(bài trình bày của Anh Toma Nguyễn Văn Bội tại SH TLĐ SYDNEY)
(Gồm 3 phần: trình bày, thảo luận và chia sẻ)
Nói tới Cursillo là nói tới chia sẻ. Chẳng vậy mà Phong trào Cursillo còn được gọi là Phong trào chia sẻ. Thực vậy, sống đạo theo tinh thần Cursillo là sống đạo với tinh thần cộng đồng. Chúng ta cùng chia sẻ với nhau trong tất cả mọi công việc, và chúng ta cũng trao cho nhau những món quà tinh thần, đó là chia sẻ cảm nghiệm Ngày Thứ Tư. Đây là việc quan trọng phải có trong những sinh hoạt chính trong Phong trào là Hội Nhóm và Ultreya.
Trong buổi sinh hoạt hôm nay, tôi xin được trình bày về lãnh vực chia sẻ cảm nghiệm Ngày Thứ Tư mà thôi.
I - Trước hết chúng ta cùng nhìn qua về sự quan trọng của việc chia sẻ:
Thưa quý anh chị,
Trước khi mãn khóa, người khóa trưởng thay mặt Phong trào kêu gọi các tân Cursillista hãy gia nhập một nhóm và thường xuyên tham dự họp nhóm cũng như đại hội Ultreya. Tham dự những sinh hoạt này sẽ giúp người Cursillista sống bền đỗ Ngày Thứ Tư, nâng đỡ nhau trong việc đổi mới, hoán cải liên lỉ mỗi ngày, cũng như chu toàn sứ mạng Phúc Âm hóa môi trường.
Nhìn vào thực tế, hai sinh hoạt này nơi Phong trào chúng ta chưa được khởi sắc lắm, dù khối Hậu đã cố gắng tìm đủ cách để vực sinh hoạt tiến lên. Nếu phân tích kỹ, chắc chắn chúng ta sẽ thấy có rất nhiều lý do, mà trong đó việc chia sẻ cũng có một phần. Chính vì vậy mà trường Lãnh Đạo muốn dành buổi sinh hoạt hôm nay cho việc xem lại vấn đề chia sẻ.
Như nội dung cuốn Bản Tin, các buổi họp nhóm và Ultreya cũng vậy, phần chia sẻ cảm nghiệm là phần ăn khách nhất, vì nó nói lên những chứng nhân cụ thể sát với đời sống bình thường, mọi người có thể học hỏi dễ nhất. Đây là phần đặc thù của Phong trào, còn những phần khác thì bình thường ở đâu cũng có.
Nếu chia sẻ không đạt, trước hết người nghe không lãnh hội được gì, thấy chán nản và rồi bỏ luôn vì không muốn mất thời giờ. Yếu tố lợi ích là yếu tố thực tế và quan trọng cho người ta chọn lựa dùng thời gian cho việc gì, nhất là trong thời đại “thời giờ là tiền bạc” này.
Nếu chia sẻ đúng cách do Phong trào đưa ra, không những chia sẻ đó hấp dẫn và giúp ích cho người khác, mà còn giúp ích cho chính mình rất nhiều trong đời sống.
II - Vậy giờ đây chúng ta cùng nhìn lại và bàn thảo với nhau để tìm hiểu xem đâu là những yếu tố giúp cho việc chia sẻ thành công.
1. Trước hết, chia sẻ của Cursillo là chia sẻ cái gì?
Trong Rollo Hội Nhóm và Ultreya đã nói rõ: Chia sẻ là trao cho nhau nghe những cảm nghiệm và kinh nghiệm sống về ba lãnh vực: sùng đạo, học đạo và hành đạo, mà chúng ta đã rút ra từ việc kiểm điểm.
- Về sùng đạo, chúng ta đã nuôi dưỡng đời sống kết hợp với Chúa Kitô thế nào? Lúc nào chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa sâu thẳm nhất, và tại sao? Nói chung lại, đó là chia sẻ về mối liên hệ giữa ta với Chúa.
- Về học đạo, chúng ta đã học được những gì để biết về Chúa Kitô nhiều hơn? Học được những điều đó ở đâu? Lời Chúa đã hướng dẫn đời ta thế nào? Chúng ta có chương trình gì trong việc học đạo?
- Về hành đạo, chúng ta đã sống trong ơn gọi đem tinh thần Kitô giáo đến thế giới này ra sao? Đã nỗ lực thế nào trong việc Phúc Âm hóa gia đình, hàng xóm, nơi làm việc và môi trường của chúng ta? Đã tìm bạn, kết bạn và đem bạn về với Chúa hay chưa?
Chúng ta có thể chia sẻ cả những thành công hay thất bại.
Đó là ba điểm chính yếu của nội dung chia sẻ. Sẽ không phải là chia sẻ cảm nghiệm Ngày Thứ Tư, nếu kết cuộc không nêu lên được ít nhất là một trong ba khía cạnh trên.
Đừng biến chia sẻ cảm nghiệm Ngày Thứ Tư là dịp cho chúng ta thổ lộ tâm tình qua việc kể lể những sự kiện nào đó.
Đương nhiên phải qua một sự kiện chúng ta mới rút ra được những cảm nghiệm, nhưng những sự kiện này chỉ cần được nói sơ qua thôi, không đi vào chi tiết, nhất là những sự kiện về tình cảm hay có liên hệ tế nhị đến người khác. Điều này rất dễ xảy ra, nhất là trong những buổi họp nhóm, đã gây ra nhiều rắc rối và làm nhóm tan rã. Chỉ cần chia sẻ qua sự kiện đó chúng ta cảm nghiệm được gì về sùng đạo, về học đạo, về hành đạo.
2. Đó là phần nội dung chính của chia sẻ cần được lưu tâm, ngoài ra còn một số các yếu tố sẽ giúp chia sẻ đạt được kết quả cao nhất. Đó là: có sự chuẩn bị, chia sẻ của bản thân, không máy móc, chân thành và đầy đủ nhưng ngắn gọn.
- Chuẩn bị
Việc chuẩn bị đầu tiên là cầu nguyện có ý hướng thánh hóa, vì đây là việc chia sẻ chứng nhân, đây là hình ảnh của Rollista.
Người chia sẻ còn cần chuẩn bị tư tưởng trước khi chia sẻ để biết mình muốn nói gì mà không sợ mất bãi đáp, mất nhiều thời gian. Như vậy, người chia sẻ sẽ cảm thấy an tâm hơn và tư tưởng không bị lộn xộn hoặc trình bày vấp váp, khỏi làm mất thì giờ của người nghe, không làm cho người nghe khó chịu. Nếu là người không quen nói trước đám đông thì việc chuẩn bị tư tưởng còn giúp người chia sẻ trình bày được dễ dàng hơn, tự tin hơn. Người đã có kinh nghiệm nói trước đám đông lại càng cảm thấy dễ dàng hơn, và những điều trình bày trở nên gọn gàng, mạch lạc hơn.
Chắc chắn trong quá khứ, không ít lần chúng ta nghe chia sẻ lòng vòng hoài mà cuối cùng cũng chẳng hiểu người chia sẻ muốn nói đến cái gì!
Thông thường ai cũng có khả năng chuẩn bị tư tưởng cho điều mình muốn nói chỉ trong vòng mấy phút, nhưng chúng ta nên chuẩn bị kỹ hơn ở nhà. Đừng quên yếu tố kiểm điểm của hội nhóm và tập thói quen hồi tưởng cuối ngày, sẽ giúp chúng ta nắm vững tình hình hơn, không ngại chia sẻ dù là họp nhóm hàng tuần vì không thiếu chất liệu chia sẻ. Nên có chủ ý muốn chia sẻ để chuẩn bị chứ đừng để bị gò ép.
- Dựa vào Bản thân
Ngoài việc chuẩn bị, người chia sẻ cần nên cân nhắc để những điều mình chia sẻ chỉ dựa vào những kinh nghiệm bản thân trong đời sống đạo cá nhân. Tiêu chuẩn này giống như tiêu chuẩn xưng tội, chỉ xưng tội của mình mà thôi.Nếu muốn chia sẻ về những kinh nghiệm của người khác thì hẳn rằng những kinh nghiệm ấy phải có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân mình như thế nào, và chỉ chia sẻ đến cảm nhận của mình, chứ không nên cho biết là người khác làm gì, nghĩ gì vì đó không phải là kinh nghiệm và cảm nhận của mình.
Chính vì vậy, người chia sẻ nên xưng tôi chứ không xưng chúng ta, nói về chính mình chứ không nói chung chung về mọi người.
Tuyệt đối không biến lời chia sẻ thành một bài giảng cho anh chị em, nên phải tránh nói chúng ta phải làm thế này, chúng ta phải làm thế nọ.
- Chân thành
Nếu việc chia sẻ mà không chân thành thì đã đi ngược lại mục đích của đời sống và các sinh hoạt của người Cursillista. Trong bất cứ tổ chức nào nếu những điều trao đổi với nhau mà không dựa trên sự thành thật thì sớm muộn gì những người trong tổ chức ấy cũng sẽ đâm ra nghi kỵ, chán ghét và khinh rẻ nhau. Sự giả dối không bao giờ bền vững.
Lời chia sẻ cần phải chân thật, không cần văn hoa, chải chuốt. Chính những lời chia sẻ mộc mạc nhưng chân thành là những lời chia sẻ thấm sâu vào lòng người nghe và đánh động tâm hồn người nghe nhiều nhất.
Chắc chắn trong quá khứ, đã nhiều lần chúng ta được nghe biết bao lời chia sẻ mộc mạc nhưng vô cùng quý báu đó. Những lời chia sẻ này chính là thức ăn bổ dưỡng giúp cho tâm hồn tôi mỗi ngày một lớn lên trong Chúa. Có người bẩm sinh có khiếu ăn nói trôi chảy, có người có giọng nói dễ nghe hơn người khác, nhưng việc chia sẻ tựu trung là một hành động đạo đức chứ không phải là một lối sống kiểu cách để lôi cuốn người nghe, nên việc ăn nói chân thành phải là điều cần được tôn trọng.
Điều cần thiết là lời chia sẻ không nhằm nói xấu người khác, nhất là người vắng mặt, không ám chỉ nói móc, đả kích người nào trong nhóm vì những lỗi lầm của họ.
Chia sẻ là nói cảm nghiệm của mình, kinh nghiệm cá nhân mình, mà thường đề cập đến những điều tích cực, những kết quả tốt, nên rất cần sự chân thành để người nghe cảm nhận được, không coi đó là sự đề cao mình. Nếu việc chia sẻ mà chân thành đứng đắn và phù hợp với không khí sinh hoạt đạo đức thiêng liêng, thì những điều chia sẻ đã là những cái tốt của người muốn chia sẻ. Nhưng đôi khi hoặc vì vô tình hay vì thiếu sự cân nhắc, cách chia sẻ không hợp cũng làm cho người nghe khó chịu khi nói về đời tư của mình.
- Không Nên Máy móc
Trong các sinh hoạt chung họp nhóm hay tham dự Ultreya, người Cursillista nên có tâm tình sẵn sàng chia sẻ những cảm nghiệm mà mình nhận được qua việc học hỏi lời Chúa, hoặc qua những kinh nghiệm trong đời sống đạo đức cá nhân, hoặc những việc làm của mình. Đó là thể hiện tinh thần cộng đồng trong các sinh hoạt chung. Đó là thể hiện tình bác ái muốn trao tặng món quà cho nhau. Chia sẻ là một việc làm có đi có lại. Nếu chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi thì không phải là chia sẻ. Ngược lại chỉ biết cho đi mà không biết nhận lãnh thì cũng không phải là chia sẻ. Chia sẻ là biểu lộ tình yêu thương.
Tuy nhiên, nếu không thật sự muốn chia sẻ những tâm tình và kinh nghiệm của mình, hay vì chưa kịp chuẩn bị, thì cũng không chỉ vì hình thức hay câu nệ mà phải bày tỏ lòng mình. Người khác cũng không nên ép buộc, chẳng hạn như vì phải theo đúng thời gian ấn định trong chương trình nên cần phải có năm người hay bẩy người lên chia sẻ vv. Việc bày tỏ lòng mình và chia sẻ những cảm nghiệm trong đời sống đạo đức là một việc làm thiêng liêng và do lòng thành, cũng như việc đối thoại với chính Chúa vậy.
-Đầy đủ nhưng ngắn gọn
Nếu sắp xếp được tư tưởng và những điều mình muốn nói thì người chia sẻ dễ tránh được việc nói ra ngoài đề hoặc nói quá lâu. Nếu giữ được ngắn gọn và xúc tích thì những điều mình chia sẻ dễ được tiếp nhận hơn và không mất nhiều thời giờ của người khác. Việc chia sẻ nếu quá dài, hoặc quá lâu hơn thời gian ấn định, đôi khi làm cho người nghe khó chịu, nhất là khi tư tưởng không mạch lạc nên trình bầy lộn xộn. Mỗi người chia sẻ trung bình chừng 3 phút là đủ, để người khác cũng có cơ hội chia sẻ. Tránh tình trạng độc diễn, như một người chia sẻ hai ba lần, trong khi có người chưa được chia sẻ.
Bẩm sinh có người nói hay và thu hút được người nghe, nhưng cũng cần giới hạn thời gian, nếu muốn cho những điều chia sẻ được xúc tích và sống động, cũng như không mất quá nhiều thời gian của người nghe.
III - Kết luận
Tóm lại, thưa quý anh chị,
Chia sẻ trong sinh hoạt Phong trào được hiểu là một hành động bác ái, biểu lộ sự thân tình tín nhiệm giữa những người bạn tâm giao, chứ không phải là sự khoe khoang tự hào. Chia sẻ còn là chứng nhân cho Chúa.
Phong trào đã dùng phương thế này để giúp các Cursillista sống cộng đồng “một tay nắm Chúa, một tay nắm anh chị em” theo đúng quan niệm của Giáo Hội: không ai nên thánh một mình.
Sau hơn 60 năm sinh hoạt, Phong trào vẫn dùng phương thế này để giúp người Cursillista thăng tiến Ngày Thứ Tư qua hai sinh hoạt Hội Nhóm và Ultreya. Như vậy việc chia sẻ là điều quan trọng mà chúng ta ít có dịp nhìn đến và học hỏi thì đúng là sự thiếu sót. Ước mong mỗi thành viên trường Lãnh Đạo chúng ta chú tâm về vấn đề này, để không những tìm lợi ích cho bản thân, mà còn xây dựng Phong trào mạnh mẽ hơn, cũng như tạo lợi ích nâng đỡ anh chị em mình nữa.
BÀI CHỨNG NHÂN TRONG ULTREYA
Mục đích của chứng nhân trong Ultreya là để nâng đỡ anh chị em cursillista đang nỗ lực trở thành người tông đồ tốt hơn, trở thành khí cụ của Chúa trong các môi trường sống – như gia đình, lối xóm, sở làm hoặc môi trường xã hội. Vì thế lời chứng nên đặt trọng tâm vào nỗ lực rao giảng Tin Mừng, và việc Chúa dùng tôi để xây dựng Vương Quốc của Người như thế nào.
Những chia sẻ thông thường đôi khi cũng gây cảm hứng và có thể cũng có giá trị. Nhưng ở đây, chúng ta có một vai trò đặc biệt là gợi hứng trong nỗ lực Phúc Âm hóa. Vì vậy mọi cảm hứng và nâng đỡ của lời chứng nhân phải nhắm đến việc đang nỗ lực Phúc Âm hóa trong các môi trường sống của mình.
Lời chứng nhân không nên đưa ra:
a) Những tin tức giật gân, một sự kiện đang làm xôn xao dư luận.
b) Không nên thuyết giảng về Kitô Giáo hoặc hướng dẫn cách sống đạo.
c) Không nên nói những chuyện gây cảm xúc. Cảm xúc sẽ đến khi bài nói mang tính đơn sơ và chân thành.
d) Bài chia sẻ chứng nhân không nên dài quá 15 phút.
Những gì cần có trong lời chứng:
a) Sống một đời sống của người Kitô hữu – Chúa đang làm việc qua con người của mình.
b) Một việc làm cụ thể đang thực hiện trong đời sống hàng ngày.
c) Đặt trọng tâm vào Chúa Kitô, luôn hướng về Ngài, và người nói đã trở thành khí cụ của Chúa như thế nào.
d) Lời chứng về những việc làm trong hiện tại, không phải việc cách đây sáu tháng hoặc một năm.
e) Nên đưa ra một vài chi tiết cần thiết để lời chứng được sáng sủa.
f) Nên đưa ra một hai điểm chính yếu hơn là dẫn chứng bằng một dẫy thí dụ.
g) Nên trình bày lời chứng như ta đang tâm sự với bạn bè thân thuộc.
h) Có thể kèm theo một vài câu Kinh Thánh trong lời chứng.
Tin Mừng theo thánh Gioan (1,38-39) nói rằng Andre và một tông đồ khác của thánh Gioan Tiền Hô hỏi Chúa Giêsu rằng Ngài đang ở đâu? Chúa phán: “đến và xem”. “Họ đã đi theo Ngài và ở lại với Ngài ngày hôm đó”. Sự kiện ở đây cho thấy rằng hai người môn đệ của Gioan đã đi và đã thấy, họ cùng sống và nâng đỡ nhau trong Chúa Kitô. Họ đã ra đi để sinh nhiều hoa trái. Vì vậy, lời chứng chia sẻ trong Ultreya là hoa trái chúng ta gặt hái qua sự sống của Chúa Kitô nơi mỗi người chúng ta.