Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XXVIII Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 25, 6-10a)

 

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”

Trích sách Tiên tri I-sa-ia.

 

6 Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.

7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.

8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy.

9 Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."

10 Bàn tay ĐỨC CHÚA sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.

 

Bài này thuộc về sách gọi là «khải huyền I-sa-ia» (ch 24-27), bốn chương, như một thị kiến ngày tận thế. Vị Tiên tri vén màn lên trước (có nghĩa là khải huyền) những sự kiện ngày cuối của Lịch sử. Hơn nữa chương 25 được trích trong bài đọc hôm nay bắt đầu bằng lời tạ ơn: «Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng danh Ngài, vì Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững.» (25, 1) Ở đây vị Tiên tri đặt mình ngay trong ngày cuối của lịch sử, và vì ngài ngoảnh đầu lại nhìn về quá khứ, ngài nói: «Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững»

Những kỳ công ấy, chúng ta biết rõ, đó là cuối cùng rồi nhân loại cũng được quy tụ lại, tái lập hòa bình: Ngồi lại chung bàn, dùng chung bữa tiệc, cùng mừng lễ hội, đúng là hình ảnh của thái bình: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.» (c6)

Dĩ nhiên việc gợi lên như thế chỉ để cho nên thơ, mang tính cách biểu tượng: Tiên tri I-sa-ia không tìm cách diễn tả trên thực tế điều gì sẽ xảy ra. Ngài muốn nói với chúng ta «hết rồi, không còn chiến tranh, đau khổ, bất công». Ngài miêu tả mọi dân tộc mừng lễ hội, nhiều người nghĩ rằng chương này được viết trong hoặc sau khi lưu đày Ba-by-lon, vì thế rất dễ hiểu trong bài có những giấc mơ vui lễ với những hình ảnh của cải dư thừa. Không ai biết bài này được viết lúc nào, nhưng rõ ràng, và chắc chắn là trong một giai đoạn khó khăn. Sở dĩ vị Tiên tri thấy phải nói lên: «Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ» (c9), là vì ngài thấy cần làm cho người đồng hương lên tinh thần! Phải nên hiểu câu trên đây: Này anh em, hãy xem trong một thời gian nữa, anh em sẽ không hối tiếc vì đã cậy trông…và bây giờ để tôi nói cho anh em nghe, ngày cuối Lịch sử sẽ như thế nào, Sẽ chậm thôi, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đến một ngày hòa bình vĩnh viễn. Anh em sẽ ngẩng đầu lên. «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy» (c9)

Đây là câu trung tâm của bài, đối với vị Tiên tri, câu này minh chứng sự lạc quan của ngài, cho dù bất cứ trường hợp nào: « ĐỨC CHÚA phán như vậy». Người ngôn sứ là người hiểu biết, đã trải nghiệm tác động không ngừng Thiên Chúa cứu độ dân Ngài. Không ai có thể là ngôn sứ (hay chỉ là chứng nhân đức tin) nếu không phải, một cách nào đó, chính mình hoặc tập thể, đã trải nghiệm kỳ công Thiên Chúa.

Thế nhưng dân tộc Ít-ra-en không ngừng được trau dồi đức tin, bằng cách giữ trong ký ức những kỳ công Thiên Chúa. Hơn nữa, bởi vì không bao giờ quên nên họ có thể vượt qua những khoảnh khắc thử thách. Lý do là vì Chúa đã giải thoát họ khỏi xiềng xích Ai-cập, Chúa cũng sẽ tiếp tục giải thoát họ qua nhiều thế kỷ nữa. Thế nhưng xiềng xích tồi tệ nhất của con người là không thể chung sống hòa bình với nhau, thực thi công chính, giữ Giao Ước với Thiên Chúa. Nếu Chúa thực hiện đến cùng kỳ công của Ngài (và Tiên tri I-sa-i-a không nghi ngờ gì, Chúa sẽ không làm), sẽ có ngày tất cả các dân tộc sống trong hòa bình và trong trung tín với Giao Ước.

Vì vậy câu quan trọng nhất bài này là: «ĐỨC CHÚA phán như vậy»…Câu khó nhất là: «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần» (C8); câu khó nhất… vì câu này có vẻ quá rõ ràng! «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần»: Khi đọc câu này ngày hôm nay, chúng ta có khuynh hướng nghiên cứu câu này với ánh sáng đức tin ở thế kỷ thứ XXI, và gán cho người viết vào thế kỷ thứ IV trước CN, những tư tưởng của chúng ta không phải của người ấy. Dĩ nhiên, chỉ có Chúa mới biết những gì trong đầu Tiên tri I-sa-i-a, nhưng chắc chắn chưa phải là một khẳng định về sự Phục Sinh, theo nghĩa của người Ki-tô; dân tộc Ít-ra-en đã được mặc khải một cách tiệm tiến trước Chúa Ki-tô, tin vào phục sinh thân xác, nhưng rất trễ sau này, rất lâu sau khi sách Tiên tri I-sa-i-a được thành văn.

Trong phần lớn lịch sử Thánh Kinh, những chữ sự sống và sự chết không có nghĩa như cách hiểu ngày nay. Khi nói sự “chết”, là cái chết thể lý cá nhân, điều đó sẽ tới với mọi người và làm chúng ta lo lắng. Đối với tín hữu trong Thánh Kinh, sự chết thể lý ấy thuộc về chân trời của chúng ta; điều ấy được tiền định, không thể nào tránh khỏi, nhưng không có gì đáng buồn nếu nó xảy ra bình thường cuối một chuỗi ngày sống dư đầy. Không ai thấy trước, không ai tưởng tượng một không gian nào khác cho nhân loại ngoài trái đất.

Chính trong không gian địa cầu này, sự sống và sự chết nói ở đây không phải là sự chết thể lý: Đối với người tín hữu thời ấy, sống hoàn toàn là sống dưới trái đất này trong Giao Ước với Thiên Chúa (ngày nay chúng ta nói sống kết hiệp với Chúa). Còn sự chết là sống cắt đứt với Giao Ước. Vì thế điều Tiên tri I-sa-i-a thấy trước, đó là ngày chúng ta sống bình an với Chúa và với chính mình; các thế lực của thần chết (hận thù, bất công, chiến tranh) sẽ bị tiêu diệt.

 Bởi vì ngài chưa thấy gì khác ở chân trời địa cầu, vì thế không lạ gì vị tiên tri cho rằng tương lai là Giê-ru-sa-lem (đó là ý nghĩa cụm chữ Ngày ấy, trên núi này,) bởi vì nơi ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Nhưng lời hứa cứu độ không dành riêng cho dân tộc Ít-ra-en, Buổi tiệc trên núi dành cho mọi người: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.  Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân… Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.» Từ ngày Chúa Ki-tô Phục Sinh, không ai cấm chúng ta nói: Tiên tri I-sa-ia không thể tưởng rằng lúc ấy mình nói đúng như thế.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 22, 1-6)

 

Đáp: «Trong nhà Chúa, tôi sẽ điịnh cư cho tới thời gian cho rất ư lâu dài»

 

1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

3 và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên. 

 

Bài Thánh vịnh 22 này (chúng ta rất quen thuộc vì đã từng hát «Chúa là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì») bài này nghe như một bài thơ điền viên, có thể làm cho chúng ta lầm! Thật ra, chỉ trong vài câu - chúng ta vừa nghe toàn bài - tất cả các phương diện cuộc sống đều được đề cập. Trái hẳn với vẻ bên ngoài, đây không phải miêu tả một cuộc du ngoạn đồng ngoại. Vấn đề là sự sống chết, khiếp sợ trước kẻ thù và lòng tin vào Thiên Chúa mãnh liệt hơn mọi mối đe dọa. Nghe bài Thánh vịnh này như một tiếng vang rất gợi ý cho Bài đọc 1 Chúa nhật thứ XXVIII hôm nay, trích từ sách Tiên tri I-sa-i-a. Ngài chỉ nói đời sống trong Giao Ước với Thiên Chúa, và chúng ta thấy đối với Tiên tri I-sa-i-a, chỉ có đời sống ấy mới đáng gọi là sống; tất cả các tình trạng cắt đứt với Thiên Chúa gọi là chết, một khi ta là tín hữu.

Một trong những mẫu gương đời sống kết hiệp với Thiên Chúa trong Cựu Ước, là các Người Lê-vi. Chúng ta biết thể chế người Lê-vi. Theo sách Sáng Thế, Lê-vi là một trong mười hai người con ông Gia-cóp, mười hai chi tộc Ít-ra-en mang tên mười hai người con ấy. Nhưng từ ban đầu, chi tộc Lê-vi có một chỗ đứng riêng biệt, để hoàn toàn tận hiến cho việc phụng tự. Mọi người cho rằng chính Chúa là gia nghiệp của họ. (hình ảnh này chúng ta rất quen thuộc, vì được lặp lại trong một bài Thánh vịnh khác: «Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.» (Tv15, 16). Các người Lê-vi sinh sống rải rác trong các chi tộc khác, nhờ các bổng lộc được dâng hiến. Tại Giê-ru-sa-lem họ được giao nhiệm vụ phụng tự trong Đền Thánh và gìn giữ Đền.

Mỗi khi dân chúng Ít-ra-en lên Đền Thánh, họ có cảm tưởng nhận được ơn thánh nhờ người Lê-vi. Còn người Lê-vi, họ rất sung sướng được ở gần gũi Thiên Chúa, họ tin và có thể nói: «Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.» (c6) Như người Lê-vi, dân tộc Ít-ra-en nhận thấy mình có được một chỗ đứng đặc biệt, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa chọn riêng dân tộc này, không ngoài lý do nào khác là sự tự do tối cao của Ngài. Mỗi thế hệ ngạc nhiên thán phục về sự chọn lựa này, và về Giao Ước Ngài đề nghị: « Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được» (Đnl4, 32) Thiên Chúa hoàn toàn tự quyết cho dân tộc này vào vòng mật thiết với Thiên Chúa, dĩ nhiên là không phải để họ được ích kỷ tận hưởng, nhưng để mở cửa cho các dân tộc khác. Rút cục, như Tiên tri I-sa-i-a nhắc lại, chính toàn nhân loại sẽ được vào vòng mật thiết với Thiên Chúa: Buổi tiệc được Thiên Chúa dọn trên núi mời gọi mọi dân tộc. (xem Bài đọc 1)

Buổi tiệc do Tiên tri I-sa-i-a miêu tả, có thể nói họ đã nếm vị ấy trước trong các buổi tiệc hiệp lễ sau lễ tạ ơn trong Đền Giê-ru-sa-lem. Các buổi ăn ấy là những buổi dạ lễ giữa bạn bè với «ly rượu con đầy tràn chan chứa.»: «Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.» (c5) Thế nhưng, theo lịch sử, mỗi lần hát bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem, mới chỉ là vị hương trước của hạnh phúc hứa cho thời cánh chung. Còn phải gặp bao nhiêu thử thách nữa. Trong những thử thách ấy, không có chỗ nào nương náu ngoài lòng cậy trông.

Trong khi ấy, Ít-ra-en được ví như con chiên: Người chăn chiên là Thiên Chúa. Đây là một đề tài quen thuộc trong Thánh Kinh: Trong cách nói trong cung điện vùng Trung Đông, các vua được xem là những mục tử cho dân chúng. Tiên tri Ê-dê-ki-en cũng lấy lại những hình ảnh ấy. Từ thời vua Sa-un và Đa-vít, dân chúng có rất nhiều mục tử, nhưng không mấy ai là mục tử nhân lành trước mặt Thiên Chúa. Chắc chắn, ngoài Ngài ra không ai có thể nói là mục tử quan tâm đến những nhu cầu thật sự của đàn chiên mình. «CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.  Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành» (c1,2). Nơi ấy chẳng thiếu thốn gì.

Ngay khi phải: «qua thung lũng âm u của sự chết», dân Ít-ra-en biết rằng, như người mục tử sẽ «đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.» (c2,3). Vì còn có nhiều hiểm nguy trên suốt hành trình lịch sử, đó là biết bao kẻ thù …nhưng dù sao đi nữa, họ chẳng sợ chi. Thiên Chúa ở với họ: «con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,» (c4,5). Sự an tâm, thanh thản của người tín hữu dựa vào tất cả trải nghiệm của sự quan tâm của Thiên Chúa cho dân Ngài từ bao thế kỷ. Những ngày nản lòng, họ lặp lại lời Tiên tri I-sa-i-a: «Ngày ấy, (ngụ ý nói ngày cánh chung) người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” ( Is25, 9).

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Pl 4, 12-14.19-20)

 

"Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ  gửi tín hữu thành Phi-líp-phê.

 

12 Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.

13 Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.

14 Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.

19 Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su.

20 Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời! A-men.

 

(Xem Chúa nhật Bài đọc 1 CN XXXII năm C)

Hình như từ trong tù thành Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô viết thư này vào năm 50 cho các tín hữu thành Phi-líp-phê. Họ vừa gửi giúp cho thánh nhân một số tiền, qua tay một người trung gian tên Ê-páp-rô-đi-tô, và ngài gửi lời cám ơn họ. Chúng ta có một dịp tuyệt vời để suy niệm về cách sử dụng của cải đời này. «Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.» Thánh Phao-lô chia sẻ trải nghiệm ấy và nói thêm: «tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.» Thánh nhân cũng ám chỉ ngài đang có vấn đề tài chánh thật sự: «Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.»

Đây là một bài học về sự tự do đối với những của cải vật chất. Không phải là một bài học triết lý, cũng không phải bài học khắc kỷ, bởi vì ngài nói: «Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.» (tức là Đấng Ki-tô) Đồng thời Thánh Phao-lô không có cái hổ thẹn không đúng chỗ, khi chấp nhận được lúc cần mà cũng không quá tinh tế để không đề cập vấn đề tiền bạc. Sự tự do thật sự đối với tiền bạc, không phải giả bộ như ta không cần đến hay không muốn có. Thật trơ trẽn đối với mọi người nghèo khó trên thế gian nếu ta tỏ ra vô tư với tiền của vật chất trong lúc ta may mắn có đầy đủ không thiếu điều chi.

Nếu đọc kỹ, Thánh Kinh đề nghị cho chúng ta cả một giáo huấn về xử dụng của cải. Có thể nhận ra ba điểm chính. Điểm thứ nhất, tiền của là điều tốt lành và đáng gọi là của cải. Điều thứ hai, nó có thể trở nên tồi tàn. Điểm thứ ba, trái với vẻ bề ngoài, ta không phải là chủ nhân thật sự của cải chúng ta sở hữu, nhưng chỉ là người quản lý.

Điểm thứ nhất tiền của là điều tốt lành, và đáng gọi là của cải. Thánh Kinh không bao giờ nói của cải tự nó là xấu: Trái lại sự phì nhiêu, phong phú được nhìn nhận là một ân huệ của Thiên Chúa. Tiên tri Cô-he-lét nói trong sách Giảng Viên: «Hơn nữa, bất cứ ai được Thiên Chúa ban của cải, tài sản cũng như quyền sử dụng, mà lãnh nhận tất cả làm của riêng mình, và vui hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì người đó đã nhận một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi.» (Gv 5, 18).

Điểm thứ hai, tiền của có thể trở nên một sự tồi tàn bằng hai cách. Của cải tích lũy cho riêng mình là một thứ nô lệ: Chúng ta đều biết: «Không ai có thể làm tôi hai chủ » (Mt 6, 24). Sở dĩ Thánh Kinh đả kích những ai chỉ lo tích lũy tài sản cho chính mình, trước hết như thế, đó là đánh mất tự do của họ. Ví dụ như sách Đệ Nhị Luật nói về các vua: «Chỉ có điều là vua ấy không được có nhiều ngựa, và không được đưa dân trở về Ai-cập để có nhiều ngựa, vì ĐỨC CHÚA đã phán với anh em: "Các ngươi không được trở lại con đường ấy nữa!" Vua ấy cũng không được có nhiều vợ, kẻo tâm hồn bị lầm lạc. Vua cũng không được có quá nhiều vàng bạc» (Đnl 17, 16-17). Câu này ngụ ý ám chỉ vua Sa-lô-mon, vì Sách các Vua kể rằng: «Vua đã làm cho bạc ở Giê-ru-sa-lem ra thường như sỏi đá, còn bá hương thì nhiều như sung ở miền Sơ-phê-la» (1V 10, 27). Chúng ta nhận ra nơi các ngôn sứ như một cuộc thánh chiến chống lại việc tích lũy của cải, ví dụ như nơi Da-ca-ri-a: «Tia đã xây cất pháo đài, thu tích bạc nhiều như bụi cát, gom góp vàng nhiều như bùn đất bên đường. Nhưng này, Chúa sẽ chiếm đoạt hết. Người đập tan tường luỹ mà xô xuống biển, còn chính thành thì bị lửa thiêu.» (Dcr 9, 3-4). Và chúng ta cũng biết, hễ kẻ này tích lũy thì nảy sinh người kia nghèo đi. Chỉ cần đọc lời đả kích của ngôn sứ A-mốt chẳng hạn: "Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.” (Am 8, 5); hay của tiên tri I-sa-i-a: «Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ!» (Is 5, 8).

Sau cùng, khác với bề ngoài thấy được, chúng ta không phải chủ nhân của cải chúng ta sở hữu, nhưng chỉ là người quản lý phục vụ cho chúng ta và cho tha nhân. Đó là ý nghĩa của phần dâng Lễ trong phụng vụ Thánh Thể: Dâng lên bánh rượu, tượng trưng cho của cải và công lao con người. Chúng ta không tặng cho Chúa, trái lại chúng ta nhìn nhận đó là thuộc về Chúa, và Ngài giao cho ta để mưu toàn hạnh phúc cho con người: «Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con …». Dần dần, mỗi khi lặp lại những lời ấy, chúng ta nhận ra mầu nhiệm chương trình Thiên Chúa: của cải không thuộc về ta, có thể chia ra cho nhau và như thế xây dựng vương quốc của công lý.

Và sau cùng chính Thánh Phao-lô đề nghị chúng ta chia sẻ, nhưng không vì thế làm cho mọi người phải phá sản: «Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều.  Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều» (2Cr 8, 13-14). Phải chăng cũng vì thế mà Chúa Giê-su cũng nói: "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu » (Lc 16, 9).

Trong Thư Thứ Nhất gửi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô tóm lại một cách tổng quát giáo huấn Thánh Kinh này: «Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng.  Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.  Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.» (1Tm 6, 17-19)  

 Rốt cục, chúng ta chỉ cần là những tôi tớ trung tín và khôn ngoan như thánh Mát-thêu nói: "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình“ (Mt 24, 45-46)  

***

 

PHÚC ÂM (Mt 22, 1-14)

 

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

-------------------

"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào tiệc cưới"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:

2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.

3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.

4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! "

5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,

6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.

7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.

8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.

9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."

10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới,

12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Người ấy câm miệng không nói được gì.

13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!

14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

 

Đây là hai bài dụ ngôn nối tiếp nhau, nhưng không giống nhau chút nào! Một bài mời gọi đến ăn tiệc cưới, một bài đuổi người đến vì không mặc lễ phục ngày cưới. Từ nguyên thủy, mọi người đều nghĩ hai bài này không dính liền nhau. Thật là mâu thuẫn! Buộc một người được «tập hợp từ khắp nẻo đường» vào ăn tiệc cưới phải mặc y phục lễ cưới. Nhưng sở dĩ Thánh Mát-thêu kết hợp hai bài lại với nhau như thế hẳn ngài có lý do sư phạm chi đó. Chúng ta cùng suy nghĩ từng bài một.

«Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình» …và đây, không phải bất cứ vua nào, vì ngay từ đầu chúng ta được thông báo: Đây là Nước Trời, riêng hai chữ này cũng gợi ý không có gì khác hơn được là Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, giao ước hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Trong các Tin Mừng, Ngài chính là chàng rể. Hơn nữa chữ «lễ cưới» được lặp lại bảy lần trong bài dụ ngôn.

Chúng ta không quen thuộc với biểu tượng những lễ cưới trong ngôn ngữ Ki-tô ngày nay. Thế nhưng, tất cả Thánh Kinh đều dùng từ ngữ ấy để nói lên dự án Thiên Chúa dành cho nhân loại. Từ sách Tiên tri I-sa-i-a đến sách Khải Huyền, qua sách Diễm ca và các sách Khôn ngoan. Nếu chỉ ngừng dẫn chứng ở vài sách ấy thôi, Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại được miêu tả với ngôn ngữ của tình yêu vợ chồng. Và cũng vì thế, Thánh Phao-lô khi nói về hôn phối, ngài nói: «vì đó là hình ảnh tốt đẹp nhất của quan hệ Thiên Chúa đối với nhân loại». Toàn thể nhân loại ở đây muốn nói lên: Tính hoàn vũ của ơn cứu độ là một đề tài rất quan trọng trong Cựu Ước. Bài dụ ngôn nói lên điều ấy một cách đặc biệt, vì rốt cục vô số người được vào…không phân biệt người tốt kẻ xấu: «Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.» (c10)

Nhưng trong suốt Cựu Ước, lời mời gọi và sự hoàn tất ơn cứu độ hoàn vũ ấy phải qua dân tộc Ít-ra-en. Dân được Chúa chọn, có sứ vụ cho toàn nhân loại. Cũng trong nghĩa ấy, chúng ta hiểu câu sau đây Chúa nói với ông Áp-ra-ham: «Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.» (St 22, 18). Nhưng chúng ta biết chuyện gì xảy ra sau đó, và dân tộc Ít-ra-en khó chấp nhận Đấng Mê-si-a sau bao lâu chờ đợi lại là Đức Giê-su thành Na-da-rét. Bài dụ ngôn miêu tả hình ảnh những khách được mời từ chối tham dự lễ cưới mà còn hành hạ những người giúp việc đến mời. Họ là những người đầu tiên được mời dự tiệc cưới. Thánh Phao-lô nói rõ lúc cuối đời, lẽ ra đức tin Do Thái phải dẫn đến thẳng Đấng Mê-si-a…và từ họ, Tin Mừng Chúa Ki-tô đến cả mặt đất. Nhưng lòng từ bi nhân hậu của Chúa vĩ đại đến nỗi, như Thánh Phao-lô nói cho giáo đoàn Rô-ma, chẳng những không cản trở tiệc cưới mà còn giúp cho tất cả các dân tộc được vào phòng tiệc cưới.

Lịch sử chứng minh đó là điều đã xảy ra: Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy lặp lại nhiều lần kịch bản ấy. Mỗi lần đến một thành phố nào, thánh Phao-lô bắt đầu vào các giáo đường rao giảng cho người Do Thái, Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a mọi người trông đợi. Một số người tin và trở nên Ki-tô hữu, nhưng khi sự thành công của Thánh Phao-lô vượt ra khỏi giảng đường và những người ngoại bây giờ trở nên Ki-tô hữu. Đến lượt những người Do Thái đã nghe mà không tin trong giảng đường, bắt đầu hoảng sợ và đuổi Thánh Phao-lô. Đó là những gì đã xảy ra chính xác tại An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê: «Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.» (Cv13, 46) 

Tại I-cô-ni-ô, xứ Tê-xa-lô-ni-ca cũng đã xảy ra như thế, và bởi vì các Tông đồ bị đuổi ra khỏi từ thành phố này sang thành phố khác, vì thế Tin Mừng cũng được rao giảng từ thành phố này sang thành phố khác. Bài học đầu tiên của bài dụ ngôn là sự việc dân tộc Ít-ra-en từ chối không làm cản trở dự án Thiên Chúa. Cũng tương tự như thế, những người thu thuế và gái điếm lấy chỗ của giáo quyền thời Chúa Giê-su, và cũng như thế vài năm sau, vào thời điểm Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng, những người ngoại ồ ạt gia nhập Hội Thánh nhờ dân Do Thái từ chối. Từ sự dữ Chúa làm ra sự lành.

Chúng ta bước qua bài dụ ngôn thứ hai. Một người giờ chót vào tiệc cưới không mặc y phục lễ cưới không thể trả lời câu: «Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?» (c12). Vì thế anh ta bị đuổi ra. Điều này chắc hẳn không phải vì anh ta không đáp lại một đòi hỏi cách cư xử nào, và y phục lễ cưới tượng trưng cho sự đòi hỏi nào đó ấy… Mỗi lần chúng ta nói phải xứng đáng là chúng ta bóp méo ân huệ của Chúa, vì ân huệ, bởi định nghĩa là để ban cho nhưng không! Đối với Thiên Chúa không có điều kiện nào phải thỏa mãn.

 Để cố gắng tìm hiểu câu truyện cũng khá lạ lùng này, thay vì tập trung chú ý vào người duy nhất bị từ chối, chúng ta hãy nhìn vô số người vào dự tiệc. Mọi người đều mặc y phục lễ cưới: Trong từ ngữ Tân Ước, y phục lễ cưới là y phục người nhận phép Rửa tội. Ngày nay chúng ta biết rằng y phục Rửa tội là y phục lễ cưới! Muốn hiểu biểu trưng ấy, chúng ta hãy nghe Thánh Phao-lô: «mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô» (Rm13, 14)… và câu quen biết: «Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.» (Gl3, 27)…hay là trong (Êp, 25-26): «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,» Ở đây phải tưởng tượng cô dâu đang trang điểm bước vào lễ cưới.

Y phục lễ cưới ở đây không phải những gì ta cho là công trạng, nhưng chính là Chúa Ki-tô, mặc lấy Ngài như Thánh Phao-lô nói, ghép vào Ngài, làm nên một với Ngài. Còn người kia không mặc y phục lễ cưới, sự im lặng của hắn được hiểu như sự từ chối cuộc đối thoại; trước âu hỏi:  «Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?» (c12) chỉ cần trả lời: «Thưa Ngài, con chỉ mong nơi Ngài, để mặc cho con».

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com