PT Cursillo Sài Gòn Hành hương Năm Thánh Nhà thờ Chợ Cầu 01/10/2016

PHẦN 1: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

  1. KHAI MẠC.

Cộng đoàn tụ họp lại cuối nhà thờ cử hành nghi thức khai mạc.

LM: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

: Amen.

LM: Xin Thiên Chúa là Đấng cứu độ và là niềm an ủi của chúng ta, ở cùng tất cả anh chị em.

: Và ở cùng cha.

Chủ sự dùng những lời sau đây hoặc tương tự để dọn lòng những người hiện diện bước vào cuộc hành hương.

LM: Anh chị em rất thân mến, lên đường tham dự cuộc hành hương thánh, chúng ta hãy hồi tưởng lại xem tư tưởng nào đã làm cho chúng ta có quyết định thánh thiện này.

Những nơi chúng ta mong được thăm viếng cho chúng thấy lòng sùng mộ của dân Thiên Chúa, dân đã đến viếng những nơi ấy, để lúc trở về được mạnh mẽ trong quyết tâm thăng tiến đời sống Kitô giáo và sẵn sàng hăng hái thi hành những việc bác ái từ thiện.

Nhưng, là những khách hành hương, chúng ta cũng phải mang lại gì cho các tín hữu đang sống tại nơi hành hương: đó chính là gương sáng về đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta, như vậy, mọi người, cả dân địa phương, lẫn khách hành hương đều được nên phong phú nhờ việc xây dựng lẫn cho nhau.

LỜI CHÚA - (Is 2, 2-5)

Bài trích sách tiên tri Isaia

Vào thời sau hết, núi nhà Chúa được thiết lập trên đỉnh các núi,
và cao vượt hơn các ngọn đồi. Mọi dân tộc sẽ đổ về đó.

Đoàn người đông đảo sẽ lên đường và nói rằng:

Nào, chúng ta hãy đi lên núi Chúa, đến tận nhà Thiên Chúa của Giacob, để Ngài dạy chúng ta biết đường của Ngài, và để chúng ta bước đi trong lối của Ngài. Vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phán truyền từ Giêrusalem.

Ngài sẽ phân xử các nước
và đưa ra phán quyết trên nhiều dân tộc.
Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày,
rèn giáo thành lưỡi liềm.
Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa;
người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa.

Hỡi nhà Giacob,
nào, chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.

Đó là lời Chúa.

Tùy nghi, chủ sự có thể nói ít lời với những người hiện diện, giải thích bài đọc Kinh Thánh để họ có thể hiểu được ý nghĩa của việc cử hành

LỜI CẦU

LM:Chúng ta hãy tin tưởng nguyện cầu Thiên Chúa là nơi xuất phát và là đích điểm cho cuộc lữ hành của loài người chúng ta và nguyện rằng:

: Lạy Chúa, xin thương đồng hành với chúng con.

NHD: Lạy Cha chí thánh, xưa chính Cha đã tự nguyện làm người hướng dẫn và là đường đi cho dân Cha lữ hành trong sa mạc: xin thương tình nên nơi nương tựa của chúng con khi chúng con khởi sự lên đường, để, sau khi vượt qua mọi hiểm nguy, chúng con được hân hoan trở về nhà. - CĐ.

NHD: Cha đã ban Con Một Cha làm đường dẫn chúng con về với Cha, xin cho chúng con trung thành và kiên nhẫn đi theo Người. CĐ.

NHD: Cha đã ban Đức Maria trọn đời đồng trinh cho chúng con như hình ảnh và mẫu gương cuộc đời theo Chúa Kitô, xin cho chúng con biết luôn nhìn ngắm Đức Mẹ mà bước đi cách xứng đáng trong cuộc sống mới. - CĐ.

NHD: Nhờ Chúa Thánh Thần, Cha đưa dẫn Hội Thánh lữ hành trần thế đi về với Cha, xin ban ơn để khi tìm kiếm Cha trên hết mọi sự, chúng con biết chạy theo đường mệnh lệnh của Cha. - CĐ.

NHD: Cha kêu gọi chúng con đến với Cha qua nẻo đường công lý và bình an, xin ban ơn, để, ngày kia, chúng con được chiêm ngắm Cha trên quê hương muôn đời. - CĐ.

LỜI NGUYỆN CHÚC LÀNH

LM: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn tỏ lòng thương xót những ai yêu mến Chúa và, bất cứ nơi đâu, Chúa vẫn gần gũi những người tìm kiếm Chúa, xin hiện diện kề bên các tôi tớ Chúa đang hành hương với tâm hồn đạo đức và dẫn đường cho họ đi theo thánh ý Chúa, để ban ngày họ được Chúa phủ bóng chở che cho an toàn và ban đêm được ánh sáng ơn thánh Chúa soi đường, hầu, có Chúa đồng hành, họ có thể hân hoan đạt tới nơi họ muốn tới. Chúng cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

CĐ: Amen

Cộng đoàn xếp hàng rước tiến vào nhà thờ hành hương

HÁT: MISERICORDE SICUT PATER.

  1. SUY NIỆM KINH MÂN CÔI

ĐỨC MARIA, MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Năm Sự Vui - Thứ Ba: Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su nơi hang đá.

CÙNG VỚI MẸ MARIA ĐÓN NHẬN
“LÒNG THƯƠNG XÓT NHẬP THỂ” LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU

Lời Chúa: (Lc 1,30-33.38)

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”.

Suy niệm:

Trong một bài viết về “Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Cũng như thánh Faustina, chúng ta tuyên xưng rằng ngoài Lòng Chúa Xót Thương, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại”.Đây quả là một lời khẳng định vô cùng mạnh mẽ, chỉ cho nhân loại thấy nguồn hy vọng duy nhất, con đường sống duy nhất còn lại bây giờ, chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhân loại sẽ hạnh phúc hay bất hạnh tùy thuộc vào việc con người có biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa hay không.

Trải qua dòng lịch sử, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho nhân loại bằng nhiều cách thức và vào nhiều thời điểm khác nhau. “Nhưng vào thời sau hết này” (Dt 1,2), tình thương của Thiên Chúa dành cho con người đã “trở nên sống động, hữu hình và đạt tới tột đỉnh” (Tông sắc MV, số 1) khi Ngài cho Con Một giáng trần làm người, là Đức Giê-su Ki-tô. Từ nay, Đức Giê-su chính là “Lòng Thương Xót Nhập Thể” của Chúa Cha. Thế nên, đón nhận hay từ chối Đức Giê-su cũng đồng nghĩa với việc đón nhận hay từ chối Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.Vậy cứ như lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, thì Đức Giê-su chính là nguồn hy vọng duy nhất cho toàn thể nhân loại này.

Niềm hy vọng duy nhất mang tên “Giê-su” ấy đã được tặng ban cho nhân loại qua một cô thiếu nữ người Na-za-rét, tên là Ma-ri-a. Với lời thưa “Xin Vâng” đầy quảng đại và tin tưởng, Mẹ Ma-ri-a đã trở nên cung điện cho Hoàng Tử Thương Xót ngự đến. Có thể nói, “toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. […] Mẹ bảo toàn lòng thương xót của Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ, trong mối tương quan mật thiết với Thánh Tử Giê-su” (Tông sắc MV, số 24). Chính khi đón nhận “Lòng Thương Xót nhập thể” là Chúa Giê-su, Thiên Chúa thật và là người thật, mà tước hiệu “Mẹ của Lòng Thương Xót” được áp dụng chính xác cho Đức Ma-ri-a.

Mẹ thật diễm phúc vì đã được cưu mang và sinh hạ “Lòng Thương Xót nhập thể” của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có Mẹ mà toàn thể nhân loại này cũng đang “hớn hở vui mừng” vì được chúc phúc. Bởi nhờ Mẹ mà nhân loại chúng ta từ nay không còn đơn côi, không còn chìm ngập trong bóng tối, nhưng tràn đầy niềm tin yêu, hy vọng và ánh sáng, vì Chúa Giê-su Ki-tô, “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha” (Tông sắc MV, số 1) đã đến và “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người giờ đây trở nên “hữu hình và được bày tỏ trong cả cuộc sống của Chúa Giê-su. Bản thân Người không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được ban tặng cách vô điều kiện. […] Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót” (Tông sắc MV, số 8).

Rõ ràng, đón nhận Chúa Giê-su là đón nhận chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nguồn hy vọng duy nhất cho con người chúng ta. Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay chẳng mấy 8 quan tâm hay để ý đến niềm hy vọng duy nhất ấy. Con người cứ vẫn mãi mê kiếm tìm của cải, danh vọng và lạc thú. Họ thờ ơ và quay lưng lại với Thiên Chúa; họ muốn xóa đi cái tên “Giê-su” trong cuộc đời họ; họ muốn tự mình quyết định tất cả, ngay cả số phận đời đời của họ. Ôi! Nhân loại sẽ đi về đâu nếu con người hôm nay không biết đón nhận Lòng Thương Xót Chúa?

Hơn bao giờ hết, mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay được mời gọi cùng với Mẹ Ma-ri-a và học nơi Mẹ Ma-ri-a trở nên “cung điện” cho Hoàng Tử Thương Xót ngự vào. Hay nói cách khác, chúng ta được kêu mời mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu, “Lòng Thương Xót nhập thể” của Chúa Cha vào trong cuộc đời mình. Hãy là những chứng nhân cho con người thời đại hôm nay biết khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi khốn cùng của mình, biết ý thức và xác tín sự tối cần thiết trong việc đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, bằng cách trở về, thay đổi cuộc sống, tín thác và phó dâng trọn vẹn cuộc đời trong tay Ngài. Cùng với Mẹ Ma-ri-a, chúng ta thưa lên với Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương cho đoàn chúng con trong việc khiêm tốn đón nhận “Lòng Thương Xót nhập thể” là Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, những người con nhỏ bé của Mẹ, cũng được nên như Mẹ, biết luôn sẵn sàng đón nhận hồng ân cao cả là lòng thương xót của Thiên Chúa, và biết chia sẻ lòng thương xót ấy cho nhân loại hôm nay. Amen.

Cộng đoàn đọc 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính mừng, 1 Kinh Sáng Danh.

HÁT: MẸ LÀ NIỀM HY VỌNG.

Năm Sự Sáng - Thứ Hai: Chúa Giê-su dự tiệc cưới tại Cana

CÙNG VỚI MẸ MARIA SỐNG
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

Lời Chúa: (Ga 2,1-5)

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Suy niệm:

“Thương xót như Chúa Cha” chính là khẩu hiệu, là ý hướng sống nền tảng mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn cho toàn thể Giáo Hội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Khẩu hiệu đó được rút ra từ chính lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).Trong Tông sắc khai mở Năm Thánh, Đức Thánh Cha nêu rõ lý do: “Có những lúc chúng ta được kêu gọi ngắm nhìn lòng thương xót cách chăm chú hơn, để chính chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha” (Tông sắc MV, số 3).

Thế nhưng, làm sao chúng ta để có thể trở thành “dấu chỉ hữu hiệu” cho lòng thương xót của Thiên Chúa, nếu chưa cảm nghiệm và sống lòng thương xót ấy trong chính cuộc đời của mình? Ngạn ngữ La-tinh có câu: không thể cho cái mình không có. Nói một cách rộng ra, chúng ta không thể loan báo hay trở thành dấu chứng của lòng thương xót Chúa một khi chúng ta chưa sống lòng thương xót.

Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a là những mẫu gương sống động trong việc thực thi lòng thương xót trong đời sống hằng ngày mà mỗi người chúng ta được mời gọi noi theo.

Thật vậy, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giê-su Ki-tô đã trở nên “dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”. Ngài đã “mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Ngài” (Tông sắc MV, số 1). Nơi Đức Giê-su, lòng thương xót không còn là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể. Ngài tìm đến với những người nghèo khổ, bất hạnh, những người bị gạt ra bên lề xã hội để an ủi và nâng đỡ họ; Ngài chữa lành bao bệnh hoạn tật nguyện để xoa dịu phần nào nỗi đau nơi những bệnh nhân; Ngài không xua đuổi hay trừng phạt những tội nhân khi họ tìm đến với Ngài, mà trái lại Ngài đón nhận và tha thứ cho họ; trên hết, Ngài đã hiến dâng mạng sống của mình để cho mọi người được sống và sống dồi dào. Phải nói rằng, “tất cả mọi sự nơi Ngài đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài lại thiếu vắng lòng thương xót” (Tông sắc MV, số 8).

Cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mình, và nhất là được cưu mang chính “Lòng Thương Xót nhập thể”, Mẹ Ma-ri-a cũng đã sống những chuỗi ngày phản chiếu lòng thương xót Chúa. Quả đúng như thế! Ngay sau khi đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, cũng chính là Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Mẹ đã không giữ riêng cho bản thân mình, mà đã vội vàng lên đường đến viếng thăm, chia sẻ và giúp đỡ cho người chị họ Ê-lisa-bét (Lc 1,39-56). Cuộc thăm viếng này của Mẹ Ma-ri-a không gì khác hơn là sự ra đi mang tình yêu xót thương của Thiên Chúa đến cho người chị họ. Và có thể nói rằng, chính qua câu chuyện cá nhân của hai người phụ nữ này, Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót, sự nhân ái và tình yêu của Ngài đến cho mọi người ở mọi thời đại.

Tại tiệc cưới Ca-na, Mẹ Ma-ri-a cũng đã thực thi lòng thương xót cho đôi tân hôn và gia đình qua sự hiện diện từ ái của Mẹ. Mẹ quan tâm, lo lắng tất cả. Với ánh mắt từ mẫu, Mẹ đã tế nhị quan sát và nhận ra sự bối rối của đôi bạn trẻ vì sự cố thiếu rượu, để rồi kịp thời giúp đỡ họ, qua việc chuyển cầu cùng Chúa Giê-su, Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi”, và chỉ bảo cho các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Mẹ đã đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa thế nào, thì giờ đây Mẹ sống và thực thi lòng thương xót ấy cho tha nhân.

Và như đỉnh điểm, Mẹ trở nên chứng nhân rạng ngời cho lòng thương xót Chúa khi trung kiên đứng dưới chân Thập Giá, thông phần đau khổ với Con của Mẹ là Chúa Giê-su mà không một lời trách móc, than van, hay lên án những kẻ đóng đinh con mình. Mẹ hoàn toàn thinh lặng, một sự thinh lặng xót thương nhân trần.

Cùng với Mẹ Ma-ri-a, mỗi người chúng ta hôm nay được mời gọi quyết tâm sống và thực thi lòng thương xót Chúa trong đời sống hằng ngày. Bởi lẽ, đây là “suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ; […] là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta; […] là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (Tông sắc MV, số 2). Cách cụ thể, chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra để thực thi những hành vi của lòng thương xót, như Thương xác bảy mối: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết; và Thương linh hồn bảy mối: lấy lời lành mà khuyên ngươi, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống và thực thi lòng thương xót Chúa cách trọn hảo qua những công việc rất cụ thể trong đời sống thường ngày. Xin Mẹ cũng giúp chúng con biết trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa cho mọi người hôm nay, bằng đời sống bác ái, yêu thương, phục vụ và tha thứ. Amen.

Cộng đoàn đọc 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính mừng, 1 Kinh Sáng Danh.

HÁT: MẸ LÀ BẾN ĐỢI.

Năm Sự Thương - Thứ Năm: Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh giá

CÙNG VỚI MẸ MARIA CẢM NGHIỆM
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
TRONG CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI CHÚNG TA

Lời Chúa: (Ga 19,25-27)

Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, có Mẹ Người... Thấy Mẹ mình đứng đó và thấy môn đệ mình yêu cách riêng đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với Mẹ mình rằng: Thưa Bà, đây là con Bà. Ðoạn Chúa nói cùng môn đệ mình rằng: Ðây là Mẹ con. Sau đó môn đệ đón Ðức Mẹ về nhà mình.

Suy niệm:

Đọc lại Tin Mừng con thấy Mẹ đâu phải là người chỉ biết im lặng trước mọi biến cố. Nhưng với biến cố dưới chân Thập Giá, Mẹ hoàn toàn khác hẳn trước đó. Lúc Sứ thần truyền tin Mẹ đã đối thoại một cách mạnh mẽ và đầy tự tin để yêu cầu được giải thích những gì Mẹ chưa hiểu: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 34). Người ta thường nói “im lặng là đồng ý”.  Nhưng Mẹ vẫn lên tiếng để bày tỏ sự đồng thuận. Mẹ thưa  “Xin Vâng”, chưa hết, còn kèm theo những lời diễn tả tâm tình ước nguyện: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Rồi khi tới thăm người chị họ Isave, Mẹ đã cất lời chào trước và bày tỏ niềm vui mừng phấn khởi. Sau đó Mẹ còn hát lên bài ca Magnificat (Lc 1, 46-55). Đặc biệt, biến cố bị lạc con trong Đền thờ, Mẹ cũng đã bối rối, hốt hoảng tìm kiếm. Khi vừa thấy con, Mẹ sửng sốt trách con và nói lên tất cả nỗi lòng của người Mẹ: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48).

Qua những biến cố trên đây, con thấy Mẹ đã tỏ ra “rất phụ nữ”! Vậy mà, trước biến cố tàn khốc, đau đớn đến tột cùng này đáng ra Mẹ phải lên tiếng thật nhiều thì Mẹ lại im lặng. Nếu hôm tìm thấy con trong Đền thờ Mẹ đã từng nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha và mẹ như thế?”, thì hôm nay, Mẹ cũng phải nói “Sao các người lại xử với con tôi như  thế?”. Hoặc ít ra Mẹ phải nói với con của Mẹ như hôm đó: “Con ơi, con có biết lòng mẹ đau lắm…?”. Hay Mẹ có thể nói một điều gì đó để an ủi, khích lệ con như bà mẹ Do thái trong sách Ma-ca-bê đã khuyên con mình trước khi chịu tử đạo chứ. (x 2 Mcb 7, 27-29). Điều đó rất đẹp và rất chính đáng mà! Nhưng không. Mẹ vẫn im lặng và đứng đó bên cạnh con của Mẹ. Đến nỗi khi Chúa Giêsu trăng trối lời cuối liên quan đến Mẹ, Mẹ vẫn lặng im không nói một lời. Các Thánh sử cũng đã không tìm thấy một cử chỉ, sắc thái, điệu bộ nào nơi Mẹ diễn tả tâm tình của một người phụ nữ bình thường vẫn thể hiện. Con tự hỏi tại sao? Con cố gắng nhập cuộc để hiểu nhưng thấy khó quá!!

Lần giở lại câu chuyện lịch sử của dân tộc Ít-ra-en cách đây hơn hai ngày năm. Vì sự bất trung với Thiên Chúa, dân Ít-ra-en xưa đã phải đi lưu đày, phải chứng kiến đền thờ bị phá hủy, chẳng còn nơi dâng của lễ toàn thiêu. Đó thật sự là nỗi đau khổ lớn của dân Chúa. Trong bối cảnh đó, hy vọng về một tương lai sáng ngời cho Ít-ra-en chỉ còn là ước vọng hảo huyền mà thôi. Giờ đây, lòng thương xót của Thiên Chúa là điều duy nhất họ có thể cầu xin và mong chờ.

Đức Ma-ri-a, cô thiếu nữ Si-on, cũng như bao người Ít-raen khác, chắc hẳn cũng chung chia một nỗi niềm chờ mong lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn. Và Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, Đấng luôn trung thành trong tình yêu, đã không thể trì hoãn hơn được nữa; con tim “thổn thức” và “rối bời” vì yêu (Hs 10,8-9) buộc Ngài phải thi thố lòng thương xót. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tông sắc “Dung mạo Lòng Thương Xót”, đã nói cách mạnh mẽ rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa là trách nhiệm của Ngài đối với chúng ta. Ngài cảm thấy bị ràng buộc với chúng ta, nghĩa là Ngài muốn điều tốt cho chúng ta, muốn thấy chúng ta hạnh phúc, vui tươi và an bình” (Tông sắc MV, số 9).

Thật vậy, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót tuyệt vời dành cho dân Ít-ra-en nói riêng và cho nhân loại nói chung qua biến cố Nhập Thể Làm Người của Con Một Ngài là Đức Giê-su Kitô. Từ đây, “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Giê-su Ki-tô”. Nơi Ngài, “lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình và đạt tới tột đỉnh” (Tông sắc MV, số 1).

Và để kế hoạch của Thiên Chúa được thành tựu, Ngài đã chọn một cô thôn nữ, tên là Ma-ri-a, cộng tác trong vai trò làm Mẹ của Đấng Cứu Thế. Biến cố Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a phải nói là biến cố của lòng thương xót, không phải chỉ dành riêng cho Mẹ, mà cho toàn thể đồng bào của Mẹ, cho cả nhân loại này. Nhưng chắc chắn một điều, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa từ đây bao phủ lấy Mẹ cách đặc biệt, để nhờ đó, Mẹ có thể “trở nên ‘Hòm Bia Giao Ước’ giữa Thiên Chúa và con người” (Tống sắc MV, số 24).

Đức Ma-ri-a đã đón nhận lời mời gọi cộng tác vô cùng quan trọng đó, không phải trong tâm thế của một người tự cho mình là xứng đáng, mà trái lại, Mẹ cảm nghiệm cách sâu xa đó là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Mẹ ý thức rõ rằng, Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa, là khí cụ để Thiên Chúa thi thố quyền năng và lòng thương xót của Ngài: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”. Cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa dành cho mình chính là khởi điểm quan trọng để Đức Ma-ri-a trao hiến con người cách trọn vẹn cho chương trình của Thiên Chúa. Và cũng chính từ đó, Thiên Chúa, Đấng Toàn năng sẽ thực hiện “biết bao điều cao cả” cho Mẹ và cho toàn thể nhân loại.

Cuộc sống mỗi một người chúng ta hôm nay vẫn ghi đậm dấu ấn của lòng thương xót Chúa. Được hiện hữu trên trần đời này, được nhận biết Thiên Chúa là Cha, được cứu thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, được hứa ban sự sống hạnh phúc bất diệt mai ngày, được sống trong một gia đình no ấm, được yêu thương săn sóc bởi những người thân yêu, được nâng đỡ, khích lệ trong một cộng đoàn, … tất cả chính là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.

Cùng với Mẹ Ma-ri-a, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm sâu sắc lòng thương xót bao la của Thiên Chúa trong cuộc đời mình; để rồi từ đó, chúng ta biết học nơi Mẹ mà tin tưởng vững vàng và phó thác trọn vẹn cuộc đời chúng ta cho Chúa. Và chắc chắn, Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện nơi chúng ta muôn điều tốt đẹp, như xưa Ngài đã thực hiện nơi Mẹ Ma-ri-a: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi, biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria mến yêu, Mẹ đã sống và cảm nghiệm cách rõ ràng lòng thương xót của Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Xin Mẹ cũng thương giúp đoàn chúng con đây biết noi gương Mẹ mà khám phá và cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để nhờ đó, cùng với Mẹ, chúng con sống đức tin cách mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Amen.

Cộng đoàn đọc 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính mừng, 1 Kinh Sáng Danh.

HÁT: HƠI ẤM BÌNH AN.

Năm Sự Mừng - Thứ Năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.

CÙNG VỚI MẸ MARIA LOAN TRUYỀN
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHO CON NGƯỜI HÔM NAY

Lời Chúa: (Lc 1, 50-55)

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.

Suy niệm:

Con người chúng ta hôm nay,có thể nói đang sống giữa một thế giới phát triển không ngừng về phương diện khoa học kỹ thuật. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp tích cực mà nó đem lại cho cuộc sống con người chúng ta: tiện nghi hơn, thoải mái hơn. Nhưng bên cạnh đó, cũng thật là đáng tiếc khi phải ghi nhận rằng, thế giới hôm nay đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng về tình người. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II là lòng thương xót đang bị lãng quên trong văn hóa ngày nay.

Trong Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Dives in Misericordia), ngài đã nhận định: “Tâm thức của con người ngày nay, có lẽ hơn là trong quá khứ, dường như muốn chống lại Thiên Chúa của lòng thương xót, cố ý loại trừ ý niệm thương xót ra khỏi cuộc sống và xóa bỏ khỏi trái tim con người. Từ ngữ và ý niệm thương xót dường như gây bất an cho con người, những kẻ đã dành quyền làm chủ và thống trị trái đất nhờ những tiến bộ vượt bậc về khoa học và kỹ thuật chưa từng thấy trong lịch sử. Việc thống trị trái đất, đôi khi được hiểu theo một chiều và thật nông cạn, dường như không còn dành chỗ cho tình thương” (số 2). Và thật dễ dàng để nhận thấy, một khi thiếu vắng tình yêu và lòng thương xót trong cuộc sống, thì thế giới con người chỉ còn có hận thù, chia rẽ, và loại trừ nhau.

Đối diện với thực tế này, Giáo Hội Chúa Kitô, mà mỗi người tín hữu chúng ta là những thành viên, được kêu mời ý thức sứ mạng cấp bách là loan truyền lòng thương xót Chúa cho con người hôm nay.

Sứ mạng cấp bách ấy được thánh nữ Faustina, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa, ghi lại nhiều lần trong cuốn nhật ký của ngài. Chẳng hạn, “Hãy rao truyền cho thế giới biết lòng thương xót khôn thấu của Ta” (NK, 1142); hoặc “Con hãy nói với nhân loại khổ đau rằng: Hãy đến nép mình trong trái tim từ bi thương xót của Ta, Ta sẽ ban cho họ chan chứa sự bình an” (NK, 1074); hoặc “Những linh hồn nào làm sáng danh lòng thương xót Ta ở khắp mọi nơi, Ta sẽ che chở họ suốt đời như một bà mẹ che chở con thơ. Và đến giờ chết của họ, Ta sẽ không cư xử với họ như một quan toà, nhưng như một vị cứu tinh đầy thương xót” (NK, 1075); hoặc “Con hãy làm bất cứ việc gì trong khả năng của con, để phổ biến việc tôn sùng Lòng Thương Xót Ta thì Ta sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của con”.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong đoạn cuối của Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót”, cũng đã khẳng định: “Giáo Hội phải cấp thiết loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Đời sống Giáo Hội sẽ trở nên xác thực và đáng tin khi công bố lòng thương xót với trọn niềm xác tín. Giáo Hội biết rằng, trong một thời đại vừa chất chứa những niềm hy vọng to lớn vừa có đầy những mâu thuẫn nghiêm trọng, trách vụ hàng đầu của Giáo Hội là dẫn đưa tất cả mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả của Lòng Thiên Chúa Xót Thương, bằng cách chiêm ngưỡng dung mạo của Đức Ki-tô” (Tông sắc MV, số 25).

Trên hành trình thực thi sứ mạng loan truyền lòng thương xót Chúa cho con người hôm nay, chúng ta có Mẹ Ma-ri-a luôn đồng hành và là gương mẫu cho chúng ta. Có thể nói, Mẹ là người tiên phong trong công cuộc loan báo lòng thương xót Chúa cho toàn thể nhân loại. Ngay sau khi đón nhận “Lòng Thương Xót nhập thể”, Mẹ đã lên đường đi thăm người chị họ là bà Ê-li-sabét; và chính tại đó, Mẹ đã cất cao bài ca lòng thương xót Magnificat, để từ đây muôn thế hệ nhận biết Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương và đã làm biết bao kỳ công cho con người. Chính nhờ lời loan báo của Mẹ, chúng ta biết rằng “đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.

Mỗi người chúng ta hôm nay, cùng với Mẹ Ma-ri-a, được mời gọi vững vàng tin tưởng ra đi để loan truyền lòng thương xót Chúa cho mọi người trong thế giới hôm nay. Ước gì mỗi người Kitô hữu là một chứng nhân của lòng thương xót Chúa cho người khác, bằng chính đời sống đượm tình bác ái, yêu thương, phục vụ và tha thứ. Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Ki-tô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót” (Tông sắc MV, số 12).

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương cho chúng con trong việc loan truyền lòng thương xót Chúa cho mọi người, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng những việc làm hết sức cụ thể. Xin Mẹ cũng giúp chúng con trở thành những chứng nhân cao rao lòng thương xót Chúa cho con người hôm nay, bằng một đời sống tin yêu, phó thác vào Chúa và bằng một tinh thần quảng đại tha thứ cho tha nhân. Amen.

Cộng đoàn đọc 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính mừng, 1 Kinh Sáng Danh.

HÁT: TRÀNG HOA MÂN CÔI.

  • THÁNH LỄ

LỄ KÍNH THÁNH NỮ TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU

BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO.

--- V ---

Ca nhập lễ: Mừng Thánh Tê-rê-sa.

BÀI ĐỌC I:  Is 66, 10-14c

"Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 130, 1. 2. 3

Đáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.  - Đáp.

 

2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Đáp.

3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Đáp.

ALLELUIA: x. Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 18, 1-4

"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".  Đó là lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Ngày 1-10, Giáo hội long trọng Mừng Kính Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Việc Kính nhớ Thánh Têresa không chỉ có ý nghĩa vinh danh: “Con đường Nhỏ” của Thánh Nữ, mà nhằm khơi dậy mọi người nói chung và cách riêng là người trẻ hôm nay.tinh thần truyền giáo theo Linh đạo của Thánh Nữ, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

  1. “Con đường nhỏ” của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu giúp chúng ta ý thức thân phận hữu hạn của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Dẫu biết lý tưởng phục vụ luôn là định hướng cao đẹp, nhưng nếu chúng ta hành động trong ảo tưởng và ngoài khả năng của mình thì khó lòng vươn tới kết quả mong muốn. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho chúng ta biết đặt mục tiêu cho lý tưởng dấn thân theo gương Thánh Nữ Tê-rê-sa, thì chính Thiên Chúa sẽ mở đường và phú ban cho ta sức mạnh để vượt lên những bất toàn. – Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  2. Thánh Nhân đã khởi đi “ Con đường nhỏ” của mình bằng việc chiêm niệm để nhận ra “ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu, và Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết siêng năng cầu nguyện, sống bác ái yêu thương và chia sẽ vật chất cho những người cùng khổ. – Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  3. Con đường “nhỏ bé thiêng liêng” lại là một con đường vĩ đại. Con đường này là con đường tình yêu “Tình yêu dâng hiến và trao hiến”. Xưa Thánh Nữ đã hứa ban Mưa Hoa Hồng xuống thế gian này. Chúng ta hiệp lời cầu xin Thánh Nữ cầu bầu cùng Chúa, Mưa Hoa Hồng thiêng liêng đổ xuống chúng con, làm cho chúng con được yêu mến Chúa như người, cho khắp mọi nơi được An Lành, Hạnh Phúc, Hợp Nhất và Yêu Thương. – Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  4. “ Đơn sơ bé nhỏ đi theo Chúa.

    Phó thác, Tin yêu, quyết bỏ mình.”

“ Con đường nhỏ” của Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã và đang mở ra cho chúng ta lối bước thênh thang, được khởi điểm bởi Đức ái Kitô giáo. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Người trẻ hôm nay dám cam đảm dấn thân phục vụ cho hạnh phúc tha nhân, biết sống quảng đại, và phục vụ lợi ích các linh hồn. – Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

  1. “ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là vị Thánh trẻ nhất được tôn vinh danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh. Con đường thiêng liêng của Thánh Nhân chứng tỏ sự trưởng thành sung mãn nơi Ngài. Cảm nhận Đức Tin còn lưu lại trên bút tích của Thánh Nhân quả thực sâu rộng, khiến Thánh Nhân xứng đáng chen vai thích cánh cùng các bậc Thầy lừng danh về tu đức của Giáo hội Công giáo. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta, cách riêng cho người trẻ hôm nay hãy bắt đầu từ những “con đường nhỏ” của riêng mình, con đường ấy phải hội tụ niềm say mê vì phần rỗi mọi người. – Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Ca dâng lễ: Con chỉ là tạo vật

Ca hiệp lễ: Chứng nhân tình yêu

Kết lễ: Mẹ là bến đợi.

-------o0o-------

Phụ trách chương trình:       Nhóm Cursillista hạt Hóc Môn


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com