Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XXXIII Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Cn 31, 10-13.19-20.30-31)

 

«Nàng cần mẫn dùng tay làm việc» 

Trích sách Châm ngôn.

 

10 Tìm đâu ra một người vợ đảm đang?
Nàng quý giá vượt xa châu ngọc.

11 Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng,
chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc.

12 Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc
chứ không gây tai hoạ cho chồng.

13 Nàng tìm kiếm len và vải gai,
rồi vui vẻ ra tay làm việc.

19 Nàng tra tay vào guồng kéo sợi,
và cầm chắc suốt chỉ trong tay.

20 Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ
và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.

30 Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.
Người phụ nữ kính sợ ĐỨC CHÚA
mới đáng cho người đời ca tụng.

31 Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra.
Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng
do những việc nàng làm.

 

Nếu có ai nói xấu về phụ nữ, hãy cho người ấy đọc đoạn này của sách Châm Ngôn! Tuy chỉ là một đoạn trích từ một bài thơ dài làm đoạn kết sách Châm ngôn. Điều thú vị là sách Châm ngôn bắt đầu bằng chín chương ca ngợi đức khôn ngoan và phần cuối bằng một bài thơ tôn vinh người phụ nữ đầy khôn ngoan. Vì cuối cùng đó là: Chân dung người phụ nữ, chỉ vỏn vẹn là chân dung đức khôn ngoan thể hiện thành dạng phụ nữ, hay có thể nói, chân dung một phụ nữ, nơi người ấy Chúa cho tràn đầy sự khôn ngoan; và để truyền cho chung quanh mình điều duy nhất Chúa ao ước cho nhân loại, đó là hạnh phúc.

Nếu bạn đọc trọn bài trong Thánh Kinh, bạn sẽ thấy đây là một bài thơ theo vần ABC, tức là một bài thơ có hai mươi hai câu, chữ đầu bắt đầu bằng chữ cái theo thứ tự vần ABC, theo Do Thái ngữ. Kỹ thuật này, được gặp trong nhiều Thánh vịnh, nhưng cũng có trong nhiều tài liệu khác. Về mặt kỹ thuật, nguyên tắc lúc nào cũng như nhau: mỗi câu bắt đầu bằng một chữ vần ABC theo thứ tự. Nhưng đây không phải chỉ là kỹ thuật hành văn, mà là một cách khẳng định đức tin. Người phụ nữ lý tưởng là người phụ nữ thấm mình trong đức khôn ngoan Thiên Chúa, người ấy  tỏa sáng đức khôn ngoan, và thấu hiểu từ A đến …Z.

Sách Châm ngôn không phải sách duy nhất phát biểu một cách tích cực về phái nữ. Ta có thể kể ra trong Thánh Kinh biết bao nhiêu câu tôn vinh phụ nữ, hay ít ra vài phụ nữ…Ví dụ cũng trong sách Châm ngôn này: «Có vợ đảm đang như được mang ngọc miện» (Cn12, 4); trong sách Huấn ca «Phúc thay kẻ được chung sống với người vợ thông minh» (Hc25, 8)… «Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. 2 Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời.» (Hc26,1-2); «Khuôn mặt diễm kiều với thân hình cân đối ví như ngọn đèn toả sáng trên giá đền thờ.» (Hc26, 17) Và cuối cùng, cũng trong sách Huấn ca: «Cưới vợ là khởi đầu sự nghiệp, là có một trợ lực tương xứng, và một cột trụ để tựa nương. Không có hàng rào, trang trại bị cướp phá; vắng bóng đàn bà, đàn ông sẽ lang thang, rên rỉ.» (Hc36, 24-25) Và còn nói chi đến sách Diễm ca!

Cũng đừng quên trong Thánh Kinh, từ khởi đầu có một quan niệm rất độc đáo. Ví dụ như ở Ba-by-lon, người ta nghĩ rằng người phụ nữ được tạo ra sau người nam (ngụ ý nói hành tinh này có thể không cần đến phụ nữ); trái lại, bài thơ tạo dựng (Sáng thế 1) - được sáng tác do các tư tế trong lúc lưu đày Ba-by-lon - khẳng định rõ ràng «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.» (St1, 27) Và bài tường thuật trước đó (St2) miêu tả một cách rất tượng hình sự kiện sáng tạo người phụ nữ, liền ngay sau khi người đàn ông được tạo dựng. Bài tường thuật miêu tả thật tỉ mỉ như hai tạo vật ngang hàng nhau, cùng một bản thể «xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!» (St2, 23) Cả hai ngang hàng nhau, đến nỗi mang cùng tên gọi; hai chữ đàn ông, đàn bà theo Pháp ngữ không cùng một chữ gốc, nhưng theo tiếng Do Thái: Ish là nam, Ishah là nữ, điều này nói lên sự giống nhau nhưng cũng nói lên bản sắc của mỗi người.

Tài liệu còn đi xa hơn thế nữa, nói phụ nữ là món quà ban cho người nam sống hạnh phúc: «ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt” (St2, 18a) (Nên hiểu người đàn ông không hạnh phúc nếu sống độc thân). «Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.» (St2, 18b) và sách Do Thái còn nói rõ «kẻ ấy như người đối diện với nó»; đối diện ở đây là một người ngang hàng có thể đàm thoại với nó; trong một cuộc đối mặt, chia sẻ cho nhau, khám phá nhau trong ánh mắt kẻ đối diện.

Đoạn sau của tài liệu Thánh Kinh, kể lại sự chia cách xé lòng giữa những quan hệ, lẽ ra là những quan hệ đối thoại tin tưởng nhau: Sự ngờ vực giữa nhân loại và đấng tạo dựng, dần dần xuất hiện trong mối quan hệ. Mối quan hệ cũng bị méo mó đi giữa người đàn ông và người đàn bà.

Kết cuộc, tất cả không dựa trên đối thoại, nhưng dựa trên quyền lực; một bên là quyền lực của sự quyến rũ, một bên là uy quyền «Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi."»(St3, 16) Trong lúc nhà thần học Thánh Kinh viết bài này vào năm 1000 trước CN, đã có hằng ngàn năm trải nghiệm này được xác minh hằng ngày.

Sách Châm ngôn còn mơ đến một cặp vợ chồng lý tưởng: Nơi đây người đàn ông hoàn toàn dựa vào người bạn đời: «Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.» (Cn31, 11-12) Cuối cùng, điều đáng ngạc nhiên là người phụ nữ trong sách Châm ngôn không làm chi lạ thường! Các sinh hoạt của những phụ nữ được miêu tả trong sách này, rất giống những gì chúng ta nghĩ về những phụ nữ nội trợ (và chúng ta biết, đó không phải là những gì hấp dẫn chúng ta ngày nay). Chúng ta nên đặt vào bối cảnh thời ấy. Tác giả không thiên vị người phụ nữ lo việc nội trợ hay không, và hơn nữa, khi nói «phụ nữ nội trợ» là không thể nói phụ nữ bị che mặt, bị cấm mọi sinh hoạt xã hội. Có nhiều câu khác trong bài thơ này, nhiều đoạn miêu tả vai trò xã hội các phụ nữ trong thành, nhiều sinh hoạt thương mại và việc từ thiện.

Nói tóm lại, tác giả muốn làm nổi bật hai điều mà cũng là hai diễm phúc cho người phụ nữ: «Người phụ nữ kính sợ ĐỨC CHÚA mới đáng cho người đời ca tụng.» (Cn31, 30) «Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra. Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.» (Cn31, 31)

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 127)

 

Đáp: « Phúc thay những bạn nào kính sợ Thiên Chúa » 

 

1 Ca khúc lên Đền.
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA,
ăn ở theo đường lối của Người.

2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.

3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.

4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.

5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,

 

Bài Thánh vịnh này là một trong những Thánh vịnh ngắn nhất sách Thánh vịnh, nhưng nội dung không kém quan trọng, vì Bài nói về một điều đáng kể nhất: Hạnh phúc. Không thể nào nói cho đủ cho vừa, Chúa tạo chúng ta để chúng ta hạnh phúc; điều hiển nhiên này trải dài xuyên suốt Thánh Kinh, đây là điều táo bạo đối với những dân tộc láng giềng. Từ xưa, ông Mô-sê cũng đã hiểu điều ấy, vì thế khi muốn thuyết phục người em vợ đi theo ông, để dẫn đường qua sa mạc Si-nai, ông hứa với nhạc phụ (nguyên văn Pháp ngữ nói người em vợ, không trùng hợp với Thánh Kinh VN): «Chúng tôi đang trên đường đi tới nơi mà ĐỨC CHÚA đã hứa: "Ta sẽ ban đất ấy cho các ngươi. Mời cha đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ trọng đãi cha, vì ĐỨC CHÚA đã hứa ban phúc lộc cho Ít-ra-en» (Ds10, 29). Bài Thánh vịnh 35 cũng đặt câu rất tự tin này từ miệng vua Đa-vít: «ĐỨC CHÚA vĩ đại thay! Người những muốn kẻ tôi trung được an lành.» (Tv35,  27) Nhưng nghĩ cho cùng, đối với ông Áp-ra-ham cũng thế. Từ ngữ hạnh phúc không  rõ ràng trong lời Chúa, hứa cho ông Áp-ra-ham. Nhưng nội dung chứa đựng chính xác sự hạnh phúc, đáng mọi người ao ước nhất thời ấy: Một dòng dõi đông đúc và thịnh vượng. Hơn nữa chữ «chúc phúc» đồng nghĩa với hạnh phúc: «Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi» (St12, 3) Điều này, trước tiên có nghĩa là đối với khắp các dân tộc trên thế gian, không có lời nguyện ước nào lớn hơn lời chúc nhà ngươi thành công. Họ sẽ nói với nhau: «Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.» (St12, 2b); còn hơn thế nữa, điều này có nghĩa «Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc» (St, 3) Ai có thể mơ tốt đẹp hơn? Thế nhưng, chính Chúa hứa điều ấy. Ngay buổi gặp gỡ ban đầu, việc này biểu lộ rất rõ ràng nhiều điều quan trọng.

Thật vậy, sau này khi suy gẫm về mầu nhiệm Tạo dựng, ta nhận ra dự án Thiên Chúa chỉ gồm điều tốt lành: Sách Sáng Thế kể rằng, qua ngày thứ Sáu rảo mắt nhìn công trình tạo dựng Thiên Chúa «thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ Sáu.» Trong câu này, tiếng Do Thái gợi lên rõ ràng ý tưởng hạnh phúc.

Suốt lịch sử Ít-ra-en, ý tưởng Chúa muốn con cái Ngài hạnh phúc, hướng mọi lời nói và sáng kiến Thiên Chúa: Ví dụ như những lời răn. Sách Đệ Nhị Luật tóm lại một cách tuyệt vời tất cả đức tin Ít-ra-en dựa trên nền tảng Lề Luật, không có mục đích gì khác hơn, là mang lại hạnh phúc và sự sống lâu dài của cả dân tộc: «Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc,» (Đnl4, 40); «Phải chi chúng luôn luôn có một tấm lòng như thế để kính sợ Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta mọi ngày, như vậy chúng và con cái chúng sẽ được hạnh phúc mãi mãi!» (Đnl5, 29) Và bài tuyên xưng đức tin (Kinh Shema Ít-ra-en) có lời khuyên sau đây trong phần đầu: «Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em)» (Đnl 6, 3)

Bài Thánh vịnh chúng ta đọc hôm nay như một tiếng vang: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.» (c1) Kính sợ Thiên Chúa, chính xác có nghĩa là “đi theo con đường của Ngài”, vâng theo các điều răn được ban cho những ai thực hành, được hạnh phúc. Các bạn hẳn biết những bài Thánh vịnh theo vần A B C, quả quyết mạnh dạn rằng từ A đến Z Chúa làm tất cả hạnh phúc cho chúng ta, đặc biệt là trao ban cho chúng ta Lề Luật. (Về kỹ thuật thơ theo vần ABC, xin xem bài suy niệm cho Bài đọc 1)

Bài Thánh vịnh của chúng ta không số câu, để dùng hết các chữ cái cho đầu các câu, nhưng ý nghĩa các từ trong bài rất phong phú! Những chữ như «hạnh phúc», «chúc phúc» được lặp đi lặp lại nhiều lần; còn các hình ảnh gợi lên những gì ta có thể tưởng tượng tốt đẹp nhất: Nhu cầu hằng ngày dùng đủ, bình an trong thành phố, bình an trong gia thất, chung quanh một gia đình đầm ấm, lời hứa cho có nhiều con cháu. «Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,» (c5)

Điều rút ra từ đấy, là Chúa quan tâm đến đời sống thường nhật của chúng ta: Chính trong những thực tế rất cụ thể mới đo được hạnh phúc của chúng ta. Cựu Ước cũng đã nói rất rõ ràng, không nên tìm Chúa trong các bức tường nhà thờ, nhưng trong đời sống thường nhật của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta còn có thể tự do tránh xa con đường của Chúa (nên hiểu là vi phạm các giới răn), tất nhiên gây đau khổ cho chúng ta. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên bài Thánh vịnh nói «Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.» (c2) Như thế là trái ngược lại với những lời nói cho A-đam lúc sa ngã – «đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.» (St3, 17c); trong lúc đó đời sống gia đình, vườn địa đàng được đổi sang nơi tranh cãi nhau cho những kẻ chọn lầm đường: «Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.» (St3, 16)  

Sách Cách Ngôn khen ngợi «người phụ nữ kính sợ Thiên Chúa» (Cn31, 30a) chỉ có «nàng mới đáng cho người đời ca tụng” (Cn31, 30b) và bài Thánh vịnh hứa hạnh phúc cho nàng: «Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.» (c3) Trải dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, quan niệm về hạnh phúc của chúng ta có thể thay đổi, nhưng chỉ có một điều chủ yếu có giá trị mà thôi: Không bao giờ quên cùng đích của Thiên Chúa là thấy con cái Mình hạnh phúc.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Tx 5, 1-6)

 

« Ngày của Chúa bất chợt anh em như kẻ trộm » 

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

 

1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.

2 Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.

3 Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!", thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em.

5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.

6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ

«Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.» (c1) và sau đó vài câu, Thánh Phao-lô nói đến «Ngày của Chúa», một lần nữa, thánh nhân sống với viễn ảnh dự án vĩ đại của Thiên Chúa, ngày toàn cõi nhân loại quy tụ chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô, đó cũng là ý nghĩa của tất cả lịch sử nhân loại. Ngày ấy, thánh nhân gọi là «Ngày Chúa Ki-tô đến», rốt cục rồi cũng đến, ngày vĩ đại tập hợp Thân Thể toàn vẹn Chúa Ki-tô.

Viễn ảnh đó là ngày vui, ngày hạnh phúc, vì thế Thánh Phao-lô gọi là “kế hoạch yêu thương” của Chúa; một kế hoạch cho chúng ta hạnh phúc. Thánh nhân dùng những từ ngữ của cuộc chiến đấu để nói lên điều ấy, vì cuộc chiến chưa hẳn được thắng toàn vẹn. Bình minh ngày của Chúa chỉ ló dạng một khi ánh sáng thắng bóng đêm, tình yêu và tha thứ thắng hận thù. Chắc chắn những người nghe Thánh Phao-lô cũng như chúng ta, nóng lòng chờ đợi ngày ấy đến.

Báo chí, hay các đài phát thanh, đài truyền hình cho chúng ta nghe thấy những minh chứng hằng ngày, rằng ngày ấy chưa hẳn đến; vì thế, cho dù chúng ta tin nhưng cũng thở dài tự hỏi «ngày ấy chừng nào đến đây?».

Thánh Phao-lô trả lời «Không ai biết, thế thì đừng nghe những kẻ tự cho mình nói tiên tri…». Mỗi lần cuối kỷ nguyên, không thiếu gì những loại tiên tri như thế! Thời những Ki-tô hữu sơ khai, có lẽ cũng như ngày nay; vì lẽ đó, có câu sau đây trong thư thứ hai Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Thê-xa-lo-ni-ca «Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ.» (2Tx2, 1-2)

Nhưng dù sao, chúng ta cũng có khuynh hướng đặt lại câu hỏi «Chừng nào đây?» Và tại sao không ai có thể biết. Có ít nhất hai lý do:

Lý do thứ nhất, thời gian thuộc về Thiên Chúa. Tiên tri Đa-ni-en nói «Người là Đấng làm cho tứ thời bát tiết chuyển vần, Người phế lập các vua, Người ban sự khôn ngoan cho các nhà thông thái, ban tri thức cho người hiểu rộng biết nhiều.»(Đn2, 21) Và chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận không biết «Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.» (Mt24, 36) Nhân dịp này xin lưu ý, Chúa Giê-su cho chúng ta một bài học về đức khiêm nhu tuyệt vời: Ngài chấp nhận không được biết…Ngài tin tưởng ở Chúa Cha; ngay đến giờ cuối cùng, lúc vào vườn cây dầu Ghét-xê-ma-ni, giữa đỉnh cao của cuộc đấu tranh ánh sáng và bóng tối, giữa tình yêu và hận thù, Ngài vẫn một lòng tin tưởng. Chúng ta cứ thế mà làm như Ngài.

Lý do thứ hai, Thánh Phê-rô nói ngày ấy còn tùy thuộc ở chúng ta: «Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.» (2Pr3, 8-9) Và sau đó vài câu, ngài lại nói thêm: «Trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng…» (2Pr3, 12) Đấy, chúng ta phải nhìn rõ bổn phận chúng ta: Chúng ta cộng tác một cách nhiệm mầu vào ngày Chúa đến; nghĩ như thế có vẻ táo bạo, nhưng đó là điều Thánh Phê-rô muốn nói cho chúng ta. Đó cũng làm cho đời chúng ta vĩ đại: là nguyên liệu làm nên Nước Trời. Chúa không thực hiện nếu không có chúng ta (Thật là một sự ngẫu nhiên lạ lùng, chính ngay sau Bài đọc 2 này, nghe bài Phúc âm về những lạng bạc, nói về Chúa tin tưởng nơi chúng ta để xây dựng Nước Trời!)

Chúa Giê-su đã từng trả lời các môn đệ khi các ông hỏi Ngài: «Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?" Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt» (Cv1, 6-7) Đó là cách nói để nhắc lại trách nhiệm các môn đệ, nhưng cũng để xác định hành động các ông cũng là tác động của Chúa Thánh Thần: Như lời kinh tiền tụng thứ IV: «Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Người nơi trần gian, và hoàn tất công việc thánh hóa» Chúng ta không phải lo lắng về thời gian hay lúc nào, như Chúa Giê-su nói, hay thời hạn, hoặc ngày nào như Thánh Phao-lô nói. Trên thực tế, chúng ta chỉ cần làm xích lại gần ngày Nước Trời đến, chắc chắn chúng ta sẽ có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô còn nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: «khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.8 Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô» (1Cr1, 7-8) Vì chúng ta nhận được Thần Khí nên Thánh Phao-lô đối xử với chúng ta như «con cái của ánh sáng»: «Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.»(c5) Ngày Thiên Chúa đến sẽ là ngày toàn nhân loại là con của ánh sáng.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 25, 14-30)

 

                                                                Alleluia, alleluia!                                       

Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, 
để có thể xứng đáng đứng vững trướcc mặt Con Người. 
- Alleluia

------------------

"Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

14 "Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.

15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,

16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.

17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.

18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.

20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây."

21 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "

22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây."

23 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "

24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.

25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”

26 Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,

27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!

28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.

29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.

30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

 

Nếu nhìn bề ngoài, người đầy tớ thứ ba chỉ còn biết khóc và hối tiếc vì hiểu sai về chủ của mình: Thế anh đã làm gì đáng trách? Đơn giản chỉ vì anh sợ mà thôi: «tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất» (c25). Thế nhưng, anh  giết người hay trộm cấp đâu, như lời một bài hát quen thuộc; anh trả đúng số tiền ông chủ trao…nhưng chính vì chữ «trao» này: đây là số tiền đã trao; ông chủ đã tin cậy nơi anh, nhưng đáp lại, anh sợ ông chủ. Tất cả cũng vì sự hiểu lầm đó, một bên thì tin cậy, một bên thì sợ. Hãy xem chữ giao phó, hay cho được dùng bao nhiêu lần: «người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình…» (c14) và khi ông trở về, lúc tính sổ, hai người đầy tớ trước nói: «Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến (hai yến), tôi đã gây lời…» (c20), và ông chủ đáp: «Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh» (c23)

Cả ba người tôi tớ đều được cư xử như nhau «tuỳ khả năng riêng mỗi người» (c15) và ông chủ chỉ muốn tin cậy hơn nữa. Hẳn đây là một bài học đầu tiên của bài dụ ngôn này! Chúa tin cậy nơi chúng ta; Chúa cho ta tham dự vào công việc của Ngài, tức là Nước Trời, tùy khả năng riêng mỗi người. Cụm chữ tuỳ khả năng riêng mỗi người, được nói lên cũng để trấn an chúng ta. Không nên mặc cảm những gì chúng ta không thể làm được; hơn nữa trong bài này, ông chủ không đi vào chi tiết sổ sách với hai người đầu; Ngài chỉ ghi nhận hai ông đã tham dự vào dự án của Ngài, bằng cách lo toan công việc của Chủ, và vì thế mà được ông khen. Đó cũng là điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta: thực hành phần nhỏ của mình cho Nước Trời và chúng ta sẽ được nghe: Hãy an tâm, con đã làm những gì con có thể.

Sự tin tưởng ấy đi rất xa: Ông chủ chờ đợi những tôi tớ có sáng kiến, chấp nhận nguy cơ thất bại, ngay trong lúc vắng mặt. Đó là những gì hai người tôi tớ đầu làm: Sở dĩ họ đã được nhân đôi số tiền nhận được, vì họ đã dám chấp nhận thua lỗ. Trong lúc ấy, người thứ ba không chấp nhận mất bất cứ những gì; chính người này cẩn thận, hai người đầu thì không, nhưng hai người này lại được khen. Đứng trước sự tin cây của chủ, có thể có hai thái độ. Thái độ đầu tiên là nhìn nhận sự tin tưởng ông chủ ban cho, để dùng đó đáp lại xứng đáng lòng trông cậy của ông chủ. Đó là thái độ của hai người đầu. (Cùng một đề cương ấy, lập lại hai lần; ông chủ trao cho số tiền, người tôi tớ nói lúc tính tiền: «ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được …» ông chủ khen và nói «… tôi sẽ giao nhiều cho anh». Có thể gọi đó là vòng xoay của lòng tin tưởng). Thái độ thứ hai là nơi người tôi tớ thứ ba: Ông chủ trao ban, nhưng anh không xem đó xuất phát từ lòng trông cậy; anh không nghĩ như thế là trông cậy; nên đem lòng sợ hãi ông chủ, anh cho rằng ông rất khắt khe. Qua đó, ông chủ cũng không trao nén bạc duy nhất cho anh. Thế nhưng, ông chủ thấy sự ngờ vực nơi người thứ ba này khá bất công, nên chờ đợi cố gắng của anh tuỳ khả năng riêng mỗi người. Thậm chí, người thứ ba có thể cho ông chủ gần như một bài học: Ông có công bằng lắm không, khi đòi hỏi nơi tôi hơn những gì ông trao cho tôi?

Bài dụ ngôn này, gợi lên cho chúng ta một bài khác được viết trong Thánh Kinh trước Chúa Giê-su, cũng giống bài hôm nay…Một ngày kia có một người được ông chủ trao cho một mảnh vườn, «để cày cấy và canh giữ đất đai.» (St2, 15).Trong vườn ấy «mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon» (St2, 9)…Con người chăm sóc mọi thứ cây, chỉ trừ một cây chỉ dành cho Thiên Chúa…Hẳn, Ngài có lý do của Ngài…Và người ấy - ta cho ông cái tên là A-đam – không được tư vấn nghiêm túc, đâm ra ngờ vực ông chủ có ý không ngay lành. Thế rồi, ông lao vào vòng xoắn vô tận của ngờ vực và hận thù. Chính cái vòng lẩn quẩn ấy ta gọi là tội tổ tông, vì lẽ nó phá hoại mọi quan hệ từ gốc rễ.

Còn có một câu rất khó trong bài này: «Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.» (c29) .

Có một câu tương tự trong sách Châm Ngôn: «Hãy giáo huấn người khôn, họ sẽ khôn hơn nữa. Hãy dạy bảo người công chính, họ sẽ hiểu biết thêm.» (Cn9,9) Hãy thử nghĩ đến một biểu tượng: mỗi lần ta đi đúng hướng, mỗi phút, mỗi bước, chúng ta đến gần đích hơn; nhưng khi ta quay lưng với đích điểm của cuộc hành trình, mỗi phút qua đi, mỗi bước làm cho chúng ta xa đích thêm lên.

Nhưng xin trở về hai người tôi tớ đầu, vì bài đề nghị hai người này làm mẫu gương cho chúng ta: Họ tin tưởng vào lòng cây trông nơi họ, và đó là điều vĩ đại - bởi vì năm yến (hay hai hoặc một yến) là một số tiền đáng kể - và họ dám lấy sáng kiến có nguy cơ thất bại. Vào thời điểm Chúa Giê-su, lúc Ngài sắp giáp mặt với cái chết và chia sẻ cho Giáo Hội, cho các môn đệ của Mình; bài học này rất rõ ràng: Cho dù phải chờ đợi ngày Chúa trở lại còn lâu, các môn đệ mọi thời còn phải quản lý kho tàng Lời của Chúa; phải biết lấy sáng kiến để mang lại hoa trái. Như Tin Mừng theo Thánh Gio-an nói: «Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.» (1Ga4, 18)  

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com