Nhà thờ Hạnh Thông Tây

HTT10a

Lược sử Giáo xứ Hạnh Thông Tây

Xứ đạo Hạnh Thông Tây được thành lập năm 1861 do Linh mục Puginier gầy dựng. Ban đầu chỉ có gia đình ông Đốc phủ Ca và một vài gia đình quyền thế trong ngôi làng nhỏ có tên Hạnh Thông Tây xin gia nhập đạo. Sau đó, khoảng 400 người ngoại giáo có của cải trong làng đến xin học đạo, rồi số người càng lúc càng đông. Lúc ấy, chưa có nơi tụ họp nên một số người khá giả đã hiến tặng ngôi đình thờ làng của họ để dựng ngôi nhà nguyện. Thế là ngôi giáo đường đầu tiên hình thành.

HTT000

Thăng trầm theo thời gian, nhà thờ đầu tiên do cha Jourdain xây dựng đã được cha Tôma Dưỡng cất lại, còn nhà thờ hiện nay dược xây dựng vào năm 1921 dưới thời Linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức làm cha sở (1912-1939). Đây là một di tích tôn giáo vừa cổ kính vừa độc đáo. Nhà thờ được xây dựng trên diện tích 560 m2, chiều cao là 20m. Ban đầu tháp chuông có hình tháp nhọn, nhưng vì đây là vùng có nhiều máy bay quân sự bay qua nên cơ sở Hàng không Đông Dương đã xin Đức Giám Mục J. Cassaigne cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây theo văn thư đề ngày 29/10/1953. Từ đó, tháp chuông có hình vuông như hiện nay.

HTT NguyenSon05 HTT NguyenSon06

HTT09bBên trong nhà thờ được trang trí bằng đá và gỗ quí. Trên cung thánh, có ba bàn thờ bằng cẩm thạch. Mặt bàn thờ là một khối cẩm thạch màu trắng, chạm trổ chung quanh bằng cẩm thạch vàng. Vì vậy, khi được chiếu sáng, chúng sẽ ánh lên một màu vàng óng. Trần nhà thờ đúc hình vòm cung, phết nhũ vàng. Trên cùng là hình ảnh Chúa Giêsu hấp hối trên Thánh Giá, xung quanh có Đức Mẹ, Thánh Gioan, các phụ nữ và lính canh.

Ngày trước, việc an táng các vị ân nhân trong nhà thờ hàm ý cộng đoàn biết ơn vị ấy nên không ai ngạc nhiên khi thấy bên cánh trái nhà thờ là mộ phần Ông Denis Lê Phát An, người dâng cúng đất, toàn bộ chi phí xây dựng và đồ dùng trong Thánh đường. (ông Denis Lê Phát An là con ông Lê Phát Sĩ (Đạt), tức Huyện Sĩ, là cháu chắt của Thánh tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm). Bên cánh phải là mộ phần của người vợ: Bà Anna Trần Thị Thơ. Cả hai mộ đều làm bằng đá cẩm thạch Ý, điêu khắc rất kỳ công.

HTT14

Nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm thành lập giáo xứ, xuất phát từ nỗi thao thức của tấm lòng mục tử khi thấy số đông dân Chúa tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật phải đứng ngồi bên ngoài nhà thờ ở các ghế đá và rất khổ sở khi trời đổ mưa không có nơi trú núp, nhà thờ hiện hữu rất đẹp nhưng lại quá nhỏ so với số giáo dân hiện nay, Cha Clemente đã quyết định xây dựng thêm một Nhà Thờ Phụ - còn được gọi là nhà Sinh hoạt Phụng vụ, Giáo lý - với diện tích 20 x 50, nằm ở vị trí bên trái Nhà thờ Chính (theo hướng nhìn từ đường Quang Trung). Nhà thờ Phụ có một phần tầng hầm và một tầng lửng. Sau hai năm xây dựng, công trình được khánh thành vào ngày 29/05/2010 do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự.

HTT15b HTT16

Thật đáng quý cho một giáo xứ với ngôi Thánh đường chứa đựng chiều dài thời gian và cả hành trình đức tin của người giáo dân vùng Gò Vấp này.

Các vị chủ chăn qua từng thời kỳ

1. Cha Paul-Francois Puginier 1861-1862 sau là Giám mục

2. Cha Phêrô Nguyễn Phước Chính 1900-1911

3. Cha Mátthêu Hồ Tấn Đức 1912-1939

4. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Tứ Quý 1939-1944

5. Cha Phaolô Nguyễn Văn Lý 1944-1959

6. Cha Phêrô Trần Văn Thông 1959-1961

7. Cha Anrê Nguyễn Văn Đại 1961-1968

8. Cha Micae Nguyễn Khoa Học 1968-1974

9. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tam 1974-1975

10. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Thu 1975—1981

11. Cha Đôminicô Võ Văn Tân 1991-2005

- Cha phụ tá Phanxicô Salêsiô Nguyễn Quốc Hoàng 2001-2003

- Cha phụ tá Denis Phạm Bùi Vượng 2003-2005

12. Cha Clementê Lê Minh Trung 2005- 2013.

- Cha phụ tá Giuse Vũ Văn Quyên 2007-2010

- Cha phụ tá Đaminh Nguyễn Văn Ngọc 2010-2011

- Cha phụ tá Giuse Huỳnh Thanh Phương 2011-2012.

13. Cha Giuse Phạm Đức Tuấn 2013 - đến nay

- Cha phụ tá Giuse Đinh Quang Lâm 2012- đến nay.

LMTuan02

Xây dựng đời sống đức tin - Quy tụ dân Chúa thành Gia đình Họ đạo

Các vị chủ chăn quan tâm đặc biệt việc xây dựng đời sống đức tin cho mỗi người trong họ đạo. Gần đây là Cha Clementê Lê Minh Trung khi về Hạnh Thông Tây (2005) đã đặt Mình Thánh Chúa hàng ngày từ sau lễ sáng đến 16g cho mọi người Chầu; tổ chức giờ kinh Lòng Thương xót Chúa mỗi ngày vào lúc 15g; mở các lớp Giáo lý cho người lớn, giới trẻ và thiếu nhi, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang … Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, cha HTT17Sở mới Giuse Phạm Đức Tuấn (2013) vẫn duy trì các việc làm đạo đức đã thành nếp và hướng vào chiều sâu giúp giáo dân yêu mến và gắn bó với họ đạo hơn. Cha Giuse quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo con người, ngài thường xuyên mở các lớp đào tạo huynh trưởng – GLV, thường xuyên gặp gỡ huấn giáo các ban ngành, đoàn thể trong giáo xứ giúp mọi người ý thức hơn vai trò người giáo dân cùng việc tông đồ mình đang thực hiện nơi đoàn thể.

Chung tay cộng tác với các vị chủ chăn có Hội đồng Mục vụ Giáo xứ:

Hiện nay Hội đồng Mục vụ Giáo xứ gồm:

• Ban Thường vụ (7 vị)

• 12 giáo khu: Đức Mẹ vô nhiễm, Đức Mẹ Fatima; Đức Mẹ Hằng cứu giúp, Đức Mẹ Lavang; Đức Mẹ Hồn xác lên Trời; Nữ vương Hoà Bình; Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu; Đức Mẹ Lộ Đức; Đức Mẹ Môi Khôi; Nữ vương các Thánh Tử Đạo, Truyền tin, Ave Maria.

• Các hội đoàn: Thiếu nhi Thánh Thể (gần 1400 em đang theo học giáo lý), Hội các bà Mẹ Công giáo, Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Legio-Mariæ, Huynh đoàn Đaminh, Dòng Ba Cát Minh, Thánh kinh cầu nguyện, Hội Bác ái Vinh Sơn, Hội Martinô (chăm sóc bệnh nhân), Hội Mátta (chăm sóc nhà Chúa), Gia đình Tận hiến Đức Mẹ, Thừa tác viên Thánh Thể, các ban: Ban Phụng vụ, Ban Giáo lý, Ban Trợ tá, Ban Trật tự, Ban Cây xanh.

Trong năm 2016 này, Giáo xứ mừng kỷ niệm 155 năm thành lập. Xin hiệp lòng cùng cộng đoàn Hạnh Thông Tây dâng kính câu ca tạ ơn.

Thông tin về Nhà thờ Hạnh Thông Tây

Địa chỉ            : 53/7 Quang Trung, P.11 Quận Gò Vấp.

Chánh xứ        : Linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn (7/2013)

Phụ tá              : Linh mục Giuse Đinh Quang Lâm (2/2012)

Tel                   : 83-895 8069 – 6295 0594

Năm thành lập: 1861

Lễ Bổn Mạng  : Thánh Giuse (19/3)

Số giáo dân     : 6.800

Giờ lễ

Chúa nhật       : 5:00 - 7:30 - 9:30 - 16:00 - 17:30 - 19:00

Ngày thường : 4:45 -   17:30

Kiến trúc Nhà thờ Hạnh Thông Tây.

Phạm Trường Giang, nguồn PLO

Con đường Quang Trung, Gò Vấp đi ngang nhà thờ Hạnh Thông Tây xưa vắng tanh nay đã thành con đường huyết mạch đông đúc. Mỗi khi dừng đèn đỏ, người đi đường không thể không ngoái nhìn vào nhà thờ, nơi một khoảng không gian thanh bình, xanh mát với kiến trúc đẹp lạ nổi bật.

HTT07

Xứ đạo Hạnh Thông Tây có từ năm 1861 do Giám mục Puginier gầy dựng. Lúc ấy nơi đây là khu vực ngoại thành khá xa TP, dân cư thưa thớt, gần với nghĩa địa nên rất vắng vẻ, giáo dân thưa thớt, phần đông là người nghèo. Vì vậy trải qua mấy chục năm mà nhà thờ chỉ được xây đơn giản, nhỏ hẹp vì không có kinh phí.

Chiếc túi bí ẩn đeo trên tượng thánh Giuse

Đến năm 1921, linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức đến làm cha sở ở đây, cám cảnh trước việc nhà thờ xuống cấp, ông đã trình với hội đồng và viết vào một tờ giấy với đại ý mong thánh Giuse giúp xây dựng lại nhà thờ, rồi bỏ tờ giấy vào chiếc túi đeo lên tượng thánh Giuse.

HTT19

Vào tháng sau, có một chiếc xe hơi sang trọng chạy ngang qua, người đàn ông ngồi trong xe thấy có nhà thờ ở nơi heo hút này nên lệnh cho tài xế cho xe quay lại để ông vào dự lễ. Nhìn thấy tượng thánh Giuse đeo chiếc túi rất lạ nên ông hỏi chuyện cha sở, xin phép được đọc nội dung bên trong rồi ra về.

Ít ngày sau, người đàn ông ấy quay lại thưa chuyện với cha sở, xin phép được bỏ một số tiền lớn ra không phải tu sửa lại nhà thờ mà xây hẳn một ngôi nhà thờ mới, to và đẹp hơn. Người đàn ông ấy là Denis Lê Phát An, cậu của Nam Phương hoàng hậu, con trai ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sĩ, tương truyền là người giàu nhất Việt Nam lúc đó, đứng đầu nhóm bốn người “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Cương, tứ Bưởi”). Ông An được ông Huyện Sĩ giao cho cai quản một khu đất rộng lớn ở khu vực Gò Vấp và nhờ vậy ông mới biết đến nhà thờ Hạnh Thông Tây.

Do thánh bổn mạng của nhà thờ vốn là thánh Giuse, còn ông Lê Phát An có thánh bổn mạng là thánh Denis, nên giáo xứ quyết định xây tượng thánh Denis ở ngay trước nhà thờ, phía trên cửa vào, còn tượng thánh Giuse được xây trên đài ở cùng Đức mẹ Maria chếch hai bên phía trước, như vậy nhà thờ có tới hai vị thánh bổn mạng.

Tuy nhiên, điều khó xử nhất là ông An có nguyện vọng được cùng vợ chôn cất trong nhà thờ sau khi chết. Vấn đề ở đây là phép tắc xưa nay chỉ có giám mục mới được mai táng trong nhà thờ, ngay cả linh mục cũng không được phép, huống chi con chiên. Vì vậy cha sở phải trình lên Tòa Giám mục xin ý kiến. Sau khi cân nhắc, Tòa Giám mục đã cho phép, mục đích nhằm khuyến khích những người có tâm bỏ tiền xây dựng nhà thờ. Ông An đã tế nhị cho kiến trúc sư thiết kế hai cái chái trong nhà thờ để mộ hai vợ chồng đặt nơi đó. Do khép mình trong chái nên nếu mới đặt chân vào nhà thờ thì không thể nhìn thấy hai ngôi mộ này.

HTT02

Nhà thờ Hạnh Thông Tây nhìn từ chính diện.

Một công trình kiến trúc đẹp và hiếm

Hai nhà thầu Baader và Lamorte được ông An thuê để thiết kế và xây dựng. Thay vì thiết kế theo phong cách Gothic và Roman khá phổ biến như nhiều nhà thờ khác, họ đã chọn thiết kế theo phong cách Byzantine mô phỏng theo Vương cung thánh đường Vitale ở TP Ravenna của Ý. Chính điều này đã khiến nhà thờ Hạnh Thông Tây trở thành nhà thờ có phong cách kiến trúc cực kỳ hiếm và độc đáo tại Sài Gòn cũng như ở Việt Nam. Phong cách Byzantine là lối kiến trúc có thiết kế mái hình vòm và dùng nhiều ô cửa kính để lấy ánh sáng từ mái vòm. Trang trí nội thất sử dụng tranh ghép từ đá, gạch thay vì chạm trổ điêu khắc thông thường. Trên nóc vòm nhà thờ được trang trí tranh khảm theo phong cách Byzantine mô tả cảnh Chúa Giêsu chết trên thập giá, một số hình ảnh các vị thánh khác như: Thánh Giuse bế Chúa Giêsu Hài Đồng, 11 thánh nữ là Thánh Anna, Maria Mađalêna, Veronica, Lucia, Cecilia, Agnes, Claira, Jeanne d'Arc, Germaine. Bên trong, người ta dùng gạch của Ý để xếp thành hình giống như nhà thờ Thánh Assisi hay Thánh Maria của Ý

Nếu nhìn từ trên cao xuống, nhà thờ hao hao một cây thánh giá do có hai chái nhô ra, bên ngoài thiết kế thanh tú, giản dị nhưng bên trong rất cầu kỳ do thiết kế bằng đá và gỗ quý. Mái vòm cung được ghép từ các phù điêu hoa văn hình vuông, hàng cột họa tiết tinh xảo được kết nối bởi những chiếc quạt trần cổ. Xen lẫn giữa các ô cửa sổ kính màu là những bức phù điêu được thếp vàng kể lại từng chặng đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ba bàn thờ trên cung thánh đều được điêu khắc tỉ mỉ từ loại đá cẩm thạch vàng. Toàn bộ mảng tường được trang trí bằng tranh ghép đá tranh Mosaic. Trong đó nổi bật là bức tranh ghép trên mái vòm thể hiện Chúa Giêsu đang hấp hối. Cha chánh xứ Giuse Phạm Đức Tuấn kể lại: Những bức tranh ghép này ngày xưa có một thời gian bị xuống cấp, do nhà thờ không có kinh phí nên các ông trùm đã cố gắng tự tu sửa, dẫn đến nhiều chỗ tranh không được như tranh gốc. Sau này nhà thờ phải nhờ Trường ĐH Mỹ thuật giúp phục chế và nhờ vậy trả lại vẻ đẹp như nguyên bản.

Tháp chuông nhà thờ phía dưới được ghép bằng đá tảng trông rất vững chãi, phía trên cao vút lên với tháp nhọn và đặt ba quả chuông tạo thành hợp âm được hãng đúc chuông nổi tiếng Paccard của Pháp đúc vào năm 1925. Ban đầu tháp chuông cao hơn 30 m nhưng vì khu vực này nằm trên đường bay của sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, có nhiều máy bay quân sự cất hay hạ cánh nên cuối năm 1953, Hàng không Đông Dương đã xin Đức Giám Mục J. Cassaigne cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây để đảm bảo an toàn, tháp chuông vì thế bị phá bỏ phần chóp, trở nên bằng phẳng như ngày nay và chỉ còn cao 20 m.

Tượng chồng bên mộ vợ...

Để chuẩn bị cho việc mai táng trong nhà thờ sau khi mất, ông An đã thuê hai kiến trúc sư và điêu khắc gia người Pháp là A.Contenay và Paul Ducuing thiết kế mộ và tạc tượng, cần nói thêm Ducuing là người đã đúc pho tượng đồng của vua Khải Định, đặt tại lăng Khải Định trước đó.

Điều đặc biệt khác lạ là mộ vợ chồng ông An không nằm cạnh nhau, mà nằm đối diện nhau ở hai chái, mỗi ngôi mộ đều có tượng nhưng tượng ông An được đặt trên mộ vợ và ngược lại, thể hiện sự gắn bó với người phối ngẫu. Mộ làm bằng đá hoa cương còn hai pho tượng làm bằng đá cẩm thạch. Bức tượng mô tả ông An trong áo dài khăn xếp, đeo kính quỳ gối, nét mặt thành kính chắp tay như cầu nguyện và đang trò chuyện với vợ. Trong khi đó tượng bà Trần Thị Thơ mặc áo dài, tóc búi phía sau, đeo dây chuyền cẩm thạch, hai tay cầm hai cành huệ ôm choàng lên ngôi mộ chồng, đầu cúi xuống lộ vẻ tiếc thương vô hạn. Từ những đường nét trên đá, từ nếp áo, bông tai hay chiếc hài, cả những hoa văn thêu trên gối… đều được thiết kế tỉ mỉ và cực kỳ tinh xảo.

HTT18 1 HTT18 2

Do được tạo ra bởi một nhà điêu khắc tài hoa của Pháp nên dù tạc từ đá song hai pho tượng trông vẫn rất sống động. Mộ và tượng được thực hiện theo phong cách thời Phục hưng, dù vậy hoàn toàn cảm nhận được sự pha trộn khéo léo giữa vẻ đẹp châu Âu với nét Á Đông truyền thống.

Phản biện thú vị quanh kiến trúc nhà thờ Hạnh Thông Tây

Việc một KTS có kiến thức về kiến trúc Byzantine tới Sài Gòn thiết kế mẫu nhà thờ theo phong cách khác biệt này là điều hoàn toàn có thể xảy ra và bình thường

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-3 có đăng tải bài viết "Hạnh Thông Tây với kiến trúc cực hiếm ". Ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được ý kiến của KTS Vũ Quang Duy đặt vấn đề gợi mở quanh kiến trúc của nhà thờ này.

Đáp lại những thắc mắc của KTS Vũ Quang Duy, tác giả Phạm Trường Giang đã gửi đến PLO bài viết phúc đáp. Để làm rõ thông tin, chúng tôi xin đăng tải bài viết này:

Trước tiên xin cảm ơn KTS Vũ Quang Duy đã có một bài góp ý khá dài và chi tiết, chứng tỏ sự quan tâm đến bài báo cũng như các kiến trúc của nhà thờ Hạnh Thông Tây.

Cũng cần phải nói rằng, tư liệu về nhà thờ Hạnh Thông Tây không có nhiều, việc chúng tôi đánh giá nhà thờ Hạnh Thông Tây là kiến trúc Byzantine dựa vào các yếu tố được ghi trong Giáo trình Lịch sử kiến trúc thế giới (NXB Xây dựng xuất bản năm 2006 do KTS Đặng Thái Hoàng chủ biên), chúng tôi xin phép trích dẫn nguyên bản nội dung:

Những đặc điểm kiến trúc ByzantineHTT04

- Mặt bằng có các loại sau: Basilica, Chữ thập, Tập trung, Đa giác.

- Nghệ thuật Mozaich nổi tiếng trong nội thất.

- Lối vào chính từ phía Tây, bàn thờ luôn ở phía Đông.

- Kiến trúc là tường gạch chính hoặc gạch xây xen kẽ đá.

- Phía bên ngoài ít trang trí và thường để thô mộc.

- Vòm buồm là một đặc điểm quan trọng nhất.

Sau khi xem xét các yếu tố này, chúng tôi nhận thấy trong 6 yếu tố trên, chỉ có yếu tố thứ 3 là chưa đảm bảo. Nhà thờ Hạnh Thông Tây có bàn thờ hướng về Đông Bắc và cửa vào chính hướng về Tây Nam, có lệch so với yêu cầu, nguyên do vì được xây hướng cửa chính vuông góc với đường Quang Trung. Nhưng yếu tố này hoàn toàn không quan trọng, vì nhà thờ hướng về Jerusalem là do bên Công giáo quy định chứ không liên quan gì đến xác định kiến trúc.

Chúng tôi đã có dịp trò truyện với KTS Ngô Viết Thụ khi ông còn sống, ông cho biết công trình Thánh đường bên sông giúp ông đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955 là công trình không xây theo hướng như vậy, thậm chí Ban Giám Khảo đã chất vấn ông Ngô Viết Thụ điều này khi chấm giải và vẫn cho ông giải cao nhất.

Tranh Mosaic thực hiện không giống được nhiều với phong cách nguyên bản, điều này có thể thông cảm tay nghề thợ khi thực hiện thể loại nghệ thuật mới mẻ này ở Việt Nam lúc đó.

Cũng theo Giáo trình Lịch sử kiến trúc thế giới, ba công trình tiêu biểu cho phong cách Byzantine là Nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) , Nhà thờ Vitale ở Ravenna và nhà thờ Macro ở Venice (Ý), chúng tôi nhận thấy nội thất nhà thờ Hạnh Thông Tây có một số nét hơi giống với Vitale nhưng việc dùng từ “mô phỏng” là chưa chính xác, có thể khiến người đọc hiểu lầm là cố gắng sao chép giống như nhà thờ Vitale trong khi vốn khác nhau như ông đã góp ý.

HTT06

Riêng câu hỏi: “Nếu quả thực kiến trúc sư xây nhà thờ Hạnh Thông Tây đã đem vào đó các yếu tố Byzantine, đây sẽ là mấu chốt cho nhiều câu hỏi "tại sao". Tại sao họ lại làm vậy, có thông điệp gì? Tại sao người xây có được kiến thức xây dựng phong cách này? Tại sao Byzantine nói chung và phong cách Justinian nói riêng, vốn là tiêu biểu cho nhà thờ Chính Thống giáo (Orthodox Church) ở Đông Âu bao gồm Nga mà lại xuất hiện ở Việt Nam, nơi kiến trúc Công Giáo Tây Âu chiếm trọn ưu thế? Tại sao chỉ có ngôi thánh đường lẻ loi này mang phong cách đó ở Sài Gòn?” có thể nói đây là câu hỏi thú vị vì nó liên quan khá nhiều đến lịch sử kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Việt Nam và không dễ gì có câu trả lời sớm trong một vài ngày.

Tến sĩ, KTS Ngô Viết Nam Sơn (con trai KTS Ngô Viết Thụ) vốn quan tâm đến kiến trúc nhà thờ ở Việt Nam nhận xét rằng không nhiều nhà thờ ở Việt Nam giữ được phong cách chính thống như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, phần nhiều đều bị thay đổi ít nhiều vì những nguyên nhân như người bỏ tiền xây nhà thờ hoặc cha sở có đề nghị điều chỉnh thiết kế bản vẽ lại theo ý riêng, hoặc nhà thờ xây nửa chừng thiếu kinh phí nên tạm ngưng, sau này có kinh phí xây tiếp lúc đó nhà thầu khác hoặc cha sở mới lại có điều chỉnh.

KTS Nam Sơn cũng nhận xét nhà thờ Hạnh Thông Tây có thiết kế nội thất khá thuần, tỉ lệ ít bị thay đổi như nhiều nhà thờ khác… Điều này chúng ta có thể hiểu được là do ông Denis Lê Phát An bỏ số tiền lớn ra xây luôn từ đầu đến cuối nên tránh được sự thay đổi trong quá trình thi công.

KTS Nam Sơn cũng cho rằng việc một KTS có kiến thức về kiến trúc Byzantine tới Sài Gòn thiết kế mẫu nhà thờ theo phong cách khác biệt này là điều hoàn toàn có thể xảy ra và bình thường. Sau đó có thể ông ta tiếp tục thiết kế công trình khác nhưng không phải nhà thờ hoặc về nước thành ra Hạnh Thông Tây có một kiến trúc độc đáo như vậy.

Câu chuyện xảy ra đã gần một thế kỷ trước, để tìm được tư liệu hoặc nhà nghiên cứu nào hiểu rõ sự việc ắt cần có thời gian. Giống như những câu hỏi ông đặt ra, chúng tôi cũng còn những câu hỏi khi tìm hiểu viết bài báo này, chẳng hạn như vì sao thông tin truyền lại chỉ nói tên nhà thầu xây nhà thờ mà không có tên KTS thiết kế trong khi những KTS hay điêu khắc gia thực hiện ngôi mộ cho vợ chồng ông An đều được ghi tên đầy đủ? KTS đó bị thất lạc tên lúc nào? Ngoài nhà thờ Hạnh Thông Tây ra ông ta còn có những công trình kiến trúc nào khác tại Việt Nam? …

Những câu hỏi đó chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu để đưa vào bài báo khác sau này, nếu ông có được thông tin nào khác thú vị vui lòng cung cấp cho chúng tôi để giúp bạn đọc được hiểu rõ hơn.

HTT KTHiem01

Khung cảnh nội thất nhà thờ Hạnh Thông Tây nhìn từ cửa chính 

HTT KTHiem02

Mái vòm nhìn bên trong nội thất

HTT KTHiem03

HTT KTHiem04

Một số bức họa Moisac

HTT KTHiem05

Tranh Chúa Giê Su bên thập giá

 

Bài và ảnh: Tổng hợp từ Kim Thành, internet & Kỷ yếu 150 năm HTT

 

THĂM GIÁO XỨ HẠNH THÔNG TÂY

 

CHUÔNG NHÀ THỜ HẠNH THÔNG TÂY

KIẾN TRÚC NHÀ THỜ CỔ HẠNH THÔNG TÂY


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com