"NƯỚC THIÊN CHÚA, NGÀI BAN CHO MỘT DÂN
BIẾT LÀM CHO NƯỚC ẤY SINH HOA LỢI"
Mt 21, 43
Hát một thánh ca ngợi khen để khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
Lạy Chúa là Cha chúng con và là Đấng ban phát mọi ơn lành, này chúng con nhìn nhận hết những gì chúng con đang có, và ngay chính bản thân chúng con, tất cả đều bởi Chúa. Xin dạy chúng con ngày càng thấy rõ: Chúa yêu thương chúng con dường nào, và xin làm cho chúng con tận lực tận tình yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen
(Sách Lễ, Lời nguyện Lễ tạ ơn Thiên Chúa)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Một người công bố Tin Mừng Matthêu 21,33-43.
Mọi người đứng lắng nghe. Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 lời chạm đến tôi dựa vào 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi biết Chúa tôi rõ hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở điểm nào?
Tâm tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
Nếu quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình.
Không giải thích
3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA
Đọc Lời Chúa một lần nữa, suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào.
Chú thích về dụ ngôn. Gia chủ là Thiên Chúa, Vườn nho là Dân Thiên Chúa được Ngài chăm sóc; các tá điền là các vị lãnh đạo tôn giáo và xã hội; tôi tớ là các ngôn sứ; Người con gia chủ là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Quản lý Vườn Nho hay công trình của Thiên Chúa và trao nộp hoa màu cho Ngài là bổn phận của Giáo hội cũng như của mỗi một Kitô hữu chúng ta.
- “Gia chủ sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi” (câu 34)
- Ông chủ trồng một vườn nho...cho tá điền canh tác...để thu hoa lợi..
- Giáo hội, và mỗi người Kitô hữu là chúng ta, được Thiên Chúa giao phó công trình cứu độ Ngài đã thực hiện nhờ Chúa Kitô,
để mưu ích cho mọi người và các dân tộc (x. Mt 28,19).
- Nguy cơ có thể xảy ra là chiếm hữu cho riêng mình ân lộc của Thiên Chúa, giống như các tá điền đầu tiên “đã giết cả người con của ông chủ để đoạt lấy gia tài của nó” (câu 38).
Cộng đoàn và chính tôi có quan tâm làm lợi cho Chúa và mưu ích cho anh chị em mình như thế nào? Hay chỉ biết giữ riêng cho mình?
Lời Chúa chất vấn tôi “Con đã làm gì để mưu ích cho anh chị em, cho đồng bào của con?”
........................................................................................................
........................................................................................................
- “Nước Thiên Chúa, Ngài ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (câu 43)
- “Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa”. Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục Do thái như vậy. Và thật sự Chúa đã giao lại cho Hội Thánh, và cho mỗi Kitô hữu, chiếu theo Giao ước Mới, để ra đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.
- Chúng ta đã đón nhận Tin Mừng Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu đến loan báo và khai mở, và đã lãnh nhận các bí tích, nhất là Chúa Thánh Thần và các Bí tích trong giáo xứ.
Để sinh hoa lợi, tôi cần "ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong tôi" (x.Gioan 15,4) và tiến bước theo Thần Khí nhờ các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể (Galat 5,25).
........................................................................................................
........................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết thúc
Lạy Cha là Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
xin giúp chúng con đừng lo lắng gì cả,
nhưng trong mọi hoàn cảnh,
cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn,
mà giãi bày trước mặt Chúa những điều mình thỉnh nguyện.
Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết,
sẽ giữ cho lòng trí chúng con được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.
Ngoài ra, lạy Chúa, những gì là chân thật, cao quý,
những gì là chính trực tinh tuyền,
những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt,
những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin giúp chúng con để ý.
Những gì chúng con đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy
nơi thánh Phaolô, chúng con xin đem ra thực hành.
Nhờ vậy Chúa là nguồn bình an sẽ ở với chúng con luôn. Amen.
(Bài đọc 2 Philiphê 4,6-9)
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn một Lời Chúa ngắn, học thuộc và suy ngẫm trong tuần :
.....................................................................................................
.....................................................................................................
- Tôi đọc đi đọc lại lời nguyện kết ở trên, để xem xét đời sống mình và chọn việc Thánh Thần thúc đẩy tôi cần phải làm hiện nay.
........................................................................................................
........................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Cầu nguyện biết cách làm dịu những bồn chồn. Chúng ta bồn chồn, luôn muốn có những sự vật trước khi yêu cầu được chúng, và chúng ta muốn có ngay. Sự bồn chồn này làm hại chúng ta. Và việc cầu nguyện biết cách làm dịu sự bồn chồn, biết cách biến nó thành sự sẵn sàng. Khi chúng ta bồn chồn, tôi cầu nguyện và lời cầu nguyện mở trái tim tôi ra và khiến tôi cởi mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của Biến cố Truyền Tin, Đức Trinh Nữ Maria biết cách bác bỏ sự sợ hãi, ngay cả khi cảm thấy lời “xin vâng” của mình sẽ mang đến cho mình những thử thách vô cùng khó khăn.
Nếu trong việc cầu nguyện, chúng ta hiểu rằng mỗi ngày Thiên Chúa ban là một lời mời gọi, thì trái tim chúng ta sẽ mở rộng ra và chúng ta sẽ chấp nhận mọi sự. Chúng ta sẽ học cách nói: “Chúa muốn gì, lạy Chúa. Chỉ cần Chúa hứa với con rằng Chúa sẽ có mặt trên mỗi bước đường con đi”. Điều này rất quan trọng: cầu xin Chúa hiện diện trên mọi bước đường ta đi: để Người không bỏ rơi chúng ta một mình, để Người không bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ, để Người không bỏ rơi chúng ta trong những giờ phút tồi tệ. …..
Nơi Đức Trinh Nữ Maria, trực giác nữ tính tự nhiên được đề cao bởi sự kết hợp độc đáo nhất của ngài với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. ….. Đức Maria đã mở lòng đón nhận tiếng nói của Thiên Chúa vốn hướng dẫn tâm hồn ngài, hướng dẫn ngài từng bước khi sự hiện diện của ngài được cần đến. Sự hiện diện âm thầm của ngài như một người mẹ và một người môn đệ. Đức Maria hiện diện vì ngài là Mẹ, nhưng ngài cũng hiện diện vì ngài là môn đệ đầu tiên, môn đệ đã học được nhiều nhất đường lối của Chúa Giêsu. Đức Maria không bao giờ nói: "Hãy đến đây, tôi sẽ lo liệu mọi chuyện". Thay vào đó, ngài nói: “Hãy làm bất cứ điều gì Người sẽ nói với anh em”, luôn chỉ tay về phía Chúa Giêsu. Tác phong này là điển hình của người môn đệ, và ngài là môn đệ đầu tiên: ngài cầu nguyện như Mẹ và ngài cầu nguyện như một môn đệ.
(trích Huấn Dụ về Cầu Nguyện với Mẹ Maria,18.11.2020)
Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 10 trên trang web của PT.