Lễ hiện xuống khởi nguyên xây dựng nên Giáo Hội

 
 
Nhu cầu khẩn thiết nhất của Giáo Hội
luôn là sống Ngày Hiện Xuống (Đức Phaolô VI)

Khi từ giã các tông đồ để về trời, Chúa Giêsu dặn dò các vị đừng đi xa khỏi Giêrusalem, nhưng đợi chờ lời hứa của Chúa Cha; Ngài nói với họ: “Anh em đã từng nghe Thầy nói: Gioan làm phép rửa bằng nước, còn anh em trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. (Cv. 1,4-5)

Vâng lời Thầy, các tông đồ trở lại Giêrusalem, đến Nhà Hội, nơi “Phòng Cao”, là chỗ họ thường gặp gỡ nhau. Họ ở đây chờ đợi lời hứa ấy được thực hiện; họ chung lòng kiên trì cầu khẩn, mong chờ và hy vọng, hiệp thông với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

Sách Tông đồ Công vụ kể lại sự kiện Chúa Thánh Thần xuất hiện cho nhóm tiên khởi gồm một trăm hai mươi môn đệ, trong ngày Hiện Xuống, qua một cơn gió mạnh làm rung chuyển ngôi nhà, và qua những lưỡi lửa giống nhau đổ xuống trên đầu mỗi người.

Ơn Thánh Thần tuôn tràn lần nầy đánh dấu việc Giáo Hội khai sinh trước mọi người: Ơn ấy đã biến đổi các tông đồ, từ sợ hãi và run rẩy, trước hết là Phêrô, thành những chứng nhân can cường của Chúa Kitô; từ nay họ sẽ can đảm và mạnh dạn lên đường rao truyền Chúa Giêsu Đấng chịu đóng đinh đã thực sự sống lại và là Đấng hằng sống; họ chứng thực lời rao truyền của mình bằng những dấu chỉ và những việc lạ lùng, và bằng cả việc tuẩn đạo.

 

1- Ngày Hiện Xuống tiếp diễn

Nhưng ơn Thánh Thần tuôn đổ không phải là một sự kiện hoàn toàn thuộc về quá khứ: Ngày Hiện xuống như một kinh nghiệm biến đổi nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần vẫn luôn tiếp diễn trong Giáo Hội.

Sách Tông đồ Công vụ đã từng ghi lại nhiều kinh nghiệm khác về việc Chúa Thánh Thần rõ ràng đã can thiệp và thúc đẩy những cuộc trở lại, những lần chữa lành bệnh, những định hướng mục vụ mới mẻ. Ngày Hiện xuống vẫn còn tái diễn hôm nay.

Gần đây, khi loan báo việc tổ chức Công đồng, Đức Gioan XXIII không ngần ngại tuyên bố rằng đây là một ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần; và xin các Giám mục hiệp lòng với Đức Maria cầu xin Chúa Thánh Thần: “thực hiện lại những việc lạ lùng trong thời buổi chúng ta như một Ngày Hiện Xuống mới”.

Sau vị Giáo hoàng nầy, Đức Phaolô VI lại xác quyết “nhu cầu khẩn thiết nhất của Giáo Hội là luôn luôn sống Ngày Hiện Xuống”.

Ngày nay, Đức Gioan-Phaolô II nhiều dịp cũng đã lặp lại rằng công cuộc rao truyền Phúc âm mới phải múc lấy hứng khởi từ ơn Thánh Thần Hiện Xuống.

Kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần trong lời cầu nguyện – (kinh nghiệm hoán cải nội tâm, kinh nghiệm khám phá được sự hiện diện của Chúa Kitô sống bên mình, kinh nghiệm tiếp cận Chúa Thánh Thần, đón nhận các ơn, các đoàn sủng, sức mạnh của Ngài) – có thể chứng thực trước mắt ta qua trào lưu gọi là Canh-tân đoàn-sủng (Thánh Linh); nhưng để đánh dấu tầm quan trọng sâu xa của kinh nghiệm này và tránh các hình thức phân cách giả tạo, nên gọi trào lưu canh tân này là Canh tân trong Thánh Thần.

Kinh nghiệm ơn Chúa Thánh Thần như thế là một ơn sủng ban cho toàn dân Chúa, giáo dân cũng như tu sĩ, linh mục, giám mục.

Tất cả chúng ta cần khiêm tốn cầu xin ơn ấy và tin tưởng đợi chờ, vì biết rằng Hiện Xuống luôn tiếp diễn; và như Công-đồng đã nhắc nhở, các đoàn sủng của Giáo Hội thời sơ khai không phải chỉ là chuyện đã qua; Chúa còn muốn nhờ Thánh Thần Ngài thực hiện nhiều ơn lạ lùng trong chúng ta và qua chúng ta.

Những hoa trái của “phép rửa trong Thánh Thần này” quá dư tràn, giúp ta nhận ra được một nguồn ân sủng vượt ra ngoài biên giới những nhóm cầu nguyện hoặc là những cộng đoàn gọi là Thánh Linh.

Đây đúng là một cuộc canh tân trong Thánh Thần mà Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội, theo ý muốn tự do khôn lường nơi Ngài.

2- Tin vào Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội

Khi Kitô hữu đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô qua Phép Rửa, thì đồng thời cũng thấm nhập mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Ngài, và tiếp nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Khi Kitô hữu được rửa tội trong nước là dấu chỉ của sự tái sinh, thì đồng thời được rửa trong Thánh Thần, Đấng ban sự sống và thánh hóa mình.

Cần phải tin vào sự thánh thiện nguyên sơ nầy, sự thánh thiện ban cho một cách nhưng không; chúng ta dần hồi sẽ thực hiện các đòi hỏi toàn bích hơn của sự thánh thiện ấy qua cuộc sống của mình. Đây là bối cảnh đảo ngược với quan điểm thông thường của chúng ta: sự thánh thiện của Kitô hữu không phải là nỗ lực cố gắng của mình, hoặc tự vươn mình tiến về đỉnh cao mà mình chưa thấy, nhưng đúng là sự hoàn thành điều mà Chúa đã xướng xuất.

Trong Kinh Tin-kính, Giáo Hội được gọi là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.  Thuộc tính đầu tiên trong bốn thuộc tính của Giáo Hội là sự thánh thiện. Giáo Hội đã được gọi là thánh trong những lối diễn tả xưa nhất của Kinh Tin kính.

Có thể thành ngữ xa xưa nhất là: Tôi tin vào Chúa Thánh Thần trong Hội-thánh. Sự thánh thiện của Giáo Hội xuất hiện như là ơn khởi phát của Thánh Thần. Kitô hữu thời trước đã có lý khi nói đến “Hội-thánh Mẹ chúng ta”. Những chữ nầy không phải là lối nói đạo đức, nhưng là lời tuyên xưng đức tin. Chúng ta tin vào Giáo Hội là Mẹ siêu nhiên, ban cho chúng ta sự sống và sự thánh thiện.

Giáo Hội mà đức tin chúng ta tuyên xưng không phải là một tập thể hoặc toàn thể những ai nêu tên đức Kitô với tư cách cá nhân hay với tư cách cộng đồng. Giáo Hội có một sự hiện hữu, một sự trường tồn đi trước và vượt lên sự gia nhập một cách ý thức của các tín hữu vào Chúa Giêsu Kitô và vào một cộng đoàn nào đó mà họ là thành phần. Giáo Hội kỳ thực vừa là cộng đồng mà chúng ta cùng nhau xây dựng – Giáo Hội, là chúng ta – và vừa là người Mẹ bồng ẵm chúng ta, là cộng đoàn Mẹ thánh cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, trong Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội mà đức tin chúng ta tuyên xưng thánh thiện từ khi phát sinh. Sự thánh thiện ấy của Giáo Hội không phải là tổng cộng các thánh làm nên, các thánh mà Giáo Hội đã sinh ra; nhưng chính sự thánh thiện riêng nơi Giáo Hội – sự thánh thiện của Đức Kitô và của Thánh Thần Chúa nơi Giáo Hội – nảy sinh hoa trái nơi chúng ta.  Không phải các thánh làm ta bái phục, nhưng chính Chúa và chỉ có Ngài là đáng bái phục trong các thánh của Ngài.

Theo ý nghĩa đó, Giáo Hội là trung gian mang sự thánh thiện của Chúa đến cho chúng ta.  Giáo Hội là một bà mẹ sinh ra các thánh, là những người được Giáo Hội tài bồi. Theo đúng từ ngữ, chúng ta không phải cố “trở thành” những vị thánh, nhưng phải bảo tồn và làm triển nở sự thánh thiện nguyên sơ nơi chúng ta.

3- Chúa Thánh Thần trong công cuộc Phúc-âm-hóa mới

Người ta thường có thói quen xấu cứ nghĩ rằng canh tân Giáo Hội đóng khung trong việc tổ chức lại, thích ứng với các thể chế bên ngoài, với các loại cải cách cơ cấu theo các định chế thế tục. Một Giám mục Pháp, Đức cha Matagrin, có lần viết cho tôi câu nầy: “Chúng ta có khả năng làm ra các ống dẫn và các đường mương, nhưng chúng ta không đủ sức làm trào vọt lên một nguồn suối”.

Đức Gioan XXIII không phải không biết đến việc cần thiết phải thực hiện một số cải cách, nhưng ngài đã đi sâu vào vấn đề, vào ngọn nguồn của sự việc, khi kêu gọi Kitô hữu đón nhận ơn Chúa, để chu toàn một mùa Hiện xuống mới trên Giáo Hội. Giáo Hội luôn luôn phải xây dựng lại trên nền tảng mà Giáo Hội đã từng được xây dựng, nghĩa là trên Phòng Cao, nơi kinh nghiệm nền tảng khởi thủy, đó là biến cố Hiện Xuống.

Công cuộc canh tân mà người ta có thể chờ đợi nơi mùa Hiện Xuống mới, trước hết không phải là canh tân bên ngoài, nhưng canh tân tận căn nguồn, trong việc người ta tự do để cho Chúa phục hoạt lại hồng ân phát xuất từ chính Ngài. “Ước gì ngươi biết được ơn của Chúa”. Dần dà ơn Hiện Xuống đầy ứ thấm nhuần cả thân thể, tỏ hiện ra trong các hình thức bên ngoài.  

Nếu Công-đồng được xem là một biến cố Hiện Xuống thì hoa trái thật sự của Công-đồng sẽ là những ai mang dấu ấn của Thánh Thần. Một trong những nét cá biệt thiết yếu nơi hành động của Chúa Thánh Thần là đặc tính bất ngờ, vượt lên trên tiên liệu do chúng ta chủ xướng. Hành động của Chúa luôn có tính cách khác thường, thể hiện sự nhưng không và siêu việt của Ngài. Nên sau Công đồng, các hoa trái của Thánh Thần có thể đã xuất hiện nơi mà ta không ngờ và không xuất hiện nơi mà ta chờ mong. Những chờ đợi quá thuần túy trần tục có thể không được thoã mãn.  Những tiên liệu có thể đã không được thực hiện.

Trái lại, những mầm sống đã nảy sinh nơi mà người ta ít mong mỏi hơn cả. Một mùa xuân như đã ló dạng nơi sâu kín của các tâm hồn, nơi các nhóm căn bản, nơi những người bé nhỏ. Điều đáng làm ta lưu ý là những công cuộc canh tân lớn lao trong Giáo Hội thường khai sinh ra nơi khiêm hạ, trong chiều sâu kín của tâm hồn con người nam nữ hoặc trẻ em bình dị.

Thiên Chúa gieo vào trong tâm hồn kẻ khiêm tốn, những người bé nhỏ, những kẻ ẩn kín vô danh. Tin-mừng của Chúa phải giải dầm trong kín đáo trước khi chiếu sáng ra nơi công chúng.  Kinh-thánh đã viết là thiên thần nói lời nầy với các mục đồng “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc. 2, 10).

Thánh Phaolô nhắn chúng ta rằng cái gì nghèo, cái gì yếu, cái gì không đáng là cái gì cả, thì chính Chúa đã chọn cái đó. Những điều cao cả, vĩ đại không sinh ra giữa ban ngày tỏa rạng. Chúa khơi chúng xuất hiện nơi thầm kín, trong im lặng, trong đêm, và chính những người khiêm hạ là những người đầu tiên nhận ra được. Đó là dấu chỉ của Thánh Thần.

Như vậy mầm đã gieo âm thầm và lớn lên trong Chúa Thánh Thần qua Công-đồng có thể tượng trưng rõ rệt ở đâu? Con đường giáo dục của Chúa vẫn là một; qua những cuộc khai sinh và phục hoạt tiếp nối trong lịch sử thánh của nhân loại, con đường của Chúa thể hiện mối liên hệ sâu xa và tiếp cận kín đáo giữa Thánh Thần và những người khiêm hạ.

Hình ảnh Mẹ Maria tức khắc xuất hiện trước mặt chúng ta. Một mối liên hệ thâm sâu giữa Công-đồng Vaticanô II và biến cố Truyền-tin hé lộ.

Một thiên thần tìm đến Giáo Hội và xin Giáo Hội trở lại làm “mẹ” để tái sinh, để đưa sự sống Chúa Kitô vào nhân loại và trần thế. Giáo hội của con người cảm thấy mình cằn cỗi, đuối sức không kham nổi sứ mệnh rao truyền Phúc-âm, mất nhuệ khí để gieo vãi đức tin vào thế giới trước mắt, nhất là cho giới trẻ. Cũng như vào lúc truyền tin, Giáo Hội đã ngạc nhiên, đã thắc mắc như Maria: “Làm sao việc đó có thể xảy ra được”. Cảm nghiệm về nỗi bất lực đó của con người nơi Maria cũng là cảm thức bất lực của Giáo Hội trước phận vụ phải chu toàn sứ mệnh làm mẹ, làm nảy sinh đức tin và truyền bá Phúc-âm. Bấy giờ, Giáo Hội có thể đương đầu với cám dỗ ngờ vực, thất vọng, hoặc cám dỗ tinh tế hơn đó là chuyển qua một lối thoái thác khác: hoạch định thiết kế cơ cấu, tổ chức lập chương trình, thích ứng, tục hóa…

Nhưng Giáo Hội có thể nói xin vâng với Thánh Thần, Giáo Hội làm như Maria và với Maria để có thể đi xa hơn nữa vào mầu nhiệm Chúa Thánh Thần.

Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phũ bóng trên bà, vì thế người con sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc. 1, 35). “Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc. 24, 49).

Làm sao có thể quên lời nói của Karl Rahner: “Tiếng xin vâng của Maria đã là lời khởi đầu của Giáo Hội”. Ngày nay, dường như Giáo hội phải nói lại lời khởi nguyên nầy, lời đã khai sinh và tái sinh Giáo Hội, lời xin vâng của Mẹ với Thánh Thần, để trong Mẹ và do Mẹ công cuộc nhập thể của Đức Kitô là Chúa và là Đấng Cứu độ cho mọi chiều kích của con người và cho mọi người, được hoàn thành trong thời đại chúng ta.  Vaticanô II đã là một lời kêu cầu Thánh Thần và còn là như thế. Những dấu chỉ tiên phong của một Mùa Hiện xuống mới đã xuất hiện trong Giáo Hội và trên thế giới. Chúng ta có đủ sức để nhận ra không?

Chúng ta có thể còn nghe được tiếng hô của Isaia nói với dân chúng:

 “Đừng bám riết quá khứ, đừng dừng lại điều đã không còn nữa. Này: ta đã bắt đầu một công trình mới. Người không nhận ra sao? Vâng, ta sẽ đắp một con đường trong sa mạc, sẽ vạch những nẻo đường trong hoang địa”.

 

+ Hồng y L. J. Suenens

Người dịch Nguyễn đăng Trúc

(Trích http://lamhong.org/) 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com