Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật XXIV Thường Niên năm A 2023

 

“HÃY HẾT LÒNG THA THỨ CHO ANH EM MÌNH"

NHƯ ĐÃ ĐƯỢC CHÚA CHA THA THỨ !”

Mt 18, 35

 

Hát một thánh ca ngợi khen để khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Lạy Chúa là Cha của hết thảy mọi người, chúng con xin Chúa cất khỏi lòng chúng con mọi vết tích hận thù chia rẽ, để chúng con được giao hòa với anh chị em trước. Như vậy chúng con mới có thể chân thành dâng của lễ, sẽ làm cho chúng con được giao hòa với Chúa, là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen

(Sách Lễ, Lời nguyện tiến lễ cầu cho việc hòa giải)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Một người công bố Tin Mừng Matthêu 18, 21-35

Mọi người đứng lắng nghe. Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 lời chạm đến tôi dựa vào 3 câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi biết Chúa tôi rõ hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở điểm nào?

Tâm tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

Nếu quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình.

Không giải thích

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

Đọc Lời Chúa một lần nữa, suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào.

1.“Ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không. Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta 3 ý :

  1. Ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu xin Ngài dạy bảo và soi sáng mình về một điều mình thắc mắc. Tôi có hay đến xin Chúa Giêsu chỉ dẫn mình sống hợp theo ý Chúa không? Hay chỉ tự mình quyết định?

...................................................................................................

  1. Thắc mắc của ông Phêrô: “Phải tha đến mấy lần. Có phải đến 7 lần không ?” Người Việt nói:”Quá tam 3 bận”. Còn tôi thì sao?

.....................................................................................................

  1. Chúa dạy chúng ta: “Không bảo là đến 7 lần, nhưng là đến 70 lần 7”. Tôi cảm thấy thế nào trước câu trả lời này?

..................................................................................................

Chúa Giêsu là CHÚA và là THẦY chúng ta. Lời Ngài là Chân lý và Sự Sống. Đi theo Chúa, chúng ta không chỉ đọc kinh, làm việc đạo đức, giữ luật lệ mà thôi. Có Lời Chúa là Tin Mừng, được rước Mình Thánh Chúa là sức sống mới trong Thánh lễ, các Kitô hữu có Chúa sống trong mình, được mời gọi trở nên gíống Thầy mình, Chúa mình. Trên thập giá, Ngài xin với Chúa Cha:”Xin Cha tha cho chúng!”

 

2. "Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (câu 35).

Tìm hiểu kỹ Dụ ngôn “Người đầy tớ mắc nợ không có lòng thương xót.” (Mt 18, câu 23-34)

  1. Người đầy tớ không thể trả nợ 10.000 yến vàng, được chủ tha hết. (c.23-27)

Vì sao?:.........................................................................................

2 Người đầy tớ được tha đối xử tàn nhẫn đối với đồng bạn thế nào? (28ss)

So sánh 100 quan tiền với 10.000 nén vàng: chỉ bằng 1/600.000.

A/C nghĩ thế nào về cách đối xử của người đầy tớ này?

..................................................................................................

  1. Ông chủ kết tội người đầy tớ không biết thương xót (câu 31-34).

Câu hỏi của ông chủ (câu 32) có khi nào ám ảnh lòng trí tôi không?

Chúa Giêsu kết luận thế này:

“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”

Chúa dạy anh chị em trong Cộng đoàn hãy sẵn sàng tha thứ cho nhau, vì Chúa Cha trên trời đã “hy sinh mạng sống Con Một trên thập giá”, cho chúng ta thấy Ngài yêu thương chúng ta và tha thứ thế nào!

Tôi đã sống lời kinh “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, như thế nào? Tâm sự với Chúa…

....................................................................................................

....................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết thúc (Thánh Vịnh 103)

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Sáng danh

 

5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi suy ngẫm lời T.Phaolô, trong bài đọc 2, Thư Rôma 14,7-9:

"Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa.

Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa ; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.”

Đọc đi đọc lại lời này, tôi xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi hiểu thấu và đem ra thực hành trong tuần bằng việc làm này:

..................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Bình an cho anh em!”…Và Người ban Thánh Thần cho các môn đệ, để làm cho họ trở thành tác viên hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (x. Ga 20,23). Họ không chỉ nhận được lòng thương xót, mà còn trở thành người phân phát chính lòng thương xót mà họ đã nhận được. Họ nhận được quyền năng này, nhưng không dựa trên công trạng của họ, không dựa trên nỗ lực của họ, không: đó là một món quà thuần túy của ân sủng. Tuy nhiên, điều này đặt nền trên kinh nghiệm của họ, là những người được tha thứ.

…. Và khi anh em cảm thấy mình nhận được lòng thương xót, thì anh em sẽ có thể cho đi rất nhiều lòng thương xót, cho đi rất nhiều sự tha thứ. Và ngày nay và luôn luôn trong Giáo Hội, sự tha thứ phải đến với chúng ta theo cách này, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của một vị giải tội giàu lòng thương xót, người biết rằng mình không phải là người nắm giữ quyền lực nào đó, nhưng là kênh chuyển trao lòng thương xót, mang sự tha thứ đến cho người khác và vị giải tội ấy trước hết là người đã lãnh nhận ơn tha thứ.

…. “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.” Những lời này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể Giáo hội đã được Chúa Giêsu biến thành một cộng đoàn phân phát lòng thương xót, một dấu chỉ và một khí cụ hòa giải cho nhân loại.

(trích Giảng CN Lòng Thương xót,24.04.2022)

 

Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 09 trên trang web của PT.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com