Yêu mến Thánh Thể

 

Lời đầu

Thánh Piô 10, vị Giáo Hoàng Thánh Thể nói: “Lòng tôn sùng Thánh Thể là việc cao quí nhất, vì có đối tượng tôn sùng là Thiên Chúa; ích lợi nhất cho việc cứu rỗi, vì Thánh Thể ban cho ta Đấng là tác giả ơn thánh; ngọt ngào nhất, vì chính Chúa là sự ngọt ngào dịu dàng”.

Lòng tôn sùng Thánh Thể, cùng với lòng tôn sùng Đức Mẹ, là tôn sùng của thiên đàng, vì các thánh và các thiên thần trên trời cũng tôn thờ như vậy. Thánh Gemma Galgani thường nói: “Trên thiên đàng có một trường học, ở đó người ta chỉ học sao để yêu mến. Trường này là nhà tiệc ly, thầy dạy là Chúa Giêsu, và môn học được dạy ở đây là Thịt Máu Người”.

Thánh Thể là chính tình yêu của Chúa Giêsu, bởi vậy, chính là bí tích tình yêu, bí tích tràn đầy đức ái. Bí tích chứa đựng chân lý - Chúa Giêsu sống động - Thiên Chúa tình yêu (Ga 4,8), và là Đấng yêu thương ta tới cùng (Ga 13,1).

Mọi cách diễn tả tình yêu, ngay cả cách cao siêu nhất và sâu xa nhất, đều được hiện thực trong Thánh Thể. Đó là tình yêu đã bị đóng đinh, tình yêu liên kết, tình yêu tôn thờ, tình yêu chiêm niệm, tình yêu cầu nguyện và tình yêu thỏa mãn sướng vui.

Chúa Giêsu Thánh Thể là tình yêu đã bị đóng đinh trong hy lễ Misa, trong đó Ngài đổi mới của lễ đền tội là chính mình Ngài cho ta. Qua việc kết hợp mầu nhiệm và linh thiêng, Ngài là tình yêu kết hợp chính mình với kẻ đón tiếp Ngài. Ngài là tình yêu được tôn thờ nơi nhà tạm. Nơi đó Ngài hiện diện như của lễ sát tế tôn thờ Đức Chúa Cha. Ngài là tình yêu, mong ước được “luôn luôn sống động để bầu cử cho ta” trước Chúa Cha (Dt 7,25). Ngài là tình yêu thỏa mãn vui sướng trong niềm vui thiên đàng của sự kết hợp phu thê với tình yêu thiên quốc (cả hai đều đồng trinh), như Ngài đã lôi kéo Gioan đến với Ngài, vị tông đồ đồng trinh, nằm tựa ngực Ngài trong bữa tiệc ly (Ga 21,20).

Thánh Phêrô Giulianô Eymard viết: “Được Chúa chiếm đoạt và chiếm đoạt được Chúa là đoạt được tình yêu hoàn hảo”. Ai có trái tim trong sạch, biết tới gần nhà tạm và liên kết mình với Chúa Giêsu Bánh Thánh bằng lòng khiêm tốn và yêu mến sẽ đoạt được vương quốc tình yêu hoàn hảo này.

Thánh Phanxicô nói: “Ôi sự khiêm nhượng thẳm sâu và sự thẳm sâu khiêm nhượng, Chúa vũ trụ, Con Thiên Chúa đã hạ mình xuống tới nỗi ẩn mình dưới hình bánh để cứu rỗi chúng tôi. Anh em thân mến, đây là con đường khiêm tốn của Chúa. Bởi thế, anh em đừng coi mình là gì nữa, để anh em có thể đón nhận đầy đủ Đấng ban trót mình cho anh em”. Với tình yêu cảm kích, thánh Anphongsô thêm rằng: “Ôi Giêsu, trong Thánh Thể, Chúa đã dùng phương thế đáng yêu chừng nào, vì Chúa ẩn mình dưới hình bánh để Chúa được yêu mến, và sẵn sàng ở đó để bất cứ ai muốn đến viếng thăm Chúa đều được thỏa lòng”.

Chớ gì khi tưởng nhớ đến linh mục - hằng ngày ban Chúa Giêsu cho ta, nhớ đến Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Chúa Giêsu Chúa ta, Mẹ các linh mục - làm ta luôn luôn ở trong tình mến hướng về Thánh Thể. Thánh Thể, Đức Mẹ, và linh mục không thể chia lìa như Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Gioan tông đồ không thể chia lìa trên núi Canvê.

Ta học được những điều này trong trường các thánh, các ngài sống cách sốt sắng, tuyệt vời như những thần sốt mến chân thật của tình yêu Thánh Thể. Công đồng Vatican II tuyên ngôn: “Khi ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành theo Chúa Kitô, ta khám phá ra một lý do mới thúc đẩy Thiên Chúa tìm kiếm thành thánh tương lai, đồng thời ta biết con đường chắc chắn nhất giúp ta đạt tới sự kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô, nghĩa là đạt tới sự thánh thiện giữa bao thăng trầm trần thế, tùy theo bậc sống và hoàn cảnh riêng của mỗi người” (GH 50). Các ngài là “lối đi vững vàng” để tới tình yêu Thánh Thể.

 


THÁNH THỂ THẦN LINH

Giêsu Thánh Thể là Emmanuel, nghĩa là Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23)

* Giêsu Thánh Thể là Chúa ở cùng chúng ta.

* Làm sao hiểu biết, yêu mến và sống Thánh Thể.

Thánh Thể, Chúa Giêsu ở giữa chúng ta

Khi thánh Gioan Maria Vianney tới làng Ars nhỏ bé không mấy ai biết tới, một vài người mỉa mai nói với ngài: “Ở đây không có việc gì làm cả”. Thánh nhân trả lời: “Như vậy là có mọi chuyện phải làm rồi đó”. Và ngài làm ngay. Ngài đã làm gì?

Thức dậy từ hai giờ sáng, ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong thánh đường tối tăm. Ngài đọc kinh Nhật Tụng, nguyện gẫm và dọn mình dâng lễ Misa. Sau thánh lễ, ngài cám ơn Chúa rồi cứ cầu nguyện tới trưa. Ngài luôn quì gối trên nền nhà, không tựa mình vào đâu hết, tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà tạm.

Những sự việc này tiếp tục trong một thời gian ngắn.

Nhưng rồi ngài phải đổi lại thời khóa biểu, đổi lại từ căn bản chương trình của ngài. Chúa Giêsu và Đức Mẹ Đồng Trinh dần dần lôi kéo các tâm hồn đến giáo xứ nghèo nàn này, cho tới khi nhà thờ trở nên chật chội không đủ chứa những đám đông. Nơi tòa giải tội của cha sở thánh trở nên chen chúc với những hàng dài hối nhân không dứt. Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội từ 10, 15 tới 18 giờ một ngày. Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ từ lâu không dùng đến, một nhà tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực. Làm sao những sự việc này đạt tới một thay đổi rõ ràng như thế tại một ngôi làng hẻo lánh?

Ngày nay chúng ta cũng có thể hỏi câu đó về làng San Giovanni Rotundo, thuộc tỉnh Garganô nước Ý. Cho tới một vài thế kỷ vừa qua, làng này không mấy ai biết đến, một nơi giữa miền sỏi đá hoang vu. Ngày nay San Giovanni Rotundo là một trung tâm đời sống tinh thần và văn hóa, danh tiếng khắp hoàn cầu. Ở đây cũng chỉ có một người ốm yếu, một tu viện cũ kỹ điêu tàn, một nhà thờ bỏ hoang, bàn thờ và nhà tạm vắng vẻ, một cha dòng nghèo khó luôn bám chặt cỗ tràng hạt không ngừng đếm.

Sự thay đổi đến như thế nào? Nguyên nhân nào đưa tới sự biến đổi xứ Ars và San Giovanni Rotundo, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm những biến đổi như thế. Ngài sử dụng theo cách của Ngài những “sự vật coi như vô ích” (1 Cr 1,28). Ta phải hoàn toàn qui hướng về Ngài, qua sức mạnh thần linh vô biên của phép Thánh thể, hướng về sức mạnh toàn năng tỏa ra từ các nhà tạm xứ Ars và San Giovanni Rotundo tới các tâm hồn, qua tác vụ của hai linh mục này, các ngài là “những thừa tác viên chân thực của nhà tạm” và là “những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1).

Ta hãy đặt câu hỏi: Thánh Thể là gì?

Đó là Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Là Chúa Giêsu hiện diện trong nhà chầu nơi các thánh đường, với Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính. Đó là Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh, nhưng hiện diện cách thể lý và thực tại, trong Bánh đã truyền phép, để ngự giữa ta, hành động trong ta và cho ta. Thánh Thể Chúa Giêsu thực là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng ta.

Đức Giáo Hoàng Piô XII dạy rằng: “Đức tin của Giáo hội là thế này: Điều duy nhất và căn bản là Ngôi Lời Thiên Chúa, con Đức Maria, Đấng đã chịu đau khổ trên thập giá, là Đấng đang hiện diện trong Thánh Thể, cũng là Đấng đang cai quản thiên đàng”.

Chúa Giêsu Thánh Thể ở lại với ta như là người anh, người bạn, vị hôn phu của linh hồn. Ngài muốn vào lòng ta như lương thực ban sự sống đời đời, như tình yêu, như sự nâng đỡ ta. Ngài muốn ta trở nên như phần thân thể mầu nhiệm Ngài. Ở đó, Ngài muốn cứu rỗi ta, đem ta về nước thiên đàng để đặt ta trong biển tình yêu vĩnh cửu.

Với Thánh Thể, Thiên Chúa chân thật đã cho ta mọi sự. Thánh Augustinô kêu lên: “Dầu Thiên Chúa quyền phép vô cùng và cũng không thể cho ta điều gì hơn nữa, dầu Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng cũng không biết cho ta điều gì hơn nữa, và dầu Thiên Chúa giàu có vô cùng cũng không còn có gì cho ta hơn nữa”.

Đến với Thánh Thể, hướng về Thánh Thể, về Chúa Giêsu, Đấng muốn làm cho Ngài trở nên của ta, để làm cho ta nên giống Ngài, “giống Đức Chúa Trời”. Thánh Gemma Galgani thường kêu lên rằng: “Ôi Giêsu lương thực, sức mạnh linh hồn, xin cho con sức mạnh, xin thanh tẩy con và làm cho con nên giống Chúa”.

Hãy rước Chúa với tâm hồn trong sạch và sốt mến như các thánh đã rước. Không bao giờ có những phiền não cho ta khi trở nên thân mật hơn với mầu nhiệm không thể tả này. Hằng ngày, trong thời khóa biểu của ta, việc suy niệm, học hỏi và sống Thánh Thể phải chiếm một chỗ quan trọng. Đó là thời gian phong phú ơn phúc nhất trong một ngày.

Làm sao để hiểu biết, mến yêu và sống Thánh Thể

Để khám phá ra ít là một vài sự phong phú mênh mông chứa đựng trong mầu nhiệm Thánh Thể, ta hãy dùng trí, lòng và ý muốn.

Trước hết, ta dùng trí khôn chăm chú suy niệm về Thánh Thể. Nhờ những cuốn sách giúp ta khám phá ra những riêng tư và sâu xa về mầu nhiệm Thánh Thể. Một cuốn sách nhỏ đơn sơ của thánh Anphongsô nhan đề là “Viếng Mình Thánh Chúa và Đức Mẹ Đồng Trinh”. Hai cuốn nữa của thánh Phêrô Giulianô Eymard là “Sự hiện diện đích thực của Thánh Thể” và “Hiệp lễ”.

Hãy tới trường thánh Eymard, ngài là tông đồ nổi danh của Thánh Thể. Ơn gọi và sứ mạng ngài là dẫn đưa mọi người tới Thánh Thể. Khi lập dòng Linh mục Thánh Thể, ngài dâng cuộc đời cho Chúa Giêsu Thánh Thể. Hồi đó ngài viết: “Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, đây là mạng sống con, con sẵn sàng bị ngược đãi và chết cô quạnh, chỉ cần con được hoàn thành việc lập ngai tòa cho Chúa, và dâng hiến Chúa gia đình các bạn hữu, các quốc gia những người thờ kính Chúa”.

Ta có biết ơn Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và là Đấng ban mình cho chúng ta như là ơn tình yêu sung mãn không? Thánh Bênađô nói: “Thánh Thể là tình yêu vượt trên mọi tình yêu trên trời dưới đất”. Thánh Tôma Aquinô thêm: “Thánh Thể là nhiệm tích tình yêu, là tình yêu, và sinh ra tình yêu”.

Một hôm Abd-ed-Kader, hoàng tử Ả Rập đi qua các khu phố ở Marseille với một ông quan nước Pháp, vừa gặp một linh mục đang đem Thánh Thể Chúa cho bệnh nhân, thấy ông quan Pháp dừng lại, bỏ mũ và quì gối xuống,  hoàng tử Ả Rập hỏi lý do về các cử chỉ này, viên quan trả lời:

- Tôi thờ lạy Chúa mà linh mục đem đi cho bệnh nhân.

- Sao lại có chuyện như vậy? Ông tin rằng Chúa Trời là Đấng cao cả mà lại làm cho mình ra tầm thường, đến ở nhà người nghèo khó sao? Chúng tôi người Mahômet ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng rất cao cả.

- Chính vì quí ông chỉ có một tư tưởng là Thiên Chúa rất cao cả, mà không biết Ngài là tình yêu.

Để xác nhận điều trên, thánh Phêrô Eymard tuyên ngôn: “Thánh Thể là chứng tích tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu, sau đó chẳng còn gì ngoài thiên đàng”. Vậy mà có biết bao nhiêu kitô hữu chúng ta không biết đến tình yêu lớn lao quá mức này trong Thánh Thể.

Thứ đến, để khám phá sự phong phú của Thánh thể, chúng ta nhờ trái tim. Nếu mọi kitô hữu phải yêu mến Chúa Giêsu, thì theo lời thánh Phaolô: “Ai không yêu mến Chúa Giêsu phải kể là đồ chúc dữ” (1 Cr 16,22), tình yêu Thánh thể phải xuất phát từ cõi lòng và phải luôn luôn sống động trong mỗi người chúng ta. Tình yêu cần phải thực hành. Trái tim cần phải thực tập yêu mến Chúa chân thật, khao khát Đấng là “tác giả sự sống” (Cv 3,15).

Hiệp lễ là điểm cao nhất của tình yêu, lửa thiêu đốt của hiệp lễ liên kết trái tim thụ tạo với Chúa Giêsu. Thánh Gemma Galgani cảm kích tuyên ngôn: “Tôi không thể không nói lên rằng năng lực tuyệt diệu của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài dễ thấu nhập và tỏ mình Ngài cho thụ tạo thấp hèn nhất của Ngài trong tất cả sự đẹp đẽ của Trái tim Ngài”. Ta có thể nói thế nào về những “thực tập” của trái tim thánh Gemma, ngài ước ao là “cái lều tình yêu”. Ngài ước ao có “một chỗ nhỏ trong bình đựng Thánh Thể Chúa” để được luôn sống với Chúa Giêsu. Thánh nữ xin cho mình được trở nên “bầu lửa rực cháy tình yêu” Chúa Giêsu.

Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu khi đã kiệt lực, còn hết sức gắng lê mình tới nhà thờ để rước Chúa Giêsu. Buổi sáng kia, sau khi hiệp lễ, thánh nữ ở trong phòng riêng, sức đã mỏi mòn, một chị trong dòng lưu ý ngài không nên gắng quá như vậy, nhưng thánh nữ trả lời: “Ồ, cái đau này có là gì, đâu có sánh được với một lần hiệp lễ?” Thánh nữ hơi phàn nàn rằng ngài không được hiệp lễ mỗi ngày (thời đó chưa được phép hiệp lễ hằng ngày). Ngài sốt sắng biện bạch với Chúa Giêsu rằng: “Xin Chúa ở trong con như ở trong nhà tạm, xin sự hiện diện của Chúa đừng bao giờ lìa khỏi tấm bánh nhỏ của Chúa”.

Khi thánh nữ Magarita Maria Alacoque bỏ thế gian để dâng mình cho Chúa trong đan viện, bà làm lời khấn tư viết bằng máu mình như sau: “Tất cả cho Thánh Thể Chúa, không còn gì cho bản thân tôi”. Thật không cần nói thêm về lòng kính mến bừng cháy của bà đối với Thánh Thể như thế nào. Khi bà không hiệp lễ được, bà đã biểu lộ tình yêu mãnh liệt thế này: “Tôi khao khát rước Mình Thánh Chúa đến nỗi nếu phải đi chân không qua lửa, tôi cũng vui không thể tả được”.

Bà thánh Catarina Siêna thường thưa với cha giải tội rằng: “Thưa cha, con đói, vì tình yêu Chúa, xin cha cho linh hồn con lương thực của nó, Chúa của nó trong Thánh Thể”.

Thánh nữ quả quyết thêm: “Khi tôi không thể rước Chúa, tôi vào nhà thờ, ở đó tôi chăm chú nhìn ngắm Chúa, nhìn đi nhìn lại… và tôi được no thỏa”. Ta gọi điều này là “luyện trái tim”.

Thứ ba, muốn tìm sự phong phú của Thánh Thể, người ta phải sử dụng lòng muốn. Làm như thế để đem lại những bài học linh thiêng Thánh Thể vào đời sống mình. Nào có ích gì cho ta, nếu ta khám phá ra kho tàng vô tận này nơi Thánh Thể, ta ấp ủ và tìm kiếm tình yêu ấy khi hiệp lễ, rồi ta không đem vào cuộc sống?

Thánh Thể dạy ta yêu mến vượt xa hơn là chỉ nói về yêu mến.

Thánh Thể dạy hy sinh hoàn toàn, dạy bài học khiêm tốn và sự hủy mình không có bài nào tương tự. Thánh Thể dạy kiên nhẫn và hiến dâng không giới hạn. Trình bày những điều trên có ý gì? Hẳn cần phải đạt được vài điều. Ta có thể lạnh nhạt mãi mà không làm gì khi Chúa Giêsu đã yêu chúng ta và còn yêu chúng ta với tình yêu quá quảng đại “cho tới cùng” không? (Ga13,1).

Nếu mình thấy yếu đuối, ta cần đến với Ngài, thân thưa với Ngài, đừng ngại xin Ngài cứu giúp ta, vì Ngài là Đấng duy nhất đã phán: “Không có Ta, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Trước tiên, ta hãy đến trước nhan ngài: “Hãy đến với Ta… Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28). Ta hãy năng thăm viếng Ngài, vào nhà thờ mỗi khi có thể, dừng lại ít phút trước nhà tạm, để lòng ta gần lòng Ngài, để xác ta trước nhan Ngài. Các thánh năng ước ao thăm viếng Chúa Giêsu trong nhà tạm, làm giờ chầu Mình Thánh, Rước lễ thiêng liêng, than thở tắt, và tác động yêu mến xuất phát từ lòng mến. Các ngài đã rút ra bao nhiêu ơn ích từ đó và tốt lành chừng nào khi các ngài sống những giây phút này.

Ngày kia, tại Turino nước Ý, một sinh viên nói với Peter G. Frassati: “Ta đi ăn sáng đi”. Frassati lợi dụng cơ hội chỉ vào nhà thờ thánh Đaminh gần đấy, trả lời: “Ta vào tiệm cà phê trong ấy được không?”. Vào nhà thờ, họ quì cầu nguyện một lúc gần nhà tạm, cạnh đó có hòm tiền cho kẻ khó, hai chàng lấy tiền bỏ vào rồi nói với nhau: “Đây là bữa điểm tâm của chúng ta”.

Suy về Thánh Thể trong bài giảng, thánh Gioan Chysostomô tự hỏi: “Làm sao ta có thể biến mình nên bánh thánh?” Và ngài trả lời: “Đừng để mắt nhìn sự dữ, phải hy sinh. Đừng để lưỡi nói lời bất xứng, phải dâng hiến. Đừng để tay làm tội lỗi, phải toàn thiêu”.

Thánh nữ Collette luôn để đôi mắt nhìn xuống cách dịu dàng. Khi hỏi tại sao lại làm thế? Thánh nữ trả lời: “Mắt tôi đã chứa đầy Chúa Giêsu lúc Chúa được nâng lên trong thánh lễ, tôi không muốn bất cứ hình ảnh nào thay thế Chúa tôi”.

Ta hãy nghĩ tới sự cẩn trọng và luyện tập của các thánh khi nói năng, các ngài dùng ngôn từ đúng đắn, vì đã được dâng hiến, được tiếp xúc với Mình Thánh Chúa Giêsu.

Hãy nhớ lại những việc làm của các linh hồn đầy tràn tình yêu Thánh Thể, được sung mãn bởi thông hiệp với Chúa, những cảm tình của lòng mến Chúa chuyển qua cho các anh chị em, nhất là cho những người cần thiết hơn.

Ta không muốn thực tập những điều đó sao? Hãy học hỏi nơi các thánh, hãy bắt đầu và tiếp tục làm những việc lành.

 

 

CHÚA GIÊSU LÀ CỦA TÔI

 “Chúa Giêsu đã yêu tôi và đã tự hiến mình cho tôi” (Gl 2,20)

* Thánh Thể là hy sinh thập giá

* Lễ Misa hằng ngày

* Tham dự hữu hiệu và chủ động

* Thánh lễ và các linh hồn luyện ngục

Thánh lễ là hy sinh thập giá

Chỉ ở trên thiên đàng ta mới có thể hiểu được thánh lễ Misa lạ lùng thần thánh chừng nào. Không phải vì ta đã cố gắng bao nhiêu, cũng không có vấn đề ta được soi sáng hay thánh thiện thế nào, ta chỉ bập bẹ nói về sự việc thần linh vượt trên các thiên thần và loài người này.

Một hôm, người ta hỏi cha Piô Pietrelcina, vì được in năm dấu rằng: “Xin cha giải nghĩa lễ Misa cho chúng con”. Ngài trả lời: “Các con ơi, làm sao cha có thể giải nghĩa lễ Misa cho các con được. Thánh lễ vô cùng như Chúa Giêsu vô cùng vậy… Hãy hỏi thiên thần thánh lễ là gì, rồi ngài sẽ nói sự thật cho các con. Cha hiểu lễ Misa là gì và tại sao được dâng hiến, nhưng cha không hiểu lễ Misa có giá trị thế nào? Một thiên thần, hàng ngàn thiên thần, cả thiên đàng biết điều này và đều nghĩ như thế”.

Thánh Anphongsô xác nhận: “Chính Chúa cũng không thể thực hiện một việc thánh thiện và cao cả hơn thánh lễ Misa. Tại sao? Vì thánh lễ là tổng hợp, vì thánh lễ là tóm kết việc nhập thể và cứu chuộc, mầu nhiệm hàm chứa giáng sinh, khổ nạn và tử nạn của Chúa Giêsu, những mầu nhiệm Thiên Chúa  hoàn tất vì chúng ta”.

Công đồng Vatican II dạy: “Trong bữa tiệc ly, đêm Chúa bị phản bội, Chúa Giêsu thiết lập hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Ngài, cốt để tiếp tục hy sinh thập giá cho tới khi Chúa lại đến” (PV 47).

Thánh Tôma Aquinô trong đoạn văn được ơn soi sáng đã viết: “Cử hành thánh lễ Misa cũng có giá trị như Chúa Giêsu chết trên thập giá”. Vì lý do này, thánh Phanxicô Assisi nói: “Loài người phải run sợ, thế giới phải chấn động, cả thiên quốc phải cảm kích sâu xa khi Con Thiên Chúa xuất hiện trên bàn thờ trong tay linh mục”.

Thật vậy, thánh lễ Misa, tái diễn cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa, dù chỉ một lễ cũng đủ sức ngăn cản phép công bình của Chúa.

Thánh Têrêxa mẹ nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có lễ Misa, ta sẽ ra sao, mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu diệt, chỉ có lễ Misa mới ngăn được tay Chúa. Không lễ Misa, chắc chắn Giáo hội sẽ không tồn tại và thế giới sẽ bị diệt vong”. Cha Piô nói thêm: “Thế giới không có mặt trời còn tồn tại dễ hơn thế giới không có lễ Misa”. Ngài nói như thế là theo thánh Leonarđô Port Maurice đã nói: “Tôi nghĩ rằng, nếu không có lễ Misa, thế giới bây giờ đang chìm đắm trong vực thẳm dưới sức nặng của sự dữ. Thánh lễ là trợ lực mạnh mẽ để nâng đỡ thế giới”.

Hiệu quả cứu rỗi các thánh lễ phát sinh trong linh hồn những người tham dự thật là kỳ diệu. Thánh lễ đem lại sự sám hối và tha thứ tội lỗi, giảm bớt các hình phạt tạm phải chịu vì tội, làm suy yếu ảnh hưởng của Satan và kích thích dấy loạn của xác thịt, làm vững chắc mối dây liên kết với thân thể Chúa Kitô, gìn giữ chúng ta khỏi nguy hiểm và tai nạn, rút ngắn hình phạt trong luyện ngục, ban cho ta cấp bậc vinh quang cao hơn trên thiên đàng. Thánh Laurensô Giustinanô nói: “Lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ thánh lễ Misa: nào tội nhân được giao hòa cùng Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của quỉ ma thất bại”.

Thánh Leonarđô Port Maurice không mỏi mệt hối thúc dân chúng nghe ngài rằng: “Hỡi những con người mê muội, các người đang làm gì? Sao các người không vội vàng đến các nhà thờ để dự bao nhiêu lễ theo sức có thể? Sao các người không biết noi gương các thiên thần, mỗi khi thánh lễ cử hành, đã từ thiên đàng xuống vây quanh bàn thờ để thờ lạy Chúa và cầu bầu cho chúng tôi”.

Nếu thật sự chúng ta cần ơn thánh cho cuộc đời hiện tại và tương lai, thì không việc nào có thể đạt được ơn thánh bằng thánh lễ. Thánh Philip Nêri thường nói: “Với lời cầu nguyện, chúng ta xin Chúa ban ơn, nhưng trong thánh lễ, chúng ta bắt Chúa phải ban ơn”. Lời cầu nguyện dâng lên trong thánh lễ nói lên chức linh mục phổ quát của ta, dù rằng chức linh mục phổ quát của tín hữu không sánh được với chức linh mục thừa tác của cá nhân linh mục nơi bàn thờ. Trong thánh lễ, lời cầu của ta hợp với lời cầu khổ nạn của Chúa khi Ngài hiến mình cho ta. Cách đặc biệt trong kinh nguyện Thánh Thể là tâm điểm thánh lễ, lời cầu của mọi người trở nên lời cầu của Chúa Kitô đang hiện diện giữa ta.

Hai lần tưởng nhớ của kinh nguyện Thánh Thể Rôma, trong đó người sống và người đã qua đời được nhớ đến, là những giây phút quí báu để ta dâng lời cầu nguyện. Đồng thời, trong lúc cao cả này, Chúa Giêsu qua bàn tay linh mục diễn lại cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa, ta có thể nài xin cho nhu cầu của ta và cho những người thân yêu của ta còn sống cũng như đã qua đời. Hãy để ý tới những lợi ích kinh này đem lại. Các thánh đã coi là rất quan trọng, và các ngài tưởng đến chính mình qua lời cầu của linh mục, các ngài xin nhớ đến mình trước hết trong kinh nguyện Thánh Thể.

Điều đặc biệt là trong giờ ta chết, các thánh lễ ta đã tham dự với lòng sốt sắng, đem lại cho ta niềm an ủi và hy vọng lớn lao. Dự một thánh lễ trong khi còn sống lợi hơn nhờ người khác dự cho nhiều lễ khi mình đã qua đời.

Một lần Chúa phán với thánh nữ Gertruđê: “Con hãy tin chắc rằng, kẻ nào đã sốt sắng dự bao nhiêu lễ, thì Ta sẽ sai đến với người đó bấy nhiêu thánh nhân để an ủi và bênh vực nó trong giờ cuối cùng khi nó sắp lìa đời”. Thật an ủi biết bao, Cha thánh xứ Ars đã có lý nói rằng: “Nếu ta hiểu giá trị thực của thánh lễ Misa, ta sẽ hết sức cố gắng để đi dự lễ”. Thánh Phêrô Giulianô Eymard nói thêm: “Hỡi những kitô hữu, hãy biết rằng không có hành vi tôn giáo nào thánh thiện hơn thánh lễ Misa, các người không thể làm gì tôn vinh Chúa hơn được, và cũng không có gì lợi ích cho linh hồn các người hơn là sốt sắng dự lễ Misa bao nhiêu lần tùy sức có thể”.

Vì lý do trên, ta phải coi là may mắn vì có cơ hội đi dự lễ Misa, và để không bỏ mất cơ hội này đừng bao giờ trì hoãn vì phải hy sinh, nhất là trong ngày Chúa Nhật và lễ nghỉ.

Hãy nhớ thánh nhi nữ Maria Goretti đã đi bộ đi và về mười lăm dặm để dự lễ. Cũng nên nhớ tới gương Santina Campana dù đang sốt rét nặng cũng cố đi dự lễ. Thánh Maximiliên Kolbe dâng lễ khi sức khoẻ quá yếu đến nỗi một thầy cùng dòng phải đỡ ngài kẻo ngã. Và cha Piô Pietrelcina đã bao nhiêu lần dâng lễ khi máu nơi dấu đinh đang chảy và bị sốt rét.

Trong đời ta, phải đặt việc dâng lễ Misa lên hàng ưu tiên trước các việc lành khác, vì theo thánh Bênađô: “Người ta được nhiều công phúc khi dự lễ sốt sắng, hơn khi người ta bố thí tất cả của cải mình có cho người nghèo, và hơn đi hành hương trên khắp thế giới”.

Không có gì sánh ví được, vì trên thế giới này không có gì giá trị vô cùng hơn thánh lễ Misa.

Phải quí mến thánh lễ Misa hơn các việc giải trí khác, chỉ làm mất thời giờ và không đem lại lợi ích cho linh hồn. Thánh Luy vua nước Pháp đã dự nhiều lễ mỗi ngày. Một viên chức trong hoàng cung phàn nàn về chuyện này, nói rằng vua có thể dùng giờ đó để làm nhiều việc cho quốc gia. Vua trả lời: “Nếu ta lấy gấp đôi số giờ đó để giải trí như đi săn bắn, nào có ai chống đối được ta”.

Hãy quảng đại và tự tình hy sinh để đừng làm mất phúc lành lớn lao này. Thánh Augustinô nói với các tín hữu ngài rằng: “Mỗi bước của người đi dự lễ đều được các thiên thần đếm cả, người đó sẽ được thưởng công lớn đời này và đời sau”. Cha thánh xứ Ars còn thêm: “Hạnh phúc chừng nào, linh hồn được thiên thần bản mạnh đi theo tới nơi dâng thánh lễ”.

Thánh Lễ hàng ngày

Khi người ta nhận thức giá trị vô cùng của thánh lễ Misa, người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy các thánh hăm hở trông mong dự thánh lễ hằng ngày, bao nhiêu lần có thể.

Thánh Augustinô đã ca ngợi mẹ ngài là thánh nữ Monica về điều này: “Lạy Chúa, mẹ con không để ngày nào qua đi mà không đến dự lễ hy sinh trước bàn thờ Chúa”. Thánh Phanxicô khó khăn thường dự mỗi ngày hai lễ. Khi bệnh nặng, ngài xin anh em linh mục dâng lễ tại phòng riêng để ngài có thể dự lễ.

Mỗi sáng, sau khi dâng lễ, thánh Tôma Aquinô lại giúp thêm lễ khác nữa để cám ơn Chúa.

Thánh Paschal Baylon, một em bé chăn chiên, vì phải trông coi đàn chiên nên không thể đến dự lễ tại nhà thờ như lòng mong muốn, mỗi khi nghe chuông báo hiệu thánh lễ, bé quì xuống giữa đàn chiên, trên bãi cỏ, trước cây thánh giá gỗ đã làm sẵn, và như thế từ xa bé theo dõi linh mục đang dâng lễ Misa tại nhà thờ. Ôi vị thánh đáng yêu chừng nào, ngài thực là thiên thần sốt mến của tình yêu Thánh Thể. Trên giường chết, khi nghe tiếng chuông báo hiệu thánh lễ, ngài nói với anh em: “Tôi sung sướng hợp nhất hy sinh bé nhỏ của tôi với hy sinh của Chúa Giêsu”.

Thánh nữ Margarit, hoàng hậu nước Tô-cách-lan, là mẹ của tám người con, bà thường đi dự lễ mỗi ngày, bà đem con đi, và với sự săn sóc của tình mẫu tử, bà dạy con biết quí trọng cuốn sách lễ nhỏ mà bà đã trang hoàng với ngọc thạch.

Hãy sắp xếp công việc khéo léo để không thiếu giờ dự lễ. Đừng nói rằng quá bận nhiều công chuyện. Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Matta, Matta, con bối rối về nhiều chuyện, nhưng chỉ có một sự cần thôi” (Lc 10, 41-42).

Khi người ta muốn thật, người ta sẽ tìm ra giờ để lỗi bổn phận. Thánh Giuse Cottolengo khuyên mọi người dự lễ hằng ngày: giáo chức, y tá, công nhân, và cả những ai nói rằng không có giờ, ngài cũng bảo: “Sắp xếp tồi quá! Tiết kiệm thời giờ không hay!” Ngài nói đúng, vì nếu ta ca ngợi thánh lễ có giá trị vô cùng, thì tại sao ta không mong ước tham dự, và tại sao không sắp xếp thời giờ để tham dự?

Khi thánh Carôlô Seoãe định đi Rôma để xin bố thí cho dòng của ngài, ngài dành giờ để viếng nhà thờ và dự thêm lễ. Tới lúc linh mục dâng Mình Thánh lên, ngài được Chúa ban cho mũi tên tình yêu phóng vào trong tim.

Sáng nào thánh Phanxicô Paula cũng đi nhà thờ và ở lại đó dự nhiều lễ. Thánh Gioan Berman, thánh Anphongsô, thánh Giêrađô Majella thường giúp bao nhiêu lễ khi có thể.

Chân phúc Phanxicô Chúa Hài nhi, dòng Carmelô, mỗi ngày giúp mười lễ. Khi nào không đủ mười lễ thì ngài nói: “Hôm nay tôi ăn bữa điểm tâm còn đói”. Người ta nói thế nào về cha Piô Pietrelcina, ngài dự mỗi ngày nhiều lễ, và khi dự lễ,  ngài đọc kinh Mân côi. Cha thánh xứ Ars không bỏ lễ ngài nói: “Lễ Misa là việc tôn sùng của các thánh”. Các linh mục thánh thiện có lòng yêu mến thánh lễ Misa cũng hay nói như vậy. Đối với các ngài khi không thể dâng lễ được là một đau khổ lớn. Thánh Phanxicô Xavier Bianchi nói với thầy dòng anh em rằng: “Khi thầy nghe thấy tôi không dâng lễ Misa được nữa thì cứ nghĩ là tôi chết rồi”.

Thánh Gioan thánh giá cho hay, nỗi đau khổ lớn nhất ngài phải chịu trong khi ngồi tù là không được dâng lễ cũng như không được chịu lễ trong suốt chín tháng liền.

Ngăn trở và khó khăn không là gì đối với các thánh khi các ngài sắp xếp công việc để không mất sự tốt lành tuyệt hảo này. Chẳng hạn, thánh Anphongsô, một hôm đang đi qua tỉnh Napoli nước Ý, ngài bị đau bụng dữ dội, thầy dòng cùng đi với ngài xin ngài dừng lại để chữa, nhưng thánh nhân hôm ấy chưa dâng lễ Misa nên trả lời rằng: “Thầy ơi, tôi muốn đi mười dặm nữa trong tình trạng đau đớn thế này hơn là mất lễ”. Và dù đau đớn, ngài chờ một chút cho dịu cơn đau rồi lại tiếp tục đi tìm nhà thờ.

Thánh Laurensô Brindisi dòng Capuchin khi đang ngụ trong thành phố thuộc lạc giáo, thành này không có nhà thờ công giáo, ngài phải đi bộ bốn mươi dặm, tìm cho được nhà thờ Công giáo để dâng lễ.

Thánh Phanxincô Salesiô, có thời cũng ở trong thành phố thuộc về người Tin lành, và để được dâng lễ, sáng nào ngài cũng phải đi bộ trước khi mặt trời mọc, tìm đến nhà thờ Công giáo nằm bên bờ hồ xa. Mùa thu, nước dâng cao trôi mất chiếc cầu mà thánh nhân thường đi qua, nhưng không nản chí, ngài tìm chiếc cầu khác xa hơn. Về mùa đông trời đổ tuyết và băng giá, đầy nguy hiểm trơn trượt, ngã xuống nước, ngài lại tìm kế khác để không mất lễ.

Ta không thể diễn tả đầy đủ những mầu nhiệm tiềm ẩn trong thánh lễ, những hiệu quả từ bàn thờ hy tế núi Canvê phát sinh. Cũng không thể gọi là sùng kính quá mức đối với sự lạ lùng siêu việt của tình yêu linh thánh này.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh lễ là sự thành công của Thiên Chúa, nơi đó Ngài để trước mắt chúng ta cả tình yêu Ngài mang đến cho ta, đó là tổng hợp, là tóm tắt những ơn phúc ban xuống cho ta”.

Tham dự hữu hiệu và chủ động

Giá trị lớn lao vô cùng của thánh lễ khiến ta hiểu rằng cần phải ý thức và cung kính tham dự hy tế của Chúa Kitô chừng nào. Thờ lạy, yêu mến và thống hối phải là những tâm tình ưu tiên nơi mỗi người chúng ta.

Công đồng Vatican II đã phản ảnh sống động hình ảnh mà Đức Piô XII diễn tả về thánh lễ, đó là “trạng thái Chúa Giêsu trong tâm tình khiêm tốn vâng phục tự hiến cho Chúa Cha, nghĩa là những tâm tình thờ lạy, yêu mến, ngợi khen, cảm tạ dâng lên Chúa cao cả, để ta rập mẫu tình trạng của lễ, theo lời giáo huấn Phúc âm, từ bỏ và tự tình chấp nhận hy sinh đền tội, thống hối, đền bù tội lỗi ta.

Thực vậy, tham dự sống động thánh lễ Misa là làm cho ta nên của lễ như Chúa Giêsu, và tiếp tục “họa lại trong ta trạng thái đau thương, khổ hình như Chúa Giêsu” (Đức Piô XII), cho phép ta nên “đồng bạn trong sự đau khổ của Ngài” như ta “đồng tử nạn với Ngài” (Pl 3,10). Những gì còn lại chỉ đơn giản là nghi lễ, lễ phục.

Thánh Grêgôriô Cả dạy: “Hy sinh bàn thờ ta dâng lên Chúa chỉ thực sự được chấp nhận khi ta dâng chính mình như của lễ”. Phản ảnh tín lý này, các cộng đồng tín hữu ban đầu thường cử hành nghi thức thống hối, hát kinh cầu các thánh, đi rước tới bàn thờ để cử hành thánh lễ do Đức Giáo hoàng chủ tọa. Theo thánh Tôma tông đồ, nếu ta đi dự lễ với tâm tình ấy, phải coi như ta nói: “Nào ta cùng đi và chết với Ngài” (Ga 11,16).

Khi thánh nữ Margarita Maria Alacoque dự lễ, ngài chăm chú nhìn lên bàn thờ, chẳng bao giờ rời mắt khỏi thánh giá và cây nến sáng. Sao vậy? Vì tâm trí ngài đã có hai ấn tượng này: thánh giá gợi lại những gì Chúa Giêsu đã làm cho ngài, nến cháy nhắc cho ngài những gì ngài phải làm cho Chúa, nghĩa là hy sinh và hao mòn bản thân vì Chúa và các linh hồn.

Gương mẫu tốt nhất cho ta tham dự lễ Misa là gương mẫu dưới chân thánh giá có Mẹ Maria, thánh Gioan, thánh Mađalêna và các bà đạo đức (Ga 19,25). Dự lễ tại bàn thờ rất giống như tại đồi Canvê.

Thánh Anrê Avellinô thường cảm động đến chảy nước mắt nói rằng: “Người ta không thể phân rẽ Thánh Thể ra khỏi cuộc tử nạn của Chúa”.

Một hôm, con thiêng liêng của cha Piô Pietrelcina hỏi ngài: “Thưa cha, chúng con phải dự thánh lễ như thế nào?” Cha trả lời: “Như Đức Mẹ, thánh Gioan và những bà đạo đức trên đồi Canvê, yêu mến Chúa và cảm thương Chúa”.

Trong sách lễ của một con thiêng liêng, cha Piô viết: “Khi dự thánh lễ, hãy tập trung ý hướng vào mầu nhiệm vĩ đại này đang diễn ra trước mắt con, đó là sự cứu rỗi và hòa giải của linh hồn con với Chúa”. Lần khác người ta hỏi ngài: “Thưa cha, khi dâng lễ tại sao cha khóc nhiều như thế?” Ngài trả lời: “Hỡi con, những nước mắt này có là gì sánh với điều đang xảy ra trên bàn thờ? Nơi đó đáng phải đổ ra cả nguồn nước mắt”. Lần khác, người ta lại hỏi: “Thưa cha, cha đau đớn thế nào khi vết thương đang chảy máu mà phải đứng suốt buổi lễ?” Cha Piô trả lời: “Khi dâng lễ, không phải cha đứng mà cha bị treo”. Mấy tiếng “bị treo” ngắn ngủi nói lên mạnh mẽ ý nghĩa “cùng bị đóng đinh với Chúa” mà thánh Phaolô đã nói (Gl 2,19), nhờ đó phân biệt dự lễ trọn vẹn chứ không phải giả dối, lý thuyết suông, hay dự với những lời đọc bên ngoài. Thánh nữ Benađêta Soubirous nói với một tân linh mục rất chí lý rằng: “Xin cha nhớ rằng linh mục tại bàn thờ cũng giống như Chúa Giêsu trên thánh giá”. Thánh Phêrô Alcantara mặc áo lễ như ngài sắp lên đồi Canvê, vì tất cả lễ phục của linh mục đều liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa. Áo dài trắng gợi lại áo trắng Herode đã cho Chúa mặc để chế diễu Ngài như kẻ dại, giây thắt lưng nhắc lại Chúa bị đánh đòn, dây đeo cổ nhắc lại giây thừng chúng trói Chúa. Khăn vai nhắc lại mũ gai, áo lễ ngoài có hình thánh giá nhắc lại thánh giá đè trên vai Chúa.

Những ai dự thánh lễ cha Piô cử hành nhắc nhớ tới nước mắt nóng hổi của ngài, nhớ tới một điều kiện bó buộc ngài là những ai dự lễ phải quì gối, nhớ lại những lúc thinh lặng cảm động khi nghi lễ diễn ra, nhớ lại những đau khổ thống thiết tỏ ra trên khuôn mặt cha Piô khi ngài trịnh trọng tuyên đọc lời truyền phép, nhớ lại những lúc tín hữu đầy nhà nguyện, cầu kinh trong linh lặng, khi cha Piô âm thầm cầu nguyện vì chuỗi Mân côi kéo dài hàng giờ.

Những sự chia sẻ của cha Piô lúc dâng lễ cũng giống như của các thánh. Nước mắt của ngài giống như nước mắt của thánh Phanxicô Assisi (đã có lúc biến thành máu), giống như thánh Vinhsơn Ferrier, thánh Laurensô Brindisi (đã có lần ướt cả 7 chiếc khăn tay), như thánh Veronica Giuliani, thánh Gemma Galgani, thánh Anphongsô, thánh Gemma Galgani. Nhưng vượt trên những điều đó, làm sao người ta có thể thờ ơ trước cuộc tử nạn và sự chết của Chúa Kitô? Chắc ta giống như các tông đồ nằm ngủ tại vườn Gietsimani, hoặc ít ra như lính tráng đứng dưới chân thánh giá, chỉ nghĩ tới trò chơi rút thăm, không quan tâm đến Chúa đang hấp hối, (và tuy nhiên đây là cảm nghĩ buồn phiền khi ta dự lễ “nhạc rock” với tiết điệu tây ban cầm, chơi kiểu thế gian với những cử chỉ tầm thường, với các phụ nữ ăn mặc thiếu nết na kín đáo, và giới trẻ mang những y phục kỳ lạ… xin Chúa tha cho).

Ta hãy ngắm nhìn Mẹ Maria Đồng Trinh và các thánh. Hãy noi gương các ngài. Chỉ có noi gương các ngài, ta mới đi đúng đường, đường làm vui lòng Chúa (1 Cr 1,21).

Thánh lễ với các linh hồn luyện ngục

Khi ta đã từ bỏ đời này thì không còn ao ước gì hơn là thánh lễ Misa được dâng hiến để cầu cho linh hồn ta. Thánh lễ Misa bàn thờ là lời bầu cử hiệu quả nhất, vì vượt trên mọi lời cầu, mọi hy sinh và mọi việc lành. Chẳng có gì khó hiểu khi ta nhớ lại lễ hy sinh bàn thờ cũng chính là hy sinh thánh giá xưa. Ngày nay Chúa dâng trên bàn thờ với giá trị vô cùng. Đền vì tội ta (1 Ga 2,2), đầy hiệu lực tha tội (Mt 26, 28). Tuyệt đối không có gì sánh bằng thánh lễ Misa, và hiệu quả cứu rỗi của thánh lễ có thể làn rộng cho số vô hạn các linh hồn. Một lần, khi cử hành thánh lễ trong nhà thờ thánh Phaolô tại Ba suối ở Rôma, thánh Bênađô đã thấy một thang dài vô tận lên tới trời. Rất nhiều thiên thần lên xuống trên đó, đem các linh hồn từ luyện ngục lên thiên đàng, đó là các linh hồn đã được giải thoát nhờ hy tế của Chúa Giêsu, và ngày nay được các linh mục trên trần gian làm mới lại trên bàn thờ. Do đó, khi một người thân trong họ hàng qua đời, ta hãy cẩn trọng để xin lễ và dự lễ cho họ, hơn là để ý đến những hoa, những áo tang, và việc rước xác…

Đã có rất nhiều linh hồn luyện ngục được hiện về xin cha Piô dâng thánh lễ cầu cho họ, để họ chóng được ra khỏi luyện ngục. Một lần, sau khi dâng lễ cầu cho cha của một tu sĩ cùng dòng Phanxicô với ngài. Thánh lễ chấm dứt, cha Piô nói với thầy bạn: “Sáng nay linh hồn ba của thầy đã vào thiên đàng rồi”. Thầy dòng rất vui mừng khi nghe cha Piô nói như vậy, nhưng muốn hỏi lại: “Nhưng thưa cha, ba con chết đã ba mươi hai năm rồi mà”. Cha Piô thêm: “Con ơi, nhưng trước mặt Chúa, mọi sự đều phải sòng phẳng”. Chính thánh lễ cho ta giá trị vô cùng: Mình và Máu Chúa Kitô, Con Chiên vẹn sạch (Kn 5, 12).

Một hôm trong bài giảng, Cha thánh xứ Ars đã nêu ví dụ về một linh mục dâng lễ cho người bạn đã qua đời, sau khi truyền phép Thánh Thể ngài nói: “Lạy Chúa Cha, con xin đánh đổi, Chúa giữ linh hồn bạn con trong tay Chúa, con có Mình Thánh Con Chúa trong tay con, xin Chúa giải thoát bạn con khỏi luyện ngục, con dâng Chúa Mình Thánh Con Chúa với mọi công nghiệp cuộc khổ nạn và tử nạn của Người”.

Cần nhớ rằng: tất cả những lời cầu nguyện và việc lành dâng lên cầu cho các linh hồn là tốt và đáng khuyến khích, nhưng khi có thể, hãy dâng thánh lễ cầu cho các linh hồn (cách riêng lễ Gregôriana 30 ngày liên tiếp).

Trong tiểu sử chân phước Henri Suso, người ta đọc thấy rằng, khi còn trẻ, ngài đã giao ước với thầy bạn cùng Dòng: “Nếu ai trong hai ta chết trước, người còn lại sẽ dâng cho người kia mỗi tuần một lễ Misa”. Người bạn của chân phước Heri chết trước tại nơi truyền giáo. Chân phước Heri có lúc đã nhớ tới lời hẹn ước này, nhưng vì còn phải dâng lễ theo ý chỉ khác, nên ngài đã làm việc lành, thay vì dâng lễ cầu cho bạn như đã hứa. Người bạn đã hiện về quở mắng cha Suso: “Lời cầu và việc hãm mình của cha không đủ cho tôi, tôi cần Máu Chúa Kitô”, “Máu Chúa tha nợ cho tội nhân”. (Cl 1,14)

Thánh Giêrônimô đại nhân cũng viết như sau: “Tất cả các lễ được sốt sắng dâng lên sẽ cứu nhiều linh hồn ra khỏi luyện ngục bay vào thiên đàng”. Khi ai dự thánh lễ sốt sắng cũng nói được như vậy. Thánh Maria Mađalêna Paoãi, một nhà thần bí dòng kín Carmelô, khi ở trong nhà, bà có thói quen đem tâm trí dâng Máu Thánh Chúa Giêsu xin giải thoát các linh hồn luyện ngục. Một lần được ơn ngất trí, Chúa Giêsu tỏ cho bà hay, nhờ việc dâng hiến Máu Thánh, Chúa đã cứu cho bà nhiều linh hồn. Điều đó chẳng lạ, vì thánh Tôma Aquinô phát biểu: “Chỉ một giọt Máu Thánh Chúa cũng có giá trị đủ cứu cả thế giới vì những xúc phạm đến Chúa”.

Vì thế, ta hãy cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, và cứu thoát họ nhờ xin lễ hoặc dự lễ. Cha thánh xứ Ars nói: “Mọi việc lành hợp lại cũng không thể sánh với lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, lễ Misa là của Thiên Chúa”.

 

(Nguồn: Chương trình hỗ trợ Mục vụ - ĐCV Sao Biển)

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com