BÀI ĐỌC 1 (Is 55, 6-9)
«Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi»
Trích sách tiên tri I-sa-i-a
6 Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
7 Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
9 Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
« 6 Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.»: câu này không có nghĩa «hãy nhanh lên hay Ngài sẽ cách xa» đó là cách hiểu trái nghĩa, không nên vấp phải! Không có lúc nào Chúa không cho chúng ta gặp, không có lúc nào Chúa không gần gũi chúng ta! Phải hiểu như sau đây (và cũng là cách chuyển ngữ Kinh Thánh theo bản dịch Đa Tôn): «Hãy tìm Đức Chúa vì Người cho gặp, hãy kêu cầu vì Người ở cạnh bên». Chính chúng ta mới luôn xa cách Chúa. Và thật vậy, trong tự do, chúng ta có lúc xa Chúa đến nỗi không còn muốn tìm gặp Ngài nữa. Phải xét kỹ, trong tinh thần nào, bài này viết ra những dòng này. Tiên tri I-sa-i-a viết cho những kẻ hoàn toàn thất vọng. Bị đày sang Ba-by-lon, trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Ít-ra-en có khuynh hướng nghĩ rằng bị Chúa bỏ rơi. Đến độ, họ tự hỏi làm thế nào dám hi vọng Chúa có thể tha thứ, khôi phục dân Ngài chọn. Nếu ai ngờ vực, nghi kỵ như thế. Phải nhất quyết quay lưng lại với lối suy nghĩ ấy: Tiên tri nói đó là những tư tưởng nham hiểm, độc ác; những tư tưởng lầm lẫn về Thiên Chúa và làm chúng ta xa cách Ngài. Tư tưởng thâm độc ấy, chính làm cho chúng ta nghĩ rằng Chúa không có thể gần gũi, không thể nào với tới Ngài được, là Chúa không thể tha thứ được. Đấy hẳn là một điều quan trọng của bài này. Không phải vì Chúa có vẻ thinh lặng là Ngài vắng mặt hay xa cách.
Ở đây cũng như thường thấy trong Thánh Kinh, đề tài con đường: Ngờ vực Chúa, tưởng tượng Ngài hung dữ, cứng rắn, báo thù, đó là cách chọn trái đường, làm cho chúng ta dần dần xa Ngài, và như thế. Bởi vỉ chúng ta không tin Ngài từ bi nhân hậu, chính chúng ta không đón nhận Ngài. Đứa trẻ dậy thì nghi ngờ cha mẹ, vì thế không hưởng được những biểu hiện lòng âu yếm của cha mẹ, thực ra lúc nào cha mẹ cũng muốn trao cho nó; nó không thấy vì nó quay lưng lại với họ. Tiên tri I-sa-i-a nói: Hãy quay lại, hãy trở lại với Thiên Chúa, anh em sẽ tái khám phá ra Ngài thương xót anh em và Ngài giàu lòng tha thứ.
Sự mặc khải Thiên Chúa từ bi nhân hậu và hay tha thứ luôn hiện diện trong Cựu Ước, trước khi Chúa Giê-su xuống thế rất lâu. Chỉ cần đọc lại các sách tiên tri. Ví dụ như tiên tri Hô-sê, ngài có những câu tuyệt vời nói lên tư tưởng Thiên Chúa: «Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. 9 Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận…vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.» (Hs11, 8-9) Theo Thánh Kinh chữ «Đấng Thánh» có nghĩa là Đấng Siêu Việt. Và vì lẽ đó, Chúa là Đấng Siêu Việt, Đấng Thánh: khi Ngài từ bi nhân hậu và giàu lòng tha thứ. Chúng ta hãy đọc tiên tri Giê-rê-mi-a: «Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng» (Gr29, 11), Và dĩ nhiên chúng ta nghĩ đến câu tuyệt vời của Thánh Kinh: «Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.» (Mt5, 45)
Có cuộc đối thoại tuyệt vời trong sách Giô-na. Giô-na bất bình Chúa quá khoan dung đối với những hành vi ghê tởm của dân thành Ni-ni-vê, kẻ thù truyền kiếp của Ít-ra-en, ông trách Chúa quá tốt bụng: «Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ» (Gn4, 2) Và Chúa giải thích lý do: «Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?» (Gn4, 11)
Sau cùng, không chỉ có các tiên tri mới quả quyết như thế. Trong sách Sử Biên chúng ta có thể đọc: «nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó» (2Sb7, 14) Trong Thánh Kinh, ngay từ Cựu Ước đã có đầy những mặc khải về lòng tha thứ Thiên Chúa… Một khi được mặc khải như thế, chúng ta chỉ thấy điều ấy trong Thánh Kinh! Ngược lại, mỗi khi không thấy trong Lời Chúa loan báo lòng từ bi nhân hậu của Chúa lúc nào cũng ban cho, là khi ấy chúng ta không hiểu bài này rồi! Dân tộc Ít-ra-en được ưu đãi nhận được hai mặc khải song đôi tuyệt vời ấy: Chúa vừa là Đấng Siêu Việt Cực Thánh, vừa là Đấng thật Gần Gũi, Chúa «Từ bi nhân hậu và hay tha thứ» được mặc khải cho ông Mô-sê. ( Xh34, 6)
Tiên tri I-sa-i-a tóm gọn mặc khải ấy trong một câu tuyệt vời: «Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is55, 9). Khoảng cách vô tận giữa trời và đất là một hình ảnh biểu đạt rất rõ để nói lên cho chúng ta Chúa tất nhiên là Đấng Siêu Việt. Đồng thời Ngài Rất Gần Gũi. Là Đấng «giàu lòng xót thương hay tha thứ». Và chính vì giàu lòng tha thứ, tiên tri I-sa-i-a mới nói khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta là vô tận, như trời và đất. Bài của chúng ta nói rõ Người sẽ rộng lòng tha thứ (c7)…Vì «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» (c8) Tất cả nằm trong chữ «vì », không may chữ này thường không được chú ý. Điều tiên tri I-sa-i-a muốn nói, ở đây là chúng ta không cùng âm vực với Chúa: Bản chất, là tình yêu, Ngài trên âm vực của cho nhưng không, là «ân sủng » - âm vực của tha thứ vô điều kiện; còn chúng ta, trên âm vực của tính toán, có qua có lại. Chúng ta muốn kẻ lành được thưởng và kẻ dữ bị phạt…Chúng ta nói «đạt được» nước trời, trong lúc ấy Chúa đề nghị chúng ta sống với quan hệ tình yêu, là bởi định nghĩa, tình yêu cho đi nhưng không. Trong vương quốc của tình yêu không có ngân hàng, không có ngân phiếu, chúng ta đều biết thế!
Nhận xét cuối cùng: «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» (c8). Khoảng cách vô tận giữa Thiên Chúa và chúng ta, giải thích sự bất cập ngôn ngữ chúng ta về Ngài! Vì thế, câu này phải được xem là một lời mời gọi chúng ta khiêm tốn và khoan dung: Khiêm tốn khi dám nói về Chúa, khoan dung khi nghe kẻ khác nói về Ngài. Ai trong chúng ta có thể nói đo được tư tưởng của Chúa?
***
THÁNH VỊNH (Tv144, 2-3.8-9, 17-18)
Đáp ca: Lạy Chúa, Chúa mở tộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê
8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9 CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
15 Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
16 Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
17 CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
18 CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Không gì làm tiếng vang cho Bài đọc 1 hôm nay hay hơn bài Thánh vịnh này! Sách Tiên tri I-sa-i-a tóm tắt tất cả đức tin It-ra-en trong vài câu: Được mặc khải một Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu, giàu lòng tha thứ, kêu gọi dân Ngài: «Hãy trở lại với Ta». Bài Thánh Vịnh là lời đáp của dân chúng trở lại với Chúa: «2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời». Đúng là bài ca ngợi khen lòng tin trở lại.
Chúng ta không lạ gì bài này được chọn làm Kinh Mai Do Thái. Đối với một tín hữu Do Thái, buổi sáng (bình minh ngày mới) gợi lên buổi bình minh của ngày vĩnh hằng, ngày của thế giới mới, của tạo vật mới…Và nếu tìm hiểu sâu xa hơn tín lý Do Thái, sách Talmud (sách giáo khoa các giáo trưởng Do Thái vào những thế kỷ đầu sau CN) quả quyết rằng người nào đọc ba lần bài Thánh vịnh này, có thể chắc chắn «sẽ là con của thế giới mới».
Chúng ta đã có dịp đọc bài Thánh vịnh này và chiêm ngắm cấu trúc của nó. Nếu xem trong Thánh Kinh, bài này thuộc loại Thánh vịnh theo vần A-B-C. Cũng cần biết đây là thánh vịnh tạ ơn Giao Ước: Đó là cách nói trọn đời ta, từ A đến Z (theo tiếng Do Thái từ Aleph đến Tav) được chìm đắm trong Giao Ước, trong lòng trìu mến của Thiên Chúa. Điều thứ hai, đáng chú ý về hình thức, bài Thánh Vịnh là sự tương đồng từng hai câu một. Đáng được đọc hai bè, hay hát hai nhóm luân phiên nhau.
Nếu xét kỹ các câu được chọn hôm nay, chúng ta lưu ý hai điều: Thứ nhất, nội dung vừa súc tích vừa đầy đủ tất cả mặc khải của Chúa. Điều thứ hai, bài Thánh Vịnh này rất hài hoà và khớp với các Lời Chúa khác của phụng vụ Chúa nhật hôm nay.
Trong Bài đọc 1 Sách Khôn ngoan nói: «23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.» Bài Thánh Vịnh, như tiếng vang: 9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.»
Trong câu 3: «3 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.», chữ cao cả thường dùng cho vua chúa, hơn nữa câu 1 nói: «Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con». Vua ở đây không phải các vua chúng ta tìm thấy dưới trái đất. Một Vị Vua vừa toàn năng vừa nhân hậu: Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc…Đấy là sự mặc khải dân It-ra-en nhận được suốt lịch sử của họ. Khi nói tới quyền năng của vị Vua này khác với mọi vị vua, quyền năng ấy chỉ là tình yêu: «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương». Đây là câu tóm tắt tuyệt vời nhất tất cả mặc khải của Thánh Kinh. Tiên tri I-sa-i-a cũng nói: «Người… rộng lòng tha thứ.» (Is55, 7)…có nghĩa là các tư tưởng khác là sai trái…Ở đây, It-ra-en nói thế vì đã trải nghiệm: Biết bao lần, đặc biệt khi bị lưu đày Ba-by-lon, họ đã van xin và được Thiên Chúa thứ tha và trở lại với Ngài?...Từ nay, toàn dân trở về Đền Giê-ru-sa-lem vừa được xây lại, một lòng hát lên: Vâng, thật vậy: «18CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.» (Tv 144 (145), 18)
Họ biết sứ vụ là phải cất tiếng ca lớn lên để mọi người biết, lòng từ bi, giàu tha thứ của Chúa dành cho mọi người: «9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.». Tính cách hoàn vũ của công trình Thiên Chúa là đề tài suốt Cựu Ước: Chúa yêu thương cả nhân loại, và dự án tình yêu của Ngài, kế hoạch yêu thương của Ngài gồm cả nhân loại, tất cả tạo vật.
Để kết luận, nếu đọc trọn bài Thánh Vịnh này, chúng ta sẽ khám phá ra bài Thánh vịnh thật giống Kinh Lạy Cha. Ví dụ như Kinh Lạy Cha nói với Chúa như con nói với Cha hay là với đức Vua. Chúa như một người cha đầy lòng từ bi và tha thứ, như trong bài thánh vịnh, như một vị Vua mà chủ đích duy nhất đem hạnh phúc cho mọi người: «Lạy Cha…xin cho chúng con…xin tha thứ chúng con…nước Cha trị đến…xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ…ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời… » vì, chúng ta đều biết, qua lời Thánh Phao-lô: Chúa là «Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm2, 4). Tới đây, chúng ta hiểu vì sao bài Thánh vịnh này được dân Do Thái chọn làm Kinh Mai trong Phụng Vụ, của dân đầu tiên được dạy gọi Thiên Chúa là Cha.
***
BÀI ĐỌC 2 (Pl 1, 20c-24. 27a)
« Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô »
Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Phi-líp-phê
20 Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết:
21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.
22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào.
23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần:
24 nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.
27 Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô
Đọc thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, lúc nào cũng rất cảm động: Thư của ngài vừa chứa chan lòng đam mê sứ vụ của mình, đam mê Đức Ki-tô; vừa đầy lòng quyến luyến, huynh đệ đơn sơ đối với những người anh em ngài được biết ở đấy. Vì thế bài này, vừa là những đề tài thần học được triển khai rất thâm sâu, vừa là những tâm sự đầy chất nhân bản của một người, như mọi người tỏ lòng với những bạn của mình.
«dù tôi sống hay tôi chết» (c20), Thánh Phao-lô đang ở tù, rõ ràng là thế, nhất là qua phần sau của bức Thánh thư, nhưng không ai biết ở đâu: Có lẽ ở Rô-ma hay lần đầu ngài bị giam ở Ê-phê-sô. Vụ án của ngài rõ ràng đã bắt đầu, ngài chờ tuyên án và biết rõ mình có nguy cơ bị kết án tử hình. «Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết:» (c20) Chữ thân xác ở đây chỉ toàn diện con người. Nếu ngài được thả ra, ngài có thể tiếp tục đi rao giảng Tin Mừng, và ngay cả thời gian bị giam cầm, hay lúc xử án ngài cũng có thể làm chứng tá cho Đức Ki-tô ngay trong tòa án. Thánh nhân có viết câu sau đây trong một đoạn trước: «đến nỗi tại dinh vua quan cũng như ở mọi nơi khác, người ta đều hiểu rõ là chính vì Đức Ki-tô mà tôi mang xiềng xích. Vì thấy tôi bị xiềng xích, phần đông các anh em có lòng tin cậy vào Chúa đã tỏ ra bạo dạn hơn để rao giảng lời Thiên Chúa mà không chút sợ hãi» (Ph1, 13-14). Còn hay hơn nữa, ngài vui mừng biết có vài người, không mấy hảo tâm, lợi dụng lúc ngài vắng mặt, tự xưng là Tông đồ thay chỗ của ngài. Nhưng bất chấp, Thánh Phao-lô nghĩ như thế, dù sao đi nữa miễn là Đức Ki-tô được loan truyền.
Nếu ngài bị kết án tử hình, sự kiện ngài đối diện với việc tử đạo, là một chứng tá tột đỉnh cho đức tin các Ki-tô hữu vào sự Phục Sinh. Thật đáng ngạc nhiên, về sự thản nhiên đầy tự tin của những Ki-tô hữu sơ khai trước tử nạn vì đạo. Trong lúc những kẻ bách hại mong bóp nghẹt Ki-tô giáo vừa mới nảy sinh, lòng tự tin ấy lại là dịp cho nhiều nguời được hoán cải. Điều này có nghĩa là, dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tất cả đều làm cho Tin Mừng phát triển, và đó là điều đáng kể trước mắt Thánh Phao-lô. Điều này không làm cho chúng ta ngạc nhiên từ một Tông đồ…Tiêu chuẩn Tông đồ, chính là những người chỉ có một mục đích, rao giảng Tin Mừng! Còn đối với chúng ta, cho dù không đứng trước những tình huống đặc biệt như thế, chúng ta cũng có thể nhớ rằng đời sống thực tế có thể tôn vinh Thiên Chúa (có nghĩa là biểu hiện tính cao cả của Ngài) trong mọi hoàn cảnh.
Thánh Phao-lô tiếp: «đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.» (c21). Có thể hiểu rằng: «đối với tôi, sống sung mãn là sống trong Đức Ki-tô» hay là «lẽ sống của tôi là Đức Ki-tô». Ngụ ý nói đời sống của tôi chỉ sung mãn trong sự gặp gỡ cuối cùng, vì thế, chết là một mối lợi. Sau đó ngài nói: «ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần» (c23). Chúng ta nhận ra ở đây, một tiếng vang của sự liên đới mật thiết, nối kết chúng ta với Đức Ki-tô, và Thánh Phao-lô phát biểu không biết bao lần điều này trong các bài viết của ngài. Đề tài to lớn của ngài, chính là số phận của chúng ta là trở nên một với Chúa Giê-su Ki-tô. Ví dụ như trong (Cl1, 19): «Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người»; hay trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, bài này là chìa khóa cho mọi sự: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: …quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.» (Ep1 9-10)
Nhân đây, tôi xin lưu ý đối với Thánh Phao-lô, cái chết cho ta hoàn toàn kết hiệp với Chúa Ki-tô, ngài có vẻ không dự định một thời hạn nào. Đây là những gì ngài tuyên bố trong thư gửi cho tín hữu thành Cô-rin-tô: «Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa» (2Cr5, 6-8)
Không vì thế, Thánh Phao-lô không «bỏ thuyền», và thú nhận ngài bị giằng co đôi bên: «vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.» (c21-23). Điều này, không có nghĩa là không ai có thể thay thế ngài được, vì ngài biết rằng chính Chúa Ki-tô tác động trong lòng các tín hữu…Nhưng ngài hết lòng mong muốn hiện diện nơi ngài phải có mặt. Thật ra, không phải là một trường hợp bối rối lương tâm, vì thánh nhân biết không phải ngài quyết định cho thân phận mình. Nhưng luận cứ của ngài là một mẫu gương của sự hy sinh quên mình, đúng nghĩa của nó, Với ý nói là điều quan tâm duy nhất của ngài, là sứ mạng cho những kẻ ngài được giao phó.
Để kết thúc, Thánh nhân trở về với họ: «Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô» (c27) Đây là cả một chương trình! Nhìn lại song song hai điều, trường hợp lương tâm của Thánh Phao-lô và lời khuyên bảo cho dân thành Phi-líp-phê, chúng ta thấy trước mặt ngài thế nào là cuộc sống xứng đáng với Tin Mừng: Rất đơn giản thôi, đó là tận hiến cho rao giảng Tin Mừng.
***
PHÚC ÂM (Mt 20, 1-16a)
Alleluia, alleluia!
- Chúc tụng Đức vua, Đấn nhân danh Chúa mà đến,
bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
------------------
«Hay mắt anh ganh tị vì tôi nhân từ chăng»
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
1 "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.
3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.
4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng."
5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.
6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? "
7 Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! "
8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất."
9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.
10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.
11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:
12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt."
13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?
14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.
15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? "
16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Hãy tưởng tượng một ông chủ xí nghiệp dùng phương pháp này! Chắc chắn ngày hôm sau phần lớn các công nhân sẽ đình công! Nhưng Chúa Giê-su nói rõ rằng Ngài không nói như trong một xí nghiệp như những người khác. Câu đầu tiên của Ngài là: «Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia». Ngay từ đầu, chúng ta biết rằng ở đây là Nước Trời và chúng ta cũng biết rõ – như tiên tri I-sa-i-a nhắc nhở - tư tưởng của Thiên Chúa không phải tư tưởng của chúng ta.
Vì thế trong vườn nho rất đặc biệt này, những người công nhân được bổ nhiệm mọi lúc trong ngày…Dường như công việc không thiếu. Nhưng điều chính yếu không phải ở chỗ ấy. Như thường lệ, phải tìm bài này nói gì về Chúa, và ở đây rất dễ: «tôi tốt bụng» (c15) Chúa nói «Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?» (c15). Chúa tốt bụng, một lòng tốt không tính toán. Có nghĩa là lòng tốt của Chúa vượt trội lên hết mọi sự, kể cả sự kiện chúng ta không xứng đáng; điều này có nghĩa là chúng ta từ nay phải vĩnh viễn từ bỏ lô-gíc dựa vào kế toán: Trong Nước Trời không có máy tính các công đức. Có chăng đòi hỏi sự hoán cải của chúng ta. Cái lô-gíc kế toán ấy, thật ra chúng ta rất khó vất bỏ đi: Những cố gắng, những hi sinh, những đau khổ, lúc nào chúng ta cũng muốn tính để tự trấn an; chúng ta cứ tưởng như thế là có quyền hưởng Nước Trời, hưởng được tình yêu của Chúa.
Ngược lại, chúng ta tin là Chúa có quyền đối xử mọi người không như nhau: «thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi» (c12) các công nhân đến từ đầu giờ trách chủ nhân, ngụ ý nói chúng tôi xứng đáng hơn. Và chính vì thế, Chúa Giê-su muốn chúng ta thoát khỏi cái lô-gic của việc xứng đáng: Tình yêu không biết đếm. Tình yêu không thể mua, chỉ cho nhưng không. Bài học này không phải mới mẻ gì. Chúng ta hãy đọc bài Thánh vịnh 127: «Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.» Không có gì là xứng đáng trong bài này; hơn thế nữa, bài thánh vịnh tiếp «Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công.» nói cách khác: Đừng tính toán các công đức của bạn và những giờ phụ trội, Chúa sẽ tràn đầy hơn trên tất cả. Bài thánh vịnh hôm nay cho chúng ta hát: «CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.» (c9)…Rõ ràng, không phải lẽ công chính tính toán như chúng ta tưởng! Lẽ công chính của Thiên Chúa là thương yêu, không phân biệt, tất cả con cái như nhau, tức là vô cùng, không đo lường.
Để trở về Cựu Ước, ông Giô-na cũng thế, thấy Chúa hơi thái quá khi Ngài tha thứ cho những người hại ông ở Ni-ni-vơ: Dân Chúa chọn lúc nào cũng cố hết sức mình sống theo lề Luật; thế mà mấy dân ngoại ghê tởm kia chỉ cần bắt đầu làm một cử chỉ thì được tha thứ. Từ Cựu Ước đã được biết những kẻ sau trở nên trước. Cũng như thế, thời Thánh Mát-thêu, các người trước kia là dân ngoại, ồ ạt đến trong các cộng đồng Ki-tô, làm cho những kẻ đến từ đạo Do Thái xì xào và cho rằng mình là con cháu một dòng giống đạo cũ từ lâu. Và chính Chúa Giê-su cũng đã gặp phải sự đối kháng của những tín hữu kỳ cựu, khi Ngài lui tới thân thiện với những người thu thuế và người tội lỗi.
Ngay đến khi trên thánh giá, chúng ta còn biết ít nữa một người «cuối» trở nên «người đầu», đó là người trộm lành…đây đúng là người công nhân giờ chót. (Trong Phúc Âm theo Thánh Lu-ca chứ không trong Thánh Mát-thêu, nhưng bài học cũng như thế thôi). Chỉ đến phút chót, người trộm lành cùng bị đóng đinh như Chúa Giê-su, quay sang Ngài; chỉ cần một lời sự thật từ miệng anh ta là được nghe lời mà tất cả chúng ta mơ được nghe trong giờ cuối đời chúng ta: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc23, 43)
Nhưng nếu muốn trực diện với sự thật, bài dụ ngôn này lẽ ra phải làm cho chúng ta hài lòng…Ai trong chúng ta có thể quả quyết mình là người công nhân từ giờ ban đầu? Dù là ai đi nữa, chúng ta chỉ là những công nhân giờ thứ mười một! Chỉ khi quên điều ấy, chúng ta mới đâm ra ghen tức. «Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?» (c15). Những người thợ giờ đầu phản đối chủ nhân vì không hiểu lý lẽ của ông. Giô-na cũng phàn nàn với Chúa vì Ngài tha thứ quá dễ dàng những người tội lỗi thành Ni-ni-vơ; những người Pha-ri-sêu chống lại Chúa Giê-su vì Ngài tiếp đón những kẻ có đời sống không tốt lành; người anh cả phàn nàn với người cha đón tiếp quá nồng hậu đứa con hoang đàng…Mỗi khi lô-gic của Chúa quá khác với lô-gíc của ta, cơn cám dỗ đến với chúng ta là phản đối.
Đây là lúc hơn bao giờ hết để chúng ta nhớ lại câu của tiên tri I-sa-i-a trong bài đọc một: «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta…Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is55, 8-9)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.