BÍ TÍCH THÁNH THỂ - Chúa Giê-su - Thượng tế trung gian của Giao ước Mới

 


CHƯƠNG 5: CHÚA GIÊ-SU 
- THƯỢNG TẾ TRUNG GIAN CỦA GIAO ƯỚC MỚI

 

Thần học thư Do Thái

Thư gửi tín hữu Do Thái là một bài giảng thần học hơn là một “lá thư”. Chủ đề của lá thư là muốn minh chứng sự trổi vượt của Kitô giáo hơn Do Thái giáo, đặc biệt là trong vấn đề phượng tự. Vì thế, tác giả của lá thư phải minh chứng Đức Giêsu là Thượng tế cao cả hơn các thượng tế của Do Thái giáo, và hơn thế nữa, Đức Giêsu là Thượng tế duy nhất và vĩnh cửu.

Thư này là tác phẩm duy nhất trong Tân ước khẳng định rõ ràng chức tư tế của Đức Kitô. Phaolô không bao giờ đề cập đến chủ đề này, không lần nào ngài nói tới tư tế, thượng tế hay chức tư tế. Khi các sách Tin mừng dùng chữ tư tế, thượng tế thì bao giờ cũng để chỉ tư tế, thượng tế của Do Thái giáo, không bao giờ chỉ Đức Giêsu. Trong sách Công vụ cũng thế, ngoại trừ một lần chữ tư tế được dùng để chỉ một tư tế ngoại đạo (x. Cv 14,13).

Điểm đầu tiên mà thư Do Thái phải giải quyết thuộc bình diện lịch sử thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu thành Nadarét. Đức Giêsu không bao giờ tự xưng mình là tư tế cả, huống chi là thượng tế. Thoạt nhìn, thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu không có gì liên hệ với chức tư tế được diễn tả trong thư. Ngài không thuộc hàng tư tế, và không làm một phận vụ tư tế nào (x. Dt 7,14 ; 8,4). Các nhiệm vụ của một tư tế Do Thái giáo phải đảm nhận rất nhiều, chẳng hạn như thỉnh ý Giavê, dâng các con vật đã được sát tế, kiểm soát tình trạng thanh sạch, gìn giữ cung thánh, chúc lành nhân danh Giavê (x. Đnl 33,8-11 ; Lv 13,14 ; Ds 6,22-27 ; 19 ; Hc 45,6-22), trong khi đó, nhìn vào sứ vụ công khai của Đức Giêsu, ta thấy Ngài không thi hành các nhiệm vụ ấy. Sứ mạng của Ngài là rao giảng lời Chúa giống như các ngôn sứ. Các sách Tin mừng cho thấy Ngài ít quan tâm tới sự thanh sạch theo nghi lễ (Mt 9,10-13 ; 15,1-20). Theo Mathêu, Ngài đã nhắc lại hai lần cho các biệt phái và luật sĩ lời của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Hôsê : “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không lễ tế” (Hs 6,6 // Mt 9,13 ; 12,7).

Tư tế gắn liền với Đền thờ, mà Đức Giêsu lại có những lời lẽ đụng chạm đến Đền thờ. Ngài tự đặt mình lên trên Đền thờ : “Tôi nói cho các ông hay, ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa” (Mt 12,6). Ngài báo trước một đời sống phượng tự không ràng buộc vào Đền thờ : “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem nữa” (Ga 4,21), bản thân Ngài như thay thế cho Đền thờ (Ga 2,19-21). Kẻ thù của Ngài chủ yếu là biệt phái, luật sĩ, thượng tế và các tư tế (Ga 11,47). Biến cố Núi Sọ, bề ngoài cũng chẳng có gì là nghi lễ. Cái chết của Ngài là một cực hình do luật pháp ấn định, một bản án hình sự ô nhục loại bỏ người bị kết án ra khỏi Dân Chúa (x. Gl 3,13), đang khi hy tế là một cử hành phượng tự tôn vinh Thiên Chúa và đưa con người hiệp thông với Thiên Chúa.

Tác giả thư Do Thái ý thức những khó khăn trong quan điểm của ông. Ông biết rõ là Đức Giêsu không thuộc một gia đình tư tế và ông không quên nhắc lại : “Hiển nhiên là Chúa chúng ta đã xuất thân từ chi tộc Giuđa, một chi tộc không được ông Môsê nói gì đến, khi bàn về các tư tế” (7,14). Chỗ khác, ông nói : “Vậy, giá như Đức Giêsu ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền” (8,4)

  I.     ĐỨC KI-TÔ, VỊ THƯỢNG TẾ VĨNH CỬA VÀ DUY NHẤT

Tác giả thư Do Thái suy tư về chức tư tế của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Đức Giêsu “trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt. Quả thật, có lời chứng nhận rằng : Muôn thuở, Con là Thượng tế theo phẩm trật Menkixêđê” (7,16). Như thế, Đức Giêsu không là tư tế theo dòng dõi, nhưng Ngài được chính Thiên Chúa tuyển chọn làm Thượng tế “theo phẩm trật Menkixêđê”. Chính Đức Kitô vinh hiển Phục sinh có chức tư tế vĩnh cửu và hoàn hảo. Ngài là Con Thiên Chúa và là anh loài người. Ngài bảo đảm cho người ta đến được cùng Thiên Chúa.

Chức Tư Tế của Đức Giêsu tiếp nối và vượt qua chức tư tế của Aaron (5,4-5). Như lời Thánh vịnh 110, Thiên Chúa muốn thiết lập một tư tế mới hẳn, “theo dòng Menkisêđê” (7,1-28). Hình ảnh của Thượng Tế vĩnh cửu là gương mặt lạ lùng của Menkixêđê trong sách Sáng thế chương 14, bởi vì “ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa : mãi mãi ông vẫn là tư tế” (7,3).

Tác giả thư Do Thái cố gắng liên kết Menkixêđê với Đức Giêsu, đồng thời minh chứng chức tư tế của Menkixêđê trổi vượt hơn chức tư tế Do Thái giáo. Đàng sau các lập luận minh chứng của tác giả, ta thấy có một tư tưởng căn bản : Đức Giêsu là Thượng tế đích thực và hoàn hảo, không những đã hủy bỏ chức tư tế của Giao ước cũ mà còn hoàn tất viên mãn chức tư tế ấy nơi bản thân mình. Quan niệm hy tế Do Thái giáo cũng được thay thế bằng hy lễ tự nguyện của Đức Giêsu Thượng tế (7,27).

II.   ĐỨC KI-TÔ, VỊ THƯỢNG TẾ BIẾT CẢM THÔNG VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Để đưa con người đến chỗ thành toàn, chính Đức Giêsu Kitô-Thượng tế đã phải trải qua các giai đoạn khác nhau của đời sống con người, hoàn toàn mang thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi (4,15-16 ; 5,7-9). Ngài là vị Thượng Tế cho con người và vì con người :

“Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân, Người đã phải trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (2,16-18)

Trong câu 17, tác giả nói đến điều kiện để Đức Kitô trở thành Thượng tế là “phải nên giống anh em mình về mọi phương diện”. Đây là điều rất mới so với Cựu ước.

Tác giả nhấn mạnh một lần nữa đến điểm này trong 5,7-8 :

“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhận lời vì có lòng tôn kính. Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên Nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng tế theo phẩm trật Menkixêđê”

Ngài là vị Thượng tế biết cảm thông những nỗi yếu hèn của con người. Ngài là vị Thượng tế rất gần với con người và liên đới với con người. Ngài bầu cử cho chúng ta (2,17). Ngài đã phải đau khổ cùng với con người, như con người, để có thể chịu đau khổ vì con người và chuộc tội cho con người.

Tác giả thư Do Thái không những nhấn mạnh đến cương vị ưu việt của Đức Kitô Thượng tế (4,14), mà còn làm nổi bật lòng xót thương của Ngài :

“Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (4,15-16).

Sự vinh hiển của Đức Kitô trên trời mang lại cho Ngài quyền tư tế cao nhất, nhưng liệu có phù hợp với chúng ta là những con người yếu đuối không ? Đó là ưu tư của tác giả. Đức Giêsu phải là người biết chia sẻ, thông cảm những yếu đuối của loài người chúng ta.

Albert Vanhoye cho ta thấy “sự hoàn tất” của Đức Giêsu không phải ở chỗ Ngài được cất nhắc lên chức vụ Thượng tế, nếu người ta hiểu như một sự “tách biệt” ra khỏi dân chúng, như trường hợp của các Thượng tế Do Thái. Đức Giêsu “hoàn tất” chức vụ Thượng tế của mình trong chính sự hiệp thông với thân phận làm người, trong nhân tính đau thương của Ngài (Dt 5,1-10). Trong khi đó, vị Thượng tế Do Thái đón nhận sự hoàn tất của mình khi được phong làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người, khi được tách ra khỏi dân chúng. Đức Giêsu có khả năng thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại không qua con đường “tách biệt”, nhưng nhờ vào sự liên đới với loài người về “mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội

Đức Kitô đạt đến vinh quang không phải bằng con đường “tách biệt” khỏi loài người, nhưng liên đới với họ cho đến cùng. Ngài đã trải qua con đường đau khổ và sự chết. Vinh quang của Ngài không là danh vọng mà là vinh quang bởi tình yêu dâng hiến quảng đại

Con đường đưa Đức Giêsu tới chức vị Thượng tế là con đường của mầu nhiệm tự hủy (Kénose). Ngài phải từ khước mọi đặc quyền, phải hạ mình xuống mức thấp nhất, hoàn toàn nên giống anh em mình, chia sẻ với họ những đau khổ và sự chết. Ngài phải trải qua đau khổ, chịu chết, để rồi nhận lãnh vinh quang mà Thiên Chúa ban cho Ngài. (Dt 2,17 // Lc 24,26).

Chỗ khác, tác giả thư Do Thái nói về sự hiện hữu của vị Thượng tế này như là sự hiện hữu-cho :

“Nhưng Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (2,9).

Trong lúc, Cựu ước đòi hỏi vị tư tế phải “tách biệt” với dân chúng, thì thư Do Thái lại nói đến việc “đồng hoá” như điều kiện cho Đức Giêsu-Thượng tế. Trong lúc Cựu ước mô tả các nghi thức hiến thánh để “tách biệt” vị tư tế ra khỏi dân chúng và ấn dịnh những quy luật “thanh sạch” để duy trì khoảng cách này, thì tác giả thư Do Thái không nhắc tới nghi thức hiến thánh hay nghi lễ tấn phong nào, nhưng chỉ đề ra nhiệm vụ phải trở nên hoàn toàn giống anh em mình.

Cuộckhổ nạn của Đức Giêsu trở thành sự hiến thánh tư tế, và vinh quang của Đức Giêsu phục sinh trở thành vinh quang Thượng tế. Việc hiến thánh tư tế của Đức Giêsu không do một nghi thức “tách biệt”, nhưng nhờ chấp nhận hoàn toàn sự liên đới với con người. Vinh quang của Đức Giêsu-Thượng tế là chỗ đứng hiện nay của Ngài bên cạnh Thiên Chúa và con người.

Cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô thực hiện điều mà sự hiến thánh tư tế trong Cựu ước không đạt được, đó là thiết lập vai trò trung gian hữu hiệu giữa Thiên Chúa và loài người. Quan điểm này hoàn toàn mới mẻ, bỏ những giới lệnh vụ nghi lễ, nhấn mạnh đến đòi hỏi tình liên đới huynh đệ.

III.     ĐỨC KI-TÔ, VỊ THƯỢNG TẾ TỰ NGUYỆN HIẾN TẾ VÌ CON NGƯỜI

Một tư tưởng chủ yếu khác của thư Do Thái là tính duy nhất của hy tế thập giá. Tác giả lập đi lập lại “chỉ có một lần thay cho mọi lần” (9,12 ; 9,26.28 ; 10,10). Cái chết lịch sử của Đức Giêsu không thể tái diễn, nhưng có giá trị cứu thế dứt khoát và vô hạn. Tất cả đời sống phượng tự Kitô giáo đều quy về biến cố lịch sử này. Cuộc sống chỉ có một lần của Đức Giêsu-Thượng Tế mà cao điểm là cái chết hy tế. Đức Giêsu quả thật là Trung gian Giao Ước mới và vĩnh cửu, là Thủ lãnh một nhân loại mới và là Nguyên Nhân cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Ngài (5,9).

Tác giả thư Do Thái nhấn mạnh đến sự vô tội của Đức Giêsu (7,26 ; 9,14) để làm nổi bật lên cái chết hy tế của Ngài. Ngài là Đấng vô tội phải chịu chết, đền thay tội lỗi cho nhiều người. Tư tưởng này rất truyền thống và có trong nhiều tác phẩm Tân Ước (2Cr 5,21 ; 1P 1,19 ; 2,22 ; 3,18).

Cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật là một hy tế, hy tế đích thực và duy nhất, thay thế tất cả hy tế xưa. Bởi vì, các hy tế Cựu ước chỉ dừng lại ở bình diện trần gian, là những cử chỉ làm theo quy ước, chúng chẳng có thể thanh tẩy được lương tâm con người (9,9 ; 10,1-4) cũng chẳng nâng họ lên tới Thiên Chúa. Trái lại, cuộc khổ nạn của Đức Kitô là một lễ dâng hoàn toàn (9,14). Ngài đã học cho biết vâng phục, nghĩa là phải vất vả chiến đấu để cuối cùng vâng phục Chúa Cha cách trọn vẹn. Tác giả thư Do Thái đã trình bày cuộc khổ nạn của Đức Giêsu như một lời cầu nguyện, một sự hiến dâng (5,7-9). Nhờ mầu nhiệm tử nạn, Đức Kitô trở thành Tư tế hoàng thiên (9,24). Ngài đã thanh tẩy tội lỗi và thiết lập một Giao ước mới vĩnh cửu (9,15 ; 13,20). Máu Ngài bảo đảm cho ta đến gần được Thiên Chúa (10,19)

IV.     ĐỨC KI-TÔ, THƯỢNG TẾ TRUNG GIAN CỦA GIAO ƯỚC MỚI

Giao Ước cũ được ký kết bằng máu, nhưng là máu của lễ vật hy sinh mà Môsê hay các tư tế dùng để rảy trên dân. Tác giả thư Do Thái nói đây chỉ là điều “mô phỏng”, cho nên “không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ” (9,18-22). Ngược lại, trong Giao Ước Mới, chính Đức Giêsu-Thượng Tế đổ máu mình, lấy máu mình làm lễ vật hy sinh đền tội và xóa tội, thì chính Ngài “tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (9,26) ; “Ngài chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người thánh hoá được nên hoàn hảo” (10,14).

Vị Thượng tế thi hành vai trò trung gian. Vì vậy, tác giả thư Do Thái nhấn mạnh đến vai trò Trung Gian cần thiết của Đức Giêsu “nhờ máu Đức Giêsu đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh” (10,19) ; “Ngài là trung gian của một giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (9,15).

Tác giả thư Do Thái dùng từ ngữ “mới” ở đây để nói lên tính chất luôn luôn mới của Giao Ước, nghĩa là nó sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng cũ. Do đó, tác giả phải giải quyết một vấn đề nữa : Làm sao cho Giao Ước Mới có một nền tảng mới, có khả năng đảm bảo tính chất “Mới” vĩnh viễn của nó. Vì nếu không, nó chỉ là sự làm mới, lặp lại Giao Ước cũ mà thôi.

Để thấy rõ đặc tính “mới” này của Giao Ước, tác giả thư Do Thái suy tư từ chính mối tương quan giữa Tế Tự và Giao Ước.

1. Sơ đồ của Tế Tự trong Giao Ước cũ (9,1-10) :

Lễ vật hy sinh – Thiên Chúa ; Lễ vật hy sinh – Tư tế ; Dân Chúa – Tư tế. Tác giả thấy các mối tương quan này đều tách rời nhau :

Lễ vật hy sinh <-> Thiên Chúa : “Những lễ vật và hy lễ dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự trở nên hoàn thiện. Những cái đó chỉ liên quan đến của ăn thức uống cùng các loại nghi thức tẩy rửa, và là những quy luật chỉ có hiệu lực bên ngoài” (Dt 9,9-10) ;

Lễ vật hy sinh <-> Tư tế : “Các tư tế thường xuyên vào lều thứ nhất để cử hành việc phụng tự. Còn lều thứ hai, thì chỉ một mình vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân” (Dt 9,6-7)

Tư Tế <-> Dân Chúa : “đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân” (Dt 9,7)

Từ các mối tương quan tách biệt đó, tác giả thư Do Thái thấy hiệu quả của tế tự trong Giao Ước cũ là Dân Chúa được tinh luyện, được tha thứ, nhưng chỉ nhất thời và không thể nào trọn vẹn đến cùng Thiên Chúa được, hoặc có đến thì đến từ xa xa, vì vẫn còn sự cách biệt.

2. Trong khi đó, việc tế tự trong Giao Ước Mới mang tính chất khác hẳn, và theo thư Do Thái, nền tảng mới này là sự thay đổi tận căn do Đức Kitô thực hiện nhờ cuộc Khổ Nạn của Ngài : “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”(5,8-9).

Như vậy, cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu đã trở nên nền tảng mới của phụng tự trong Giao Ước Mới, trong đó mọi phân cách được hủy bỏ hoàn toàn :

- giữa lễ vật hy sinh và Thiên Chúa, vì Đức Kitô chính là lễ vật xứng đáng : “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hắng sống” (9,14) ;

- giữa lễ vật hy sinh và tư tế, vì Đức Kitô hiến dâng chính mình Người :

“Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách Thánh đã chép về con.

Trước hết, Đức Kitô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưng, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói : Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô, đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một làn là đủ” (10,4-10) ;

- giữa Dân Chúa và tư tế, vì cuộc khổ nạn của Đức Kitô đã khiến Ngài liên đới với mọi người : “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai chịu đau khổ” (2,17-18).

Nếu Môsê lấy máu chiên bò rảy trên dân chúng để thiết lập Giao ước cũ, thì nay, chính Đức Giêsu lấy máu của mình thiết lập Giao ước mới. Nơi ký kết Giao ước không phải là nơi nào trên trái đất, cũng không phải trong Đền Thờ Giêrusalem, nhưng chính là Thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự “Người đã vào cung thánh, không phải với máu các con đê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (9,12) ; “Quả thế, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta. Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (9,24-26).

Hiệu quả của việc Đức Kitô hiến tế chính mình là mở đường cho chúng ta đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.

Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (10,19-22)

 

Lm An-tôn Nguyễn Đức Khiết

(Chương 6: Lịch sử thần học)

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com