Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Lễ Các Thánh Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Kh 7, 9. 14b-17)

 

"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

 

9 Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế

14….Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.

15 Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn.

16 Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa.

17 Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.

 

Đã qua rồi, nào là những dòng lệ đau khổ, những cơn đói khát, những thử thách trăm chiều. Trước khi đọc bài này, chúng ta nên nhớ nội dung gửi đến một cộng đồng vừa trải qua một thời gian bị bách hại đau thương, đối với họ chữ « thử thách » không chỉ là một từ ngữ trừu tượng! Hơn nữa, tác giả nói cho chúng ta: « Sau đó, tôi thấy », đây là một thị kiến. Vì thế để hiểu, hãy để cho trí tưởng tượng dìu dắt chúng ta.

Có vài cột mốc có thể giúp chúng ta. Câu nói đám đông « đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi », làm cho chúng ta nghĩ ngay đến ông Áp-ra-ham. Chúa đã hứa cho ông một hậu duệ đông đúc « Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! » (St 15, 5). Và cũng trong sách Sáng Thế vài chương sau: « 17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển » (St 22, 17). Sách Khải Huyền là bộ sách sau cùng của Tân Ước, giúp cho chúng ta chiêm ngắm công trình Thiên Chúa rồi cũng được hoàn tất.

Chúng ta nhận ra một đám đông nhiều quốc gia nhiều chủng tộc, nhiều giống dân nhiều ngôn ngữ: bốn từ ngữ để nói lên ý nghĩa bao gồm toàn nhân loại. Như tiên tri I-sa-i-a đã nói: « 5Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy » (40, 5).

Tiên tri I-sa-i-a nói vinh quang của Đức Chúa chính là sự đói khát được xóa bỏ, không còn ai phải khóc than. Trong chương 49 sách I-sa-i-a chúng ta có thể đọc nguyên tác về sự cứu độ: « 10 Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào » (Is 49, 10). Hơn nữa sự cứu độ, ấy là sự hiện diện của đấng cùng là nguồn mạch của hạnh phúc thật: I-sa-i-a diễn tả bằng « Đấng thương xót chúng », trong lúc thánh Gio-an nói: « Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn ». Khi thánh Gio-an nói như thế, mọi người hiểu ngài muốn nói điều gì, vì dân Do Thái chỉ chờ mong có thế: Thiên Chúa « cắm lều » nơi họ, đó là cách nói Thiên Chúa hiện diện muôn đời với họ. Đó là mầu nhiệm sự gần gũi, thân tình, hiện diện thường xuyên. Đến đây chúng ta còn nhớ thánh sử Gio-an trong Phúc Âm, ngài cũng dùng cùng cụm chữ này nói về Chúa Ki-tô: « 14 Ngôi Lời … cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1, 14)

Trong dân Do Thái, có vài người được vinh dự sống trước sự gần gũi ấy, đó là các kinh sư: họ phục vụ Thiên Chúa ngày đêm trong đền Giê-ru-sa-lem, nơi có biểu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Gio-an hình dung một ngày cả nhân loại được nhận vào sự thân mật ấy với Thiên Chúa: « tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên…, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người ».

Để miêu tả đám đông ấy, thánh Gio-an pha trộn phụng vụ Do Thái với phụng vụ Ki-tô làm cho bài khó hiểu nhưng cũng làm cho phong phú hơn.

Để trích dẫn đến phụng vụ Do Thái, ngài ám chỉ đến Lễ Lều. Lễ ấy gợi lên vừa quá khứ vừa tương lai được Chúa hứa. Để nhớ lại thời còn trong sa mạc - thời điểm được khám phá Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị, một Thiên Chúa gần gũi và dịu dàng - mọi người sống dưới lều trong 8 ngày lễ (lều được dựng lên cho những ngày lễ, ngay trong thành phố, ngày nay cũng còn như thế). Vì lẽ đó ngày lễ được mang tên Lễ Lều. Trong dịp này, tám ngày lễ loan báo tương lai được Chúa hứa sự tạo dựng mới (mỗi lần chúng ta thấy con số tám trong Thánh Kinh là có ý ấy). Mọi người mừng trước sự chiến thắng của đấng Mê-si-a trong tương lai, với Ngài là sự chu toàn công trình của Thiên Chúa, tức là hạnh phúc cho mọi người.

Trong các nghi lễ của Lễ Lều, thánh Gio-an ghi lại nghi thức các cành thiên tuế: mọi người diễu hành chung quanh bàn thờ, trong đền Giê-ru-sa-lem. Trong cuộc diễu hành, mỗi người cầm một bó lá, trong ấy có một cành thiên tuế (có thêm một cành mia, một cành liễu và cành một loại chanh, cây thanh yên)

Cũng trong cuộc diễu hành, mọi người hát « Hô-sa-na » Vừa có nghĩa là « Chính Chúa ban ơn cứu độ » mà cũng có nghĩa : « Lạy Chúa, xin cho con ơn cứu độ ». Vì thế nếu chúng ta đọc toàn bài của thánh Gio-an (không cắt ra) thì chúng ta sẽ đọc: « … tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi…  Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế… 10 Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta » (Kh 7, 10).

Còn một nghi lễ khác của ngày Lễ Lều, đó là diễu hành ở hồ Si-lô-ác, ngày thứ tám và là ngày cuối Lễ: một đám rước mang nước đến rải lên bàn thờ. Nghi lễ thanh tẩy ấy tiên báo sự thanh tẩy vĩnh viễn Thiên Chúa đã hứa qua lời các Tiên Tri, và đặc biệt là Da-ca-ri-a: « 1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế » (Dc 13, 1). Sau này cũng vào Lễ Lều và đúng ngày thứ tám Chúa Giê-su nói (và cũng chính thánh Gio-an kể lại) (Ga 7, 37.38) « 38 Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống ». Trong bài này thánh Gio-an loan báo: « Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh » (c17)

Từ phụng vụ Ki-tô thánh Gio-an rút ra áo trắng người được Rửa Tội và máu Con Chiên (Xin nhắc lại máu là dấu ấn sự sống được ân ban). Ở đây thánh Gio-an nói cho chúng ta: tất cả những gì Lễ Lều loan báo bằng những biểu tượng, từ nay được thể hiện. Từ Xuất Hành toàn dân chờ mong ngày được thanh tẩy vĩnh viễn, Giao Ước được tái lập, sự hiện diện hoàn toàn của Thiên Chúa giữa họ. Thì đây nơi Chúa Giê-su Ki-tô mọi điều chờ mong được hoàn tất: qua Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể, nhân loại được thông phần vào đời sống của Đấng Phục Sinh và được ngự vĩnh viễn trong tình thân của Thiên Chúa.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 23, 1-6)

 

"Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh"

 

CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.

2 Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.

3 Ai được lên núi CHÚA?
Ai được ở trong đền thánh của Người?

4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.

5 Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.

6 Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.

 

Như mọi thánh vịnh, chúng ta đang trong bối cảnh Đền Giê-ru-sa-lem. Một cuộc diễu hành vĩ đại sắp xảy ra. Gần đến cửa Đền, nhiều tốp ca đoàn luân phiên hát đối thoại nhau một bài thánh ca: « 3 Ai được lên núi CHÚA? » (Các bạn hẳn còn nhớ Đền Giê-ru-sa-lem được xây trên đồi cao): « Ai được ở trong đền thánh của Người? ». Ngôn sứ I-sa-i-a đã so sánh Thiên Chúa ba lần thánh như ngọn lửa đốt cháy. Trong chương 33 ngài còn hỏi: « Ai trong chúng ta ở gần được lửa thiêu? Ai trong chúng ta ở gần được hoả hào muôn kiếp? »( Is 33, 14)( Ngụ ý nói tự chúng ta, mắt không thể chịu đựng được ánh chiếu lòa của hào quang Ngài). Đây là tiếng kêu vang lên của những người đang hiện diện, mặc dù biết mình không xứng đáng, trước một Thiên Chúa Chí Thánh. Đó là điều vĩ đại, dân Ít-ra-en được mạc khải như thế. Chúa Chí Thánh, Đấng Rất Khác Biệt : « Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. », lời I-sa-i-a cất tiếng ca ngợi, phấn chấn trước sứ vụ của mình, và, đồng thời, loan báo một Thiên Chúa Khác Biệt, cũng là Thiên Chúa Thật Gần gũi con người, và như thế làm cho con người « chịu được » đứng trước mặt Ngài, như I-sa-i-a nói.

Bài hát tiếp : «4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.». Đấy là câu trả lời, vì sao đây là người có thể chịu được trước mặt Thiên Chúa. Trước hết không phải một thái độ luân lý: tôi vừa nói dân chúng biết mình được chấp nhận mặc dù mình không xứng đáng. Nhưng đây là một thái độ hội nhập đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, tức là từ chối ngẫu tượng. Điều kiện duy nhất đòi hỏi, đó là trung tín với Thiên Chúa duy nhất, tức là « chẳng mê theo ngẫu tượng », như câu 4 bài Thánh vịnh. Hơn nữa nếu chúng ta dịch theo nghĩa đen thì câu sẽ như thế này : « kẻ không nâng lòng mình lên những thần thánh trống rỗng », cụm chữ nâng lòng mình lên, tức là cầu khẩn. Thì đây chúng ta nhận ra một câu chúng ta quen thuộc trong ( Tv123, 1) : « Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa». Cũng như trong sách Da-ca-ri-a được Thánh Gio-an lặp lại : «Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu» (Ga19, 37). Ngước mắt hướng nhìn lên, theo Thánh Kinh có nghĩa là cầu nguyện, van xin, nhìn nhận là Thiên Chúa. Người có thể chịu đựng được trước mặt Thiên Chúa là kẻ không ngước mắt nhìn lên ngẫu tượng, như những dân tộc khác.  

…« kẻ tay sạch lòng thanh » trong câu 4 cũng có nghĩa như thế, chữ « sạch »ở đây có nghĩa giống như trong hóa học: sạch là tinh tuyền không lẫn lộn thứ gì khác. Lòng thanh sạch tức là hoàn toàn ngoảnh mặt khỏi mọi ngẫu tượng, để chỉ quay về Thiên Chúa. « kẻ tay sạch lòng thanh » cũng có nghĩa như thế. Tay sạch tức là tay không hề dâng của lễ cho ngẫu tượng, là những bàn tay không giơ lên trời cao cầu nguyện những thần giả. Phải biết thưởng thức hai cách nói song song này, giữa hai cụm chữ của câu « 4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh…chẳng mê theo ngẫu tượng »Phần thứ hai đồng nghĩa với phần đầu : kẻ lòng thanh và tay sạch, là người không trao linh hồn cho ngẫu tượng.

Chúng ta chạm nơi đây vào một cuộc chiến các ngôn sứ không ngừng tranh đấu để dân chúng từ bỏ vĩnh viễn hành đạo với ngẫu tượng. Trong Bài đọc 1 chúng ta chứng kiến Tiên tri I-sa-i-a đương đầu với vua A-khát vào thế kỷ thứ VIII ; nhưng chưa hết. Trong thời gian lưu đày Ba-by-lon dân chúng chung đụng với nền văn minh đa thần. Bài Thánh Vịnh hôm nay hát lúc Lưu Đày về, khẳng định lại một cách mạnh mẽ điều kiện tiên quyết này của Giao Ước. Ít-ra-en là dân tộc cố gắng hết sức mình «tìm thánh nhan Thiên Chúa», như câu sau cùng bài Thánh Vịnh. Từ ngữ tìm thánh nhan trước kia được các thị thần dùng khi muốn được chấp nhận trước dung nhan nhà vua: đây là cách nhắc lại đối với Ít-ra-en, vua duy nhất, chính là Thiên Chúa.

Trong lúc các ngẫu tượng chỉ là những thần tượng « trống rỗng », như người ta thường nói - đầu tiên là con bê vàng được tạc trong Xi-nai thời Xuất Hành, có thể nói khi ông Mô-sê quay lưng đi, chậm xuống núi vì ông được gặp Thiên Chúa trên ấy - dân chúng vây lấy ông A-ha-rong, gây áp lực đến khi ông phải chấp nhận tất cả vàng của họ để đúc ra tượng con bê vàng bất hủ. Các ngôn sứ không tiết kiệm những lời lẽ khắt khe nào để đả kích những kẻ tạo nên từng mảnh một ngẫu tượng, để rồi quỳ bái lạy trước nó. Tôi xin đọc thánh vịnh 115 cũng nói lên điều này: « 4 Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. 5 Có mắt có miệng, không nhìn không nói, 6 có mũi có tai, không ngửi không nghe. 7 Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng. 8 Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy…3 Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên.» Chỉ có trung tín với Thiên Chúa duy nhất là điều kiện để có thể lãnh nhận lời hứa cho tổ tiên họ, đó là ơn cứu độ. Cuộc chiến chưa hẳn đã thắng vì cho đến khi Chúa Giê-su đến, Ngài còn thấy cần nhắc lại : «24 "Không ai có thể làm tôi hai chủ  » ( Mt6, 24).

Hiểu cách khác, sự trung tín với Thiên Chúa duy nhất dẫn đến những hậu quả thực tiễn cho đời sống xã hội: kẻ có lòng thanh dần dần trở nên con người có quả tim bằng thịt, không còn biết hận thù ; kẻ có tay sạch không còn làm sự dữ. Câu kế tiếp «5 Người ấy sẽ …được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng », điều này nói rõ hai nghĩa: dễ hiểu nhất đó là tuân theo kế hoạch Thiên Chúa, như thế người công chính là người chu toàn sứ vụ của mình ; nghĩa sâu xa hơn: sự công chính mời gọi chúng ta hoàn toàn tuân theo suốt tất cả đời sống xã hội chúng ta vào dự án Thiên Chúa, tức là cho hạnh phúc con cái Ngài. Đọc bài Thánh Vịnh dường như ta nghe biểu hiện lên những mối Phúc Thật: « 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. »  (Mt 5, 5-7)

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Ga 3, 1-3 )

 

"Người thế nào, ta sẽ thấy Người như vậy"

Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Đồ

 

1 Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
-mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.

2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

3 Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô
thì làm cho mình nên thanh sạch
như Người là Đấng thanh sạch.

 

« Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào »(c1)Thánh Gio-an mời gọi chúng ta chiêm ngắm, bởi vì biết nhìn là chìa khóa mở ra cho đời sống đức tin chúng ta. Tất cả lịch sử nhân loại là một trường dạy cho con người cái nhìn. «…họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy » (Mc4, 12), đấy là thảm họa con người, thường được các tiên tri nói đến. Chính xác phải thấy gì ? Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, kế hoạch yêu thương, như Thánh Phao-lô nói. Thánh Gio-an chỉ nêu lên điều ấy trong những gì chúng ta vừa đọc. Tôi xin suy nghĩ về hai điểm : hệ thống chủ đề về cái nhìn và kế hoạch Thiên Chúa qua sự chiêm ngắm của Thánh Gio-an.

Về điểm đầu tiên, đề tài này được triển khai trong toàn bộ Thánh Kinh, và luôn luôn cùng một hướng : biết nhìn, mở mắt, tức là khám phá dung nhan thật của Thiên Chúa tình yêu ;  ngược lại cái nhìn có thể bị sai lệch. Chúng ta hãy nhớ lại một tài liệu mà thôi : câu chuyện bất hủ A-đam và E-va trong vườn Địa Đàng. Đúng là một câu chuyện về cái nhìn. Đây là một tài liệu được kể một cách tuyệt vời, trước hết bối cảnh được dựng lên : một mảnh vườn với vô số cây trái : « ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.» (St2, 9) Sau đó Thiên Chúa cho phép ăn trái của tất cả các cây trong vườn (kể cả cây trường sinh) nhưng cấm ăn một thứ trái, trái từ cây biết điều lành và điều dữ. Lúc bấy giờ con rắn can thiệp vào và đặt một câu hỏi bề ngoài vô tư, chỉ vì tò mò thôi : « "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?» (St3, 1c)

Các bạn hẳn để ý, chỉ cần lắng tai nghe con rắn, là đủ cho cái nhìn của E-va bị lệch đi. Vì lẽ từ nay, cây có vấn đề bà nhìn ở giữa vườn không còn phải là cây trường sinh nữa, đó là sai hẳn sự thật. Điều này có vẻ vô can nhưng tác giả cố tình ghi nhận, dĩ nhiên rồi : «Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết. » (St3, 2) Khi ấy con rắn muốn cám dỗ bà E-va, liền nói cho bà an tâm : « Chẳng chết chóc gì đâu!  Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác» (St3, 4-5). Và tài liệu tiếp, cũng trên hệ thống chủ đề cái nhìn : « Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. » (St3, 6a). Quả thật chỉ trong một câu mà có biết bao nhiêu từ ngữ về cái nhìn !

Các bạn hẳn biết, kế tiếp chuyện gì đã xảy ra : người đàn bà hái một trái, đưa cho chồng, và cả hai đều ăn. Lúc bấy giờ tài liệu ghi nhận : « Bấy giờ mắt hai người mở ra»  (c7a), mở ra để nhìn thấy gì ?: « họ thấy mình trần truồng» (c7b). Không, họ không trở nên thần thánh gì, như Tên Dối trá nói trước đó, họ chỉ bắt đầu đau khổ sống sự trần truồng của họ, tức chủ yếu là sự bé nhỏ nghèo hèn của họ.

Có liên quan gì giữa sách đầu tiên của Thánh Kinh và bài Thánh Gio-an chúng ta đọc hôm nay ? Chỉ đơn giản là bài tường thuật về sự sa ngã của A-đam và E-va được xem như chìa khóa để hiểu sự đau khổ của nhân loại ; thế nhưng trái lại Thánh Gio-an nói « hãy xem », tức là « hãy xem, hãy học biết nhìn ». Không, Thiên Chúa cấm một điều, lý do không vì ghen tuông với con người. ; chỉ có lưỡi loài rắn độc mới có thể ám chỉ một điều quái gở như thế. Đây là đề tài chủ yếu của Thánh Gio-an : « Chúa là tình yêu», trong cuộc sống thật con người không bao giờ ngờ vực như thế : « sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật,»(Ga17, 3) Chúa nói trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an.

Hôm nay, trong bài đọc này, Thánh Gio-an nói lên sự thật ấy, theo cách nói chúng ta phải học để biết nhìn : « Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa»(c1). Thánh Phao-lô trong thư cho giáo đoàn Ê-phê-sô, ngài cũng nói : « Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô,»(1Ep). Điều ngài gọi là« kế hoạch yêu thương Thiên Chúa», sờ dĩ điều này thánh nhân gọi là « Kế hoạch yêu thương Thiên Chúa », tức là trong ấy qui tụ tất cả nhân loại nên một người duy nhất, đầu là Chúa Giê-su Ki-tô và chúng ta là chi thể của Người. Thánh Gio-an nói không khác gì hơn : Chúa Giê-su là Con hoàn hảo và chúng ta là chi thể của Người, vì lẽ ấy chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Và ngài nói rõ tiếp : « mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa» (c1), vì khi được rửa tội, chúng ta đã là thế, chúng ta được ghép vào Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài làm cho chúng ta thành chi thể của Ngài. Thánh Phao-lô cũng chính xác nói như thế : « Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô»  (Gl3, 27)

Cũng như Thánh Gio-an nói trong phần mở đầu Tin Mừng : « Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.»(Ga1, 12)Những kẻ ấy, ngay từ bây giờ, được Chúa Thánh Thần dẫn lối và Thần Khí ấy dạy họ xem Chúa như Người Cha. « Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!»(Ga4,6) Đó là ý nghĩa cụm chữ « hiểu biết Thiên Chúa » nơi Thánh Gio-an : nhận ra Ngài là Cha, đầy lòng yêu thương và nhân hậu, như từ thời Cựu Ước đã tin như thế.

Trong lúc  chờ đợi, có những kẻ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và những kẻ từ chối không tin. Vì điều này hoàn toàn sáng tỏ cho tín hữu, nhưng đối với những người không có đức tin thật khó hiểu, hay tệ hơn, không thể tin được hoặc không có nghĩa lý gì - còn có thể nói quá chướng . Đây là một đề tài thường thấy nơi Thánh Gio-an :« Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.»(Ga1, 11), nghĩa chữ đón nhận ở đây giống như trong câu : « Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.»  (1Ga3, 1) Nên hiểu :  bởi vì thế gian chưa có diễm phúc mở mắt ra.  Đối với những ai chưa biết, tức là chưa nhận ra Ngài là Cha, bổn phận chúng ta phải mặc khải cho họ bằng lời nói, bằng việc làm. Lúc ấy, khi Con Người hiện ra, cả nhân loại được biến đổi theo hình ảnh của Ngài. Chúng ta hiểu vì sao Chúa Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô : « Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban » (Ga4, 10)

***

 

PHÚC ÂM (Mt 5, 1-12)

 

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, 
Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con". - Alleluia.

-----------------

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

 

Trong khoảng thời gian này, rất nhiều người hâm mộ Chúa Giê-su và đi theo Ngài. Đây là lúc Chúa trao ban sứ điệp của Ngài. Thánh Mát-thêu dẫn Lời Chúa Giê-su theo cách các tiên tri thời Cựu Ước: « Người mở miệng dạy họ rằng… ». Cụm chữ « mở miệng dạy » là một phương pháp ngôn ngữ để báo hiệu sự trịnh trọng những gì sắp nói ra. Mười hai thế kỷ trước đó, trên một ngọn núi khác - ở Si-nai - ông Mô-sê cũng đã truyền cho dân chúng những điều răn Thiên Chúa. Trên núi Ga-li-lê này Chúa Giê-su mặc khải xa hơn nữa, Ngài đề nghị sống cách nào để tiếp cận các điều răn ấy. Chúa trình bày sự tương phản, điều mà Thánh Phao-lô sau này nói với các tín hữu thành Cô-rin-tô trong Bài Đọc 2 chúa nhật hôm nay: tương phản giữa sự khôn ngoan Thiên Chúa và sự khôn ngoan con người.

Mỗi câu bắt đầu bằng: « Phúc cho ai ». Trong Cựu Ước, cụm chữ này nói lên một lời ngợi khen, nói cho cùng đây là một lời ngợi khen tốt đẹp nhất. Ông Chouraqui dịch là « trên đường », ngụ ý nói: « Đúng rồi, bạn đang trên đường đến nước trời ». Tôi nghĩ rằng đọc các Phúc Thật là hình dung nhiều con đường dẫn đến Nước Trời. Mỗi người trong chúng ta góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng Nước Trời. Trước đám đông, Chúa ngước nhìn mọi người với mắt Thiên Chúa. Chúa nói với các môn đệ: các con hãy nhìn kìa, ở đây có những kẻ nghèo hèn, kẻ đau khổ, những kẻ đói, kẻ khao khát công lý, kẻ xót thương người, những kẻ có lòng trong sạch, những kẻ xây dựng hoà bình, những kẻ bị bách hại… tất cả những tình huống không thuộc về quan niệm hạnh phúc của thế gian. Nhưng những người sống những tình cảnh ấy, Chúa nói, là những người xứng đáng nhất để xây dựng Nước Trời. Chân trời của sự hiện hữu loài người là Nước Trời sẽ đến: tất cả các con đường khiêm nhu của chúng ta đều dẫn đến đó.

Bằng cách này, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy soi lại chính chúng ta và nơi kẻ khác, với một cách nhìn khác. Chúa gọi chúng ta nhìn mọi sự với cách nhìn của Thiên Chúa và Ngài dạy chúng ta ngạc nhiên thán phục; Ngài nói cho chúng ta biết Nước Trời ở những nơi mọi người không chờ đợi: tâm hồn nghèo khó, hiền lành, nước mắt, đói, khao khát công lý, bách hại… Điều mặc khải mới này, với cách nhìn con người có vẻ rất nghịch lý, nhưng lại dẫn chúng ta đến một hồng ân vĩ đại. Sự yếu đuối của chúng ta trở thành nguyên liệu cho Nước Trời. Vì lẽ, tất cả những mối Phúc đều chứa đựng trong mối Phúc đầu tiên: « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ ». Đây không phải để lý tưởng hoá sự nghèo khó vật chất: Thánh Kinh luôn trình bày sự nghèo khó như một sự dữ cần phải nỗ lực đấu tranh. Nhưng trước hết đa số những người trong đám đông theo Chúa Giê-su không phải là người quyền thế hay quan trọng trong xã hội! Nhiều kẻ hay trách Chúa đi với bất cứ ai!

Điều thứ hai, chữ « nghèo » trong Thánh Kinh không bao giờ liên quan đến tài khoản trong ngân hàng: những người nghèo theo nghĩa Thánh Kinh là những người không có lòng kiêu hãnh hay có cách nhìn cao ngạo, như các thánh vịnh thường nói đến. Những người ấy còn được gọi « kẻ lưng khom ». Đó là những kẻ bé nhỏ, những người khiêm nhu trong xứ, theo cách nói các ngôn sứ. Không phải những kẻ no đầy, thỏa mãn, hài lòng về chính mình, họ còn thiếu một cái gì đó. Thì khi ấy Chúa có thể lấp đầy cho họ. Nơi Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô dưới ngòi bút Thánh Mát-thêu chúng ta nhận ra như một tiếng vang bài dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế: người Pha-ri-sêu hết sức thánh thiện không còn có thể lãnh nhận ơn Cứu Độ Thiên Chúa nữa vì lòng anh tràn đầy chính mình; người thu thuế, có tiếng là tội lỗi, hướng về Chúa và chờ đợi được Ngài cứu rỗi, anh được toại nguyện. Đức tính được nói đến nơi đây, là « tinh thần nghèo khó », đó là: « Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, anh em hãy tìm kiếm Người » (Xp 2, 3), như ngôn sứ Xô-phô-ni-a nói, đó là những kẻ cần đến Thiên Chúa, nhận tất cả nơi Người như món quà. Và tất cả những điều trong các Mối phúc khác (lòng có thể xót thương, tức là tha thứ, cảm thông, xây dựng hòa bình, hiền hậu bất bạo lực, đói ăn, khao khát công lý…) tất cả là quà tặng nhưng không, và chúng ta chỉ có thể cống hiến mọi kỹ năng chúng ta cho Nước Trời chỉ khi chúng ta lãnh nhận với tinh thần ấy. Rốt cuộc, Mối Phúc đầu tiên là mối phúc làm cho chúng ta có thể lãnh nhận tất cả những mối phúc khác. « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó »: hãy tin tưởng nơi Chúa, Ngài sẽ tràn mọi của cải của Ngài cho bạn, những của cải của Ngài…  « Phúc thật », có nghĩa là « rồi mọi người sẽ ao ước được như bạn ».

Tôi có khuynh hướng muốn nói: thế mới là bắt chước Chúa Giê-su. Ngài đúng là có tâm hồn nghèo khó, hiền lành và có tâm hồn trong sạch. Rốt cuộc, xét cho cùng bài Phúc Âm này phác họa chân dung chính Chúa Giê-su. Chúng ta đã từng thấy Ngài hiền lành và có lòng xót thương, trắc ẩn với kẻ bần cùng và tha thứ các đao phủ của mình, khóc vì sự đau khổ của người này, trên sự vô tâm của kẻ khác. Đói khát công chính và chấp nhận bị bách hại và nhất là bất cứ trong tình huống nào cũng có tâm hồn nghèo khó, có nghĩa là chờ đợi tất cả từ Chúa Cha và cảm tạ Ngài: « vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn » (Mt 11, 25)

Chúng ta có thể đọc bài này ngược lại, như bài miêu tả Nước Trời: là nơi trị vì của sự khiêm nhu, hiền lành, niềm vui, công chính, lòng biết xót thương, tâm hồn trong sạch, bình an. Nhưng, thực ra sở dĩ Cựu Ước rất gắn bó với Đất Thánh vì ở đấy có ơn gọi là hình ảnh của Nước Trời dưới thế này, nơi của tình huynh đệ, của hoà bình và công chính. Đúng lúc chúng ta đang nói đến Năm Thánh, có lẽ cũng nên nhớ rằng, tất cả nơi chúng ta trú ngụ cũng có ơn gọi là hình ảnh của Nước Trời, nơi chúng ta sống các Mối Phúc Thật.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com