiếng Do Thái gọi là « hassidim »- có thể tạm dịch là « người của Giao Ước », hay những « người của kế hoạch yêu thương Thiên Chúa », có nghĩa là những kẻ được mặc khải lòng từ bi nhân hậu Thiên Chúa và đã trả lời bằng cách kết Giao Ước. Vì thế xin đừng hiểu với ý đồ người tự cao kẻ tự cho mình công chính… ngay thẳng, ở đây không phải những đức tính luân lý. Người « hassid »( số nhiều là « hassidim ») là một người như mọi người, tội lỗi như kẻ khác, nhưng sống trong Giao Ước với Thiên Chúa, sống tin tưởng nơi Thiên Chúa tín trung. Người « công chính »trong Thánh Kinh, là người nằm trong kế hoạch Thiên Chúa, người cùng cung điệu với Chúa, trong nghĩa một nhạc cụ được lên giây đúng âm điệu.
« hãy reo hò mừng CHÚA »người « hassid », tôi đã nói là người được mặc khải « Chúa từ bi nhân hậu và trung tín » vì thế người ấy đương nhiên sống hoan hỉ, ngợi khen. Có một người phụ nữ nói với tôi gần đây : « Từ khi tôi khám phá ra kế hoạch yêu thương của Chúa trong Thánh Kinh, tôi tìm thấy trong mọi trang. ». Thật dễ hiểu và tự nhiên thôi, và kể từ đó bà sống trong tin tưởng, trong mọi tình huống, ngày vui cũng như ngày buồn phiền, bà không bao giờ mất lòng tin Thiên Chúa là tình yêu.
Bài phụng vụ tạ ơn bắt đầu bằng lời ca giáo đầu là lời mời gọi ngợi khen : « hãy reo hò mừng CHÚA, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. » (LND : bản tiếng Pháp ghi «muôn cung đàn mới). Chữ « mới »trong Thánh kinh không có nghĩa « chưa bao giờ có », cung đàn « mới » với nghĩa của những lời nói của tình yêu, những từ dù quen thuộc vẫn luôn là mới. Khi những kẻ yêu nhau nói « ta yêu mình », thật ra rất tầm thường …thế nhưng, điều tuyệt diệu là câu ca này luôn là mới. Vậy mà Ít-ra-en trải nghiệm trong mỗi thời đại, điều mới trong sự quan tâm của Thiên Chúa, là cái chữ bất hủ gồm bốn từ YHVH, mà chúng ta đọc là Yah- vê, vì không cách nào hơn, có nghĩa gần như là « bây giờ và trong tương lai ta ở cùng các con, trong mọi lúc suốt lịch sử dân tộc các con »
« Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin»(c4). Không như nghĩa mới thoáng đọc ra, câu này không gồm hai khẳng định khác nhau, một câu về lời Chúa, một câu về hành động của Ngài : «Thiên Chúa phán… Liền có như vậy.» ( St1, 9) bài tường thuật tạo dựng lặp lại như thế, hay cũng như sách tiên tri I-sa-ia cũng thế : « thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. » ( Is55, 11) . Và không phải ngẫu nhiên bài thánh vịnh này gồm 22 câu ( tương ứng với 22 chữ cái Do Thái ngữ) : đó là để tôn vinh Lời của Chúa, như để nói, đó là tất cả đời chúng ta, từ A đến Z. Đây không phải một lời ngợi khen, có thể nói tầm thường : chính là It-ra-en nói lên trải nghiệm dân tộc mình. Từ lời nói đầu tiên của Thiên Chúa cho dân họ, It-ra-en đã trải nghiệm lời nói ấy vừa là lời hứa cứu độ và đồng thời công trình cứu độ của Thiên Chúa : trong mỗi giai đoạn lịch sử của dân họ, lời Chúa kêu gọi sự tự do, và quyền năng Thiên Chúa tác động trên tay con người để chinh phục sự tự do ấy, tự do khỏi mọi thờ phương bụt thần, tự do khỏi nô lệ bất cừ từ đâu đến.
« Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương CHÚA chan hoà mặt đất. » (c5). Đây là ơn gọi của tất cả tạo vật được nói lên ở đây : Chúa là tình yêu và toàn địa cầu được gọi là nơi chốn của tình yêu, lẽ phải và công chính. Các bạn hãy nhớ lại lời tiên tri Mi-kha : « Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.»( Mk6, 8)
« CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương » (c18) Nhìn chung đoạn này, hẳn các bạn nhạy cảm với cách đối song song các câu, điều này có tác động làm đu đưa bởi mỗi câu gồm hai hàng đối nhau như tiếng vang. Có lẽ bài này được dự trù được hát với hai bè luân phiên nhau …Chính nơi đây cách sáng tác song song ấy rất quý để hiểu nghĩa của cách phát biểu bất hủ người kính sợ Chúa, vì hàng tiếp theo cho chúng ta ngay định nghĩa « người kính sợ Chúa, đó là kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương » Thật vậy, tất cả Thánh Kinh, đồng thời là một mặc khải kế hoạch yêu thương của Chúa, đồng thời Thánh Kinh dạy chúng ta thay đổi nghĩa của chữ kính sợ : kể từ nay đối với kẻ tin, cách duy nhất để tôn kính Chúa là đáp trả tình yêu của Ngài. Bài Kinh Tin Kính Do Thái nói lên hay hơn tôi : « Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất» (Đnl6, 4)
***
BÀI ĐỌC 2 (1Pr2, 4-9)
Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả
Trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ
4 Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.
5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.
6 Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.
7 Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường,
8 và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.
9 Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.
Hãy tưởng tượng một công trường khổng lồ : một công trình kiến trúc đồ sộ bắt đầu thành hình. Nhiều tảng đá to tướng đang được chờ kéo lên, một khi những tảng đá này được đặt đâu vào đấy, nó sẽ làm cho vững chắc. Trong lúc chờ đợi chúng nằm ngổn ngang trong công trường – nếu bạn đến viếng về đêm – thì chúng lại nguy hiểm, có thể làm bạn vấp ngã.
Thánh Phê-rô dùng cách so sánh này để nói về Chúa Ki-tô. Chính Ngài là tảng đá quý nhất, Thiên Chúa đặt vào trung tâm công trình Thiên Chúa đề nghị mọi người trở nên những tảng đá cho công trình xây dựng. Những ai tin vào Ngài sẽ được sáp nhập vào công trình, họ trở nên những thành phần dùng để đỡ chịu. Những kẻ từ chối tin vào Chúa Giê-su Ki-tô đứng ngoài công trường và trở nên đối với mọi người những tảng đá nằm ngổn ngang, những tảng đá làm vấp ngã.
Sự so sánh nhỏ của tôi không thể hiện được toàn bài của Thánh Phê-rô nhưng cũng giúp chúng ta làm quen với cách nói gợi ảnh này. Đoạn hôm nay có vẻ đặc biệt khó, vì nó vẽ ra toàn diện nhiều đề tài của Cựu Ước rất quen thuộc với các đọc giả Thánh Phê-rô nhưng ít quen thuộc với chúng ta !
Đề tài thứ nhất: một công trình xây dựng, dự án vĩ đại của Thiên Chúa, trong ấy nền tảng được xây dựng từ những ngày đầu lịch sử nhân loại. Nhiều bài của Cựu Ước đã cho ta thấy Đấng Mê-si-a là tảng đá chính của công trình xây dựng ấy.
Đề tài thứ hai: đề tài hai con đường…Tất cả như hai con đường ( hai hướng đi) mở ra trước mặt chúng ta. Đứng trước dự án Thiên Chúa chúng ta phải có một chọn lựa: cộng tác vào công trình, thích nghi với dự án… hay từ chối và ngay cả phá hoại. Chọn lựa đúng dẫn đến hạnh phúc, đến ánh sáng, đến sự sống bởi vì dự án chỉ là tình yêu, chọn sai dẫn đến đau khổ, đêm tối, sự chết. Mỗi lần chúng ta gặp trong Thánh Kinh( Cựu Ước hay Tân Ước ) những tương phản ( ví dụ như ánh sáng/ bóng tối; sống/ chết; hạnh phúc/đau khổ ; may/ rủi) chỉ là thế thôi: phải có một chọn lựa.
Đề tài thứ ba, sau cùng cái đền và những lễ tế. Suốt lịch sử , nhân loại tìm cách tiếp cận Thiên Chúa bằng cách dâng cúng làm sao cho xứng với Ngài. Dần dần qua trải nghiệm của lịch sử dân Chúa chọn mặc khải dung nhan thật Thiên Chúa và tập sự sống trong Giao Ước. Và dần dần dưới ánh sáng của giáo huấn các tiên tri, cái đền thờ thật sự chính là nhân loại và của lễ dâng lên xứng với Ngài là tấm lòng từ bi con người.
Thánh Phê-rô dù được thấm nhuần những suy gẫm Thánh Kinh như thế nhưng từ nay tất cả trở nên trong sáng với ngài trong Chúa Giê-su Ki-tô dự án Thiên Chúa được hoàn tất, công trình xây dựng dựa trên Ngài, từ đây chính Ngài là đền thờ thật sự của Thiên Chúa, để dâng lên của lễ xứng đáng với Ngài, của lễ thiêng liêng của tình yêu.
Với ánh sáng ấy, bây giờ chúng ta đọc lại đoạn này của thư Thánh Phê-rô: « Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.» (c4). Chúa Ki-tô là tảng đá ấy được Thiên Chúa tuyển chọn từ đời đời cho sự tạo dựng mới của Ngài. Đứng trước mặt Ngài chúng ta phải chọn lựa : chọn đúng, tức là tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, suốt đời dựa vào Ngài, xem Ngài là trung tâm đời ta, tảng đá nơi đây chúng ta dựa vào ; chọn sai là từ chối không tin. Một số người có chọn lựa sai lầm, từ chối tin vào Đức Giê-su. Thánh Phê-rô nói họ : « viên đá sống động bị người ta loại bỏ» (c4) , bây giờ tảng đá đó bị vất đi trên đường, làm vấp ngã vì họ đi trong đêm tối.
« Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, » (c5). Tôi có thể nói phép Rửa của chúng ta là lúc chọn lựa, kể từ nay chúng ta gia nhập vào công trình xây dựng Đền thờ thiêng liêng, đền thờ duy nhất xứng với Thiên Chúa, nơi Ngài của lễ hiến dâng duy nhất là tình yêu và phục vụ anh em( chứ không còn tế lễ thú vật như xưa) Đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong dân Ngài, kể từ nay dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa dưới mắt của thế gian là chúng ta, là Giáo Hội.
« Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường » ( c6,7) . Ở đây chính xác là sự chọn lựa của chúng ta kêu gọi đến sự tự do của chúng ta không có vấn đề tiền định. Thánh Phê-rô phân biệt rõ những người dựa đức tin vào Chúa Ki-tô và những kẻ từ chối tin : « kẻ tin» và « từ chối tin » là hai hành động tự do. Thánh Phê-rô lại thêm : « Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.
»(c8). Câu sau cùng này nói lên hậu quả của sự chọn lựa của họ chứ không phải một quyết định độc đoán của Thiên Chúa : Chúa cứu độ chỉ có biết tôn trọng tự do của chúng ta.
Ông già Si-mê-ong đã loan báo cho Đức Ma-ri-a và Thánh cả Giu-se : « Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng» (Lc2, 34) . và Chúa Giê-su cũng nói tương tự : « Ai không đi với tôi, là chống lại tôi» (Mt12, 30) Nhưng Thánh Phêrô nói lại « Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa» (c9). Ngày chúng ta nhận phép Rửa, chúng ta được ghép vào Chúa Ki-tô là tư tế duy nhất. Phụng vụ lễ Rửa Tội nói rằng : « anh em là chi thể Đức Ki-tô, tư tế, ngôn sứ và vương giả » Chúng ta được kết nạp vào dân thánh, có thể nói «thay đổi quốc tịch » Ngày ấy chúng ta được kết nạp vào một quốc tịch mới, đó là dân Thiên Chúa, quốc ca từ nay của chúng ta là, ngợi khen Ngài : Thánh Phê-rô kết thúc nói rằng : « Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền» (c9)
***
PHÚC ÂM (Ga14, 1-12 )
Alleluia, alleluia ! – Chúa phán: « Thầy là đường, là sự thật, là sự sống ; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy ». – Alleluia.
« Thầy là đường, là sự thật, là sự sống »
Tin Mừng Chúa Gie-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.
2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.
3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.
4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? "
6 Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.
7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."
8 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
9 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?
10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.
11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.
12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.
Câu đầu tóm lược tốt nhất tòan bài giảng : « Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy » Sở dĩ Chúa Giê-su khởi đầu nói Anh em đừng xao xuyến!, đó là vì các môn đệ không dấu được sự lo âu của mình. Chúng ta thông cảm được: họ biết mình bị thù nghịch bủa vây, họ biết đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu.
Đối với vài người, sự lo lắng ấy lại còn thêm nỗi thất vọng ghê gớm, vài ngày sau các môn đệ trên đường Emmau nói: « Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en» (lc24, 21) ( Ngụ ý nói quân La mã). Các Tông đồ cũng tin vào những hy vọng chính trị ấy, vậy mà thủ lãnh họ bị kết án và hành quyết…Không còn ảo tưởng nào nữa. Vì thế Chúa Giê-su dời đi đối tượng của niềm hy vọng của họ : Ngài không thay thế điều trông chờ của họ bằng các phép lạ Ngài làm, Ngài không dẫn đầu quốc gia nổi dậy chống ngoại xâm. Trái lại Ngài không ngớt kêu gọi bất bạo động. Nhưng cuộc giải phóng của Ngài nằm trên một phương diện khác. Ngài không bù lại chờ đợi dưới thế gian của dân Ngài, thế nhưng Ngài là Đấng mọi người trông chờ.
Ngài bắt đầu kêu gọi đến lòng tin của họ, đến thái độ nền tảng của dân tộc Do Thái mà chúng ta tìm thấy ví dụ như trong các thánh vịnh. Lòng cậy trông chỉ dựa vào đức tin, và Chúa Giê-su trở lại nhiều lần đến chữ « đức tin » : « Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy» (c1). Chỉ có một điều thôi, là tin vào Thiên Chúa – và điều đã được rồi - điều kia là phải tin vào Đức Giê-su, vào chính lúc Ngài có vẻ vĩnh viễn thua thiệt. Vì vậy nội dung chính yếu bài giảng của Ngài là : « Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy (c1) …Anh em hãy tin Thầy (c11) … ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm (c12) »
Nhưng để tuân theo Đức Giê-su với một niềm tin với Thiên Chúa, đối với những người đương thời phải làm một bước nhảy vọt đáng kể. Vì thế họ phải cảm nhận sự hiệp nhất thâm sâu giữa Chúa Cha và Ngài. Đây là ý nghĩa cốt lõi thứ ba « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » (c9) ; « Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy » ( câu này Chúa lặp lại hai lần) « ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.» (c10)
Có lẽ phải có nhiều thời gian để dừng lại từng câu, từng chữ một, tất cả đều mang nhiều ý nghĩa của tất cả trải nghiệm Thánh Kinh : « biết », « thấy », « ở lại », « đến cùng »…Lời nói cùng là công trình…cách nói « Ta là », tất cả những từ ngữ ấy, vào tai người Do Thái không thể nào không gợi lên chính Thiên Chúa. Dám nói « Ta là sự thật, và là sự sống » tức là tỏ ra chính Mình là Thiên Chúa. Và đồng thời đó là hai ngôi vị khác nhau vì Chúa Giê-su nói : « Ta là con đường » ( ngụ ý nói dẫn đến Chúa Cha) .
« Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. »(c6) : đây là cách khác để nói : « Ta là con đường » hay « Ta là cửa ngõ » như trong bài người Mục tử Nhân lành. Đây không phải một lời cảnh báo cũng không phải một điều bắt buộc : hình như còn thâm sâu hơn nữa. Đây là mầu nhiệm sự kết hiệp giữa chúng ta và Chúa Giê-su Ki-tô, thật sự là một mầu nhiệm, khó có một khái niệm gì về mầu nhiệm ấy…thế nhưng đây là cốt yếu của dự án Thiên Chúa. Đấng « Ki-tô toàn diện » như thánh Augustinô nói, đây là cả nhân loại.
Tiến vào mầu nhiệm ấy, đòi hỏi nơi chúng ta một sự hoán cải thâm sâu và không ngừng, cá nhân tính thường xâm nhập vào các phản ứng chúng ta. Chúng ta chỉ mở rộng, nới chân trời ra cho những người rất thân cận chúng ta, nhưng cái vòng ấy của chúng ta thông thường rất giới hạn : chỉ cần nhìn cộng đoàn phụng vụ chúng ta, để nhận ra nhiều dấu vết của cá nhân tính, đó là điều trái ngược với tinh thần phụng vụ. Sự liên đới với Chúa Giê-su Ki-tô được nói lên trong mỗi trang của Tân Ước. Ví dụ như Thánh Phao-lô, khi ngài nói về Ađam mới và khi ngài nói Đấng Ki-tô là « đầu của thân thể» (Cl1, 18) trong đó chúng ta là các chi. « muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở » ( Rm8, 22) : việc sinh nở ngài nói nơi đây chính là Thân Mình Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su thường dùng từ Con Người ( từ tiên tri Đa-ni-en) để loan báo chiến thắng cuối cùng của nhân loại, quy tụ chung quanh Ngài như một người.
Nếu tôi tin tưởng vào câu – « Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy ».(c6) và tôi cũng tin sự hiệp nhất của nhân loại trong Chúa Giê-su Ki-tô, thế thì cũng phải tin ngược lại : Chúa Ki-tô không đến với Chúa Cha không có chúng ta, đó là ý nghĩa những câu đầu : « Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. »(c3). Thánh Phao-lô cũng nói thế bằng cách khác : « trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.» (Rm8, 39)
Chúa Giê-su kết thúc bằng một lời hứa trịnh trọng : « ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm » (c12) Sau những gì Chúa nói về Ngài, « những việc Thầy làm » chắc chắn là không chỉ là các phép lạ. Trong suốt Cựu Ước khi nói « công trình »Thiên Chúa luôn luôn để nhắc đến công trình vĩ đại của Ngài giải thoát dân Ngài khỏi Ai-cập. Điều này có nghĩa là từ nay các môn đệ của Ngài được kết hợp vào công trình Thiên Chúa để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ thể lý cũng như luân lý . Lời hứa ấy lẽ ra cũng đủ để thuyết phục chúng ta mỗi ngày rằng sự giải thoát ấy rất khả thi.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.