Hành trình Ngày Thứ 4

Đau khổ và Hiện sủng

 

BBT: Xin cám ơn chị Teresa Ngọc Thanh về bài chia sẻ này.

“Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1Cr 10,13)

Trong 5 tháng vừa qua, gia đình tôi đang trải qua đau khổ dồn dập. Vào tháng 2.2015, trong dịp Tết, tôi  nhận được tin người mợ 70 tuổi bị ung thư máu nặng, cần truyền máu nhiều lần và qua 6 đợt hóa trị tại Mỹ. Đến cuối tháng 6.2015, má tôi bị tai biến mạch máu não (dạng nhũn não) với liệt nửa người bên phải, đớ lưỡi và không nuốt được. Đến nay bà vẫn được nuôi ăn qua ống thông mũi - dạ dày và được tập vật lý trị liệu hằng ngày. Ngày 16.7.2015 (ngày lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh), tôi nhận được email từ Mỹ đưa tin cậu tôi 83 tuổi, chưa kịp vui mừng vì mợ tôi đã xong các đợt hóa trị và được xuất viện, thì cậu đã gục trên bàn ăn buổi chiều, được cấp cứu ở bệnh viện với chứng tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái, đớ lưỡi và không ăn được. Cậu là người thay thế cha tôi đã qua đời khi tôi vừa lên 6 tuổi. Cho đến nay, cậu vẫn chu cấp tiền để giúp tôi phụng dưỡng mẹ tôi.

Trước 3 hung tin trên, thái độ của tôi như thế nào? Tôi đã sống tinh thần được học trong Khóa Ba Ngày (khóa #6 nữ) vào năm 2012 ra sao? Tôi xin chia sẻ như sau:

1.    Gặp gỡ bản thân 

Trước những thử thách lớn lao trên, tôi ý thức sự yếu đuối, hạn chế, bất lực của mình. Sức khỏe của tôi ở lứa tuổi U70, không đỡ nổi và cũng không xoay trở nổi má tôi. Em gái tôi cũng vậy, 2 chị em không có sức để chăm sóc má tôi.  Còn hai cậu mợ bên Mỹ không có con, chỉ có duy nhất 1 cháu gái là con của em gái tôi, vừa đi làm vừa chăm sóc cho 2 ông bà thay phiên nhau vào bệnh viện. Tài chánh cũng khó khăn trong việc chăm sóc một người nằm liệt. Nguy cơ nhiễm trùng da và viêm phổi do hít sặc rất cao.

Tôi buồn, tôi khóc trước Mình Thánh Chúa và tôi xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi hiểu và thực thi ý Chúa trong Kinh Lạy Cha: xin cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”.

Từ khi tôi “xuống núi” sau Khóa 3 ngày để bắt đầu sống “Ngày thứ tư”, tôi luôn dành 15-30 phút sau Thánh lễ để hiện diện trước Mình Thánh Chúa trong tâm tình của một người nghèo, trần trụi, không có gì để dâng cho Chúa, không cầu nguyện bằng lời, giống như một điện thọai di động đến để được sạc pin hằng ngày cho có đủ năng lượng sống.

Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong ngày hôm nay… Xin Chúa soi sáng cho con để biết nhờ ai giúp đỡ, để biết quyết định thế nào sau khi đã được nhiều người tư vấn…”. Khi nhận hung tin thứ ba về tình trạng bệnh của cậu, tôi bật khóc khi đọc email và nói với Chúa: “Nặng nề quá Chúa ơi, sao tai họa dồn dập như thế…” Nhưng rồi, với thói quen sau Khóa 3 ngày, tôi suy gẫm về 1 chặng đàng thánh giá hằng ngày, xác tín là đau khổ sẽ dẫn đến phục sinh, tôi chưa khổ bằng Chúa và Đức Mẹ trong cuộc khổ nạn, chưa khổ bằng ông Gióp.

2.    Gặp gỡ Thiên Chúa

Trong kiềng ba chân, ở phần Sùng Đạo, có câu hỏi “Tôi đã cảm nhận rõ ràng nhất về sự hiện diện của Đức Kitô khi nào và ra sao?” thì đây tôi có dịp sống lời giảng của thánh Camillo De Lellis: “bệnh viện là nhà thờ, giường bệnh là bàn thờ, bệnh nhân là Chúa Giêsu”. Thế là tôi được diễm phúc chăm sóc Chúa Giêsu hiện thân trong má tôi với tất cả sự tôn trọng và vừa chăm sóc vừa cầu nguyện. Từng muỗng sữa đút cho má tôi tập uống, từng giọt sữa hoặc thức ăn được bơm qua ống thông mũi - dạ dày cũng là từng lời cầu nguyện dâng cho các bệnh nhân trên toàn thế giới và góp phần làm palanca cho các Khóa 3 ngày của giáo phận Sài Gòn cũng như các giáo phận khác của Giáo hội Việt Nam và toàn cầu.

Trong diễn tiến sức khỏe của má tôi, từ khi bà sáng mắt đến mù một rồi hai mắt, từ khi còn đi lại vững vàng và thích nằm võng đến nằm trên giường, khó đi lại một mình, từ khi tự lập trong việc vệ sinh cá nhân đến khi phải mặc tã thường xuyên từ 4 năm nay, rồi hiện nay không ăn uống được, phải chịu mang ống thông mũi - dạ dày và không nói được, má tôi không hề than phiền, kêu ca và luôn bình an. Khi có ai đến thăm, má tôi đều trả lời: “Khỏe” chứ không cảm thấy khó chịu, đau đớn. Đây là một hiện thân của Đức Ki-tô mà tôi có thể nhìn ngắm và cố gắng sống theo gương má tôi. 

Tôi không ngần ngại xin lời cầu nguyện của những người quen biết, của các anh chị Cursillista, của các thành viên Dòng Cát Minh tại VN cũng như trên toàn thế giới. Tôi tin tưởng lời cầu nguyện giúp người bệnh cũng như người chăm sóc đi trong hành trình Ngày thứ tư để chuẩn bị bước vào Ngày thứ năm, ngày mà mọi đau khổ sẽ chấm dứt, và niềm hoan lạc vĩnh cửu sẽ đến.

Chúa Thánh Thần giúp tôi bình an trước những vấn nạn được đặt ra: “tôi phải nghỉ việc để lo chăm sóc má tôi… má tôi sẽ không ăn được vĩnh viễn vì tuổi đã lớn, khó hồi phục… nguy cơ viêm loét da và viêm phổi không thể tránh được… tại sao không cho bà cụ chụp CT scan để biết tiên lượng bệnh… không thể nào đi trợ tá Khóa 3 ngày Cursillo vào tháng 9… không thể sang Mỹ để thăm cậu mợ vào tháng 10 mặc dù đã có visa và vé máy bay… làm sao có tiền để trang trải mọi chi phí trong thời gian dài...” Tôi sống hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Chúa. Chúa muốn tôi làm gì thì tôi vâng theo ý Chúa. Tôi đang sống tròn đầy giây phút hiện tại. Một ngày trôi qua, tôi tạ ơn Chúa mặc dù mệt nhoài khi ngả lưng nằm xuống giường để ngủ. Sáng thức dậy, tôi tạ ơn Chúa khi thấy má tôi ngủ bình an, tôi tiếp tục đi bộ thể thao buổi sáng, dâng thánh lễ và nguyện gẫm trước Mình Thánh Chúa. Tôi tạ ơn Chúa đang cho tôi chuẩn bị tâm hồn để đưa tiễn người thân cũng như bản thân tôi sang “Ngày thứ năm”.

Tôi tạ ơn Chúa đang cho tôi cùng với người chăm sóc ơn vui tươi, khôi hài mặc dù đang vất vả, mệt nhọc. Một tối kia, má tôi tiểu tiện và đại tiện rất nhiều, trong lúc làm vệ sinh, đã phải thay 2 tấm vải trải giường và mấy tấm tã giấy. Thế rồi, vì sơ suất, có người gom cả vải giường lẫn tã giấy đưa vào máy giặt. Hậu quả là mọi đồ giặt đều dính giấy đã bị nát vụn. Chúng tôi bật cười và nói khi giũ quần áo dính giấy: “Có tuyết rơi giữa mùa hè!”. Làm sao không trách móc nhau, làm sao không cau có, nóng giận khi bị stress? Đó là ơn Chúa Thánh Thần đang sống trong tôi và tỏa lan sức sống đó cho những người cùng chăm sóc má tôi.

3.    Gặp gỡ tha nhân

Chính trong gian nan mới thấy được ai là bạn đích thực. Tạ ơn Chúa, mặc dù tôi đã nghỉ hưu, nhưng tình nghĩa của bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi tôi đã công tác trên 40 năm, vẫn còn rất tốt đẹp. Từ Bác sĩ Giám đốc, Điều dưỡng trưởng, Bác sĩ trưởng khoa Cấp Cứu bệnh viện đã huy động giường, nhân sự, dụng cụ y tế, thuốc men, thức ăn dinh dưỡng để cứu giúp má tôi tại nhà, thay vì đến bệnh viện. Khi tôi đặt vấn đề tiền thù lao cho những nhân viên y tế đến giúp, tôi cảm động nghe câu trả lời: “Cô đã dạy dỗ chúng em suốt hơn 40 năm qua. Cô có tính gì không? Bây giờ tụi em chỉ làm cho bà một chút xíu, thì tụi em tính cái gì đây?...”

Quả là Chúa gởi đến nhiều thiên thần phù trợ. Mỗi lần làm vệ sinh cho má tôi, 2 chị em tôi không có sức để kéo má tôi lên cho đôi chân không đụng vào thành giường, thì có một thiên thần đến bấm chuông để vào hỗ trợ chúng tôi. Thật là tuyệt diệu! Mỗi khi có người đến thăm và tặng 6 lon sữa Ensure, tôi thầm tạ ơn Chúa và cám ơn người tặng “lương thực hằng ngày” cho má tôi (vì bà cần 6 lon sữa/ngày để đủ lượng calo).

Để kết luận cho bài chia sẻ này, tôi xin các bạn cùng tôi dâng lời “tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” và xin gởi tặng các bạn những tư tưởng dưới đây mà tôi vừa mới nhận từ một đồng nghiệp qua email như một món quà Chúa tặng tôi trong ngày hôm nay.

 

23/7/2015
Têrêxa Phạm Ngọc Thanh
Khóa # 6 Cursillo Sài Gòn

 

 

5 Điều Cần Ghi Nhớ Khi Cuộc Sống Trở Nên Tồi Tệ

Có những lúc mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta dường như đều rơi xuống tận đáy của hố đen. Bạn sẽ làm gì? Bất lực buông xuôi hay mỉm cười và tìm cách để thoát ra? Bạn biết không, sức mạnh tinh thần có một ảnh hưởng vô cùng to lớn. Chỉ cần nghĩ thoáng đi một chút thì trong bất cứ tình huống dù tồi tệ đến mấy, bạn cũng sẽ tìm ra được ánh sáng và sự giải thoát.

 

1. Thất bại là một phần của sự trưởng thành

Đôi khi cuộc sống đóng lại một cánh cửa để báo hiệu rằng đó là lúc bạn phải tiến thêm một bước nữa. Có thể xem là một điều may mắn bởi hầu như ai trong chúng ta cũng đều có tâm lý ù lì, không thích thay đổi khi mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc và an toàn, chỉ đến khi tình thế bắt buộc thì ta mới chịu vận động hay động não.

Khi mọi thứ không như ý bạn muốn, đừng bao giờ quên nhắc nhở bản thân rằng không có thất bại nào là vô nghĩa. Vực dậy từ chỗ mình đã ngã xuống và rút ra bài học nhớ đời. Bạn vật lộn đối đầu với vấn đề không có nghĩa là bạn thua cuộc. Hãy nhớ rằng mỗi chiến thắng vinh quang đều cần đến cả quá trình đấu tranh gian khổ. Do vậy, cứ kiên nhẫn và tích cực lên rồi bạn sẽ thấy mọi thứ cuối cùng sẽ đâu lại vào đấy cả thôi.

Cuộc sống luôn có hai dạng của thất bại: thất bại khiến ta đau khổ tột cùng và thất bại làm ta thay đổi. Khi đối diện với cuộc sống, thay vì cứ trốn tránh chúng, thì việc đương đầu, chấp nhận những thất bại đều khiến cho ta trưởng thành hơn.

2. Mọi thứ trong cuộc sống này đều là tạm thời

Mưa rồi lại tạnh. Vết thương hở cũng có ngày lại lành. Sau bóng tối sẽ luôn có chút ánh sáng – Đó là những suy nghĩ chúng ta luôn dặn dò bản thân mỗi ngày nhưng lại mau chóng quên đi để rồi lại chọn cách tin rằng những thứ không may hay những điều xấu xa sẽ mãi theo ta cho đến tận cuối đời.
Chẳng có gì có thể tồn tại mãi mãi được bạn ơi. Cho nên nếu bạn đang vui vẻ, hãy cố gắng mà tận hưởng cho hết mình. Còn nếu bạn đang gặp chuyện không vui cũng đừng quá lo lắng vì nó cũng sẽ qua mau thôi. Mỗi giây mỗi phút trong đời ta đều là một sự bắt đầu mới hay một kết thúc mới. Đời cho ta rất nhiều cơhội, chỉ là ta có biết nắm lấy chúng và tận dụng được chúng hay không mà thôi.

 

3. Lo lắng và than vãn chẳng giải quyết được vấn đề

Những người càng hay than vãn thì càng chẳng làm nên được chuyện gì cả. Thà cứ cố gắng nhưng thất bại để học được một bài học hay còn hơn chỉ ngồi đó than và chẳng làm gì để thay đổi tình hình. Làm sao bạn biết được kết quả sẽ ra sao nếu như bạn không dám thử? Và dù sao đi nữa thì hãy luôn nhớ rằng, hạnh phúc thật sự chỉ đến khi nào bạn ngừng than thở và bắt đầu biết trân trọng, biết ơn những điều mình đang có hiện tại.

4. Những vết sẹo là minh chứng của sức mạnh

Đừng xấu hổ bởi những vết sẹo mà cuộc đời mang lại cho bạn. Mỗi vết sẹo bạn có chứng tỏ rằng đau đớn không còn nữa và vết thương đã liền thịt, cũng có nghĩa là bạn đã vượt qua được những nỗi đau, rút ra những bài học, trở nên mạnh mẽ hơn để tiếp tục bước về phía trước. Đừng để thất bại trong quá khứ khiến cho bạn trở nên lo sợ với tất thảy những thử thách trong cuộc đời. Hãy nghĩ rằng vết sẹo – những thất bại, tổn thương bạn từng trải qua – là dấu hiệu của sức mạnh. Vâng, tôi đã làm được, tôi đã vượt qua, và những vết sẹo sẽ luôn nhắc nhở tôi cố gắng trở thành một con người tốt hơn.

5. Mỗi sự cố gắng dù nhỏ đều đẩy giúp ta vượt lên phía trước

Trong cuộc sống, sự kiên nhẫn không hẳn là chờ đợi, nó là khả năng để giữ một tinh thần vững chãi, một thái độ tích cực trong suốt quá trình cố gắng để thực hiện một việc gì đó. Vì thế, nếu như bạn đã quyết định cố gắng, hãy dành thời gian và cố gắng cho đến cùng. Bởi sau cùng những thứ bạn muốn, bạn sẽ làm cho bằng được dù có đối mặt với thất bại hay những chỉ trích, phản đối của người khác. Bạn biết rằng mỗi sự cố gắng đều không hề lãng phí. Khi bạn cố gắng hết mình, một là nó cho ta một bài học sâu sắc từ thất bại, hai là nó mang cho ta kết quả thành công ngoài mong đợi. Dù thế nào đi nữa, sự cố gắng cũng rất xứng đáng mà, phải không?

 

SƯU TẦM CỦA TAMI VO

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com