BÀI ĐỌC 1 (Is 5, 1-7)
"Vườn nho của Chúa, các đạo binh là Ít-ra-en"
Trích sách Tiên tri I-sa-i-a
1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi,
bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình.
Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ.
2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá,
giống nho quý đem trồng,
giữa vườn anh xây một vọng gác,
rồi khoét bồn đạp nho.
Anh những mong nó sinh trái tốt,
nó lại sinh nho dại.
3 Vậy bây giờ,
dân Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa hỡi,
xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho.
4 Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi,
mà tôi đã chẳng làm?
Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?
5 Vậy bây giờ tôi cho các người biết
tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi:
hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang,
bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.
6 Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu,
không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm;
sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.
7 Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh,
chính là nhà Ít-ra-en đó;
cây nho Chúa mến yêu quý chuộng,
ấy chính là người xứ Giu-đa.
Người những mong họ sống công bình,
mà chỉ thấy toàn là đổ máu;
đợi chờ họ làm điều chính trực,
mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.
«1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. 2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng»
Vườn nho ở It-ra-en là điều quý giá! Xin ghi nhận điều này. Theo Pháp ngữ chữ cây nho và vườn nho là một chữ giống nhau. Trong bài này nho chỉ vườn nho, có nghĩa là một khoảnh đất của mình rồi. Phải luôn luôn chăm sóc, có nghĩa là vun xới, trồng trọt. Ai cũng còn nhớ đến ông Nô-ê, người làm vườn nho đầu tiên. Sau lục hồng thủy (St9, 20-22) nho là loại cây đầu tiên được trồng lại, dấu hiệu văn minh đầu tiên, và cũng là dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn hòa bình, con người có thể cày cấy cho ngày mai.
Trong suốt hành trình xuyên sa mạc, dĩ nhiên không thể được, đó là điều dân chúng trách ông Mô-sê, khi mất tinh thần: «Hai ông đưa chúng tôi từ Ai-cập lên để làm gì? Có phải để đưa chúng tôi vào chốn độc địa này chăng? Đây không phải là nơi để gieo vãi, không vả, không nho, không lựu, không cả nước uống.» (Ds20, 5) Ngược lại, khi ông Mô-sê tổ chức một đoàn thám thính đi đầu làm tiền trạm trước khi vào đất Ca-na-an, vùng đất Chúa hứa, đoàn thám thính rất ấn tượng khi thấy những vườn nho phì nhiêu; đó là mùa hái nho: «Họ vào đến thung lũng Ét-côn, ở đó họ chặt một nhành nho và một chùm nho, rồi hai người dùng sào mà khiêng, họ cũng lấy cả lựu và vả» (Ds13, 23). Và khi muốn nói lên thời kỳ hạnh phúc, phồn vinh; Thánh Kinh có câu: «Giu-đa và It-ra-en được an cư, mỗi người dưới cây nho và cây vả của mình, từ Đan tới Bơ-e Se-va trong suốt thời vua Sa-lô-môn cai trị » (1V5, 5). Và cũng như thế, khi nói đến triều đại Thiên Chúa trong tương lai, triều đại của hòa bình và công lý, Thánh Kinh nói: «Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình, không còn ai quấy phá.» (Mk4, 4)
Có lẽ Tiên tri I-sa-i-a lấy vài câu hay để bắt đầu bài của ngài. Nhưng các người nghe không nhầm lẫn, họ biết đây không chỉ là một bài ca vui mùa gặt hái! Đó là vị Tiên tri thật sự đề nghị một bài dụ ngôn, và cũng như mọi ngụ ngôn phải đọc hết cốt truyện mới rút ra được bài học. Trong bài này, chính tác giả là Tiên tri giải thích bài dụ ngôn: «Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa.» (c7) Còn về hoa trái, Tiên tri I-sa-i-a cũng rất rõ: Trái nho tốt mong chờ là công bình và chính trực; nho xấu ngài gọi là điều bất công và lời than khóc: «1 Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, 2 để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân tôi» (Is10, 1-2) Đó là việc người giàu ích kỷ chỉ lo kiếm tiền và của cải, không quan tân đến kẻ nghèo khốn, rất thường gặp trong những lúc phồn vinh: «8 Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác tới mức không còn chỗ trống nà và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ! 9 Tai tôi nghe tiếng ĐỨC CHÚA các đạo binh thề rằng: nhà cửa có nhiều cũng sẽ tan hoang, có lớn và đẹp cũng không người ở. 10 Mười sào nho chỉ cho một thùng rượu, một tạ hạt giống chỉ cho một giạ lúa. 11 Khốn thay những người dậy sớm để chạy theo ma men, những kẻ kề cà mãi tới khuya, cho rượu nung đốt chúng. 12 Giữa tiếng đàn sắt, đàn cầm, tiếng trống con và tiếng sáo, chúng chè chén say sưa; còn hành động của ĐỨC CHÚA, chúng không ngó ngàng, việc tay Người làm, chúng chẳng nhìn xem.»(Is5, 8-12)
Có điều còn tệ hơn nữa, đó là công lý bị đồi bại: «20 Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng. (nói cách khác, các quan tòa bị mua chuộc)» (Is5, 20)
Các nỗ lực không được đáp trả xứng đáng, những người làm vườn nho phản ứng ra sao? Cuối cùng họ phải công nhận đất này xấu quá, và họ bỏ cách làm ăn này. Mảnh vườn xưa kia ngăn nắp tốt đẹp, nhanh chóng trở nên một vùng đất hoang, gai góc bụi rậm mọc khắp nơi như Tiên tri I-sa-i-a nói: «Đến ngày đó, mọi nơi có ngàn gốc nho đáng giá ngàn bạc, sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm. 24 Vào đó, người ta sẽ phải mang cung và tên, vì toàn xứ sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm» (Is7, 23, 24)…đến nỗi làm cho chúng ta không thể nào không nghĩ đến gai góc mọc lên dưới đất sau lỗi phạm của A-đam. (St3, 18)
Lúc nào cũng cùng bài học ấy: Vừa xa lìa không trung tín các điều răn, là đi sai đường. Dân chúng được tạo nên để mọi người sống hạnh phúc và tự do, trở nên con mồi của tất cả những điều ích kỷ, cùng những tánh hư tật xấu. Cuối cùng, kết cuộc luôn luôn tồi tệ, cũng như mảnh đất vườn nho tốt đẹp khi xưa bị bỏ hoang, trở nên mồi cho thú dữ.
Một lần nữa, điều đáng lo ngại là trong sứ điệp của Tiên tri I-sa-i-a, đó là ngài gán cho Chúa là đấng thi hành hình phạt: Người chủ vườn nho không chỉ để cho tự nhiên; chính ông chặt phá hàng giậu để cho thú dữ giày xéo…Trên thực tế, cũng như chúa nhật vừa qua, với Tiên tri Ê-dê-ki-en, chúng ta đang ở trong một giai đoạn sư phạm của Chúa. Với Tiên tri I-sa-i-a còn sớm hơn Ê-dê-ki-en nữa, thời kỳ mà mọi người còn nghĩ Chúa phạt những hành động xấu xa, thời điểm ấy họ chưa thoát khỏi thờ lạy bụt thần. Vì thế, đối với các Tiên tri chỉ có một quyền lực trên thế gian. Không có chúa nào khác phải sợ. Trong bất cứ chuyện gì có thể xảy ra, hãy hướng về Chúa It-ra-en. Chính Ngài, đấng Cực Thánh It-ra-en, hoàn toàn xa lạ với mọi điều thấp hèn, bất công của con người. Họ không có một cơ may nào sống sót nếu không thay đổi cuộc sống.
Chúng ta có thể nói, Tiên tri I-sa-i-a lên giọng đó, nhưng đừng quên, cũng một Tiên tri I-sa-i-a ấy, sau này để lên tinh thần dân mình, Ngài nói, trong những phiên khúc khác của bài ca vườn nho: «2 Ngày ấy, các ngươi hãy ca ngợi vườn nho tuyệt diệu. 3Chính Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là người canh giữ vườn nho, vẫn đều đặn tưới nước; Ta canh giữ ngày đêm, không cho ai phá hoại. 4 Ta không giận nữa đâu: có gai góc hay bụi rậm» (Is27, 2-4a)
Điều may mắn cho chúng ta, 2500 năm sau, là chúng ta biết Thiên Chúa không bao giờ nổi giận!
***
THÁNH VỊNH (Tv79, 9.12-16.19-20)
Đáp: "Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en"
9 Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
12 nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.
13 Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn!
14 Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.
15 Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
16 bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
19 Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
20 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
Đối với những ai đã nghe bài ca vườn nho của Tiên tri I-sa-i-a, trong Bài đọc 1, bài Thánh vịnh này là một tiếng vang hoàn hảo. Cũng cùng một đề tài: Ít-ra-en được ví như một vườn nho, Thiên Chúa là chủ vườn nho. Ngài đã làm cho vườn nho với tất cả những gì người chủ vườn nho có thể làm: Chăm sóc, bảo vệ, chăm nom… Nhưng than ôi, không cành nho nào sinh hoa trái. «1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. 2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại.» (Is5, 1-2)
Chúng ta biết kết cuộc bài ca. Người chủ vườn nho nổi giận: «5 Vậy bây giờ tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo. 6 Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.» (Is5, 5-6)
Nếu dựa vào bài Thánh vịnh 79, rõ ràng người chủ vườn nho đã thực hiện những lời dọa. Và cũng dễ dàng thấy ý nghĩa ẩn dụ vườn nho, được hiểu rõ khi hát lên bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem, bởi vì những sự đau khổ Ít-ra-en cũng được biểu tượng bằng những hình ảnh này. Ví dụ họ nói với Chúa: «13 Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! 14 Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.» (c13,14) Nên hiểu, chúng con đang bị ngọai bang đánh chiếm; thú dữ là kẻ thù lúc ấy. Họ còn nói trong một câu khác: «Những người đã hoả thiêu chặt phá, Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan.» (c17) Và «Ngài đã khiến chúng con thành cớ cho lân bang cãi cọ tranh giành, cho thù địch nhạo cười chế giễu.» (c7)
Kẻ thù, chính xác là?- Không thể nói là ai. Không may, hầu hết các cuộc chiến tranh và những cuộc xâm lăng ngoại bang, bất cứ ở đâu trên địa cầu, đều mang theo một loạt sự tàn bạo và đau khổ. Câu khác cũng nói: «5 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, đến khi nao Chúa còn nóng giận, chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu? 6Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ, nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan.» (c5,6). Tất cả những chi tiết ấy cũng chưa đủ xác định trường hợp cụ thể cho những lời thỉnh cầu. Vì thế, không thể nói bài Thánh vịnh này được sáng tác lúc nào. Phải chăng lúc hùng binh At-sua xăm chiếm khắp vùng này, bắt đầu bằng Vương Quốc Miền Bắc? Nếu như thế, là trước lâu cuộc lưu đày sang Ba-by-lon, vào thế kỷ thứ 9 và thứ 7 trước CN. (Biết rằng thủ đô Miền Bắc Sa-ma-ri bị tàn phá năm 721). Hay là rất lâu, sau khi Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lon chiếm đóng, có nghĩa là vào thế kỷ thứ 6? Và còn có nhiều giả thuyết hơn thế nữa.
Dù sao đi nữa, trong trường hợp cụ thể nào bài thánh vịnh này được sáng tác, dân Ít-ra-en cũng có thể hát lại nhiều lần…và ngay cả ngày nay, trên mặt địa cầu, chúng ta biết nhiều dân tộc có thể có lý do sáng tác lại bài thánh vịnh này cho tình trạng của họ.
Nguyên bản bài Thánh vịnh được xem như một bài Thánh ca gồm bốn phiên khúc và bốn điệp khúc. Các phiên khúc nói lên lịch sử Ít-ra-en: Vườn nho được Thiên Chúa chọn, bứng từ Ai-cập; nói cách khác, dân được Chúa chọn, qui tụ lại, được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và đưa vào miền Đất Hứa: «9 Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, 10 Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.» (c9,10) Và bây giờ thì tiêu điều, ăn trong nước mắt. Điệp khúc là «Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.» (c20). Thành ngữ: «xin phục hồi chúng con» (c20) rất tiêu biểu cho các Thánh vịnh sám hối: Chữ phục hồi ở đây là ơn hoán cải, quay ngược trở về. Vì biết rằng, sở dĩ cây nho không cho nho tốt, không phải lỗi ở chủ vườn nho; các tiên tri đều nói thế, trong đó có tiên tri I-sa-i-a giữa các tiên tri khác. Trái tốt Thiên Chúa chờ đợi, mang cái tên là lẽ công bình và nhân nghĩa, trong câu tuyệt vời của tiên tri Mi-kha: «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.» (Mk6, 8) Mặc cho bao lần được Chúa cảnh báo, những tín hữu được Chúa giải thoát vẫn cứ lần lượt chà đạp người nghèo, biến người anh em thành nô lệ. Họ không vun trồng lẽ công chính, họ ích kỷ vun trồng của cải.
Câu điệp khúc là lời xin lỗi. Điều tuyệt vời là hai công thức đong đưa trong hai câu: « Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại… Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con,» Khi chúng ta cầu xin «Chúa trở lại», đó là ngụ ý nói «Xin Chúa cứu độ con» (dĩ nhiên ngày nay chúng ta biết Chúa không xa chúng ta). Vào thời ấy, đó là lời kêu cầu cứu, vì chúng ta biết mình bất lực để hoán cải tự sức mình; phải có Chúa linh hứng và ban cho mãnh lực của Ngài. Công thức thứ hai «Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.» (c20) nói lên rõ rằng, sự hoán cải, vừa là công trình Thiên Chúa vừa là công trình con người, con người được Thánh Thần Thiên Chúa quay ngược trở lại.
Có thể chúng ta ít nhiều bị va chạm vì bài Thánh vịnh này cho một hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt. Ở đây cũng như trong bài Tiên tri I-sa-i-a, chủ vườn nho cố tình phó mặc cho thú rừng. Phải biết rằng, sự mặc khải về Thiên Chúa là một quá trình tiệm tiến xuyên suốt lịch sử Thánh Kinh, và bài Thánh vịnh hôm nay thể hiện tình trạng suy luận thần học của thời ấy, trong văn cảnh của bài. Thời ấy, mọi người tưởng rằng tất cả đến từ Thiên Chúa: Sở dĩ quy cho Chúa mọi phúc hạnh, thì cũng phải nghĩ mọi đau khổ cũng đến từ Ngài. Phần đầu sách Gióp cũng chỉ tới ngần ấy: «Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA! » (G1, 21)…«Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?» (g2, 10) Sau này rất trễ trong lịch sử Thánh Kinh, quan niệm ấy mới được bác bỏ. Phải nhiều thế kỷ mới được mặc khải Thiên Chúa tôn trọng sự tự do con người như thế nào, và không phải Ngài là Người «giật dây» tất cả những gì xảy ra trong lịch sử!
***
BÀI ĐỌC 2 (Pl 4, 6-9)
"Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em"
Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
.6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.
7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.
8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.
9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.
«Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.» (Cv2, 42) Tất cả chúng ta còn nhớ câu ấy trong sách Công Vụ Tông Đồ. Đối với Thánh Lu-ca đó là cách miêu tả một cộng đồng Ki-tô bình thường. Rõ ràng qua bài này, đối với Thánh Phao-lô cũng như vậy. Hơn nữa, Thánh Lu-ca viết câu ấy là nghĩ đến cộng đoàn Phi-lip-phê vì ngài cũng đã đến đó với Thánh Phao-lô. (x Cv16, 12) Dù sao đi nữa, sau này Thánh Phao-lô có viết câu sau đây cho những tín hữu yêu dấu của mình trong Thánh đoàn Phi-líp-phê: «cầu nguyện đi đôi với đời sống cộng đồng» .
Trước hết, chúng ta suy nghĩ về cầu nguyện. «Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.» (c6) và câu trước đó ngài nói: «Chúa đã gần đến» (Pl4, 4). Trong vài chữ ấy, tất cả về cầu nguyện được nói lên: Điểm thứ nhất, trong cầu nguyện, cầu xin và tạ ơn lúc nào cũng đi với nhau; điểm thứ hai, Chúa gần gũi, lời cầu nguyện của chúng ta dâng trọn lên Ngài; điểm thứ ba, vì Chúa gần gũi, chúng ta không phải lo lắng gì.
1/ Trong cầu nguyện, lời khẩn cầu và tạ ơn lúc nào cũng đi đôi với nhau. Ấy là một đặc tính của lời cầu nguyện Do Thái, nói lên cùng với nhau: «Ngài đầy ơn phúc, Ngài ban cho chúng con…xin Ngài dũ lòng thương ban cho chúng con». Hơn nữa, điều này rất lô-gíc: Sở dĩ chúng ta cầu nguyện với Chúa, bởi vì biết Ngài có thể và muốn cho ta hạnh phúc…và Ngài lúc nào cũng làm như thế. Van xin Ngài điều chi là đã tạ ơn Ngài rồi, ít nữa là ngụ ý như thế. Hơn nữa, trong thư gửi cho tín hữu đoàn Phi-líp-phê, Thánh Phao-lô cho chúng ta một ví dụ: «Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em.4 Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy» (1, 3).
2/ Điều thứ hai, Chúa gần gũi, lời cầu nguyện của chúng ta dâng trọn lên Ngài. Đây là điều Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh, điều này có hai ý nghĩa. Chúa gần gũi vì Ngài yêu chúng ta (tất cả Cựu Ước đều nhắc lại bằng nhiều cách), và hơn nữa, Chúa gần gũi chúng ta vì thời gian đã hoàn tất, vì Nước Trời đã bắt đầu, và chúng ta đang ở thời cuối. Chúng ta còn nhớ câu Thánh Phao-lô dùng từ ngữ của thủy thủ: «thời gian đã cuốn buồm lên rồi». Như thuyền lúc gần cập bến, cuốn buồm lên, lịch sử nhân loại cũng như thế, đã gần đến bến. Thánh Phê-rô cũng nói: «Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi.» (1Pr4, 7).
Sống đức tin là hướng về sự hoàn tất Lịch Sử. Không chỉ Nước Trời đến gần chúng ta qua Chúa Giê-su-Ki-tô (vì Nước Trời là Chúa Giê-su Ki-tô hiện diện trong chúng ta), mà hơn nữa, Nước Trời thu hút chúng ta như nam châm. Hãy nhớ câu sau đây của Thánh Phao-lô: «Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.» (Pl3, 13-14) và tôi nghĩ rằng khi Thánh Phao-lô nói: «hãy bắt chước tôi», là ngài muốn nói lên điều ấy, nghĩa là hãy chạy theo tôi, tới cùng tới đích.
3/ Điều thứ ba, vì Chúa gần gũi, chúng ta không phải lo lắng gì. «Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta» (Pl3, 20), Đọc câu này, chúng ta có cảm tưởng như một tiếng vang của Lời Chúa Giê-su thường nói: «Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!» (Mt8, 26) hay là bài học tuyệt vời về cầu nguyện trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: «25 Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.» (Mt6, 25-34)
Đây không phải vô tư mà là trông cậy, thanh thản: «Anh em đừng lo lắng gì cả » (c6). Vì tất cả đã được ban cho, cứ lãnh nhận, hãy hứng lấy suối nguồn hồng ân. «Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.» (Mc11, 24). Rốt cuộc, cầu nguyện là dìm vào hồng ân Thiên Chúa.
4/ Điều sau cùng theo Thánh Phao-lô, cầu nguyện đi đôi với đời sống cộng đồng, đây cũng là một sứ điệp luôn hiện hữu trong Thánh Kinh. Chỉ trong Tân Ước, Thánh Mác-cô nối liền lời cầu nguyện là thái độ đối với người anh em: «Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai…» (Mc11, 25) và Thánh Phê-rô cũng đem lại gần hai sự kiện như thế: «Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được. Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr4, 7-8)
Bình an là cuối con đường, nơi ấy cầu nguyện và những giá trị đời sống cộng đồng đi đôi với nhau: «Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.» (c6-7)
***
PHÚC ÂM (Mt 21, 33-43)
Alleluia, alleluia !
- Chúa phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống,
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.
------------------
"Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho."
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.
34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.
35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.
36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.
37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta."
38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó! "
39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.
40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? "
41 Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."
42 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
Chúng ta nhận ra ngay trong bài dụ ngôn của Chúa Giê-su những điệu mượn từ bài ca vườn nho của tiên tri I-sa-i-a: «Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh.» (c33) Người chủ vườn nho cũng cẩn thận rào chung quanh vườn nho như người bạn chủ vườn nho trong (Is5, 1,2); nhưng điều giống nhau chỉ ở đấy. Trong Phúc Âm, bài dụ ngôn chuyển qua hướng khác và đề nghị một bài học mới.
Trong sách Isa-i-a, người chủ cũng là người làm vườn nho, vườn nho tượng trưng cho dân It-ra-en, được chăm sóc chu đáo, nhưng làm thất vọng, chỉ cho trái xấu. Trong bài dụ ngôn của Chúa Giê-su, người chủ vườn nho không phải người canh tác trực tiếp vườn nho, ông trao cho những người làm vườn nho khác. Chúng ta hãy nghe Thánh Mát-thêu: «Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.» (c33) Ở đây muốn biết ai làm vườn nho, ai là vườn nho, không được rõ ràng.
Giả thuyết thứ nhất, vườn nho là dân tộc It-ra-en, như trong sách I-sa-i-a, và những người làm vườn nho là những thượng tế và những người Pha-ri-sêu. Họ có nhiệm vụ lo cho vườn nho, dân tộc It-ra-en, và họ hướng dẫn không đúng. Bởi vì các ngôn sứ bị hành hạ và sau cùng họ quẳng Đứa Con Yêu Quý Người Cha ra khỏi vườn nho. Giả thuyết thứ hai, vườn nho tượng trưng cho Nước Trời và những người làm vườn là toàn dân It-ra-en. Dân tộc này có nhiệm vụ chăm sóc Nước Trời. Giả thuyết này có lẽ là đúng, vì Chúa Giê-su kết cuộc bằng câu sau đây: «Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.» (c43) Tiên tri Giê-rê-mi-a xét về dân tộc It-ra-en, có thể soi sáng cho chúng ta: «22 Vì khi đưa cha ông các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, Ta đã chẳng nói gì với chúng, chẳng truyền dạy chúng điều chi về lễ toàn thiêu và lễ hy sinh cả.23 Nhưng điều Ta truyền cho chúng là: Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc.24 Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến.25 Từ ngày cha ông chúng ra khỏi đất Ai-cập tới nay, ngày này qua ngày khác, Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của Ta là các ngôn sứ đến với chúng;26 nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai, lại ra cứng đầu cứng cổ. Chúng hành động còn xấu hơn cả cha ông chúng nữa.27Vậy, ngươi sẽ nói với chúng tất cả những điều ấy, nhưng chúng chẳng nghe đâu; ngươi sẽ gọi chúng, chúng chẳng trả lời đâu.28 Bấy giờ ngươi sẽ nói: Đây là dân tộc không biết nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của mình, không chấp nhận lời sửa dạy: sự chân thật đã tiêu tan và biến khỏi miệng nó. (Gr7, 22-28)
Câu sau cùng của Chúa Giê-su kinh hoàng: «Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.» (c43) Có thể kết luận rằng dân tộc It-ra-en sẽ bị loại ra? Câu hỏi này đầu độc các cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Ki-tô hữu từ hai mươi thế kỷ nay, và làm cho Thánh Phao-lô phải đau đớn đương đầu trong thư gửi Thánh đoàn Rô-ma. Kết luận của ngài, rất huyền nhiệm nhưng chắc chắn rằng dân được Chúa chọn vẫn là dân Chúa chọn để phục vụ thế gian, bởi vì: «Người không thể nào chối bỏ chính mình.» (2Tm2, 13)
Ngoài ra, xin đừng quên một bài dụ ngôn không thể là một bản án, lời phán quyết cuối cùng, nhưng là một lời kêu gọi hoán cải. Thật vậy, từ một bài dụ ngôn này đến bài dụ ngôn khác, trong giai đoạn ấy trong đời sống Chúa Giê-su, giọng dần dần mạnh lên, nhưng đó chỉ vì thời gian trở nên khẩn trương cho việc Đấng Mê-si-a được nhận ra Chúng ta đang ở ngày hôm trước cuộc Thương Khó. Cũng đừng bao giờ quên, lòng ao ước không đổi thay của Chúa Giê-su là nhân loại được cứu độ, chứ không bị kết án, và Ngài đã từng chữa lành người mù bẩm sinh, thì Người càng muốn chữa cho những người đồng đạo của Ngài vì sự mù quáng của họ. Chúng ta nhận ra đây là lần cố gắng cuối cùng của Chúa Giê-su, để cảnh báo những người Pha-ri-sêu; lời Ngài có vẻ khắt khe nhưng không là một sự phán quyết cuối cùng.
Hơn nữa, Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng này vào cuối thế kỷ thứ nhất, thời gian người Do Thái từ chối nhận ra đấng Mê-si-a, giúp cho các người ngoại được vào Giáo Hội. Vì thế, không lạ gì các bài viết từ thời kỳ ấy có một nét tranh luận, chống lại những kẻ khiến cho dân Do Thái từ chối Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, đây không phải là một xét đoán cuối cùng toàn dân Do Thái, và cũng không đối với những giới lãnh đạo giáo quyền; nếu thế là ngược lại với Tin Mừng. Hơn nữa, sứ điệp quan trọng không phải là Nước Trời bị cất đi khỏi họ: Điều chủ yếu là, mặc cho những cản trở của con người, Nước Trời vẫn sinh hoa trái, quan trọng không ở những người làm vườn nho, mà như là trái nho.
Nhưng lời bình luận của Chúa Giê-su giúp chúng ta chìa khóa để hiểu bài dụ ngôn: «Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.» (c42) Chúa quen thuộc với cách làm thay đổi tình hình, đã có lần trong sách Sáng Thế, các con của Gia-cóp nói về người em Giu-se của mình: «Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng» (St37, 20)…họ có bao giờ tưởng tượng, kẻ họ muốn thủ tiêu chính là Người sẽ cứu độ họ, và cả dân tộc. Một cách nào đó, Chúa Giê-su mặc khải sự phục sinh của Ngài: Tảng đá bị loại lại là tảng đá góc tường làm nền cho cuộc xây dựng; hãy hiểu: Dân tộc mới, là tất cả những ai quy tụ chung quanh Người, không kể họ từ nguồn gốc nào. Và không ai bị loại ra: Tất cả các người làm vườn được qui tụ trong câu Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.» (Lc23, 34)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.