Ý nghĩa việc Chúa về trời

 

BÀI SUY NIỆM CỦA LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG,

Mùa hè năm 1997, cùng các bạn thuộc nhiều quốc tịch, theo học ở Học viện Công giáo Paris, tôi có dịp hành hương nghiên cứu tại quê hương Chúa Giêsu, miền Đất Palestina, nay thuộc hai nước Israel và Palestine. Sau hai tuần đi từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, từ vùng Bắc Galilêa với hồ nước ngọt đến sa mạc Neguev nắng cháy, tuần lễ cuối cùng chúng tôi dừng bước tại thành phố Giêrusalem, một thành phố có lịch sử gần 5000 năm. Miền đất nầy là  nơi phát xuất hoặc liên hệ mật thiết đến ba tôn giáo lớn đó là Do thái giáo, Hồi giáo và Ki tô giáo với nhiều hệ phái trong đó có Giáo hội công giáo.

Tại thành phố Jêrusalem, đoàn hành hương lần theo dấu chân Chúa Giêsu từ lúc sinh hạ tại thành BêLem cách đó không xa, rồi được hiến dâng trong Đền thánh trên tay Mẹ Maria khi vừa tròn 40 ngày. Nơi đây trong ba năm rao giảng rất nhiều lần Chúa đã đến đây giảng dạy. Làm sao quên được Thánh đường  kinh Lạy cha với hàng trăm bản dịch nầy trong đó có bản Tiếng Việt.Chúa đã làm bao nhiêu phép lạ như cho anh bất toại tại hồ Năm Cửa. Nơi đây, Chúa đã cho Lazarô chết ba ngày sống lại , đem lại niềm vui cha mấy chị em gái đang khổ đau, tuyệt vọng. Cũng tại đền thờ nầy, như một dũng sĩ trong con cơn thánh nộ , Chúa Giêsu xô đuổi bọn con buôn.  Đứng bên sườn đồi Cây Dầu, nhìn về thành thánh, Chúa như bất lực tức tưởi  khóc thương cho Giêrusalem yêu quý. Đây Cửa vàng, Cửa Đẹp khi mà toàn dân tung hô khi Người  long trọng vào thành Giêrusalem mà sao nét mặt Chúa buồn rười rượi. Chúng tôi đã viếng thăm phòng tiệc ly nơi Chúa Thiết lập bí tích Thánh Thể. quì bên tảng đá Vườn Dầu nơi Chúa cầu nguyện mồ hôi quyện máu. Nơi Chúa bị Giu đa bán nộp bằng một cái hôn. Đây Suối Cedron nơi Chúa bị điệu đến nhà tư tế Caipha rồi bị lôi sang dinh Philatô…Làm sao quên được con đường đau khổ via dolorosa, đường thánh giá Chúa đã đi qua. Trầm ngâm nơi xưa là Núi Sọ và bên Mồ Thánh…Để kết thúc chuyến hành hương, nơi cuối cùng phải đến đó là ngọn đồi nới Chúa về trời.

Đây là nơi cao nhất của thành thánh Giêrusalem và đồi Cây Dầu, xưa gọi là núi Olivêtê. Ngày nay, vùng đất nầy lại thuộc quyền của người Hồi giáo. Trên đỉnh đồi chơ vơ một khối kiến trúc tám cạnh được xây dựng từ hồi Thập tự chinh nay được trùm lên một khối đá hình tròn phong cách Hồi giáo.

Rất ít du khách tới đây. Trong ngôi nhà ngoài một khối đá nhỏ tương truyền ghi lại dấu chân Chúa khi Người về trời, không có vật dụng gì khác ngoài mấy cây nến khách hành hương thắp sáng.

Phải chăng đây chính là nơi Chúa về trời.

Qua Kinh thánh Tân Ước, hình như sau biến cố Phục Sinh, thầy trò thường tụ họp nhau tại hồ Galilê phía Bắc, xa cách Giêrusalem đến mấy trăm cây số. Chúa lên trời tại điểm nào, có người cho ở vùng núi phía Bắc, tuy vậy, truyền thuyết lại nghiêng về Giêrusalem với ngôi thánh đường  đầu tiên do nữ hoàng Hêlêna dựng lên tại địa điểm nầy vào thế kỷ thứ 4.

Thôi tạm dừng lại không đi sâu vào việc tìm hiểu lịch sử khảo cổ. Tất cả chúng ta đều biết một tín điều quan trọng : Chúa lên trời bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh. Trong Kinh nghĩa đức tin “ngày thứ ba Người sống lại, khỏi bốn mươi ngày lên trời.  Kinh Tin Kính gọi là các thánh tông đồ ghi rõ ; “ Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại. Lên trời ngự bên hữu Đức Chúa cha phép tắc vô cùng”. Kinh Tin kính công đồng Nicea  tuyên xưng : “Chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại. Lên trời ngự bên hữu Đức Chúa cha phép tắc vô cùng”.

Những câu Kinh trên đã cùng các đoạn Kinh thánh Tân ước và sách Công vụ sứ đồ giúp bao thế hệ giáo dân tưởng tượng một quang cảnh vô cùng ngoạn mục về việc Chúa Giêsu lên trời. “Chúa từ từ cất mình lên cao” như một cuộc phóng phi thuyền. Rồi “ mây che”, rồi các Thiên thần xuất hiện bảo dạy .

Nhưng trời là đâu?

Ngày nay, khoa học tiến bộ, nhiều người không chấp nhận lối nói trên trời dưới đất vì trái đất hình tròn chẳng biết đâu là trên là dưới trong không gian mênh mang.

Tuy nhiên, không có cái không gian ba chiều, ngang,  dọc, cao thì chúng ta không biết , con người không biết đâu mà bám víu.

Xưa nay dân tộc nào cũng cho cái khoảng không trên đầu ta là trên và từ chân trở xuống là dưới. Trên tượng trưng cho gì thanh cao, nhẹ nhàng, thánh thiện và dưới là những gì dơ bẩn, nặng nề, tội lỗi. Trên và dưới, tượng trưng cho hai cỏi sống : cỏi trời và cỏi đất. Cỏi trời là cỏi thánh, cỏi tiên, cỏi Phật…Cỏi đất dành cho loài người cầm thú và dưới nữa là âm phủ, âm ty dành cho quỷ ma, kẻ dữ.

Dân tộc Việt nam dùng chữ Trời, ông Trời để gọi Đấng tối cao. Dân Trung Hoa gọi là Thượng đế hoặc Thiên Chủ.

Kinh Thánh , lời Thiên Chúa thông qua ngôn ngữ nhân loại cũng không có  các nào khác để diễn đạt cho loài người hiểu nên phải tạm dùng những ngôn từ thông thường kia.

Kinh Thánh diễn tả : Chúa từ trời nhìn xuống, Chúa đã xuống thế làm người. Chúa từ trời ngự xuống.. Chúa Thánh thần hiện xuống.

Rồi hôm nay Chúa cất mình lên cao. Chúa lên trời, Chúa thăng thiên , Chúa về trời..Mẹ Maria mông triệu, mẹ hồn xác lên trời.

Nhưng từ ngữ bình dân ai cũng hiểu nhưng không thể hiểu theo nghĩa đen.

Thưở trời đất nổi cơn gió bụi.

Khách phong trần nhiều nỗi truân chuyên.

Xanh kia thăm thẳm tầng trên.

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

Trời đất nổi cơn gió bụi là hiện tượng bình thường, nhưng xanh kia thăm thẳm tầng ..cho nên nỗi này trên là kêu van đến một đấng nào đó. Vì thế, khi Kinh Thánh nói Chúa về trời, về thiên đàng nơi Chúa ngự, không một ai lại có thể hiểu một cách đơn giản là có thể dùng cách đằng vân kiểu Tề Thiên Đại Thánh trong tây Du Ký hay dùng phi thuyền hiện đại. Hiểu máy móc như vậy nên vừa mới bay vài vòng quanh trái đất mà phi hành gia Gagarin , Liên Xô cũ đã khẳng định là không gặp thấy Thượng Đế trên trời lúc phi tuyền bay quanh quỹ đạo. Thưa các ngài phi hành gia, các vị có bay đến các giải thiên hà xa xăm, bay đến hết đời cũng chẳng thấy Chúa, thấy Thiên Đàng đâu.

Vì sao ? Ngay một trẻ em công giáo học lớp bốn, lớp năm cũng có thể trả lời? Vì Thiên Chúa có “ tính thiêng liêng cho nên con mắt ta xem chẳng thấy”.

Vậy xin hãy loại ra khỏi đầu óc chúng ta cái hình ảnh Chúa lên trời có mây che đàng hoàng như chúng ta vừa nghe qua đoạn sách Công Vụ Sứ Đồ một cách quá đơn giản mà phải có một cách nhìn sâu xa.

 

A. Ý NGHĨA THỰC SỰ VIỆC CHÚA VỀ TRỜI

Tuy hình ảnh và khung cảnh thật hoành tráng chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen việc Chúa Giê Su về trời như việc phóng hỏa tiễn, phi thuyền hay là một cuộc biểu diễn ngoạn mục.

Qua các giáo phụ và các nhà thần học, chúng ta hiểu rằng việc Chúa về trời là kết thúc giai đoạn cứu thế của Ngôi Hai làm người để chuyển sang giai đoạn thánh hóa và kết thúc lịch sử của Chúa Thánh Thần.

* Chúa đã từ trời xuống thế. Nay chương trình cứu rổi đã hoàn tất. Chúa lại trở về cùng Thiên Chúa.

* Sứ mệnh nhập thế và nhập thể  đã hoàn tất, lên trời diễn tả sự tôn vinh Chúa Giêsu, Đấng vì vâng phục hoàn tất chương trình Chúa Cha , từ nay Người được tôn vinh là Chủ tể mọi lòai trên trời dưới đất, hữu hình và vô hình. Pantocrator. Vua Vũ trụ.

* Chúa còn cho chúng ta biết Chúa đi để dọn chỗ cho những ai là môn đệ trung tín, bước theo con đường hẹp của Người ( Cv 1,12)

* Thánh Phao lô còn thêm nhưng ý nghĩa khác . Chúa về trời như kẻ chiến thắng, từ nay ngự trị trên muôn loài hữu hình và vô hình.

* Chúa về trời trở thành linh mục thượng phẩm  để hòa giải loài người với Chúa cha và cứu chữa chúng ta.

B. BÀI HỌC CHÚA VỀ TRỜI ĐỐI VỚI LOÀI NGƯỜI.

Không chỉ người công giáo mới tin có cỏi đời sau mà các tôn giáo, các dân tộc đều nghĩ sự hiện hữu đời sau và  đều tin vào cuộc sống mai hậu. Tín đồ Phật giáo tin vào luân hồi, tùy theo luật nhân quả, sống tốt hay tội lỗi để định đoạt kiếp sau. Người theo Khổng Giáo, Lão giáo, tín ngưởng thờ ông bà cho rằng cuộc sống là tạm gửi. Chết mới thật là về quê. Sống gửi, thác về . Về quê ? Quê nào? Suối vàng, Chín suối. Bồng lai tiên cảnh , về với tổ tiên ông bà.

Đạo công giáo, theo niềm tin truyền thống và dưới ánh sáng Tin mừng tin vào lời Chúa dạy : Thầy đi dọn chỗ cho các con . Trần thế nầy chỉ là đời tạm , Thiên đàng mới thật về quê.

Chúng ta chỉ là khách bộ hành, lữ hành trên con đường về quê thật. Trần thế chỉ là nơi tạm gởi, chúng ta không nên  bám víu quá mà quên đường về quê thật. Thi sĩ Xuân Ly Băng diễn đạt bằng hình ảnh con thuyền và bến đến.

Đời tôi là một con thuyền.

Ăn sương gió đất, neo nguồn trời cao.

Nói như vậy không có nghĩa là trần gian nầy không có giá trị gì ? Phải chăng đời là bể khổ, là thung lũng nước mắt, là chốn lưu đày như nhiều bài giảng, bài hát đã than vãn. Phải chăng đạo chúng ta là đạo yếm thế, là đạo xuất thế, coi thường những gía trị trần thế ?

Không phải vậy. Nếu cuộc đời trần gian xác thịt chẳng là gì thì Chúa Giêsu không cần phải xuống thế làm người. Người cũng chẳng bận tâm gì khi sống lại với con người mới trong ngày Phục Sinh.

Chúa chỉ muốn nhắc nhớ chúng ta một điều, đừng theo cái phụ mà quên cái chính. Đừng chạy theo ảo ảnh, đừng chạy theo hạnh phúc tạm bợ như trò chơi lúc nhỏ : chúng ta chạy theo bắt bóng mình trên mặt đất. Chúng ta chỉ phí sức và hụt hơi.


 

Đừng ai dại dột nghĩ rằng mình có giấy thường trú vĩnh viển trên thế giới nầy. Mấy chục năm trước, chúng ta không có mặt trên đời nầy và vài chục năm sau, cái chết sẽ khiến chúng ta rời xa tất cả.

Nơi thường trú chính, quê thật chúng ta không ở đời này đâu. Chúng ta chỉ là nhưng kẻ đi đường, qua đường đang vội vã tiến về Thành đô Thiên Quốc. Vì thế đừng bị lầm đường, đừng nghe nhưng lời quyến rũ mê hoặc mà quên đường về.

Giờ phút nầy hãy cầu nguyện, hãy tìm hiểu ý nghĩa thật sự của đòi ta để nhận ra rằng “ Ở trên đời, con là thân lữ khách” Tv 119 (118), 19

Chúng ta hãy ngước nhìn lên cao chiêm ngưởng Chúa về trời nhưng muốn về nơi đó trước tiên chúng ta hãy nghe lời thiên thần “ nhìn lên trời làm chi nữa’ ngụ ý rằng trước khi về trời trước tiên phải xuống núi, phải đi vào cuộc sống, phải hoàn thành sứ mạng Chúa trao trước đã.

Như người nông dân miệt mài trên đồng ruộng với hy vọng ngày mùa tốt tươi. Như người công nhân chăm chỉ làm việc với hy vọng hoàn thành mỹ  mãn công trình xây dựng.

Muốn về trời với Chúa, trước tiên phải sống trọn kiếp người trước đã. Phải  thực hiện giới luật yêu thương của Chúa và  sứ mạng loan báo Tin mừng :

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,16).

Hướng nhìn về Thiên Đàng, nơi Chúa Cứu Thế , Mẹ Maria, Hồn xác về trời, các Thiên thần, các thánh nam nữ, tổ tiên ông bà cha mẹ đang cỗ vỏ chúng ta.

Cố lên.

Cố lên.

Hãy can đảm lên.

Đừng sợ.

Hãy hoàn tất sứ mệnh làm người để rồi một ngày vinh quanh sẽ đến, như Đức Kitô về trời hôm nay , tất cả chúng ta sẽ bước vào trời mới đất mới, vào cảnh vực thần linh muôn đời hạnh phúc bên ngai tòa Thiên Chúa. Amen

 

Hội An ngày 14 tháng 5 năm 2010.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com