Gia đình theo sách giáo lý của Giáo hội Công giáo

 

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi đến Hội đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đối với món quà là chính Đại hội Mục vụ-Thần học Quốc tế về Gia đình. Đặc biệt, tôi xin cám ơn Đức Hồng y Alfonso Lopez Trujillo, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng, về tầm nhìn và công việc chuẩn bị của ngài cho cuộc gặp gỡ của đức tin này để suy tư về nhiều khía cạnh của gia đình được trình bày trong chương trình. Và tôi xin đặc biệt cám ơn ngài đã mời tôi tham dự để trình bày suy tư về chủ đề “Gia đình theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.”

 

Giáo Huấn về Gia Đình của sách Giáo Lý

Gia đình thường được xem là tế bào hoặc cấu kiện chính yếu của xã hội con người. Bởi chúng ta quen với lối suy nghĩ coi gia đình là nơi mà đức tin Công giáo được chuyển giao và được sống, nên đôi khi chúng ta rất ít chú ý đến việc gia đình liên quan như thế nào đến kế hoạch của Thiên Chúa được bày tỏ trong Kinh Thánh vì ơn cứu độ của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.

Điều Răn Thứ Tư

Giáo Huấn của Giáo Hội về gia đình được tìm thấy trong sách Giáo Lý nơi “cột trụ” hay phần thứ ba, bàn về việc chúng ta sống “trong Đức Kitô” như thế nào, nghĩa là, về việc những gì Thiên Chúa đã mạc khải trong Đức Kitô và trao ban cho chúng ta trong Phép Thánh Tẩy phải được mang ra thực hành như thế nào trong cuộc sống của chúng ta qua việc tìm cách làm điều lành và lánh điều dữ. Phần đề cập đến đời sống luân lý này lấy khuôn khổ là Thập Điều, hay Mười Điều Răn , được Thiên Chúa mạc khải cho Môisê trên núi Sinai, và được tái khẳng định bởi Đức Giêsu: “Nếu ngươi muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17). Lời dạy của Đức Giêsu về hai giới răn yêu thương chính yếu – yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương người lân cận như chính bản thân – tóm kết Mười Điều Răn: ba điều răn đầu liên hệ đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều răn khác liên hệ đến tình yêu đối với tha nhân.

Điều răn thứ tư nói với chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Sách Giáo Lý bắt đầu phần trình bày về giới răn này bằng cách cho chúng ta thấy những gì truyền thống Giáo Hội hiểu về những điều chứa đựng trong các chữ ngắn gọn này: “Giới răn thứ tư mở ra tấm bảng thứ hai của Thập Điều. Điều răn cho chúng ta thấy thứ tự của bác ái. Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải thảo kính cha mẹ là những người chúng ta hàm ơn sự sống và cũng là những người đã chuyển giao cho chúng ta những hiểu biết về Thiên Chúa. Chúng ta buộc phải tôn kính tất cả những ai mà Thiên Chúa đã trao ban quyền bính của Ngài vì ích lợi của chúng ta.” (2197). Ở đây chúng ta nhìn thấy một sự chuyển vận cụ thể từ “tình yêu đối với Thiên Chúa” đến “tình yêu đối với tha nhân”, bắt đầu từ nơi gia đình mà sách Giáo lý gọi là “tế bào gốc của đời sống xã hội” (2207).

Theo sách Giáo Lý, “Giới răn thứ tư rõ ràng nhắm đến con cái trong mối tương quan với cha mẹ, bởi vì mối quan hệ này là phổ biến nhất.” Nhưng giới răn thứ tư cũng “ quan tâm đến những mối tương quan họ hàng giữa các thành viên của gia đình mở rộng. Giới răn đó đòi hỏi lòng kính trọng, thương yêu, và biết ơn đối với người cao tuổi và tổ tiên. Sau cùng, giới răn này mở rộng đến bổn phận học sinh đối với thầy cô, thợ thuyền với chủ nhân, nhân viên với lãnh đạo, công dân với quốc gia, và những ai đang cầm quyền, cai quản đất nước”. Hơn nữa, “giới răn này bao gồm và giả định trước bổn phận của cha mẹ, thầy cô, giới lãnh đạo và những ai cai quản, thực thi quyền bính trên người khác hoặc trên một cộng đồng” (2199).

Trong thế giới ngày nay, nơi có quá nhiều khuôn khổ cho sự luận bàn công khai khi cứ nhấn mạnh đến quyền và tự do của cá nhân, sách Giáo Lý lại nhìn vào cá nhân như thành viên của gia đình, và nhìn vào gia đình trong mối liên hệ đến xã hội; sách đề cập đến bổn phận của con cái và của cha mẹ, của công dân và của chính quyền dân sự. Sách Giáo Lý nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của nhân sinh, và vì thế, cung cấp một liều giải độc quan trọng cho lối nhìn về con người càng ngày càng bị phân mảnh (và cơ bản là chống lại xã hội ). Sách Giáo Lý đưa ra một điểm nổi bật khi nhắc nhở chúng ta rằng điều răn thứ tư “giới thiệu” – đặt nền móng cho – “những điều răn kế tiếp, liên quan đến sự tôn trọng đặc thù đối với sự sống [đừng giết người], hôn nhân [đừng ngoại tình], của cải trần thế [đừng trộm cắp], và lời nói [đừng làm chứng gian gây hại tha nhân].” Vì thế, điều răn thứ tư “ là một trong những nền tảng học thuyết xã hội của Giáo Hội” (2198).

Hôn Nhân và Gia Đình trong Kế Hoạch của Thiên Chúa

Một trong những thách đố nổi lên trong những năm gần đây là nỗ lực của các xã hội thế tục hóa muốn thay đổi luật lệ vẫn tồn tại hàng bao thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ, vốn nhìn nhận kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình như được thấy trong trật tự sáng tạo, vì thế tạo nên một di sản chung của nhân loại được điều khiển bởi luật tự nhiên. Sự hiểu biết này được xác nhận bởi mạc khải của Thiên Chúa về sáng tạo, hôn nhân và gia đình, khởi đi ngay từ những chương đầu của sách Sáng Thế, ở ngay phần mở đầu của Kinh Thánh. Chúng ta đọc thấy: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của chính mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Và Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Ngài nói với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1, 26-28). Và chúng ta cũng đọc thấy: “Vì thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương thịt” (St 2, 18; 21-24).

Đây là nền tảng cho giáo huấn của Hội Thánh mà sách Giáo Lý trình bày khi trích dẫn Công Đồng Vatican II: “Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân” [GS 48]. Sách Giáo Lý tiếp tục nói rằng: “Ơn gọi hôn nhân được ghi khắc ngay trong bản chất tự nhiên của người nam và người nữ khi họ xuất phát từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa” (1603). Và sách Giáo lý còn nói thêm rằng: “Khi tạo nên người nam người nữ, Thiên Chúa thiết lập gia đình cho con người và đặt nền tảng cơ bản cho nó” (2203).

Vì lý do này Giáo Hội luôn luôn giảng dạy tầm quan trọng của gia đình như là đơn vị căn bản của cấu trúc của chính xã hội: “Quyền bính, sự ổn định, và đời sống tương giao nơi gia đình là nền tảng cho tự do, an ninh, và tình huynh đệ trong xã hội” (2207). Vì thế, “gia đình, với tư cách là một định chế, có trước bất cứ sự nhìn nhận nào của công quyền, và công quyền có bổn phận phải nhìn nhận gia đình” (2202). Bởi vì hôn nhân và gia đình có nền tảng trong trật tự sáng tạo, được xác nhận bởi mạc khải tỏ tường của Thiên Chúa, Giáo Hội nhất thiết chống lại bất cứ luật lệ nào của con người muốn huỷ bỏ hoặc làm đảo lộn trật tự này, như trường hợp luật pháp công nhận hôn nhân đồng tính hoặc “hôn nhân” nhiều vợ, nhiều chồng. Những luật lệ con người và những quyết định của toà án nào không tôn trọng giáo huấn nền tảng và ngàn đời này là đi ngược lại luật của Thiên Chúa và bị coi như bất chính.

Trong những hoàn cảnh như vậy, thật là hữu ích khi nhớ lại giáo huấn của sách Giáo Lý về bổn phận của công dân theo điều răn thứ tư khi liên hệ đến những luật lệ bất chính: “Công dân buộc phải theo lương tâm của mình để không tuân theo chỉ thị của chính quyền dân sự khi những chỉ thị đó đi ngược lại những đòi hỏi của trật tự luân lý, của những quyền cơ bản con người hoặc của giáo huấn Tin Mừng. Sự từ chối tuân theo chính quyền dân sự tìm thấy được lý lẽ bênh vực nơi sự phân biệt giữa việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ chính quyền, khi những đòi hỏi của họ đi ngược lại với những đòi hỏi của lương tâm ngay chính. “Vì thế hãy trả lại cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da, và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22, 21). [Tương tự như thánh Phêrô và các tông đồ trả lời cho Thượng tế và Công nghị tại Giêrusalem,] “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29)” (2242).

Điều hết sức hệ trọng trong thời buổi hôm nay là chồng vợ và cha mẹ cần biết lời dạy của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình để họ có thể đóng góp cách đúng đắn vào đời sống chính trị của xã hội mà họ sinh sống. Đây là một phần của ơn gọi của gia đình Kitô trong việc giúp tạo nên một xã hội theo luật pháp công chính (x. Familiaris Consortio, 44). Sách Giáo Lý là một sự trợ giúp không thể thiếu được cho nhiệm vụ này.

Giáo Lý trong Đời Sống Gia Đình

Sách Giáo Lý nói với chúng ta rằng “Khi tạo thành vũ trụ và con người, Thiên Chúa ban cho ta chứng cứ đầu tiên và phổ quát về tình thương toàn năng và sự khôn ngoan của Người, sự loan báo đầu tiên về ‘kế hoạch của lòng nhân hậu yêu thương của Người’, kế hoạch này tìm thấy cùng đích nơi công trình tạo thành mới trong Đức Kitô” (315). Nơi đây chúng ta nhận biết chân lý nền tảng là, theo kế hoạch của Thiên Chúa, chính tạo thành được sắp đặt hướng đến ơn cứu độ. Vì thế, gia đình, một thực tại được tạo thành, tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong tư cách một gia đình Kitô, như một cộng đồng mà chính Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Đức Giêsu tạo nên cộng đồng này, gia đình này, là một khí cụ của công trình cứu độ của Ngài, vì nhân loại. Sách Giáo Lý chỉ ra thực tại này khi đón nhận giáo huấn của Tông Huấn về Gia Đình [Familiaris Consortio, 21]: “Gia đình Kitô bày tỏ và thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Giáo Hội, và vì lý do này gia đình có thể và nên được gọi là một giáo hội tại gia” (2204). Nhìn gia đình như là Giáo Hội “thu nhỏ,” và gọi chính Giáo Hội là “gia đình của Thiên Chúa,” là những tư tưởng đã được trình bày từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo.

Thánh Phaolô trước hết dạy về mầu nhiệm Giáo Hội trong quy chiếu đến hôn nhân và gia đình khi ngài viết Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô, trong đó ngài thúc giục mối tương quan giữa các người chồng và các người vợ phải bắt chước tình yêu tự hiến của Đức Kitô dành cho Giáo Hội. Hôn nhân Kitô là một bí tích biểu thị sự hiệp nhất của Đức Kitô và Giáo Hội. Hôn nhân này mang lại cho vợ chồng ân sủng để yêu thương nhau bằng tình yêu mà Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội của Ngài. Chính hôn nhân này mang lại ân sủng của bí tích cho vợ chồng hầu kiện toàn tình yêu nhân loại của họ, tăng cường sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ, và thánh hoá họ trên con đường dẫn đến sự sống đời đời” (1661). Gia đình có một ơn gọi cao đẹp trong Giáo Hội. Sách Giáo Lý nói rằng bởi vì hôn nhân là “sự hiệp thông nhân vị”, là “dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần.” Thêm vào hình ảnh Ba Ngôi này, “việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha.” Hơn nữa, gia đình Kitô “được mời gọi tham dự vào lời cầu nguyện và hy tế của Đức Kitô,” và “có sứ mạng loan báo Tin Mừng và truyền giáo” (2205).

Sống ơn gọi “giáo hội tại gia” chắc chắn không phải là một trách vụ dễ dàng. Nhưng vì lý do này mà tôi muốn đảo ngược tựa đề bài nói chuyện, “Gia đình trong sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo,” để đề nghị rằng sách Giáo Lý có thể là công cụ hữu ích nhất cho gia đình để hoàn thành ơn gọi và sứ mạng của mình. Vì thế, tôi muốn nói về vai trò của sách Giáo Lý trong gia đình.

Trước hết, vừa tròn một năm qua, sách Giáo Lý đã có thêm một người bạn đồng hành mới có khả năng phục vụ các gia đình một cách hiệu quả hơn. Bản “Toát Yếu” mới xuất bản của sách Giáo Lý trình bày giáo huấn của sách Giáo Lý dưới dạng câu hỏi và câu đáp, ngắn gọn hơn, dễ sử dụng hơn. Cách trình bày được rút ra từ sách Giáo Lý, và tham chiếu về sách Giáo Lý để mỗi câu hỏi đều có thể được trả lời đầy đủ hơn. Như thế, sách Toát Yếu thích ứng với các gia đình và đặc biệt hữu ích cho các bậc cha mẹ, vốn là những “giáo lý viên đầu tiên” cho con cái họ. Và khi cha mẹ và con cái ngày càng cảm kích vẻ đẹp của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và nhận biết chân lý này rõ ràng hơn, họ sẽ được chuẩn bị tốt hơn không những làm nhân chứng sống động được mời gọi trong tư cách gia đình Kitô, mà còn góp phần biến đổi trật tự xã hội. Như vậy họ sẽ có thể cộng tác cách hữu hiệu với những công dân khác trong việc tác tạo một trật tự thế giới công bằng, đặt nền tảng trên công lý, tình thương, hoà bình và tự do.

Hơn nữa, sách Giáo Lý và bản Toát Yếu mới có thể là một công cụ cho công tác mục vụ hiệu quả hơn cho lợi ích của các gia đình (mục vụ gia đình). Ngày nay nhiều gia đình tìm thấy sự nâng đỡ và huấn luyện Kitô cần thiết cho họ nơi một trong các phong trào mới của Giáo Hội đã nảy sinh trong thế kỷ vừa qua. Nhưng rất nhiều khi giáo xứ, là tế bào cơ bản của đời sống Giáo Hội, chưa đáp ứng cách hiệu quả để giúp đỡ các gia đình sống ơn gọi cao đẹp của họ giữa một thế giới ngày càng bị tục hoá. Sách Giáo Lý và bản Toát Yếu mới là những công cụ có khả năng qui tụ các gia đình lại để giúp nhau đào sâu hiểu biết về đức tin, nhận biết những lý tưởng chứa đựng trong các nhân đức như là một lối sống “trong Đức Kitô,” và khuyến khích cũng như nâng đỡ nhau sống niềm tin Kitô trong tình yêu thương với một tinh thần truyền giáo và tông đồ thực sự.

Các bạn thân mến! Chúng ta đều kinh nghiệm rằng trong một xã hội đã bị tục hoá thì việc chuyển giao đức tin trong gia đình trở nên khó khăn hơn, nhưng cũng chính vì lý do này mà công việc đó càng trở nên quan trọng và khẩn cấp hơn. Đề cập về thách đố to lớn này, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI mới đây đã nói rằng: “Chính trong hoàn cảnh này mà tất cả chúng ta, đặc biệt là con cái chúng ta, thiếu niên và lớp người trẻ, cần sống đức tin như một niềm vui và nếm hưởng sự an bình sâu xa Đấng Phục Sinh ban cho khi ta được chạm đến Ngài. Trong Thông Điệp Deus Caritas est, tôi đã viết: “Chúng ta tin vào tình yêu Thiên Chúa: bằng những từ ngữ này, Kitô hữu có thể diễn tả quyết định nền tảng của cuộc đời mình. Là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hoặc một ý tưởng cao siêu, nhưng là cuộc đụng chạm với một biến cố, một con người, sự đụng chạm này mang lại cho đời sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (số 1). Nguồn mạch của niềm vui Kitô là sự biết chắc chắn rằng mình được yêu thương bởi Thiên Chúa, rằng mình được yêu thương một cách riêng bởi Đấng Tạo Hóa, Đấng cầm giữ cả vũ trụ trong tay và yêu thương mỗi một người chúng ta và toàn thể gia đình nhân loại bằng một tình yêu nồng nàn và trung tín, một tình yêu lớn hơn những sự bất trung và tội lỗi của chúng ta, một tình yêu tha thứ…Anh chị em thân mến, sự xác tín và niềm vui được Thiên Chúa yêu thương phải được chuyển tải đến mỗi người chúng ta một cách thật cụ thể và thực tế, và đặc biệt đến những thế hệ trẻ đang bước vào thế giới niềm tin.” (Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI ngỏ lời với các Tham dự viên của Công nghị Giáo phận Rôma, ngày 5/6/2006).

Cả sách Giáo Lý và bản Toát Yếu có thể giúp các gia đình và mỗi người chúng ta khám phá ra vẻ đẹp của đức tin Công giáo và sống đức tin ấy với niềm hân hoan, và nhờ đó chuyển giao đức tin này cho những thế hệ trẻ, những người cha người mẹ của ngày mai.

 

Hồng y William J. Levada
Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin
S.H. Trần Trung Lập chuyển ngữ từ bản Anh ngữ
Nguồn: UBMVGĐ/HĐGMVN

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com