BÍ TÍCH THÁNH THỂ - Chúa Giê-su hứa ban Thánh Thể

 


CHƯƠNG 2: CHÚA GIÊ-SU HỨA BAN THÁNH THỂ

 

I.    CÁC HÌNH ẢNH TIỀN TRƯNG VỀ THÁNH THỂ

Giáo Hội nhận ra lễ tế “dâng bánh và rượu” của Menkixêđê, thầy cả thượng phẩm (x. St 14,18 ; Tv 110,4 ; Dt 7,1tt) là tiên trưng cho lễ vật của Giáo Hội khi cử hành Thánh Thể (x. Lễ Quy Rôma). Trong Cựu Ước, bánh và rượu được chọn trong số hoa trái đầu mùa của ruộng đất, để dâng làm hiến lễ tạ ơn Đấng Sáng Tạo. Trong khung cảnh cuộc Xuất Hành, bánh và rượu mang một ý nghĩa mới : “bánh không men” mà người Do Thái hằng năm vẫn dùng trong lễ Vượt Qua, nhắc nhớ ngày Dân được giải thoát và vội vã ra đi khỏi Ai Cập. Một hình ảnh tiên trưng khác được chính Đức Giêsu đề cập đến là Manna (x. Xh 16,4 ; Ga 6,36 tt). Kỷ niệm về Manna trong hoang địa luôn giúp Israel nhớ rằng : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Một hình ảnh khác nữa là cuộc sát tế Isaac. Trong bài ca tiếp liên “Lauda, Sion” của thánh Tôma soạn cho Phụng vụ ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta hát lên câu : “Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac”.

Cuối cùng, bánh ăn hàng ngày là sản phẩm của Đất Hứa, là bằng chứng Thiên Chúa hằng trung tín giữ lời đã hứa. Rượu diễn tả niềm vui ngày lễ hội, nhưng rượu trong “chén chúc tụng” (1Cr 10,16) vào cuối bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, có chiều kích cánh chung, chất chứa niềm hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến phục hưng Giêrusalem. Đức Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, bằng cách đem lại một ý nghĩa mới và vĩnh viễn cho lời chúc tụng đọc trên bánh và rượu.

Giáo Hội nhận ra phép lạ hóa bánh khi “Chúa Giêsu đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát để nuôi sống đám đông”, tiên báo sự phong phú của tấm bánh duy nhất là “Thánh Thể” (x. Mt 14,13-21 ; 15,32-39). Phép lạ hóa nước thành rượu ở Cana (x. Ga 2,11) là dấu chỉ báo trước “Giờ Con Người được tôn vinh”. Dấu chỉ này còn loan báo Tiệc Cưới trong Nước Thiên Chúa, nơi các tín hữu sẽ uống rượu mới (x. Mc 14,25) đã trở thành Máu Chúa Kitô (x. GL 1335).

Tuy nhiên, trong tất cả những hình ảnh chỉ về Thánh Thể, chiên vượt qua là hình ảnh tiêu biểu hơn cả, vì Thánh Thể cũng đã nhận tên và hình thức của bữa tiệc ấy. Hình ảnh này được yêu chuộng đến độ chính Đức Giêsu cũng được xưng tụng là “Chiên Thiên Chúa”.

II.   DIỄN TỪ VỀ BÁNH HẰNG SỐNG

Chương 6 của Tin mừng thứ tư là một chương rất quan trọng cho thần học về Thánh Thể, bởi vì chương này ghi lại những lời Chúa Giêsu nói về việc hứa ban Bí tích Thánh Thể. Bố cục của chương 6 gồm những đoạn sau :

-     Phép lạ hoá bánh (6,1-15).

-     Chúa đi trên mặt biển (6,16-21).

-     Diễn từ về bánh hằng sống (6,22-59).

-     Phản ứng về bài diễn từ và tuyên tín của Phêrô (6,60-71).

Ở đây, chúng ta chỉ giải thích đoạn vănDiễn từ về bánh hằng sống. Đây là đoạn văn quan trọng nhất của chương 6 Tin mừng thứ tư liên hệ tới Thánh Thể.

Diễn từ về bánh hằng sống cũng được gọi là diễn từ trong Hội đường Capharnaum, bởi vì Đức Giêsu nói diễn từ này tại Hội đường Capharnaum (c. 59). Bài diễn từ này được bố cục như sau:

-     6,22-24 : Đức Giêsu gặp lại đám đông.

-     6,25-59 : bài diễn từ.

-     6,60-71 : phản ứng về bài diễn từ và tuyên tín của Phêrô.

   Chúng ta sẽ đi vào từng phần :

A.    ĐỨC GIÊ-SU GẶP LẠI ĐÁM ĐÔNG

(Ga 6,22-24)

Đây là đoạn dẫn nhập, có mục đích nối kết phép lạ hoá bánh (Ga 6,1-15) với bài diễn từ (Ga 6,25-58). Chúa Giêsu đã đi trên biển để đến với các môn đệ và đám đông (Ga 6,16-21). Dân chúng đi tìm Chúa, có lẽ không phải để được ăn no một lần nữa, mà họ tìm Ngài để tôn Ngài lên làm vua (Ga 6,14-15).

c. 14. “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !

c. 15. Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình”.

B.    BÀI DIỄN TỪ VỀ BÁNH HẰNG SỐNG

1.    Đề tài về bánh

Vừa gặp đám đông, Đức Giêsu nói ngay với họ về đề tài bánh :

“Thật, tôi bảo thật các ông : các ông tìm tôi, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c. 26).

Điều Đức Giêsu nói với đám đông ở đây là : họ chỉ dừng lại ở phép lạ (“vì các ông đã thấy dấu lạ”), ở những gì là có lợi cho họ (“vì các ông đã được ăn bánh no nê”) mà không đi tìm ý nghĩa của dấu chỉ. Có lẽ Chúa Giêsu muốn dùng bài diễn từ này để giúp cho đám đông hiểu ý nghĩa của phép lạ hoá bánh mà Ngài vừa mới thực hiện ngày hôm trước.

Dấu chỉ hoá bánh mà Đức Giêsu thực hiện có mục đích hướng dân chúng tới thứ lương thực linh thiêng, chứ không chỉ dừng lại thứ lương thực mau hư nát. Lương thực thiêng liêng chính là lương thực trường tồn do chính Ngài ban tặng :

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”(c. 27)

+ Manna :

Khi vừa nghe Đức Giêsu nói đến lương thực trường tồn, người Do Thái liền nhớ ngay đến kỷ niệm Manna : “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (c. 32) Việc gợi nhớ đến kỷ niệm này xuyên suốt cả bài diễn từ trong các câu : 31, 32, 49, 58.

Tưởng nhớ đến Manna, thứ lương thực mà Thiên Chúa đã nuôi dân trong sa mạc (quá khứ), lương thực này biểu trưng cho lương thực mà dân đang dùng hằng ngày trong Đất hứa (hiện tại), nhưng dân vẫn mong chờ một thứ manna trong bàn tiệc cánh chung (tương lai), lúc đó, con người sẽ ăn lương thực bởi trời và được đồng bàn với Thiên Chúa. Chính trong chiều kích cánh chung này mà Chúa Giêsu dẫn dân chúng vào thứ bánh mà chính Ngài sẽ ban.

+ Bánh hằng sống :

Khi nói đến bánh hằng sống, Đức Giêsu nói đến hai đặc điểm của bánh hằng sống trong hai câu 33 và 50, đó là : bánh từ trời xuống và có khả năng đem lại sự sống đời đời :

“Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống bánh đem lại sự sống cho thế gian” (c. 33)

“Còn bánh này là bánh từ trời xuống để ai ăn thì khỏi phải chết” (c. 50)

Từ hai đặc điểm này, Đức Giêsu kết luận : Manna không phải là bánh trường sinh, bởi vì : “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết” (c. 49)

Sau khi kết luận Manna không phải là bánh trường sinh, Đức Giêsu tuyên bố chính bản thân Ngài là bánh trường sinh :

“Chính Tôi là bánh trường sinh” (c. 35)

“Tôi là bánh trường sinh” (c. 48)

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (c. 51)

Ở đoạn này, Gioan muốn độc giả liên tưởng tới Xuất hành 16,4 : “Đức Chúa phán với Môsê : Này Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn” với mục đích muốn giới thiệu Đức Giêsu chính là Môsê mới, Đấng ban bánh hằng sống từ trời xuống.

+ Đấng ban bánh hằng sống :

- Chính Chúa Cha là Đấng trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại :

“Thật, tôi bảo thật các ông ; không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu mà là chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32 // Ga 3,16)

- Bánh đích thực cũng do Chúa Giêsu ban tặng :

“Thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (c. 27)

“và bánh Tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (c. 51b)

Ta thấy câu 51b này mang chiều kích Thánh Thể một cách rõ rệt.

Như vậy, Đức Giêsu là sự sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, là Đấng được Thiên Chúa sai xuống thế gian để mang đến sự sống đời đời cho thế gian. Vì thế, Ngài tự ví mình như lương thực, như bánh bởi trời (Ga 6,41), bánh hằng sống (Ga 6,35). Bản thân Ngài là Bánh Sự Sống bởi trời xuống (Ga 6,51). Ai ăn bánh ấy, sẽ được sống đời đời. Bánh ấy do Chúa Cha ban (Ga 6,32), nhưng cũng do chính Chúa Giêsu ban, vì bánh ấy là Thân Mình Ngài tự hiến vì sự sống của thế gian (Ga 6,51)

2.    Đề tài đức tin

Người Do Thái đặt vấn đề với Chúa Giêsu : “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn ?” (c. 28)

Đức Giêsu trả lời : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (c. 29)

Câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho người Do Thái khựng lại vì nguồn gốc bình dân của Ngài, họ nói : “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói : “Tôi từ trời xuống” (c. 42).

Trong diễn từ tại Capharnaum, Đức Giêsu nhấn mạnh đến đức tin như điều kiện để có thể đến với Ngài và để được sống đời đời :

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống muôn đời” (c. 40)

Tiếp đến, Đức Giêsu khẳng định : tin vào Ngài là một hồng ân đến từ Chúa Cha, chứ không đến từ “xác phàm” :

“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy” (c. 44)

“Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (c. 37)

“mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).

+ Được sống muôn đời :

Lời hứa “được sống muôn đời” trở đi trở lại trong bài diễn từ. Được sống muôn đời là vì sống nhờ sức sống của Thiên Chúa :

“Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (c. 57)

+ Sống lại trong ngày sau hết :

Những ai ăn bánh hằng sống, mặc dù thân xác họ sẽ hư nát theo thời gian, nhưng Đức Giêsu hứa “sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Tư tưởng này cũng trở đi trở lại trong bài diễn từ (c. 39,40,44 và 54). Đây là chiều kích cánh chung của bánh hằng sống.

3.    Diễn từ về Thánh Thể

Một số người Tin lành, cùng với Bultmann, cho rằng tiểu đoạn từ câu 51b đến hết câu 58, mà không ai có thể phủ nhận đặc tính bí tích, là đoạn được thêm vào sau, và giống như bài giảng về Thánh Thể. Nhưng ta thấy cũng có thể vì hoàn cảnh giáo đoàn của Gioan đang gặp khủng hoảng đức tin về mầu nhiệm Thánh Thể, nên tác giả viết để củng cố đức tin của họ.

Sau khi tuyên bố “Chính Tôi là bánh trường sinh” (c. 35), “Tôi là bánh trường sinh” (c. 48), “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (c. 51a), Đức Giêsu bắt đầu nói về Thánh Thể :

Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (c. 51b).

+Thịt (sarx) và ăn thịt :

Gioan cố ý dùng từ sarx thay vì từ soma như Nhất lãm và Phaolô (x. Mt 26,26 và các đoạn song song : Này là Mình Ta). Chữ sarx có nghĩa là “thịt”. Chữ thịt ở đây hiểu theo nghĩa “đen”, và vì thế, người Do Thái mới thắc mắc và xôn xao : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” (c. 52). Thắc mắc của người Do Thái càng làm cho Đức Giêsu nhấn mạnh hơn nữa :

“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời” (c. 53-54).

Xét bề ngoài, lời lẽ của Đức Giêsu quả thực là sống sượng như một số người trong các môn đệ của Ngài nhận xét : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” (c. 60).

Chắc chắn, tác giả có dụng ý nhấn mạnh mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi Lời đến với nhân loại trong thân phận “xác thịt và máu huyết”. Không chấp nhận thân phận xác thịt và máu huyết của Ngôi Lời là không chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và như lời thư Gioan, “ai không có Chúa Con, thì không có sự sống” (1Ga 5,12). Trong Đức Giêsu, ta không thể tách rời Con Thiên Chúa với xác thịt và máu huyết, không thể tách rời Thiên Chúa với con người. Như vậy, niềm tin vào Bí tích Thánh Thể và niềm tin vào Mầu nhiệm Nhập Thể đi đôi với nhau, gắn liền với nhau.

Nếu chúng ta đối chiếu Ga 6,53-54 với 1Ga 4,2-3 ta sẽ thấy giữa “Thánh Thể” và “Nhập Thể” có một mối liên hệ rất mật thiết :

“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”

Căn cứ vào điều này : anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa, thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm (sarx) thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa ; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì nó không bởi Thiên Chúa. Đó là thần khí của tên Phản Kitô ; anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi

Động từ “ăn” (ăn thịt) trong câu 54 được dịch từ động từ trogein trong tiếng Hy Lạp mà TOB chú giải bằng hai chữ mâcher, croquer (nhai).

+ Máu và Uống máu :

Uống máu” là một cớ vấp phạm cho người Do Thái, vì Lề Luật cấm uống máu, cho dù là máu của súc vật (x. Lv 3,17 ; 7,16-17). Máu là sự sống thuộc về Thiên Chúa và không ai được phép ăn hay uống. (x. Lv 7,10-12).

Nhưng khi nói “ăn thịt và uống máu”, Đức Giêsu liên tưởng đến hy tế xá tội : tế vật bị giết, máu được rảy chung quanh bàn thờ và thịt thì dân chia nhau ăn. (x. Lv 7,1-6 ; 7,11-15).

+ “Và bánh tôi sẽ ban tặng” (6,51b) :

Động từ ban ở thì tương lai, có nghĩa là sự kiện ban chưa thực hiện ngay lúc Chúa nói, nhưng sẽ được thực hiện trong tương lai. Tại bữa Tiệc Ly, Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn mà nói : “Này là Mình Ta, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19). Việc trao ban thực sự sẽ diễn ra nơi Thập giá. Bữa Tiệc Ly chỉ có ý nghĩa khi nối kết với việc trao ban trên thập giá mà thôi.

Sau lời tuyên bố này, người Do Thái xầm xì chống đối : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” (c. 52).

Để trả lời cho vấn nạn này, Đức Giêsu đòi hỏi người đối thoại phải công nhận Mầu nhiệm Nhập Thể, tức là mầu nhiệm “lên-xuống” của Ngôi Lời :

Điều đó, anh em lấy làm chướng không chấp nhận được ư ? Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao ? (c. 61 // Ga 2,13)

Sau đó, Ngài cũng đòi hỏi người đối thoại phải thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong bí tích Thánh Thể :

“Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (c. 63a // Ga 3,6)

Như thế, người ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh Thể qua mầu nhiệm Nhập Thể và Mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh mà thôi.

+ Hiệu quả của Thánh Thể :

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).

C.    NHỮNG PHẢN ỨNG VỀ BÀI DIỄN TỪ

-    Phản ứng của đám đông (c. 60-66)

-    Tuyên tín của Phêrô và báo trước sự phản bội của Giuđa (c. 67-71)

+ Không chấp nhận được :

“Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói : Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi !” (c. 60)

Lời này là lời nào ? Có phải là lời “ăn thịt và uống máu” ? Gioan cho chúng ta thấy rõ, không phải là lời nói về thịt mà Đức Giêsu sẽ ban cho mọi người ăn (c. 51b), nhưng chính là lời Đức Giêsu tuyên bố rằng : “Tôi từ trời mà xuống” (c. 38a). Cụm từ “từ trời mà xuống” lại vang vọng một lần nữa ở cuối bài diễn từ (c. 58).

Lời tuyên bố “Tôi từ trời mà xuống” gây vấp phạm trước tiên nơi người Do Thái (6,41-42) và sau là nơi một số đông môn đệ (c. 60).

Tại sao Gioan lại nhấn mạnh điểm này sau bài diễn từ về Thánh Thể ? Chỉ vì Gioan nhìn thấy hoàn cảnh của giáo đoàn Kitô hữu gốc Do Thái vào thời của ông, nhưng người này cấu kết với người Do Thái phủ nhận nguồn gốc thần linh và từ đó cũng phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu. Khi phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu, họ tự tách ra khỏi cộng đoàn, mà Tiệc Thánh Thể là biểu trưng cho sự hiệp nhất ; họ không còn là môn đệ Đức Giêsu nữa (c. 66 // 1Ga 2,19-23).

+ Nhiều môn đệ bỏ Đức Giêsu

Đã có nhiều môn đệ không còn tin Đức Giêsu nữa (c. 64), họ rút lui, không còn đi theo Người nữa (c. 66), chỉ còn lại một số nhỏ, Nhóm Mười Hai ở lại với Người (c. 67). Đức Giêsu lập lại đề tài đức tin : tin vào Người là một ân huệ của Chúa Cha : “Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (c. 65 // 44).

+ Tuyên tín của Phêrô

Khi Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai :“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” (c. 67)

Phêrô đã tuyên tín : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68). Câu này là một lời tuyên xưng, công nhận lời của Đức Giêsu đã nói : “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (c. 63).

Phêrô tuyên xưng tiếp : “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c. 69).

KẾT LUẬN

Đức Giêsu được giới thiệu là Môsê mới đem lại sự sống đời đời. Môsê mới đồng hóa với bánh bởi trời, bánh hằng sống mà Chúa Cha ban, để những ai tin thì có sự sống đời đời (c. 47).

Khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn cũng như khi Ngài công bố lần đầu tiên về bí tích Thánh Thể, các môn đệ không chấp nhận ; đa số đều thắc mắc : “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi ?” (c. 60). Thật vậy, Thánh Thể và Thánh Giá là những viên đá gây vấp ngã cho mọi người. Đây là một mầu nhiệm luôn tạo cớ gây chia rẽ “cả anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” (c. 67).

Câu hỏi của Chúa vẫn vang dội qua các thời đại như lời yêu thương mời gọi mọi người nhận biết : “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (c. 68). Khi chúng ta tin tưởng đón nhận hồng ân Thánh Thể thì cũng là đón nhận chính Chúa Giêsu, sự sống cho nhân loại. (x. GL 1336).

 

Lm An-tôn Nguyễn Đức Khiết

(Chương 3: Nguồn gốc của Bí tích Thánh Thể)

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com