"Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời."
3 Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,
4 …
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của CHÚA,
với những kỳ công Chúa đã làm.
23 Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm,
lại truyền mở rộng cánh thiên môn;
24 Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống,
và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.
25 Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần,
Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực.
52 Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu,
đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên,
54 Chúa đưa dân vào miền thánh địa
là vùng núi non tay Người đã chiếm.
Thánh vịnh 77 (78) dài hơn nhiều, nhưng phần ngắn chúng ta đọc hôm nay cũng đủ tóm lược cho chúng ta hiểu. Đây là tất cả lịch sử It-ra-en được viết lên bởi hai nhân vật qua bao nhiêu thế kỷ, lần lượt qua bao nhiêu thế hệ. Đó là Thiên Chúa trung tín đối diện với một dân tộc hay thay đổi. Thay đổi thất thường vì lãng quên.
It ra-en rất ý thức sự quan trọng của ký ức: « 3 Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,4 …sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của CHÚA ». Muốn cho đức tin được truyền lại phải có ba yếu tố : Trước tiên phải có một ai đó đã sống một sự kiện cứu độ, một trải nghiệm về cứu độ và có thể tuyên bố « Chúa đã cứu tôi » ; yếu tố thứ hai là người ấy chia sẻ trải nghiệm của mình và làm chứng nhân điều mình trải nghiệm ; yếu tố thứ ba là cộng đồng ghi nhớ điều ấy và gìn giữ chứng tá đó. Vì thế chúng ta có thể nói đức tin là một trải nghiệm cứu độ được chia sẻ trong cộng đồng…và chính điều này là chỗ yếu của chúng ta.
Dân Do Thái từ lâu biết rằng đức tin không phải chỉ là một mớ hành trang của trí tuệ, nhưng là một trải nghiệm tập thể : các kinh nghiệm về ân sủng, về tha thứ của Thiên Chúa. Bài thánh vịnh này nhắc lại tất cả những điều đó trong 72 câu những trải nghiệm cứu độ của họ. Một trải nghiệm lớn nhất làm nền tảng của niềm tin It-ra-en là sự cứu thoát khỏi Ai-cập : vì lẽ đó mà trong bài thánh vịnh chúng ta nhận ra nhiều ngụ ý ám chỉ về cuộc Xuất Hành qua sa mạc Si-na-i. Các cha ông kể lại cho các con rồi lần lược họ kể lại cho các con mình vân vân…Dĩ nhiên nếu một thế hệ lơ là bổn phận của mình thì sợi giây chuyền bị gián đoạn. Hơn nữa lớp con cái phải biết lắng nghe và tán đồng. Câu 3 Điều chúng tôi đã từng nghe biếtquá nhẹ nhàng không nói lên ý nghĩa mãnh liệt trong Thánh Kinh, lắng nghe có nghĩa là hết lòng tán thành Lời của Chúa.
Các cha ông cũng bắt buộc thú nhận với con cái rằng họ cũng đã từng phàn nàn với Chúa. Mặc dù bao lần Chúa hành động cứu độ dân Ngài, nhưng để đáp lại Chúa thường chỉ gặp lòng vô ơn bội nghĩa. Mỗi lần được Chúa can thiệp vào, dĩ nhiên là họ bắt đầu nhảy múa vui mừng ; nhưng rồi ngày qua ngày họ quên đi. Nhưng khi gặp khó khăn lại trách vắng bóng Chúa hay trách Ngài không ra tay. Những lúc ấy lại chạy cầu xin các thần thánh khác, ví dụ như việc thờ con bò vàng làm bụt thần. Khi trong bài thánh vịnh hai câu 36-37 nói tới việc vô ơn và hay thay đổi đó là ám chỉ điều này : « 36 Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người; 37 còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người. »Điều này muốn nói tới việc thờ phượng bụt thần. Vì sao thế ?
Sở dĩ các tiên tri đả phá mãnh liệt nạn thờ phượng bụt thần là vì nó mang lại bất hạnh cho nhân loại. Khi nào con người khám phá ra Thiên Chúa như họ tưởng tượng – hay tệ hơn như họ phím họa ra, nhưng không như Thiên Chúa thật thì họ sẽ không bao giờ tiến tới hạnh phúc. Mọi bụt thần làm cản trở con đường tìm đến tự do. Đó là cách định nghĩa vì sao không làm cho chúng ta thật sự tự do. Khi Kác-mác nói « tôn giáo là nha phiến của dân chúng », đó là ông nói một cách trơ trẽn rằng một tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào cũng là một thế lực, một chế độ độc tài, một hành vi thao tác trên loài người. Sự dị đoan mê tín, đạo tôn thờ đồ vật, trò phù thủy, tất cả thứ ấy cản trở chúng ta thực hiện các trách nhiệm của chúng ta một cách tự do vì chúng làm cho chúng ta sống trong sợ hãi. Tất cả những bụt thần dù bằng gỗ hay bằng thạch cao ( Trong thế kỷ thứ XXI này cũng còn những cuộc diễu hành các thứ ấy) , làm cho chúng ta quay lưng lại với Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa thật. Việc tôn thờ một cá nhân hay một tư tưởng hệ nào cũng biến chúng ta thành những nô lệ. Chỉ cần nghĩ tới những chế độ bảo thủ, cực đoan làm biến dạng chúng ta đi. Giàu sang tiền của cũng rất có thể là bụt thần…Trong lúc chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta là người tự do.
Trong những câu không được đọc hôm nay, bài thánh vịnh có một hình ảnh rất ý nghĩa, đó là một cánh cung bị nhắm sai hướng : tâm tình của dân It-ra-en phải như một cái cung nhắm thẳng vào Thiên Chúa, nhưng bị sai hướng. Như một người trai trẻ có lúc quên đi mình được thương yêu trìu mến như thế nào, lãng quên những nụ cười cha mẹ cho mình không thương tiếc, những lúc nhẫn nại, những đêm dài canh thức cho mình, mọi thứ chăm sóc đủ điều…và bấy giờ với tất cả lòng thành, tuyên bố rằng « cha mẹ tôi chẳng bao giờ thương yêu tôi »… thế nhưng chính từ trong sự vong ơn bội nghĩa ấy mà It-ra-en đã được một trải nghiệm tuyệt vời , đó là sự tha thứ của Thiên Chúa.
***