Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XXXI Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Ml 1, 14b.2b.8-10)

 

 "Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề Luật"

Trích sách Tiên tri  Ma-la-khi.

 

1, 14Ta là Đức Vua cao cả, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.

2 Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai hoạ, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai hoạ. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai hoạ, vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả.

.8 Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi chệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lê-vi, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

9 Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật.

10 Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?

 

Tùy theo thứ bậc của mình, mỗi người nhận lãnh cho xứng một bài học từ Tiên tri Ma-la-khi: Các tư tế và dân chúng, mọi người bị khuyến cáo như nhau. Các tư tế bị trách «huỷ hoại giao ước» (c8), các giáo dân thì «vi phạm giao ước của cha ông» (c10). Điều thú vị: Hai loại người không nhận cùng một từ ngữ giống nhau, có nghĩa là trách nhiệm không cùng một thứ bậc. Đã nghe lời dữ dội của bài này, ta có thể đoán bối cảnh lúc ấy. Đó là thế kỷ thứ V trước CN, có lẽ vào năm 470 trước CN. Từ khi ở Ba-by-lon trở về, có sự thả lỏng về luân lý cũng như về tôn giáo, tức là trái ngược hẳn với những gì tưởng tượng. Từ lúc lưu đày ở xa, người ta lý tưởng hóa ngày hồi hương này: Trở về quê hương xứ sở, nhất là trở lại cuộc sống đức tin bình thường, cầu nguyện và tình huynh đệ, đó là lý tưởng của Giao Ước.

Còn Thiên Chúa, Ngài không thay đổi, Tiên tri Ma-la-khi bắt đầu sách bằng những chữ: «Ta đã yêu thương các ngươi» (Ml1, 2) và bằng cách xưng hô «Ta là cha» (Ml1, 6). Trên những nền tảng ấy, vị ngôn sứ nhắc lại cho dân Ít-ra-en những đòi hỏi của lòng tín trung vào tình yêu đó. Các tư tế là người phục vụ Lời Chúa, vì thế họ phải rao giảng không được làm méo mó. Lòng trung thành của họ đối với Giao Ước, được đo bằng sự trung tín lời Chúa khi họ rao giảng…Và, nếu theo lời bài này, các tư tế đương thời xứng đáng được một lời khuyến cáo nghiêm khắc. Còn về phần tất cả dân chúng, mức đo lòng trung tín với tình phu tử của họ đối với Thiên Chúa là phẩm chất sự giao hảo giữa họ với nhau. Điều thú vị là trong sách rất ngắn của Tiên tri Ma-la-khi đã nói lên ba yếu tố quan trọng nhất của đức tin Do Thái: Thiên Chúa là Cha; Ngài đề nghị Giao Ước; sống Giao Ước không thể tách rời với phục vụ Thiên Chúa, phục vụ anh em. Tất cả những điều ấy chúng ta nhận thấy được gom đủ trong bài hôm nay.

Trước tiên cũng phải nói đôi lời về câu: «14Ta là Đức Vua cao cả, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân» (c1, 14) Đức Vua cao cả là tước hiệu dành cho các vua At-xua, trong những thời vinh quang của họ (còn dấu vết trong sách Các Vua); vì thế không lạ gì vị Tiên tri gán cho Thiên Chúa tước hiệu ấy, để xác quyết rằng chỉ có một Đức Vua Cao Cả thật sự, Chúa dân tộc Ít-ra-en. Nhưng thật sự, câu ấy đượm màu châm biếm, vì đó chính là những gì các tư tế cho người hành hương hát trong Đền Giê-ru-sa-lem: Các câu như: «CHÚA là Vua muôn thuở muôn đời» Tv10, 16); «Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển» (Tv24, 10); «ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần,» (Tv95, 3) là những câu thường nghe trong Thánh vịnh. Chúng ta nhận ra các câu ấy có thể là các mẫu gương của bài Tiên tri Ma-la-khi: «Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu. Chính Người bắt muôn dân muôn nước» (Tv47) Hay hơn thế nữa: «CHÚA là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung. Ở Xi-on, CHÚA quả là vĩ đại, Người trổi vượt trên tất cả mọi dân. Chư dân hãy xưng tụng danh Ngài, danh vĩ đại khả tôn khả uý, danh thánh thiện dường bao!» (Tv99,1-3) Ở đây Tiên tri Ma-la-khi trắng trợn nói bóng gió xa gần. Thường hay hát lên những bài thánh ca như thế, nhưng các ông là những người đầu tiên, những tư tế là những người trước tiên đã phản bội kẻ các ông cho là vua …

Thế nhưng, phần của các tư tế đặc biệt quan trọng. Như sách Đê-nhị luật nói, nhiệm vụ chủ yếu của chi tộc Lê-vi (tức là các tư tế) là đảm nhận việc rao giảng và phụng tự: «Chi tộc Lê-vi đã tuân thủ lời Ngài và đã giữ giao ước của Ngài. Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Gia-cóp, luật của Ngài cho Ít-ra-en. Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài.» (Đnl 33, 9-10). Tất cả, có thể nói là chương trình…nhưng ai trong chúng ta có thể cho mình là trung tín trong mọi điều với sứ mạng của mình. Và nếu hiểu theo bài sách Tiên-tri Ma-la-khi này, các tư tế đương thời, đặc biệt xứng đáng với những lời cảnh báo khắt khe vừa nghe. Sứ vụ càng cao  quý, và quan trọng, thì trách nhiệm càng nặng. Trong những câu trong tài liệu không thuộc về phụng vụ hôm nay, Tiên tri Ma-la-khi nhắc lại sự cao quý của vai trò phụng vụ ban đầu của hai ông Mô-sê và A-a-ron: «Giao ước của Ta với nó là sự sống và sự bình an: Ta đã ban những thứ ấy cũng như sự kính sợ cho nó. Nó sẽ kính sợ Ta và kinh hãi trước Danh Ta. Miệng nó nói lời lẽ chân thật và môi nó không nói lời gian ác! Nó đi với Ta trên nẻo đường bình an và ngay thẳng; nó đã làm cho nhiều người cải tà quy chính. Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; quả thế, nó là thần sứ của ĐỨC CHÚA các đạo binh» (Ml2, 5-7)  

Nhưng đã là sứ vụ thì có trách nhiệm. Chính đối với những người được đặt nhiều tin cậy là những người sẽ bị nhiều khiển trách! Vì thế Tiên tri Ma-la-khi tiếp tục: «Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi chệch đường…» (c8). Như thế chớ ngạc nhiên đến các hệ quả: Tiên tri nhận xét hàng giáo sĩ mất hết ảnh hưởng và lòng kính trọng. Đối với những người ngạc nhiên, ngài giải thích: Thái độ các ông làm méo mó đi hình ảnh Thiên Chúa, thì đừng ngạc nhiên khi dân chúng quay mặt đi với cái biếm họa của các ông. Vì thế mới có câu kinh khủng này: «Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân,» (c9)  

Trong sách Tiên tri Ma-la-khi, ta tìm lại những tiếng vang của sách Đệ-nhị-luật (biết rằng sách ĐNL được ra đời rất lâu sau đó); nhưng cũng một luồng tư tưởng thần học được phát biểu như thế: «Nếu anh (em) không lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật này, chép trong sách này, và kính sợ danh hiển hách và khả uý này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thì ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh (em) và làm cho dòng dõi anh (em) phải mang những vết thương lạ, những vết thương nặng và dai dẳng, những bệnh ác độc và dai dẳng.» (Đnl28, 58-59) Và Tiên tri Ma-la-khi không phải là người đầu tiên nói lên điều này, ví dụ như Ngôn sứ Hô-sê:«Giữa ban ngày, chính ngươi sẽ vấp ngã, ban đêm, cả ngôn sứ cũng vấp ngã như ngươi. Ta sẽ bắt mẹ ngươi phải chết.» (Hs4, 5); và sau này, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng nói: «Hàng tư tế cũng chẳng thèm hỏi: "ĐỨC CHÚA ở đâu? Các chuyên viên Lề Luật chẳng biết đến Ta, các mục tử thì chống lại Ta, còn ngôn sứ lại nhờ Ba-an mà tuyên sấm, chúng đi theo những thần vô tích sự. Bởi vậy, Ta sẽ còn tố cáo các ngươi» (Gr2, 8-9a). Lời buộc tội của ngôn sứ Giê-rê-mi-a còn nặng hơn nữa: «…thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói…» (Gr18, 18b). Tức là uy quyền của họ chỉ dành để biện bạch cho bất cứ việc gì!

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 130, 1-3)

 

Đáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

 

 1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

2 hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.

3 Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.

 

Trong phụng vụ Thánh Lễ, thông thường bài Thánh vịnh hoàn toàn hòa hợp với Bài đọc 1, có thể nói là tiếng vang trung thực nhất trong Bài này. Hôm nay lại hoàn toàn khác hẳn: Lời tiên tri Ma-la-khi hung bạo, khắt khe…Ngài đả kích các tư tế cũng như dân chúng đã phản bội lý tưởng Giao Ước; để đáp lại, bài Thánh vịnh lời đầy ngọt ngào. Sự tương phản ắt phải cố tình như thế, và ta có thể khẳng định rằng, đây là một bài học quan trọng đáng chú ý trong phụng vụ ngày Chúa nhật thứ XXXI này.

Chúng ta có thể xem xét bài Thánh vịnh bằng câu cuối, như thường lệ câu này là chìa khóa mở ra để hiểu những điều trên: «Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.» (c3) Cậy vào theo Thánh Kinh là hy vọng, không có nghĩa là chờ đợi một cách thụ động, như ta nhẫn nại mong mỏi một chuyến tàu sẽ đến đúng giờ…Nhưng là sự chờ đợi của người tín hữu, chăm chỉ, nhẫn nại, lòng nôn nóng, mong ngày lời hứa Thiên Chúa thực hiện. Đối với Ít-ra-en «cậy vào» nhắm đến Đấng Mê-si-a một Ngày, gọi là Ngày của Thiên Chúa. Chính sự mong chờ, lòng cậy trông ấy, tô điểm cho hiện tại: xuyên suốt lịch sử Thánh Kinh, dân tộc Ít-ra-en sống hiên ngang đứng thẳng, hướng về tương lai. «Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.» (Tv129, 6). Chính đức tin bất diệt vào lời hứa Thiên Chúa, hằng nuôi dưỡng lòng cậy trông, và giúp họ dũng cảm đương đầu với thực tại, bất kể trong tình huống nào. Ngày hôm nay, không phải tự ru ngủ chờ ngày mai nhưng là sống hết sức dồi dào. Ngày hôm nay của Thiên Chúa, từ đó dự án Thiên Chúa sẽ không ngơi nghỉ, nảy sinh ra tiệm tiến, từng giai đoạn này đến giai đoạn kế tiếp.

Nhưng không phải lúc nào cũng giữ được lòng cậy trông dễ dàng. Dân tộc Ít-ra-en đã có nhiều trải nghiệm về điều ấy. Vì thế, thi sĩ sáng tác Thánh vịnh có một ý tưởng không kém táo bạo. Hẳn lúc ấy ngài thấy trước mắt một em bé trong tay người mẹ đang bồng, áp má nhau, bình thản. Chúng ta đều chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời, một em bé khóc và bỗng chốc người mẹ đến bồng lên, như một trò ảo thuật, bé nín khóc ngay! Chính xác, Thánh vịnh 130 đề nghị cho chúng ta hình ảnh ấy. Trong bài này, em bé là dân tộc Ít-ra-en và người mẹ chính là Thiên Chúa…Thật táo bạo Tiên tri Mi-kha! Và, sở dĩ em bé nín khóc, bởi vì nó biết rằng dự án Thiên Chúa, Nước Trời hạnh phúc đang tới. Nhưng phải biết chờ đợi.

Cũng cần phải rõ ràng: Không một lần nào, Thánh Kinh nói Thiên Chúa là nữ giới. Mỗi lần Thánh Kinh dùng một nhân vật nào để nói về Thiên Chúa, trong danh tính các nhân vật trong gia đình, luôn luôn là người Cha, không bao giờ là người mẹ. Vì thế, chúng ta cũng không nên gán cho tác giả của bài, điều không bao giờ có! Sứ điệp đúng ra là thái độ của Ít-ra-en luôn có dấu ấn của lòng cậy trông thanh thản, và hình ảnh được biết, biểu tượng trung thành nhất là em bé trong tay mẹ hiền. Ví dụ chúng ta biết câu sau đây ở Ít-ra-en: «Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.» (Is45, 15)

Điều khác biệt là đứa trẻ không phải cố gắng gì để tìm được bình an trong tay mẹ nó. Đối với Ít-ra-en thì trái lại, phải cố gắng không ngơi, liên lỉ; theo tiếng Do Thái câu: «hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.» (c2) nói lên một sự quyết tâm nỗ lực để giảm đi những chuyển động lo lắng. Sở dĩ tác giả bài Thánh vịnh phải nghĩ ra sự so sánh có tính cách trấn an, là chính bởi điều này không hiển nhiên. Để đạt đến mức khiêm nhường từ bỏ ấy (chữ «từ bỏ» thật đúng nghĩa), phải từ chối mọi ước mơ vinh quang: «Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu.» (c1) Bài Thánh vịnh tương đối gần đây thôi (được sáng tác sau cuộc lưu đày Ba-by-lon) nói lên một giai đoạn thiêng liêng mới của Ít-ra-en: mọi giấc mơ vinh quang đều tan biến, lý do để ngạc nhiên thán phục là dân tộc được Thiên Chúa yêu thương.

Thế nhưng, những giấc mơ vĩ đại, những «kỳ công» Thiên Chúa thực hiện lẽ ra bình thường thuộc về đức tin Ít-ra-en: Chữ «kỳ công» ngụ ý nói đến những điều không sao bỏ qua, những hành động kỳ diệu trong Xuất Hành. Những «dự định vĩ đại», những giờ phút huy hoàng thường thuộc về lời hứa các Tiên tri. Ví dụ các lời hứa cho Giê-ru-sa-lem: «Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.» (Is60, 1.3-4). Làm sao khi nghe những lời này mà không mơ đến những ngày vinh quang đẹp hơn cả vương triều vua Sa-lô-môn, mẫu gương các vương triều ?

Một khi đã từ bỏ mọi ước mơ vĩ đại và thống trị chính trị, Ít-ra-en được mặc khải vai trò mới của mình, là chứng nhân Thiên Chúa giữa muôn dân: Không phải một Thiên Chúa toàn năng và vinh hiển mà một Thiên Chúa từ bi. Chúa đã nhẫn nại, tiệm tiến dẫn dân tộc Ngài đến giai đoạn thiêng liêng cuối cùng. Phải trải qua bao thế kỷ mới mặc khải dung nhan thật của Thiên Chúa. Trong quá khứ, khi tưởng tượng một Thiên Chúa lãnh đạo những hùng binh, thì không thể nào dự kiến khác hơn sự cứu độ của Ngài là những chiến thắng chính trị và thống trị thế giới. Ngày hôm nay, ở cuối con đường thiêng liêng ấy, họ cũng chờ đợi một sự cứu độ hoàn vũ; nhưng lần này trong lãnh vực của yêu thương và tình huynh đệ; ở đấy mới nhận ra kẻ bé nhỏ chính là người lớn nhất! Đến đây chúng ta mới hiểu rõ hơn sự đối kháng đã nêu ở trên, giữa bài đọc 1, sách Tiên tri Ma-la-khi và bài Thánh vịnh: Ngôn sứ tỏ ra nghiêm khắc và hơn thế nữa, hung bạo đối với những người rao giảng không xứng danh với sứ vụ của mình: Đây là những tình cảm phải có, từ bỏ những tư tưởng vĩ đại và thống trị, bởi vì chúng ta đều là con một Cha. Đến phiên Chúa Giê-su cũng có cùng một tư tưởng: «Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.» (Mt18, 3).

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Tx 2, 7b-9.13)

 

 "Chúng tôi muốn giao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, 
mà còn mạng sống chúng tôi nữa."

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

 

(Xin chú ý, câu (1Tx2, 7b) thiếu trong bản Thánh Kinh “Lời Chúa cho Mọi Người” và trong File của Vietcatholic, có thể tìm trong “Kinh Thánh trọn bộ”, nhà xuất bản TPHCM 1999)

7 Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ

8 Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

9 Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.

13 Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu

 

Nếu đọc đoạn này từ Thánh kinh, chúng ta sẽ đọc: «Trái lại, Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.» Chữ trái lại ở đây là một gạch nối với những gì được nêu lên trước, đó là một danh sách các điều cám dỗ mà các anh em trong cộng đoàn không sa ngã: «Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám;6 không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác,7 trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Ki-tô,…Trái lại, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng.» (1Tx2, 5-7)  

Từ ngữ Hy-lạp được dịch ở đây là dịu dàng chỉ được Thánh Phao-lô dùng hai lần, lần thứ hai là trong Thư thứ hai gửi Ti-mô-thê: «người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người» (2Tm2, 24); đây là một lời khuyên nhủ cho những ai thực hiện uy quyền. Dịu dàng không có nghĩa là chải chuốt màu mè, nhưng thường được xem là đức tánh của kẻ mạnh. Hơn nữa, người mẹ chăm sóc trẻ thơ không nhất thiết là không cương nghị: Một người mẹ thật sự phải biết có uy quyền trong nghĩa tốt đẹp của nó, có nghĩa là «làm cho lớn lên». Hình ảnh người mẹ ấy, Thánh Phao-lô vốn là người Pha-ri-sêu từng thông thạo Lời Chúa, múc lấy từ Cựu Ước: Ví dụ như trong Thánh vịnh 130, chúng ta được đề nghị nghe trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay. Nhưng cũng có trong lời Tiên tri I-sa-i-a: «Vì ĐỨC CHÚA phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.» (Is66, 12-13)   

Và như người mẹ đầy lòng trìu mến, các Tông đồ chẳng những trao một sứ điệp, các ngài còn trao hoàn toàn chính mình nữa: «Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa» (c8). Để cho các tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca không mất đi Tin Mừng, Thánh Phao-lô và các môn đệ sẵn sàng hiến cả thân mình. Và đó không chỉ là những hình ảnh: Chúng ta còn nhớ cuộc rao giảng của các Thánh Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê, trong các thành ngài đi qua - đặc biệt là Thê-xa-lô-ni-ca - họ đều gặp đối kháng, bách hại và nguy cơ đến tính mạng. Vì thế họ phải gấp rút ra khỏi một cộng đồng vừa mới được thành lập để đi rao giảng Tin Mừng nơi khác.

Ta không khỏi ngạc nhiên, trong một đoạn ngắn này, Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến các từ ngữ: «đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa» (c8); «suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em»(c9); «khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa» (c13). Từ cách nhấn mạnh ấy chúng ta có thể rút ra ba điều.

Thứ nhất là tính cấp bách phải loan truyền Lời Chúa.  Lời Ngài trao gởi cho chúng ta. Nếu chúng ta không loan báo, ai sẽ làm đây? Trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói đến một gánh nặng cho ngài: «Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.» (1Cr9, 16-18). Trong bài này, Thánh Phao-lô cũng nói như thế cho tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca: «Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.» (c9).

Điều thứ hai, lời các Thánh Tông đồ rao giảng không phải lời của con người: «khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy» (c13). Tông đồ của Tân Ước là ngôn sứ thời Cựu Ước, tức là «Lời từ miệng Thiên Chúa»; con người nói, nhưng Thần Khí Thiên Chúa làm cho nghe được qua con người. Vừa là tính vĩ đại, và vừa là giới hạn của vai trò người rao giảng: Con người nói lên lời từ lòng tin, nhưng lòng tin chính Thiên Chúa ban cho.

Sau này Thánh Phao-lô nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: «Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.» (1Cr2, 4-5) Các bạn hẳn còn nhớ lời của  Bernadette Soubirous nói với linh mục chánh xứ Lộ Đức, ông không tin vào lời của Bà: «Bà không đòi hỏi ngài phải tin, Bà chỉ bảo tôi nói lại mà thôi» Chúng ta nhận ra nơi đây, sự từ bỏ và lòng khiêm nhu của người Tông đồ. Lời ấy không mấy thuộc về các ngài, nên các ngài không cả dám làm chủ được hậu quả các lời ấy.  

Điều thứ ba, bởi một khi lời ấy được đón nhận và ý thức là Lời của Chúa, lời ấy có tác dụng biến đổi lòng người và đời sống người tín hữu: «Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ» (Rm1, 5). Chúng ta biết rõ từ ngữ «vâng phục» của Thánh Phao-lô. (Theo gốc tiếng La-tin trong Pháp ngữ) «vâng phục» là đặt tai nghe dưới lời nói, tức là nghe với lòng tin tưởng, bởi vì đó là một lời yêu thương. Người Tông đồ chỉ đem người nghe đến với Lời Chúa; từ đó lệ thuộc vào sự tự do của người nghe. Trong giai đoạn thứ hai, tận trong đáy lòng, lắng nghe có thể là «vâng phục vào đức tin» tức là tin tưởng và tự nguyện phục tùng. Từ đó mọi sự sáng lên và mang lấy ý nghĩa. Qua trải nghiệm đều biết thế: mỗi lần chúng ta cố gắng khám phá thêm Lời của Chúa, chính hành động của đức tin tiên khởi giúp chúng ta được mặc khải tốt hơn mầu nhiệm kế hoạch yêu thương Thiên Chúa. Có lẽ đó là loại đất tốt được nói trong bài dụ ngôn người gieo giống.

Rốt cục, các bài đọc Chúa nhật hôm nay có tính cách hết sức hội tụ. Sau các lời khiển trách của Tiên tri Ma-la-khi hướng về các tư tế dân tộc It-ra-en, Thánh Phao-lô trong thư gửi Giáo hội Tê-xa-lô-ni-ca, ngài tỏ ra là người mục tử gương mẫu; người mang lời không phải của chính mình mà là Lời của Chúa, ngài sống chỉ để mang của ăn cho cộng đồng các môn đệ của mình. Một sự âu yếm tình mẫu tử, gắn liền với cộng đồng ấy, không còn kể gì đến khó nhọc mệt mỏi nữa: Ngài hoàn toàn quên mình. Niềm vui lớn nhất của ngài là nhận thấy dân thành Tê-xa-lô-ni-ca được mặc khải nhờ lời ngài, sứ điệp Lời Chúa làm cho họ được sống.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 23, 1-12)

 

Alleluia, alleluia!

- Xin Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, 
để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. -
 Alleluia.

-----------------

"Họ nói mà không làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

 

Có thể gọi bài này là: «những cạm bẫy của uy quyền» hay là «lời khuyên cho người có uy quyền». Uy quyền ở đây có thể là cha mẹ, đại diện giáo quyền (bất cứ tôn giáo nào) hay những nhà lãnh đạo chính trị…, những cạm bẫy và những sai trái đều giống nhau. Trong bài này, Chúa Giê-su quy vào một loại người, do vậy nhóm người này trở nên một biếm họa. Dĩ nhiên, không có một người Pha-ri-sêu nào hoàn toàn giống như loại chân-dung - rô-bô công an vẽ phạm nhân hay trường hợp Thánh Phao-lô tự miêu tả mình trước khi được ơn hoán cải, trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê (Pl3, 6b), khoe mình là người luôn giữ tỉ mỉ Lề Luật, là một bằng chứng cụ thể cho loài người được nêu lên ở đây. Nhưng điều quan trọng là bài học Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ những người đến nghe, theo bài này là «dân chúng và các môn đệ» (c1). Vì sau khi miêu tả chân dung ấy, Chúa Giê-su nói «Phần anh em» (c8): Phần anh em, đừng rơi vào những cạm bẫy và những điều sai trái mà Thầy vừa miêu tả đó.

Cạm bẫy đầu tiên: «họ nói mà không làm» (c3); cạm bẫy thứ hai: Thực thi uy quyền bằng thống trị chứ không phải phục vụ; cạm bẫy thứ ba: Muốn khoa trương; cạm bẫy thứ tư: Tự cho mình quan trọng, thích những chỗ vinh dự ! Chúng ta nhận thấy ngay, đó là những sai trái chung của rất nhiều người được trao cho một nhiệm vụ, lớn hay nhỏ gì cũng như thế!

Cạm bẫy đầu tiên: «họ nói mà không làm» (c3): «Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.» Điều sai trái này rất đời và thường xảy ra đến nỗi nhiều nhà suy niệm Thánh Kinh Do Thái nhấn mạnh phải thực hành những điều mình học: «học cho biết kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của vua, biết giữ mọi lời trong Luật này và mọi thánh chỉ ấy, và đem ra thực hành» (Đnl17, 19); «Những kẻ học mà không đem ra thực hành, lẽ ra kẻ ấy không nên được sinh ra» (Ngạn ngữ Do Thái); «Vì thế mới có sách Tô-ra: để học, để dạy và để thực hiện» (Ngạn ngữ Do Thái)…Sau này Chúa Giê-su cũng nói: «Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.» (Mt5, 19); «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» ( Mt7, 21)

Cạm bẫy thứ hai: Thực thi uy quyền bằng cách thống trị chứ không như phục vụ: «Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào» (c4). Của cải, sự hiểu biết, uy quyền có thể là những cớ để thống trị trên người khác hay để ăn trên ngồi trước, trong khi những điều ấy được xem như phương tiện trong cuộc sống để phục vụ tha nhân. Với điều kiện đừng bao giờ quên, tất cả những gì chúng ta sở hữu, là để chúng ta gìn giữ, với trách nhiệm làm sinh lợi cho mọi người. Có điều còn tồi tệ hơn thế nữa, tự cho quyền lực của mình được gọi là «trời ban»: các tôn giáo không phải lúc nào cũng tránh khỏi được, quyền lực chính trị cũng thế, và đó là cội nguồn của bao nhiêu tranh chấp đẫm máu!

Cạm bẫy thứ ba, khoa trương: «Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.» (c5). Ai mà chưa bao giờ rơi vào điều sai trái muốn khoa trương ấy, muốn mình được chú ý, trọng vọng? Thế nhưng, theo lẽ người giáo sư sử ký phải làm sao gợi cho học sinh của mình chú tâm vào khoa sử, không vào chính mình; khi rao giảng, điều này còn quan trọng hơn nữa: Không  kể bất cứ tên người rao giảng là ai (hay nhà thần học hay người suy niệm Thánh Kinh), miễn là qua lời kẻ ấy cử tọa nghe được Lời của Chúa.

Cạm bẫy thứ tư: Tự cho mình quan trọng, thích vinh dự: «Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".» (c6.7) Mặc dù những tước hiệu, những huân chương có ý nghĩa của nó: Đúng ra, không phải những người có tước hiệu hay được ban tặng huân chương, là mục tiêu nhắm đến. Thực ra, đó là cách để nói lên giá trị chiều sâu của những điều ấy biểu tượng. Phải rất khiêm nhường để mang lấy những vinh dự do cấp bậc của mình, nếu không muốn tỏ ra lố bịch.

Sau khi kê ra các điều ấy, Bài này quay lại bằng lời Chúa Giê-su: «Phần anh em», đó là chìa khóa để hiểu bài này. Chúng ta được mời gọi với một lối sống và mối quan hệ mới. Trước đó Thánh Mát-thêu viết: «Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.» (Mt20, 25-28)  

«Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.» (c9.10)«Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh»? (1Co4, 7) Mọi thầy trên đời trước tiên là một học trò. Mọi người giảng dạy là một người phục vụ và còn là hai lần phục vụ: Phục vụ sự thật, và phục vụ học trò của mình, trong tiến trình học vấn cũng như cho sự trưởng thành của chúng. Một lần nữa, qua lời Chúa Giê-su, đây là một lời kêu gọi: Những ai mang một tước vị nào, đừng xem vinh dự ấy cho mình và hãy cư xử như một người phục vụ; những ai không có tước vị nào, đừng rơi vào tình trạng người bị lệ thuộc hay có thói xu nịnh!     

«Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.» (c9) Dĩ nhiên, ta có thể tiếp tục dùng danh tánh là cha, là thầy, nhưng hãy chỉ dừng ở nghĩa thật sự của những danh từ này, không có gì hơn! «Abbé » (LND: Tiếng Pháp là cha chánh xứ) được gọi trại ra từ danh từ «Abba », các danh từ khác như «Pope; Pape» (LND: Giáo Hoàng) rốt cục cũng như thế. Những nhân vật gọi bằng tên ấy sống giữa chúng ta, là cách nhắc nhở sống động cho chúng ta, là chỉ có một Cha duy nhất là Cha trên trời.

Chúa Giê-su kết luận rằng: «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.» (c12) Chúng ta không ở trong mục thưởng hay phạt. Cũng không phải tìm thấy trong việc tự hạ nhục mình. Thật sâu xa hơn có những định luật của cuộc sống: Mãnh lực của đức khiêm nhu. Trong từ ngữ khiêm nhu của tiếng Pháp «Humilité» có chữ «Humus» là «đất». Bí quyết là phải sáng suốt, biết nhận ra mình bé nhỏ, sát rà mặt đất, và khi ấy ta sẽ ngạc nhiên được nuôi dưỡng bằng những kho báu phong phú của người anh em và ân sủng từ Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com