"Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa".
15 Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan,
16 biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối.17 Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.
18 Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí
19 Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.
20 Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.
Thánh Phao-lô tiếp tục những lời khuyên bảo. Trong đoạn này chúng ta có thể chia làm bốn điểm. Điểm thứ nhất : « đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan » ;Điểm thứ hai : « biết tận dụng thời buổi hiện tại »; Điểm thứ ba : «18 Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí » ( Kết hợp hai ý này có vẻ lạ !) ; Điểm thứ tư : « 20 Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha »
Chúng ta cùng suy nghĩ điểm thứ nhất : « đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan » Chúng ta đã gặp đề tài này và được triển khai trong chương 4 (Xem bài suy niệm Chúa nhật XVIII). Ở đây bài đọc Hai phụ âm với bài đọc Một, một cách rất đáng ngạc nhiên, trong ấy nổi bật vai trò của Đức Khôn Ngoan. (đối chiếu với khờ dại). Luôn luôn vẫn là đề tài hai con đường trong Thánh Kinh. Đức Khôn Ngoan giữ một vị trí quan trọng trong phần đầu thư này. Ví dụ như « 8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu » (1,8)… « 17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người »( 1,17)… « 10 để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa » (3,10)
Vì chúng ta hiểu đề tài hai con đường trong Thánh Kinh, chúng ta không còn ngạc nhiên thấy sự Khôn Ngoan được giới thiệu như một cách cư xử ở đời, một cách «vận hành», «sống» không theo lối ma quỷ và thế gian (2,1-3), cũng không như người ngoại (4,17) nhưng phù hợp với ơn gọi của chúng ta (4,1), trong tình yêu (5,2), như những người con của ánh sáng (5,8). (tất cả những lời trích dẫn ấy được dùng với động từ « Peripatêo », hay vận hành, Thánh Kinh chúng ta dùng chữ «sống »). Không phải vì «thời buổi hiện tại», với «những ngày đen tối»mà phải theo cái gọi là khôn ngoan ! Sự khôn ngoan thật sự là phải hiểu như thế nào là ý Chúa trong đời sống hằng ngày. « 2 Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo ». (Rm12,2) .
Điểm thứ hai, «16 biết tận dụng thời buổi hiện tại ». « Những ngày đen tối »của người Ki-tô có lẽ là cái bầu khí ngẫu tượng giáo trong ấy cộng đồng Ki-tô đang sống. « vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go.2 Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, … ghét điều thiện… yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa »(2Tm3,1-6). Cách tận dụng, hẳn không phải là trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng sống trong ấy với đức tin. « .20 Ai đang ở địa vị nào khi được kêu gọi, thì cứ ở địa vị đó.21 Bạn là nô lệ khi được kêu gọi ư? Chớ bận tâm! Ngay cả khi có thể được tự do, tốt hơn hãy lợi dụng thân phận nô lệ.22 Thật thế, người đang làm nô lệ mà được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng. Cũng vậy, người đang tự do mà được kêu gọi, thì là nô lệ của Đức Ki-tô.23 Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Anh em đừng trở nên nô lệ cho người phàm.24 Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa » (1Cr7,20-24)
Điểm thứ ba, « 18 Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí » . Một lời khuyên đầy không ngoan, thời nào, nơi nào cũng có giá trị. Ở đây thánh Phao-lô không nói điều gì mới lạ : rượu chè say sưa có lẽ cũng cũ rích như thế giới ! Chúng ta hãy nhớ lại chuyện ông Nô-ê và ông Lót. Để gợi lại điều này chúng ta có thể đọc lại vài câu trong sách Châm Ngôn « 1 Rượu nồng sinh nhạo báng, men say tạo ồn ào,
kẻ nào vướng vào đó, đâu còn là người khôn. ( Cn20,1 ; 31 Nhìn rượu làm chi : rượu màu đỏ hồng, óng ánh trong ly, rồi trôi xuống cổ. 32 Nhưng rốt cuộc, rượu như rắn cắn, như nọc độc hổ mang. 33 Mắt con sẽ thấy những điều kỳ dị, lòng con tuôn ra bao chuyện nhảm nhí » (Cn23,31-33). Nhưng điểm cao nhất trong câu chuyện của thánh Phao-lô không phải ở chỗ ngài biện minh cho tiết độ. Vì ngài thêm : « hãy thấm nhuần Thần Khí ».
Có lẽ ngài nghĩ đến sự ngạc nhiên của những người đã chứng kiến sự xâm nhập của Chúa Thánh Thần vào các Tông Đồ, buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem : Sửng sốt nghe các Tông Đồ hát bằng nhiều thứ tiếng những kỳ công của Chúa :« 12 Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: "Thế nghĩa là gì? "13 Nhưng người khác lại chế nhạo: "Mấy ông này say bí rồi! » (Cv 2,12-13). Sâu sắc hơn, thánh Phao-lô mời gọi người Ki-tô hãy dè chừng những thứ hạnh phúc giả tạo (say sưa là một ví dụ), nhưng hãy tìm đến niềm vui đích thực, mà chỉ có Thánh Linh mới có thể ban cho.
Điểm thứ tư, thánh Phao-lô nói : « 20 Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự…», thật vậy, Chúa Ki-tô là trung tâm của thế giới, Thiên Thần Chúa từ nay ngự trong chúng ta, ban tràn niềm vui và lòng cảm tạ Thiên Chúa trong chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần biến mọi đời sống con người thật sự thành một của lễ phụng vụ :« 1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người » (Rm 12,1). Để đáp lại, đến phiên phụng vụ của cộng đoàn trở nên một nơi chúng ta tìm hiểu ý định của Chúa trong trần thế. Phải suy nghĩ lại từng cử chỉ từng lời nói của phụng vụ : Mỗi người một cách sẽ thấy một khía cạnh của mầu nhiệm. Và cộng đồng hiệp nhất đã là một cách khiêm nhường nhưng thật sự, dấu chỉ và mầm non của Nước Trời đang phát triển chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô.
***