Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XXIX Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 45, 1.4-6)

 

"Ta đã cầm tay hữu của Ky-rô để bắt các dân suy phục trước mặt nó."

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a:

 

1 ĐỨC CHÚA phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô
- Ta đã cầm lấy tay phải nó,
để bắt các dân tộc suy phục nó,
Ta tước khí giới của các vua,
mở toang các cửa thành trước mặt nó,
khiến các cổng không còn đóng kín nữa.

4 Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,
và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en,
Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu,
dù ngươi không biết Ta.

5 Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác;
chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.
Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,

6 để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng
chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.
Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác.

 Trong lịch sử khó có chuyện xảy ra như thế này: một ngôn sứ Do Thái nói rằng ông vua xứ Ba-tư là đấng mê-si-a! Thật là thời buổi này đã đổi thay …

Lúc vị Tiên tri viết bài này, dân Do Thái đang bị đày bên Ba-by-lon đã gần năm mươi năm qua. Từ năm 587, quân của Na-bu-cô-đô-nô-so đã đánh chiếm Giê-ru-sa-lem, cướp bóc, tàn phá Đền Thờ và đem những người sống sót còn khỏe mạnh về làm tù chiến tranh. Thì đây, trong khắp vùng có tiếng loan truyền một lãnh tụ mới xuất hiện trên đời, chiến thắng khắp nơi, đó là Ky-rô vua xứ Ba-tư. Tin đồn này được đón nhận như một tin mừng đối với người Do Thái đang bị đày ở Ba-by-lon: Mọi người cảm nhận, như đây là một hoàng đế mới sẽ chiến thắng toàn vùng này, không có gì cản được ông.

Đây là một việc bất thường gây ấn tượng cho đám đông vì thế mọi người đều biết vị này khác với các lãnh tụ đương thời, có cách cai trị rất nhân bản: ngài tha chết cho kẻ bại trận, không tàn phá, không cướp bóc, không bắt buộc di dân. Trong các xứ ông chiến thắng, ông gặp những dân tộc bị đày do những kẻ chiến thắng trước (đó là trường hợp dân Do Thái, nạn nhân của vua Na-bu-cô-đô-nô-so). Mỗi lần như thế ông thả họ trở về, hoàn lại của cải bị cướp do những kẻ chiến thắng trước và còn cho điều kiện để xây dựng lại đất nước họ. Hẳn ông đã hiểu một hoàng đế phải nên là một kẻ đứng đầu một dân tộc hạnh phúc.

Trong bầu khí ấy, vị ngôn sứ xướng lên một tiên tri, nghe như một lời tuyên xưng đức tin: Ngài bắt đầu bằng câu sau đây: «ĐỨC CHÚA phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô» (c1) Trên thực tế, ngài không nói trực tiếp với vua Ky-rô, vì lẽ vua không khi nào đọc sách một tiên tri Do Thái tầm thường nào đó. Rất có thể, sứ điệp Tiên tri I-sa-i-a là để cho dân bị lưu đày nghe hầu mang lại hy vọng cho họ, niềm hy vọng dựa trên hai xác tín. Thứ nhất, Thiên Chúa trung tín với Giao Ước, Ngài không bỏ rơi dân Ngài chọn, đó là ý nghĩa câu: «Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en» (c4). Xin đừng quên, câu này được nói lên đúng lúc mọi người có lý do nghi ngờ như thế. Sở dĩ Ít-ra-en phải rơi thấp đến mức này, mất hết, không những độc lập chính trị, mà còn tệ hơn thế nữa, mất mọi tự do, đất đai, Đền thờ…nhiều người tự hỏi như thế. Chính cho những kẻ ấy, Tiên tri I-sa-i-a hết sức mạnh dạn tuyên bố: «Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en…» ngài không nói thêm, nhưng Thánh Phao-lô sau này nói: «Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình» (2Tm2, 13). Đấy là điều thứ nhất Tiên tri I-sa-i-a xác tín.

Điều thứ hai, Chúa luôn làm chủ mọi sự kiện: «Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.» (Is45, 5) Nên hiểu, chính Ky-rô, người vua ngọai giáo vĩ đại kia cũng nằm trong tay Ta. Các từ ngữ «xức dầu; cầm lấy tay phải nó; mở toang các cửa thành» là những ngụ ý, nói lên các nghi lễ tấn phong vua, vị tân vương nhận được tước là con Thiên Chúa, và sau đó được xức dầu; trong khi ấy, vua thuộc về trong tay Thiên Chúa. Để tiến vào phòng có ngai vua, các cánh cửa được mở ra, tượng trưng cho các cửa thành, quân địch cũng sẽ phải nhường cho vua qua. Vị Tiên tri thêm nhiều điều ám chỉ đến nghi thức phong vương vua Ít-ra-en như chính Chúa đã chọn và phong vương cho Ky-rô để phục vụ Ngài. Nhưng chính Thiên Chúa luôn giữ quyền thủ xướng.

Mặc dù bề ngoài như thế, bài này không phải một bài ca ngợi vinh quang vua Ky-rô mà còn có thể nói, để đặt Ky-rô đúng chỗ đứng của ông !. Vì thờ lạy bụt thần là một cám dỗ thật sự trong môi trường Ba-by-lon lúc bấy giờ. Cũng trong chương 45 này, Tiên tri I-sa-i-a cảnh báo về thờ lạy bụt thần và không ngừng lặp lại Chúa là Thiên Chúa Duy Nhất. Chính lúc Ky-rô hết bay nhảy từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, Tiên tri I-sa-i-a nhắc cho dân Do Thái rằng Chúa là Thiên Chúa thật sự. Chính Ky-rô ở trong tay Ngài: Chúa biết cách biến chiến thắng của vị vua dân ngoại này thành diều lợi ích cho dân Chúa chọn. Và vị vua ngoại ấy, chính ông cũng không ý thức, vô tình phục vụ cho dự án Thiên Chúa. Tiên tri I-sa-i-a nhấn mạnh: «Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta…Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ » (Is45, 4, 5b). Thậm chí, câu này rất quan trọng được viết như cho dân Chúa chọn, trên thực tế, họ ở trong tình trạng có vẻ tuyệt vọng. Nhưng đấy mới chính là đức tin của vị ngôn sứ.

Niềm hy vọng dựa trên hai xác tín, có thể tóm tắt như sau: Bởi vì Chúa vẫn là chủ nhân, Ngài không quên anh em, vậy hãy can đảm lên! Từ bị chiếm đóng, từ bị chà đạp dưới gót giày ngoại bang, Chúa có cách làm ra sự lành. Không có một thế lực loài người nào có thể chống lại Thiên Chúa. Sau này Thánh Phao-lô nói: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người,» tức là những ai cậy trông nơi Người (Rm8, 28). Chúng ta biết sau đó chuyện gì xảy ra: Tương lai xác chứng Tiên tri I-sa-i-a có lý. Thật vậy, Ky-rô đánh chiếm Ba-by-lon năm 539 trước CN. Ngay từ năm 538 ông cho dân Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem, được hoàn lại của cải bị cướp bởi quân của Na-bu-cô-đô-nô-so và ban cho một số tiền trợ cấp xây lại Đền Giê-ru-sa-lem.

Điều lưu ý cuối: Ky-rô được gọi là «mê-si-a» bởi vì ông được Chúa chọn để giải phóng dân Ngài. Mặc dù ông không phải là vua, hay ngôn sứ Ít-ra-en, cũng không phải là thượng tế; nhưng điều quan trọng là công trình của ông. Từ đó có thể suy luận rằng, mỗi lần một ai hành động trong hướng giải thoát con người thật sự, người ấy hoàn tất công trình Thiên Chúa. Đây là một mặc khải quan trọng của Thánh Kinh. Dĩ nhiên phải đồng ý với nhau thế nào là «giải thoát».

Thật vậy, trong những người nghe Tiên tri I-sa-i-a, có người cho rằng lời ngài quá táo bạo. Điều này chúng ta có một phản biện tuyệt vời chính từ người ngôn sứ (vài hàng sau chương 45 của chúng ta), đây là lời của Chúa: «Ngươi dám chất vấn Ta về những gì xảy đến cho con cái Ta, ngươi dám truyền cho Ta phải làm gì cho tác phẩm của Ta ?» (Is45, 15)

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 95, 1.3-10)

 

Đáp: «Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế và vinh quang»

 

1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!

2 Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,

3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

4 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,

5 vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.

6 Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ, trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

7 Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước, dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,

8 hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,

9 và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,  toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.

10 Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng

11 Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật,

12 ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh,

13 hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

 

Thật đáng tiếc, nếu chúng ta đọc bài Thánh vịnh 95 (96) tuyệt vời này chỉ vài câu như trong  phụng vụ Thánh Lễ hôm nay. Vì thế, chúng tôi chép toàn bài nơi đây. Có một lực rung động khó tả, phấn chấn xuất phát từ những câu này. Tại sao rung động? Tại sao thế, khi hát bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem trong một giai đoạn không có gì hứng thú! Nhưng vì đức tin làm cho dân tộc này rung động - đúng hơn là lòng cậy trông - cậy trông là niềm vui trong đức tin…Lòng cậy trông làm cho có thể khẳng định vững vàng những gì ta chưa đạt được.

Vì lẽ mọi người sống trước hạn: Bài Thánh vịnh này dẫn chứng ngay đến ngày cánh chung, ngày được chúc phúc, ngày ấy mọi dân tộc không trừ một ai sẽ nhận ra Thiên Chúa là Chúa duy nhất. ngày rốt cục toàn nhân loại đặt mọi tin tưởng chỉ nơi Ngài, Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh ấy qua bài Thánh vịnh này.

Chúng ta đang ở trong thành Giê-ru-sa-lem, chính xác là trong Đền Thánh. Tất cả các dân tộc, mọi quốc gia, mọi chủng tộc chen nhau vào gần Đền Thánh, quảng trường chen chúc người là người, bậc thang lên Đền đen kịt cả người. Thành Giê-ru-sa-lem không còn đủ chỗ nữa…nhìn  mút tầm mắt còn thấy đám đông đổ về …từ khắp nơi, từ tận cùng cõi đất. Và tất cả đám đông trùng trùng điệp điệp ấy hát lớn lên, như một bài hòa tấu. Họ hát những gì? «Thiên Chúa hiển trị» tiếng tán tụng vang lên khắp bầu trời, tuyệt vời, vĩ đại…Lời hoan hô như trong mỗi lễ đăng quang một tân vương, nhưng lần này không phải dân tộc Ít-ra-en tung hô một vua trái đất, nhưng là toàn nhân loại tung hô vua vũ trụ: «CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần» (c4) (những từ ngữ này thường dành cho hàng vua chúa)

Thật ra, còn lớn hơn cả nhân loại. Toàn thể địa cầu rung chuyển. Và đây, tất cả đại dương cùng hòa vào bài nhạc hòa tấu: dường như bể cả gầm lên. Và cây cối cũng nhập vào buổi lễ, cây cối nhảy múa. Có ai thấy cây múa bao giờ? Thế mà ngày ấy cây cũng nhảy múa! Dĩ nhiên, nếu nghĩ cho thấu, điều này bình thường thôi! Biển cả ít dại khờ hơn con người! Chúng biết ai làm ra chúng, ai là Đấng tạo hoá! Chúng gầm lên cho Ngài, chúng tán dương theo cách của chúng. Cây cối trong rừng cũng ít dại khờ hơn con người: chúng biết nhận ra Đấng tạo hóa: giữa cả đám bụt thần, những vị chúa giả, không thể nào nhầm lẫn được, cây cối không để mình bị lừa.

Con người thì để mình bị ru ngủ thật lâu. Chỉ cần nhớ lại bài của Tiên tri I-sa-i-a về vua Ky-rô (bài đọc 1) và lời ngài nhấn mạnh: «chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác.» (Is45, 5) - Điều này minh chứng rằng thời Ngôn sứ I-sa-i-a, thờ lạy bụt thần, dưới hình thức này hay hình thức khác không xa lạ gì! - Chúng ta nhận ra trong bài này thỉnh thoảng một mũi nhọn chống lại thờ lạy bụt thần. «chư thần các nước thảy đều hư ảo» (c5). Thật khó tin, con người phải mất bao nhiêu thời gian mới nhận ra Đấng Tạo Hóa, Người Cha của họ…phải lặp lại hằng trăm lần điều hiển nhiên là Thiên Chúa «khả tôn khả uý hơn chư thần»; và Ngài là «ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao» (c5) (ngụ ý nói không phải là một ai khác 

Nhưng lần này, mọi sự đã đến! Mọi người đến Giê-ru-sa-lem để ngợi khen Thiên Chúa, bởi vì rốt cục mọi người đã nghe Tin Mừng; và sở dĩ mọi người được nghe vì Tin Mừng được tung hô vào tai họ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác! Thật vậy! Tin Mừng được «kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển» (c5) ngày qua ngày, Ít-ra-en thuật lại cho mọi nước hay những kỳ công của Người, những điều kỳ diệu - nên hiểu là kỳ công giải thoát liên tục của Chúa - ngày qua ngày Ít-ra-en làm chứng cho Chúa, trước tiên Ngài đã giải thoát khỏi Ai-cập, và sau đó khỏi mọi hình thức nô lệ, và tồi tệ hơn hết là lầm tưởng vế Thiên Chúa, đặt niềm cậy trông vào những giá trị ảo, những thần thánh giả tạo chỉ đưa đến thất vọng đó là bụt thần…

Ít-ra-en có một cơ may vô cùng lớn lao, một vinh dự vô ngần, một niềm hạnh phúc được mặc khải và được trao sứ mạng nói lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đấng Vô Biên ấy là Chúa, là Thiên Chúa Duy Nhất. Như trong Kinh Tin Kính Ít-ra-en «Ít-ra-en hãy nghe đây, Thiên Chúa ngươi là Thiên Chúa Duy Nhất». Đó là mầu nhiệm sứ mạng dân tộc Ít-ra-en mà chúng ta không ngơi ngạc nhiên thán phục. Như sách Đệ Nhị luật nói: «Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl4, 35). Nhưng dân được Chúa hứa không bao giờ quên, sở dĩ họ được mặc khải, là để chính họ phải mặc khải cho nhân loại.   

Và rốt cục, Tin Mừng được nghe cho đến tận cùng trái đất…và mọi người chen nhau đi đến nhà Cha. Chúng ta đang trong tâm trạng kẻ sống trước sự kiện! Trong khi chờ đợi giấc mơ này trở nên hiện thực, dân tộc Ít-ra-en hát vang lên bài Thánh vịnh này để canh tân đức tin và lòng cậy trông của họ, để múc lấy mãnh lực thực hiện sứ mạng mang tin mừng đến muôn dân.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Tx 1, 1-5b)

 

"Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em."

Trích sách Thánh Phao-lô Tông đồ gửi cộng đoàn thành Thê-xa-lô-ni-ca:

 

1 Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an.

2 Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện,

3 và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.

4 Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em,

5 vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em

 

Đây là một văn bản Ki-tô đầu tiên! Chúng ta thường quá quen thuộc đọc các Tin Mừng đầu Tân Ước, đến nỗi có thể quên rằng những sách ấy được viết sau các thư của Thánh Phao-lô Tông đồ. Thư đầu tiên gửi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca được viết chỉ khỏang hai mươi năm sau khi Chúa Ki-tô phục sinh. Vì thế chúng ta có thể khẳng định sự rao giảng của Ki-tô giáo đầu tiên được ghi lại trong các thư này. Lần đầu, con người cố gắng thể hiện bằng văn bản mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta đang ở năm 50, thế mà Tin Mừng đã được rao giảng rất xa Giê-ru-sa-lem rồi. Thê-xa-lô-ni-ca là thuộc về Âu châu, miền Bắc xứ Hy-lạp, một vùng gọi là Ma-kê-đô-ni-a, nhưng trước khi đến đấy, Thánh Phao-lô đã gầy dựng nhiều giáo đoàn khắp miền Nam, miền Trung và bờ biển miền Tây xứ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhờ sách Công vụ Tông đồ, chúng ta được biết những gì đã xảy ra. Lúc Thánh Phao-lô đang thi hành sứ vụ tại bờ miền Tây xứ Thổ Nhĩ Kỳ, một đêm ngài có một thị kiến, thấy một người Ma-kê-đô-ni-a van nài ngài đến xứ họ: «Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi!» (Cv16, 9) Và Thánh Lu-ca ở đấy cùng lúc với Thánh Phao-lô, kể tiếp: «Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.» (Cv16, 10) Thì đây, là các nhà truyền giáo của chúng ta (các Thánh Phao-lô, Lu-ca và Si-la) trên bờ biển Hy-lạp. Thành Phi-líp-phê là giai đoạn đầu tiên (những ngày gần đây chúng ta đọc thư gửi Giáo đoàn Phi-líp-phê) và chúng ta cũng được biết suýt chút nữa có một kết cuộc bi đát: Đầu tiên họ được tiếp đón nồng hậu, nhưng nhanh chóng sau đó bị kết tội phá rối trị an, bị đánh đòn và nhốt vào tù; may thay, có một cuộc động đất được Chúa quan phòng xảy ra nơi ấy, rốt cục họ thả các ngài ra và ra lệnh phải rời khỏi thành.

Từ đó, các ngài mới đến thành Thê-xa-lô-ni-ca. Vừa đến nơi, Thánh Phao-lô liền rao giảng cho người Do Thái vào Lễ sáng ngày thứ Bảy trong nhà nguyện Do Thái, và liền ba thứ Bảy liên tục như thế. Theo sách Công vụ Tông đồ, thuyết giáo của thánh nhân lúc nào cũng như thế. «dựa vào Kinh Thánh, ông giải thích và xác định rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết; ông nói: "Đấng Ki-tô ấy, chính là Đức Giê-su mà tôi rao giảng cho anh em.» (Cv17, 2b-3), tài liệu viết tiếp: «Trong nhóm đó, có mấy người đã chịu tin theo và nhập đoàn với ông Phao-lô và ông Xi-la; một số rất đông những người Hy-lạp tôn thờ Thiên Chúa và không ít phụ nữ quý phái cũng làm như vậy.» (Cv17, 4)

Vì thế, chúng ta đã được biết cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca gồm có những ai, những nhân vật được nói đến trong bài này. Thế nhưng, Thánh Phao-lô như thường lệ không chỉ nói lên phần phấn chấn. Thì ở đây, cũng theo sách Công vụ Tông đồ: «Nhưng người Do-thái sinh ghen tức, họ quy tụ một số du đãng đầu đường xó chợ, họp thành đám đông, gây náo động trong thành. Họ kéo đến nhà ông Gia-xon, tìm ông Phao-lô và ông Xi-la để đưa hai ông ra trước đại hội toàn dân» (Cv17, 5), vì thế phải nhanh chóng cẩn thận đưa Thánh Phao-lô và Si-la ra khỏi thành. Do vậy, Thánh Phao-lô phải từ biệt giáo đoàn này quá nhanh chóng, và lâu sau, ngài vẫn âu lo cho giáo đoàn này. Khi Thánh nhân viết thư chúng ta đang đọc, những hàng đầu hôm nay, là lúc hai ông Ti-mô-thê và Xi-la cố gắng trấn an ngài, hai ông đã ở lại Ma-khê-đô-ni-a, và nay mang tin tốt đẹp báo cho ngài. Chúng ta hiểu giọng vui mừng trong phần đầu thánh thư: Bầu khí nhẹ nhõm bớt gánh nặng sau một thời lo lắng.

«Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. Tạ ơn Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em» (1Tx1, 1,2) Ngay từ câu đầu, tính cách trịnh trọng của lời chào làm cho ta ngạc nhiên: Mặc dù giáo đoàn này còn nhỏ bé mà Thánh nhân gọi rất long trọng «Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô». Sự tôn trọng vô hạn của Thánh Phao-lô đối với các giáo đoàn Ki-tô, ngay cả đối với những giáo đoàn tầm vóc khiêm nhường, là một đặc điểm của các thánh thư của ngài. Và chắc chắn đó là lý do gợi lên người nghe lời tạ ơn và niềm vui mừng, đây cũng là một nét đặc thù của tất cả đoạn đầu các thư ngài viết, ngay cả những lúc không có gì phải khen ngợi các người nhận thư. Cho dù có những thiếu sót, những bất toàn, ngài nhìn qua đó là tác động của Thiên Chúa: «Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em,  vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em»(c4-5).

Những dòng này chứa đựng những xác tín thần học vĩ đại. Tôi nhìn thấy ít nữa ba xác tín. Bài này có tính cách Ba Ngôi Thiên Chúa; dĩ nhiên chữ Ba Ngôi không có trong ấy - chỉ sau này người ta mới tạo ra chữ ấy -  nhưng ở đây, Đấng Giê-su được gọi là Chúa, tước hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa trong Cựu Ước và lời tạ ơn nói đến Tam Vị: «…trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin,…  và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô…khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa» 

Điều thứ hai là tác động của Chúa Thánh Thần linh ứng và làm cho người tín hữu có thể hành động. Nhân đây tôi xin lưu ý ba nhân đức đối thần: Đức tin đồng nghĩa với hành động, đức cậy là cương nghị và đức ái là dấn thân thực tiễn. Và sau cùng xác tín thứ ba - và cũng là bài học cho mọi người truyền giáo -  chính Thánh Phao-lô rao giảng, nhưng ngài biết đó là tác động của Thần Khí; thì đây là lúc đặt mọi lời rao giảng vào đúng chỗ của nó. Chúng ta nhìn ra nơi đây cũng như trong suốt Thánh Kinh, mầu nhiệm sự chọn lựa của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói cùng anh em thành Thê-xa-lô-ni-ca: «Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em,» (c4) Cũng như xưa kia Chúa Giê-su nói với các môn đệ: «Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em,» (Ga15, 16), cũng như ông Mô-sê nói với các chi tộc khi ông dẫn họ đi tìm tự do: «ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em» (Đnl7, 7-8), đó là cách nói tất cả là quà ban tặng nhưng không. Một khi người tín hữu (dù là Ít-ra-en, các môn đệ Chúa Giê-su, hay các tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca) tỏ ra mở lòng cho Lời Chúa và để cho mình được thay đổi, thì đó là chúng ta nhờ bởi ơn Chúa Thánh Thần.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 22, 15-21)

 

Alleluia, alleluia!

– Chúa phán: Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta – Alleluia.

------------------

"Cái gì của Cê-sa-rê thì hãy trả cho ông Cê-sa-rê, và cái gì của Thiên Chúa, thì hãy trả cho Thiên Chúa."

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy.

16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.

17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? "

18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!

19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!" Họ liền đưa cho Người một quan tiền.

20 Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? "

21 Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa

 

Để trả lời câu hỏi: «có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?» Chúa Giê-su gọi những người đặt câu hỏi ấy là người giả hình! Tại sao giả hình, nếu không giả hình tại sao đặt câu hỏi ấy mà thật ra không phải là một câu hỏi…Giả hình vì hai lý do: Trước hết, giả hình vì câu hỏi ấy - giả dụ như trong quá khứ họ muốn hỏi thật - thì từ lâu họ đã được giải quyết rồi. Ở Giê-ru-sa-lem, nơi diễn ra vở kịch này, không có cách nào khác hơn, chỉ trừ khi quyết định sống ngoài vòng pháp luật, không ai trong đám người này muốn sống như thế, người Pha-ri-sêu cũng như những người theo vua Hê-rô-đê. Trả thuế cho hoàng đế: «…của Xê-da, trả về Xê-da», họ vẫn làm như thế và Chúa Giê-su không trách gì họ.

Nhưng điều thứ hai giả hình là vì họ không đặt câu hỏi mà giăng một cái bẫy. Thánh Mát-thêu nói rõ điều ấy, có thể nói ngài nhấn mạnh điểm này: «… những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy» (c15). Và lời lẽ kính cẩn dối trá trước khi đặt cây hỏi làm nổi bật lên điểm ấy: «Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.» (c15) Tất cả loại dịu dàng hòa nhã ấy chỉ là để mở đầu một câu hỏi-bẫy, theo lẽ thường tình, thì Chúa Giê-su không thể nào thoát được. Có hai cách trả lời, hoặc Ngài khuyến khích đồng bào từ chối góp thuế cho quân xâm lược Rô-ma, và Ngài sẽ dễ dàng bị tố cáo với chính quyền theo kháng chiến hay tệ hơn muốn làm cách mạng, và sẽ bị kết án, hoặc là Ngài khuyên trả thuế, và sẽ bị mất uy tín trước mắt dân chúng như kẻ cộng tác với ngoại bang, cũng như cách Ngài tiếp xúc với những người thu thuế, nhưng tệ hơn thế nữa, là sẽ mất hết cơ may được nhận ra là Đấng Mê-si-a. Vì Đấng Mê-si-a mọi người hằng mong ước là một vị vua độc lập, uy quyền ngự trên ngai Giê-ru-sa-lem, dĩ nhiên trong trường hợp này phải trải qua một cuộc nổi loạn chống lại quân Rô-ma. Và nếu Ngài cho mình là Đấng Mê-si-a, trước mắt dân chúng và giáo quyền, Ngài xứng đáng bị tử hình, vì là một kẻ gian dối, phạm thượng.

Cái bẫy đã sẵn sàng. Trước sau gì Ngài cũng thua, và đó là chính điều họ tìm kiếm. Cơ hội đầu tiên mà cũng là một thành công để giết Ngài. Cuộc Thương Khó bắt đầu hiện ra dưới chân trời, chúng ta đang trong những giai đoạn cuối cùng ở Giê-ru-sa-lem. Trong cách trả lời, chứng tỏ Ngải đã hiểu tất cả: «Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!» (c18) Cái bẫy đó không lừa được Chúa. Nhưng tuyệt nhiên, không nên nghĩ rằng Chúa muốn làm cho những người đối diện bối rối khó chịu: Chúa Giê-su không bao giờ đặt người khác vào tình thế bối rối khó chịu hay giăng một cái bẫy cho một ai; điều đó không xứng đáng là một Thiên Chúa soi sáng kẻ xấu và kẻ tốt.

Hơn nữa, những lời phỉnh nịnh của những kẻ chống đối Ngài nói ra để chế nhạo Ngài đều là sự thật: « Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.» (c16) Hẳn Thánh sử rất sung sướng viết những lời khen ngợi này vì biết rằng Chúa đáng được nói như thế. 

Chúa Giê-su không đáp lại một cái bẫy bằng một cái bẫy khác. Ngài xem câu hỏi đặt ra như một câu hỏi và thật sự trả lời. Ngài trả lời trên ba điểm: «của Xê-da, trả về Xê-da» (c21); chỉ trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da; «của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa»

1/ «…của Xê-da, trả về Xê-da» (c21) kể cả trả thuế. Đó là một cách đơn thuần nhìn nhận Xê-da là người nắm quyền lực, điều này là sự thật hoàn toàn. Không có gì là hèn hạ thỏa hiệp. Trái lại, chấp nhận một thực tế. Trong cách nhìn theo Cựu Ước, tất cả chính quyền đều đến từ Thiên Chúa; Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó cũng có nói với Phi-la-tô «Đức Giê-su đáp lại: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài» (Ga19, 11). Đàng khác (Tiên tri nhắc lại cho chúng ta trong Bài đọc 1) khi nói về vua Ky-rô, Chúa có thể khiến cho các vua nhân loại làm những điều tốt lành cho chư dân. Thế nhưng những người Pha-ri-sêu biết rõ hơn chúng ta tài liệu Tiên tri I-sa-i-a nói về Ky-rô: Họ biết rằng mọi quyền lực, ngay từ người ngọai đều trong tay Thiên Chúa. Nhân đây, xin lưu ý Xê-da lúc ấy tên là «Ti-be», Xê-da chỉ là một tước hiệu.

2/ «Hãy chỉ trả lại cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da»: Khi Xê-da (tức là hoàng đế Rô-ma) đòi đóng thuế, ông có quyền đó. Nhưng khi ông buộc gọi ông là chúa, đòi phải tôn thờ ông, khi ấy ông đưa đến chỗ thờ phượng bụt thần: Thì điều này không thể thỏa hiệp được. Thời điểm Thánh sử Mát-thêu viết Tin Mừng này, giả thuyết ấy là một thực tế. Có rất nhiều người tử vì đạo vì từ chối tôn thờ hoàng đế Rô-ma.

3/ «…của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» Vấn đề chủ yếu là ở đây: Các bạn có chắc là trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa? Trong trường hợp này là nhìn nhận Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, Ngài là Chúa.

Dù không muốn rút ra từ bài này một thuyết về quyền lực chính trị - mà Chúa rõ ràng không muốn thế, vì Ngài không muốn đặt mình vào lãnh vực ấy - chúng ta nhận ra từ đoạn Thánh Kinh này, một bài học đáng ngạc nhiên về sự tự do; các vua trên trái đất chỉ là những vua con. Vương triều của họ chóng qua, Nước Trời hoàn toàn khác: Chính từ trong lòng những vương quốc thế gian, mọi công trình yêu thương và huynh đệ làm lớn lên Vương Quốc Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com