BÀI ĐỌC 1 (Ed 18, 25-28)
Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác đã đi, nó sẽ được sống.
Trích sách Tiên tri Ê-dê-ki-en.
25 Các ngươi lại nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?
26 Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết.
27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.
28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết
Dường như chúng ta có thể rút ra bốn bài học trong đoạn Thánh Kinh này:
1/ Không ai phải đền trả thay cho người khác.
2/ Ai cũng có thể có một tương lai.
3/ Lời kêu gọi hoán cải.
4/ Ngay trong đau khổ, lúc nào cũng có thể sống đúng nghĩa cuộc sống của mình, tức là sống kết hợp với Chúa.
Bài học thứ nhất: Giai đoạn rất quan trọng khám phá lẽ công chính Thiên Chúa: Không ai phải đền trả thay cho người khác bao giờ. Một trong những câu đầu bài này là: «25 Các ngươi lại nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.» Đó là dân Ít-ra-en đang phản đối với Chúa. Họ trải qua một giai đoạn khủng khiếp, đọa đày bên Ba-by-lon, và kêu lên: «Chúng ta có làm gì Thiên Chúa đâu mà phải chịu cảnh này?» (Ngay trong thế kỷ XXI, những lời như thế này thường tự nhiên đến trên môi miệng mỗi khi gặp đau khổ). Chúng ta còn nhớ câu chuyện người mù bẩm sinh trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Khi thấy người mù này, các môn đệ Chúa Giê-su đặt Ngài câu hỏi rất cổ điển: «Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?» (Ga9, 2), nói cách khác, lỗi này là do ai?
Thời tiên tri Ê-dê-ki-en câu hỏi «lỗi ai» thường được đặt ra một cách bi đát. Vì tiên tri Ê-dê-ki-en thuộc dân thành Giê-ru-sa-lem, nên bị đày sang Ba-by-lon do quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-so. Đây là một tai họa: Cuộc sống đầy rẫy những điều tàn bạo của chiến tranh, và bây giờ tại Ba-by-lon này, xa quê hương - Miền Đất tuyệt diệu được Chúa hứa, «tràn trề sữa và mật» (Xh33, 3) xa Giê-ru-sa-lem, nay đã thiêu rụi, xa Đền thờ nay đổ nát, dân chúng tiêu tan…mất tất cả. Trong lúc đó, thế hệ trong cơn biến động này không tệ gì hơn những thế hệ trước. Thế nhưng, họ có cảm tưởng phải đền trả cho tất cả gánh nặng của quá khứ, những lỗi lầm chồng chất từ những thế hệ trước, dường như cái bình chứa cơn giận của Chúa bỗng chốc bị đầy tràn.
Từ đó, bước qua đổ lỗi cho Thiên Chúa thật dễ dàng. Và họ bắt đầu truyền cho nhau câu ngạn ngữ: «Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng.» (Ed18, 2) Điều này rõ ràng nói lên là: Chúa không công minh, không hiểu vì sao thế hệ chúng ta lại phải chịu trả giá cho tất cả các thế hệ đi trước.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en hiểu đây là một sự phạm thượng; bây giờ Thiên Chúa trong tư thế kẻ bị kết án, bắt buộc phải minh oan. Vài hàng trước bài đọc hôm nay, Chúa cho vị tiên tri nói: «3 Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó trong Ít-ra-en nữa.» (Ed18, 3) Và hôm nay, chúng ta nghe lời minh oan của Chúa: «26 Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết.
27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.
28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết» (c26-28) Nói cách khác, không ai bị lãnh án phạt vì kẻ khác.
Đây là một giai đoạn quan trọng trong mặc khải lẽ công chính Thiên Chúa, nhưng chỉ là một giai đoạn thôi. Sau này, đặc biệt trong sách Gióp, chúng ta sẽ khám phá, không có sự cân xứng tự động giữa những hành động tốt hay xấu, và những điều xảy ra tốt hay xấu cho chúng ta…Những hành động tốt không nhất thiết làm cho ta được thưởng và những việc xấu khiến ta bị trừng phạt. Rồi cũng sẽ được mặc khải, không ai phải đền trả bất cứ gì do người khác hay do chính mình…bởi vì Chúa không bao giờ trừng phạt. Sau này chúng ta sẽ được mặc khải Thiên Chúa, không phải là nguyên do trực tiếp vì những gì xảy đến cho chúng ta. Bây giờ với tiên tri Ê-dê-ki-en, Chúa không còn bị đổ lỗi, chúng ta không phải đền đáp cho những lỗi lầm của cha ông chúng ta nữa.
Bài học thứ hai: Ai cũng có thể có một tương lai; không có gì là vĩnh viễn, không thay đổi. Đây là một bài học chủ yếu!...Nhất là cho chúng ta ngày nay. Thật vậy, một khi cho rằng, khi đền đáp cho những kẻ khác đi trước, chúng ta có khuynh hướng thả trôi theo thất vọng; thế nhưng, theo ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng như bao ngôn sứ khác, không có kẻ thù nào lớn hơn là sự nản lòng. Vì thế câu sau đây nên được coi trọng: «27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.
28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết» (c27,28). Và trong suốt chương 18, ngôn sứ Ê-dê-ki-en trở lại nhiều lần đề tài này: Lúc nào cũng còn có thể thay đổi cách sống, hay nói như biểu tượng thường dùng trong Thánh Kinh: Đổi đường. Hoán cải, theo nghĩa gốc tiếng Do Thái là quay đầu trở lại.
Và vì thế điều này dẫn thẳng đến bài học thứ ba: Đó là lời kêu gọi hoán cải. Đây là câu chót của chương sách Ê-dê-ki-en: «Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống. (có nghĩa là hãy hoán cải)» (Ed18, 32)
Có điều làm ta khá bối rối trong bài này là việc xét ngang hàng định mệnh người công chính và kẻ xấu: Kẻ xấu lúc nào cũng còn có thể hoán cải, nhưng tiếc thay, người công chính lúc nào cũng «sa ngã» và đánh mất tất cả ân huệ của những việc lành đã qua…Nhưng thật ra, đây chỉ là hình thức của thể văn. Thánh Kinh thường hay dùng thể văn so sánh song song như thế, không nên lấy làm bối rối: Điều này không nhắm đến một ai, vì không ai trong chúng ta có thể cho mình là người công chính!
Bài học thứ tư: Ngay trong đau khổ, sống đúng nghĩa cuộc sống của mình, tức là sống kết hợp với Chúa, lúc nào cũng có thể được. Tiên tri Ê-dê-ki-en nói nhiều đến sống với chết. Nhưng thật ra, ngài muốn nói đến điều khác hơn sự sống và cái chết thể lý. Hơn nữa, những người bị đày nói về kiếp đày đọa của họ như tình trạng chết đi rồi: «Các tội phản nghịch và tội lỗi chúng tôi đã phạm đè nặng trên chúng tôi; chính vì vậy mà chúng tôi phải chết. Chúng tôi còn sống làm sao được?» (Ed33, 10). Đối với họ, mất đi những gì làm cho họ sống, đặc biệt là sống đức tin, bị đày là tình trạng không-còn-sống, một loại chết tiềm tàng. Tiên tri Ê-dê-ki-en không hứa với họ ngay ngày trở về, nhưng ngài nói với họ: «Vậy hãy trở lại và hãy sống!»
Bốn bài học trong đoạn văn này, tất cả đều tích cực, tuyệt vời. Chúng ta nhận ra nơi các ngôn sứ ở điều ấy.
***
THÁNH VỊNH (Tv24, 4-9)
Đáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa.
4 Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5 Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
6 Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
7 Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
8 CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Trong Bài đọc 1, Tiên tri Ê-dê-ki-en nói, bất cứ lúc nào cũng có thể có một tương lai. Ai cũng có thể thay đổi lối sống, không ai vĩnh viễn phải bị kết án. Vì thế, lúc nào cũng còn có thể nói với Chúa: «Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.» (c4)
Đây là một người tội lỗi thưa với Chúa, một người tội lỗi muốn thay đổi đường mình đi, tức là hoán cải. Một người tội lỗi biết lúc nào cũng có thể, vì người ấy tin tưởng vào lòng từ bi của Chúa: «CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân …dạy cho biết đường lối của Người.» (c8,9)…có ẩn ý nói rằng, đây là điều duy nhất đòi hỏi nơi ta, không phải có nhân đức mà là sự khiêm nhường. Chữ công chính ở đây, được dịch từ tiếng Do Thái «Anawim» thường gặp trong Thánh Kinh: Đây là những kẻ được gọi là có «tâm hồn nghèo khó» hay những «kẻ còm lưng», có nghĩa là những kẻ nhìn nhận mình nghèo hèn, bé nhỏ, bất lực. Đó là mỗi chúng ta một khi phải cầu nguyện và chỉ biết nói «xin Ngài thương xót». Trong bài này, lời khẩn cầu là xin ơn hoán cải, vì đây là người tội lỗi ý thức mình đã lầm đường: «Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.» (c4)
Đề tài con đường rất đặc biệt trong các thánh vịnh sám hối: Luật của Thiên Chúa (các điều răn) được xem như một loại bản luật đi đường. Người tội lỗi đến xin sám hối vì ý thức mình lạc lối, đi sai đường; xin được chỉ về đường ngay. Chúng ta biết rằng hoán cải, trong Do Thái ngữ có nghĩa là quay đầu lại. Hôm nay, trong mấy dòng được đọc trong Chúa nhật thứ hai mươi sáu, đã có những chữ, đường nẻo, lối đi và động từ xin cho biết lối đi: «4Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. 5 Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ…dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.» (c4,5,9).
Người tội lỗi, ở đây không phải một cá nhân, nhưng đây là cả một dân tộc. Bài Thánh vịnh 24 này được sáng tác cho các buổi lễ sám hối trong Đền Giê-ru-sa-lem, tuy nhiên phụng vụ đề nghị đọc chung với Bài đọc sách Tiên tri Ê-dê-ki-en, giúp chúng ta hiểu rõ hơn một khía cạnh lời cầu nguyện của dân Do thái. Đó là sự chồng chéo lên nhau giữa chữ «con» và «chúng con»
Cũng như các bài thánh vịnh, ở đây chúng ta nghe chủ từ trong số ít, «con» nhưng phải hiểu nghĩa chữ con tập thể, tên của cả một dân tộc. Hơn nữa, trong suốt bài thánh vịnh 24 này, được nghe nói đến số ít, nhưng cuối bài lại có câu: «Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Ít-ra-en thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.» (c22). Không có dân tộc nào, ít có cá nhân tính hơn dân tộc của Thánh Kinh! Bởi vì trong này tính đoàn kết rất mãnh liệt, nối liền các thành viên thành một gia đình với nhau, một bộ tộc với nhau, trong không gian cũng như trong thời gian. Họ thấy tất nhiên phải cầu khẩn Thiên Chúa của cha ông mình, Thiên Chúa của Ap-ra-ham, của I-sa-ắc và của Gia-cóp…Qua các thế hệ, có một sự liên đới thật sự giữa những gia trưởng xa xưa với con cháu sau này, và ngược lại. Họ xem là lẽ tất nhiên, Giao Ước được giao kết thời ông Nô-ê, Ap-ra-ham và Mô-sê đều là Giao Ước của các hậu duệ, của toàn dân tộc.
Trong thời tiên khởi của lịch sử Thánh Kinh, tất cả quy tụ về dân tộc, rồi dần dần được mặc khải tầm quan trọng của cá nhân. Ngày nay, trái lại, chúng ta nhấn mạnh đến cá nhân con người, chiều kích của hạnh phúc cá nhân; xã hội chúng ta, có lúc cảm tưởng như mọi việc quy về đảm bảo cho những quyền lợi cá nhân, mặc thiệt hại cho những giá trị cộng đồng.
Ắt hẳn, một trong những thành công của tư tưởng Thánh Kinh là đưa đến một chỗ đứng xứng đáng cho nhân vị, không từ chối giá trị cộng đồng. Cũng vì thế, có những ví dụ như những bài trong sách Đệ Nhị Luật và các sách Tiên tri, lẫn lộn lúc thì anh em, lúc thì Ít-ra-en: «1 Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu.2 Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu.3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em).» (Đnl6, 1-3)
Đây không phải là lỗi hành văn, nhất là bài này, một trong những bài đáng tôn kính nhất của Cựu Ước, vì được trích làm phần mở đầu lời kinh bất hủ, Kinh Tin kính Do Thái «Shema It-ra-en» (Hởi It-ra-en, «hãy nghe đây It-ra-en, Thiên Chúa, Chúa ngươi là CHÚA DUY NHẤT»). Cho dù việc thảo văn bản này, có lẫn lộn từ nhiều bản khác nhau đi nữa, tác giả cuối cùng của sách Đệ Nhị Luật vẫn giữ như thế, vì điều này, gây ấn tượng mạnh để nói lên định mệnh cá nhân chúng ta liên hệ thế nào với định mệnh của cộng đoàn. Chúng ta hoàn toàn liên đới với nhau, người này với kẻ khác, chúng ta đều biết thế; và với sự tiến bộ của truyền tin, sự toàn cầu hóa kinh tế nay thường nói đến, chứng minh cho điều này. Nhưng không vì thế, chúng ta không hoà lẫn nhau trong một tập thể và mỗi người chúng ta vẫn giữ một chiều kích tự do và trách nhiệm riêng biệt.
Để trở lại thánh vịnh 24, với người tội lỗi vừa khiêm nhu vừa tin tưởng, người tội lỗi ấy là mỗi chúng ta và cũng là tập thể cộng đồng. Điều sau cùng đáng chú ý là: Bài thánh vịnh trình bày một loạt các đề tài khác nhau về nhớ và quên: «Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu (c6)…«Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến (c7)…nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng» (c7). Vừa táo bạo vừa khiêm nhu! Rốt cục, ta nguyện xin Chúa có trí nhớ biết phân biệt: «Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến (c7)…Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu» (c6). Vì Giao Ước với một «Thiên Chúa từ bi nhân hậu chậm giận và giàu lòng xót thương» mới có thể cho chúng ta sự táo bạo ấy. Không chờ chi đến Tân Ước mới khám phá ra Chúa là Cha!
***
BÀI ĐỌC 2 (Pl 2, 1-5 hoặc 1-11)
Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giê-su Ki-tô
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
1 Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,
2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.
3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.
6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
Rất hiếm khi được nghe trọn bài này trong Thánh Lễ. Mỗi năm vào Lễ Lá, chúng ta được nghe phần thứ hai, là phần chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô, nhưng ít quen thuộc hơn phần đầu. Vì thế, nên đọc hai phần cùng chung với nhau như hôm nay, vì cả hai liên kết chặt chẽ với nhau. Trong phần thứ nhất, Thánh Phao-lô nói cho chúng ta làm thế nào «sống trong Chúa Ki-tô», theo cách nói của ngài; phần thứ hai, chính thánh nhân chiêm ngắm Chúa Ki-tô.
Phần thứ nhất (phần chúng ta suy niệm hôm nay), hay làm thế nào «sống trong Chúa Ki-tô». Thánh Phao-lô dùng công thức này đề mở đầu và kết thúc. Đầu bài: «Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô» (c1), và đoạn cuối: «Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.» (c5). Giữa hai phần ngài kê ra những tâm tình ấy. Công thức của ngài «sống trong Đức Ki-tô» chắc chắn phải được hiểu trong nghĩa thật sâu đậm: Từ ngày chịu phép Rửa, chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, một cách nào đó chúng ta là Ngài. Mang danh tánh mới cùng chung với những người được nhận phép Rửa, giúp vượt qua tính đa dạng của chúng ta. Tất cả những người được rửa tội đều được có một tên họ, đó là Ki-tô hữu. Và khi gặp các Ki-tô hữu, cảm tưởng cùng chung gia đình ấy vượt lên trên hết những người khác. Cũng như những cuộc gặp gỡ quan trọng trong gia đình, chúng ta biết người này, người nọ vào những buổi ấy. Trước tiên là bà con họ hàng với chúng ta, mỗi lần có những cuộc gặp gỡ và cảm nhận tâm tình cùng chung trong một tập thể ấy, chúng ta có một ý tưởng nào đó về điều Thánh Phao-lô nói ở đây. Và chính tâm tình rất sâu đậm cùng chung với nhau ấy, gợi ý cho thánh nhân kể ra: «an ủi, bác ái, khích lệ, hiệp thông, cảm thương nhau» nhân dịp này. Xin lưu ý đây là những đức tính của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Chúng ta nhận ra nơi đây một tiếng vang như từng biết trong Thư thứ hai Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu thành Cô-rin-tô (và cũng là kinh phụng vụ đầu Thánh Lễ Mi-sa) «Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.» (2Cr13, 13). Chúng ta đã được dìm vào mầu nhiệm tình yêu và hiệp nhất ấy, ngày chúng ta nhận phép Rửa tội: Chỉ cần sống điều ấy trong thường nhật. «niềm vui của tôi được trọn vẹn» (c2) như Thánh Phao-lô nói, «hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau…» (c2). Một cách nào đó, ngài muốn nói: «hãy làm rạng rỡ cho gia đình anh em, cho cái tên họ gia đình anh em»
Điều này còn đi xa hơn: «hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.» (c3). Câu này thật lạ lùng: Phải chăng mỗi người chúng ta phải dứt khoát tự hạ giá: - Chắc chắn là không, mục đích không phải so sánh ai hơn, ai kém mình, nếu như thế là trái ngược hẳn với Tin Mừng của một Vương quốc không hề biết tính toán! Mục đích cũng không phải để nhìn lại chính mình, cho dù là để khiêm hạ. Trái lại, mục đích là để nhìn kẻ khác, đại để với một «tiên nghiệm» tích cực, một cái nhìn đương nhiên khâm phục người anh em. Và nhìn nơi người ấy không vì người ấy có gì nhưng người ấy là gì. Những khác biệt về thể lý, văn hóa, xã hội, dĩ nhiên rõ ràng trước mắt. Nhưng tất cả những thứ ấy thuộc về sở hữu của người ấy, những gì người ấy có. Thế nhưng Thánh Phao-lô đưa vào đề tài với cụm chữ «trong Chúa Ki-tô». Không phải lãnh vực của «có gì» mà là của «là gì»: «Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.» (Gl3, 27). Điều Thánh Phao-lô muốn nói, mỗi lần chúng ta gặp một người anh em đã nhận phép Rửa, hãy chỉ nhìn người ấy như là một chi thể của Thân Thể Chúa Ki-tô, người ấy hoàn tất trong thân xác mình cuộc thương khó của Chúa Ki-tô (Cl1, 24) (Có nghĩa là người ấy cũng tham gia một cách nào đó vào việc xây dựng Nước Trời). Trước mắt chúng ta, người ấy là đền thờ Chúa Thánh Thần, có một sứ mạng cá nhân riêng biệt, khác với sứ mạng của chúng ta, không thể không có trong kế hoạch Thiên Chúa. Nếu không có sự khâm phục, không có những khích lệ của chúng ta, người ấy không thể hoàn tất sứ vụ được. Bởi vì điều đáng kể là sứ vụ của mỗi người và của tất cả cộng đồng: Để chu toàn sứ vụ của người anh em, người ấy hơn tôi, có thể nói người ấy là người duy nhất có thể chu toàn. Để thực hiện, người ấy được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần Thiên Chúa, tức là một khả năng tình yêu vô tận; tất cả điều ấy xứng đáng để tôi khâm phục.
Trong bài đọc Chúa nhật vừa qua, Thánh Phao-lô nói với tín hữu thành Phi-líp-phê: «Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô» (Ph1, 27); hôm nay ngài đến dạy thế nào là sống xứng với sứ vụ Ki-tô hữu của chúng ta. Đây là những lời khuyên Thánh Phao-lô cho những Ki-tô hữu, những người đã lãnh nhận phép Rửa tội, nhưng dĩ nhiên là cũng phải có cái nhìn tích cực ấy trên mọi người…trong những cuộc tranh cãi của thời đại chúng ta, thuộc về tội kỳ thị chủng tộc, phân biệt giữa «có» và «là» có thể giúp được chúng ta chăng?... Điều đáng lưu ý cuối là: Bài này Thánh Phao-lô nói rõ Nước Trời đang hiện hữu đây rồi,và đồng thời, còn phải cộng tác trong suốt cuộc đời thường nhật của chúng ta. Kế hoạch Thiên Chúa kết hợp trong Chúa Ki-tô đã được hoàn tất trong Chúa Ki-tô và trong mỗi chúng ta được ghép vào Ngài bằng phép Rửa tội. Đồng thời, bao lâu để cho thực tế mật thiết chúng ta thuộc về Đấng Ki-tô ấy, thể hiện trong mọi tương quan với tha nhân dù đã được rửa tội hay không, ngày ấy, sự kết hợp trong Chúa Ki-tô được hoàn tất mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.
(Về phần thứ hai xin xem bài suy niệm Chúa nhật Lễ Lá, Ban Biên Tập xin chép lại nơi đây)
Phần thứ hai: đoạn này rất nổi tiếng. Người ta thường gọi là «Bài Ca Thánh Thư gửi Tín Hữu Phi-líp-phê», bởi vì nghe bài này, người ta có cảm tưởng như Thánh Phao-lô không tự mình sáng tác, nhưng ngài trích từ một bài thánh ca thường hát trong phụng vụ. Hình như một trong những cái bẫy của bài này, là khi đọc chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng nội dung bài có liên quan đến sự xứng đáng và phần thưởng. Như sơ đồ ấy là: Chúa Giê-su xử sự một cách tuyệt vời và vì thế Ngài nhận được một phần thưởng đáng khâm phục! Sở dĩ tôi dám nói «cám dỗ», tất cả cách trình bày chương trình của Thiên Chúa có quan hệ với tính toán, phần thưởng, xứng đáng - mà tôi gọi là quan hệ toán số - là trái ngược với «ân sủng» Thiên Chúa. Ân sủng, theo định nghĩa là những gì ban cho nhưng không! Và, thật lạ lùng, khó lý luận theo quan hệ cho nhưng không. Chúng ta luôn bị cám dỗ suy luận theo quan hệ xứng đáng = phần thưởng. Nhưng nếu Thiên Chúa chờ đợi chúng ta xứng đáng, thì trong trường hợp này có thể đáng lo lắng… Điều tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa là Ngài không chờ xứng đáng mới tràn ơn cho chúng ta; ít nữa đó là điều gì Thánh Kinh nói cho chúng ta biết bằng mọi cách. Vì thế, tôi thiết tưởng để trung thành với bài này, nên đọc với một quan hệ cho nhưng không. Nếu không, chúng ta có nguy cơ hiểu trái nghĩa nếu quên rằng là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa, «tất cả là hồng ân» như Thánh Bernanos nói. Hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không, đối với Thánh Phao-lô, đó là điều hiển nhiên. Điều này tiềm ẩn trong mọi bài Thánh thư, quá hiển nhiên đến độ ngài thấy không cần nói rõ lại. Nếu thử tóm lược tư tưởng Thánh Phao-lô, tôi có thể nói: Hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không, tuy nhiên chúng ta tự loại mình ra khỏi món quà nhưng không ấy, nếu chúng ta chọn thái độ đòi hỏi, như một yêu sách. Nếu chúng ta cư xử như người phụ nữ vườn Địa Đàng: Bà lấy trái cấm, chiếm hữu nó như đứa trẻ «cuỗm lấy» trên gian hàng trái cây…Trái lại, Chúa Giê-su Ki-tô chỉ có tiếp nhận (điều Thánh Phao-lô gọi là «vâng lời»), và bởi vì Ngài chỉ tiếp nhận hồng ân từ Thiên Chúa và không đòi hỏi, Ngài được toại nguyện.
Có cách khác để thể hiện điều này: Chương trình Thiên Chúa («Kế hoạch yêu thương» của Ngài), đó là đưa chúng ta vào vòng mật thiết với Chúa, vào hạnh phúc của Ngài, vào tình yêu tuyệt hảo của Ngài. Chương trình ấy hoàn toàn nhưng không, điều này dĩ nhiên không có chi đáng kinh ngạc, bởi vì đây là là một chương trình yêu thương. Hồng ân ấy từ Thiên Chúa, việc đưa vào đời sống thiêng liêng của Ngài, chúng ta chỉ cần tiếp nhận. Tôi có khuynh hướng muốn nói, tiếp nhận với một niềm vui kinh ngạc, thán phục tuyệt vời. Không có vấn đề xứng đáng hay không, đây là món quà. Với Thiên Chúa tất cả là quà tặng. Thế nhưng, chúng ta biết cũng có cách này cách nọ nhận một món quà: Hoặc nhận như một cách tử tế, có nghĩa là đơn sơ và với lòng biết ơn…. hoặc tìm cách chiếm hữu, như một sở hữu, gần như cướp lấy nó… Khi ấy món quà không còn ý nghĩa món quà nữa, mọi quan hệ bị hỏng mất. Và nếu món quà ấy tuyệt vời (tình bạn, tình yêu…) thì tất cả bị hỏng bởi vì tình bạn, tình yêu thì không thể cướp lấy được. Tình bạn, tình yêu được lãnh nhận, có thể nói, trong tư thế quỳ gối trong niềm vui ngạc nhiên thán phục và lòng biết ơn. Nơi đây, món quà Thánh Phao-lô nói là tình yêu vô tận của Chúa, đó là sự sống của Ngài.
«Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa» mà không nghĩ phải nhất quyết đòi hỏi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (c6). Qua đoạn này, tôi xin lưu ý, đây là một lời xác quyết rất quan trọng về thiên chức của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô bắt đầu rao giảng đạo Ki-tô và sáng lập cộng đồng Ki-tô hữu tại Phi-líp-phê vào năm 49 hay 50; ít người biết chính xác bài Thánh thư này được viết vào năm nào: Nhưng điều chắc chắn là trước khi có các Phúc Âm! Vì thế, vào thời ấy đây là cách xác quyết minh bạch về tính hằng hữu và thiên tính của Đức Giê-su. Bây giờ chúng ta trở về câu: «Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa». Chính vì Ngài có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài mới biết là tình yêu nhưng không… Ngài biết là không nên đòi hỏi, Ngài suy luận rằng, đòi hỏi duy trì ngang hàng với Thiên Chúa là không phải lẽ…Thế nhưng, chính điều ấy Thiên Chúa muốn trao tặng cho chúng ta! Cho chúng ta như món quà. Rốt cuộc, chính xác Thiên Chúa đã ban điều ấy. Vấn đề giống như giai đoạn Cám Dỗ trong sa mạc: Quỷ đề nghị những điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa! Nhưng Ngài từ chối chiếm hữu, Ngài trông chờ Chúa Cha ban cho Ngài. Chúa nhận: «danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.» (c9): Đó chính là Tên Thiên Chúa! Gọi Chúa Giê-su là Chúa, có nghĩa Ngài là Thiên Chúa. Trong Cựu Ước chữ Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa, cũng như cử chỉ bái gối, điều này ám chỉ đến tiên tri I-sa-i-a: «Ta lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề» (Is 45, 23).
Chúa Giê-su đã sống cuộc đời trần thế của Ngài trong khiêm nhu và cậy trông, ngay cả trong những lúc tồi tệ nhất, tức là lòng hận thù của con người và sự chết. Tôi dùng chữ «cậy trông» còn Thánh Phao-lô dùng chữ «vâng phục». Tiếng Pháp là Obeir, trong đó có gốc La-tinh ob-audire, theo nghĩa đen là để tai trước lời nói: Đó là tư thế đàm thoại hoàn hảo, không tì bóng; tức là hoàn toàn tin tưởng. Sở dĩ để tai nghe trước lời nói, bởi vì ta biết lời nói ấy là tình yêu, có thể nghe không phải lo lắng sợ. Bài Thánh thư kết thúc bằng câu: «mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa"» (c11): Vinh quang là thể hiện là mặc khải tình yêu vô tận, tình yêu hiện thân. Nói cách khác, khi thấy Chúa Giê-su đem tình yêu lên tột đỉnh, chúng ta có thể nói như người sĩ quan La-mã: «Quả thật, người này là Con Thiên Chúa» (Mc 15, 39).
***
PHÚC ÂM (Mt 21, 28-32)
Alleluia, alleluia!
- Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
------------------
Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho."
29 Nó đáp: "Con không muốn đâu! " Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi.
31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? " Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.
32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
Thoạt nhìn chúng ta không thấy có gì liên quan giữa dụ ngôn hai người con và bài giảng Chúa Giê-su về những người thu thuế và gái điếm. Thế nhưng, rõ ràng bài giảng của Chúa liên quan trực tiếp với bài dụ ngôn. Chúa nối liền không chuyển tiếp từ câu truyện này sang chuyện kia, vì thế đoạn sau là một diễn dẫn từ bài dụ ngôn ấy, ít nữa là như thế. Trước tiên, Chúa Giê-su bắt đầu bằng bài dụ ngôn. Cũng giống như tuần vừa qua, với những công nhân giờ thứ mười một của chúng ta, trong vườn nho. Hai người con được gọi vào làm việc, đứa thứ nhất từ chối, nhưng cuối cùng cũng đi; đứa thứ hai vội vã trả lời sẽ đi… nhưng lại không làm gì cả. Và Chúa Giê-su đặt một câu hỏi có vẻ quá đơn giản đối với những kinh sư và kỳ lão: «Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?» (c 31)
Sở dĩ Chúa Giê-su đặt câu hỏi ấy không phải để nghe họ trả lời cho vui! Nhưng để họ mở mắt ra. Vì liền sau đó, không chuyển tiếp Ngài nói: «Này, các ông là kinh sư, kỳ lão – là những người có ý tốt lành nhất trên đời- các ông cũng như đứa con thứ hai, nó nói vâng, thưa cha vâng, nhưng lại không vào vườn nho». Trong lúc đó, các ông có thấy không, có những người vẻ bên ngoài không đáng tin cho lắm, nhưng họ lại sẵn sàng nghe tiếng gọi của người cha.
Rõ ràng là thế, những người thu thuế và những gái điếm là những người tội lỗi công khai; nhưng không phải vì thế mà Chúa Giê-su trách họ. Họ cũng như đứa con thứ nhất, bắt đầu từ chối vào vườn nho làm việc; cho tới đây không có gì đáng khen! Thế nhưng, ông Gio-an Tẩy Giả đã đánh động họ, họ đã nghe lời giảng của Thánh nhân và hoán cải. Không phải vì họ tội lỗi mà được vào nước trời, nhưng bởi họ đã hoán cải. Trong lúc đó, là những chuyên gia về tôn giáo, các ông không có lòng sám hối, các ông không hoán cải. Đọc tới đây, dĩ nhiên chúng ta có thể tự hỏi các kinh sư và kỳ lão không hoán cải là thế nào, tại sao họ phải hoán cải, phải thay đổi cuộc sống, hay chính xác hơn, tại sao những người sống trung tín luật Mô-sê, tức là luật của Thiên Chúa lại cần phải hoán cải.
Câu trả lời phải tìm trong văn cảnh của bài Phúc Âm. Phần đầu của chương 21 Tin Mừng, Thánh Mát-thêu miêu tả cuộc tiến vào Thành Giê-ra-sa-lem của Chúa Giê-su vinh thắng giữa tiếng hoan hô, và đám đông nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a. Họ có những lời tung hô dành riêng cho con vua Đa-vít: «Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.» (Mt21, 9). Nhưng cách đón tiếp của những người bé nhỏ dành cho Ngài, không được như thế nơi các thượng tế và kỳ lão; trái lại. Ngay sau đó, lúc Ngài đang rao giảng trong Đền, họ đến hỏi Ngài: «Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?» (Mt21, 23) Ngụ ý nói: Ai gửi ông đến: Thiên Chúa, hay chính là ông thôi?
Như thường lệ, Chúa không trả lời thẳng: Chúa muốn những người đối diện tự tìm câu trả lời. Vì vậy Chúa lại đặt một câu hỏi khác liên quan đến ông Gio-an Tẩy Giả: «Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? » (Mt21, 25) Và họ không dám trả lời, vì sợ bị xét đoán, họ đã không nghe ông Gio-an Tẩy Giả. Vì thế Chúa Giê-su mới đề nghị cho họ bài dụ ngôn hai người con để giúp họ hồi tâm; như một lời kêu gọi cuối cùng đến với họ. Chúa Giê- su không có sở thích riêng gì kẻ này hay kẻ khác. Ngài muốn ơn cứu độ đến với mọi người và đôi khi Ngài có vẻ nặng lời với vài người trong cử tọa, chỉ vì thời gian không còn bấy nhiêu.
Nhưng thực ra ông Gio-an Tẩy Giả nói gì? Ông nói: «33Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?» (Mt23, 33); «8 Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham» (Lc3, 8). Có lẽ đó là vấn đề của giáo quyền: Một loại tự mãn, không cho phép đặt lại vấn đề. Trong lúc ấy những người thu thuế và những gái điếm, rất biết mình bất xứng, nhỏ bé nghèo hèn trước Thiên Chúa, vì thế họ có thể hoán cải, có lẽ họ có tai và con tim có sẵn sàng mở ra. Mở tai và mở lòng là điều đặc thù người tín hữu, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến lòng tin: «32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy» (Mt22, 32) . Điều khó khăn cho các tư tế và kỳ lão vì phải tin thêm vào lời ông Gioan Tẩy Già và Lời của Chúa Giê-su, tức là hai nhân vật không có tính hợp pháp nào dưới mắt họ.
Cuối cùng, vấn đề là ở đây, trong cụm chữ «dưới mắt họ» Điều này là đối với họ, lý do là họ biết những gì về Thiên Chúa, họ không có thể thấy gì khác hơn những xác tín riêng của họ. Chính vì điều ấy Chúa Giê-su trách họ ngay cả khi thấy ông Gio-an Tẩy Giả sống công chính…ngay sau khi thấy những người tội lỗi hoán cải… các ông cũng không muốn tin.
Sở dĩ Chúa Giê-su đề nghị một bài dụ ngôn cho những người đến nghe Ngài, là để họ mở mắt.. Thế nhưng, thời gian càng cấp bách, chúng ta đang ở ngày hôm trước cuộc Thương Khó. Bài dụ ngôn hai người con này còn đi xa hơn bài dụ ngôn những người làm vườn nho giờ thứ mười một. Trong bài ấy, Chúa Giê-su nói với họ: Các bạn tự cho mình như những người đến làm giờ đầu và các bạn trách tôi quá tốt bụng với những người đến trễ …Trong bài dụ ngôn hai người con, Ngài còn đặt lại vấn để thái độ tôn giáo của họ: Các bạn có chắc làm việc trong vườn nho của Ta không? Đó là điều Cha Ta chờ đợi, đó là hoa trái của công chính.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.