SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM A (21/06/2020)

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ KHI THEO CHÚA

[Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Nhiều người Công giáo vì quá đon sơ chất phác nên thường thắc mắc không hiểu tại sao ngay ngày hôm nay trên thế giới vẫn có những người có đạo bị chính quyền đàn áp. Các Ki-tô hữu bị đàn áp không phải vì họ làm điều xấu xa mà chỉ vì họ theo một tôn giáo mà chính quyền không thích không ưa. Nếu những người này đọc những lời cảnh báo của Đức Giê-su trong Phúc Âm, về người này người nọ,  thì họ sẽ hiểu được rằng: Té ra theo đạo, nhất là đạo Công  giáo, không phải là điều đơn giản, không phải lúc nào cũng thuận lợi mà trái lại nhiều lúc rất cam go vất vả, thậm chí nguy hiểm nữa. Cái giá phải trả có khi rất cao (bị người đời ghét bỏ, giết hại). Nhưng phần thưởng thì rất lớn, vô cùng lớn: được Chúa Giê-su tuyên bố nhận làm môn đệ trước mặt Thiên Chúa Cha.

Mừng lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm và lòng trung thành sắt son với Đấng đã dựng nên và cứu độ chúng ta.

  

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Gr 20,10-13):  "Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ" Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: "Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: "Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Đấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

 

2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 5,12-15):  "Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu" Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.

Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Đức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.

 

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 10,26-33): "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa

- Là Thiên Chúa, Đấng đã che chở bảo vệ ngôn sứ Giê-rê-mi-a khỏi phường hung bạo.

- Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã đem lại dồi dào ân sủng cho loài người nhờ cái chết của Người.

- Là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và nâng đỡ các tín hữu trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhất là trong những lúc nguy nan thử thách.

 

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)Qua ba  bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là “Đừng sợ những người có thể giết thân xác...”  và  “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ....”

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tin tưởng!  

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải làm 2 việc sau đây:

(1°) Sống không sợ hãi trước những người và thế lực thù địch...

(2°) Dũng cảm tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa và sự che chở của Người.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc chưa biết và chưa tin theo Chúa, để họ sớm cảm nghiệm được hoạt động của Thiên Chúa trong lòng người và trong xã hội ngày hôm nay.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi thành phần Dân Chúa luôn xác tín vào Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã chết cho nhân loại và Hội Thánh.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người mạnh dạn tuyên xưng Niềm Tin của mình vào Chúa Giê-su Ki-tô, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm cụ thể.  

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 “Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời  Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người yều lòng tin và sợ hãi người đời, để họ được ơn vững niềm tin và can đảm tuyên xưng niềm tin ấy.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

        

Sài Gòn ngày 15 tháng 06 năm 2020

      Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.  


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM A  (14/06/2020]

LỄ MÌNH MÁU CHÚA 

PHÉP LẠ CỦA TÌNH YÊU

[Đnl 8,2-3.14b-16a; 1 Cr 10,16-17; Ga 6,51-58]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong hành trình xuyên qua sa mạc tiến về Đất Hứa dân Ít-ra-en đã được Thiên Chúa ban cho man-na mỗi buổi sáng để có sức mà sống và tiến bước. Đó là hình bóng của Thánh Thể mà Chúa Giê-su Ki-tô ban cho Dân Mới là Hội Thánh trong cuộc lữ hành trần thế. Nhưng Thánh Thể thì trổi vượt hơn man-na vì Thánh Thể là Thịt, là Máu, là Lời của chính Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa làm người. Thánh Thể là Phép Lạ của Tình Yêu!

Sùng kính Thánh Thể xưa nay vẫn là truyền thống của người tín hữu Việt Nam. Nhưng mỗi người chúng ta nên canh tân lòng sùng kính Thánh Thể của mình bằng cách đào sâu giáo lý Thánh Kinh về Thánh Thể và áp dụng ý nghĩa của Thánh Thể vào đời sống. Làm như thế là chúng ta mừng kính Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô theo đúng ý Chúa và ý Hội Thánh.

  

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Đnl 8,2-3.14b-16a)"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới" Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

"Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới".

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 10,16-17): "Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 6,51-58): "Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?" Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa

- Là Thiên Chúa, Đấng đã ban man-na cho dân Ít-ra-en trong hoang địa để họ đủ sức tiếp tục cuộc hành trình về Đất Hứa. Hơn đâu hết trong sa mạc người ta dễ cảm nhận miếng bánh và ngụp nước là quan trọng và quý giá như thế nào.

- Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã yêu thương các môn đệ đến độ biến mình trở thành của ăn của uống cho các môn đệ của Người.

- Là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiệp thông và hành động với Thiên Chúa Cha và Chúa Giê-su, nhất là trong Mầu Nhiệm Thánh Thể.

 

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba  bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là “hãy cầm lấy mà ăn” và “hãy cầm lấy mà uống” để có sự sống đời đời. Nhưng ăn thịt và uống máu thánh Chúa cũng có nghĩa là chúng ta phải xây dựng sự hiệp thông và thực hành việc chia sẻ với người chung quanh, vì Thánh Thể là quà tặng của Tình Yêu.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuân phục! Đặc biệt là sống với Chúa Giê-su Thánh Thể là lương thực và sức mạnh thiêng liêng của hồn xác chúng ta.

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải làm 2 việc sau đây:

(1°) Siêng năng rước Mình Máu Chúa với lòng yêu mến và biết ơn.

(2°) Xây dựng và phát triển sự hiệp thông yêu thương và san sẻ (tinh thần/vật chất) trong cộng đoàn và với những người sống xung quanh.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 “Anh (em) đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc chưa biết và tin theo Chúa để họ sớm nhận ra sự hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa trong vũ trụ và cuộc đời này.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 “Chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi thành phần Dân Chúa luôn nhớ mình là chi thể của Chúa Ki-tô và là chi thể của nhau mà sống hiệp nhất yêu thương xứng đáng với Bí Tích Tình Yêu là Thánh Thể.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết quý trọng và siêng năng rước Thánh Thể để được sống hiệp thông với Chúa  Giê-su Ki-tô ở đời này và đời sau.    

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Chúng ta hãy câu nguyện cho những người cứng lòng tin, vì quá ỷ vào trí tuệ nhỏ bé của mình mà chối bỏ những thực tại cao siêu mà Chúa Giê-su Ki-tô đã mạc khải cho loài người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

        

Sài Gòn ngày 08 tháng 06 năm 2020

     Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.  


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM A (07/06/2020)

CHÚA BA NGÔI

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN

[Xh 34,4b-6.8-9; 2 Cr 13,11-13; Ga 3,16-18]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Nói theo ngôn ngữ giáo lý, thần học thì mầu nhiệm cao siêu, khôn lường và khó hiểu nhất của Ki-tô giáo là mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Nhưng nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh thì mầu nhiệm ấy lại dễ hiểu, gần gũi và có sức an ủi nhất vì đó chính là mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu. Quả vậy từ Sách Xuất Hành qua Thư của Thánh Phao-lô đến Tin Mừng của Thánh Gio-an, Thiên Chúa là Đấng “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín”. Chính vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên Người “đã sai Con Một đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.”

Chúng ta hãy đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là Thiên Chúa Tình Yêu mà tận hưởng hạnh phúc của những người được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc như -thậm chí hơn- một người mẹ.

 

II. LẮNG NGHE/ĐỌC LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Xh 34,4b-6.8-9): "Thiên Chúa là Đấng thống trị, từ bi và nhân hậu" Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.

Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa".

2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 13,11-13):

"Ân sủng của Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần" Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga  3,16-18): "Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

 * Là Thiên Chúa, Đấng “đã ban 10 giới răn cho dân Ít-ra-en và đã hiện ra với ông Mô-sê và mạc khải Ngài là "Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.”

* Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết để ban tràn đầy ân sủng cho những ai tin thờ Thiên Chúa.

* Là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiệp thông và hành động với Thiên Chúa Cha và Chúa Giê-su để giúp mỗi Ki-tô hữu nhận ra ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho nơi/nhờ Chúa Giê-su Ki-tô và can đảm làm chứng cho Thiên Chúa và cho Chúa Giê-su Ki-tô trong đời sống hằng ngày.

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chứa đựng trong lời bất hủ này của Tin Mừng Gio-an: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuân phục!

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta và thế giới qua việc Con Một Người là Đức Giê-su Ki-tô được sai đến thế gian này. Có cảm nghiệm và nhận thức được tình yêu bao la ấy của Thiên Chúa, chúng ta mới biết đáp lại một cách thích đáng, bằng một lòng tin sắt son và bằng một cuộc sống dấn thân rao giảng Tin Mừng Tin Yêu Cứu Độ của Chúa Kitô.   

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc chưa biết chưa tin vào Con Một Thiên Chúa và các dân tộc đang bị xâu xé bởi bạo lực và dịch bệnh corona virus.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em!” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-xô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu biết sống yêu thương, đoàn kết và thuận hòa với nhau để làm chứng cho Tin Mừng.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết quý trọng ơn đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho họ để họ trở thành dân riêng của Thiên Chúa.     

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 “Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người không tin, nhất là cho những người cố tình không tin và tuyên truyền chủ nghĩa vô thần, để họ sớm được ơn nhận biết và tin vào Con Thiên Chúa là Chúa Ki-tô.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

        

   Sài Gòn ngày 03/06/2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM A (31/05/2020)

CẢM NGHIỆM SỰ HIỆN DIỆN VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN

[Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20]  


I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Kitô giáo được khai sinh vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Thánh Thần Thiên Chúa cũng là Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô xuống trên các Tông Đồ là cộng đoàn những người tin theo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Thánh Thần luôn đồng hành cùng Hội Thánh từ ngày đó đến nay, úc nào nên người tín hữu chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần. Nhưng có những thời điểm chúng ta có thể cảm nghiệm một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, như trong những ngày này: chúng ta có Đức Phanxicô trên ngôi vị Giáo Hoàng và chúng ta vừa mới có hai Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II là hai Thánh Giáo hoàng của Công Đồng Vatican II là Công Đồng của canh tân đổi mới và trở về nguồn.

Chúng ta hãy đọc lại những đoạn Thánh Kinh về Thánh Thần mà cảm nghiệm sâu sắc hơn nữa sự canh tân đổi mới mà Người đem đến cho các tâm hồn và Hội Thánh.

 

II. ĐỌC & LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2,1-11): "Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói" Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 11,3b-7,12-13): "Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể" Anh em thân mến, không ai có thể nói "Đức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

CA TIẾP LIÊN

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Đấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI  THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

- Là Thiên Chúa Cha, Đấng đã ban Thánh Thần cho các môn đệ Chúa Giê-su trong ngày Lễ Ngũ Tuần khiến họ rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, để mọi người có mặt ở Giê-ru-sa-lem dịp lễ ấy đều có thể nghe và hiểu nội dung các bài giảng của các tông đồ.  

- Là Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, Đấng
* đã ban bình an cho các tông đồ: "Bình an cho anh em!”
* đã thổi hơi trên các tông đồ để ban Thánh Thần cho họ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”
* đã giao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
* đã ban cho các tông đồ quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

- Là Chúa Thánh Thần, Đấng
* đã xuống trên các tông đồ để làm cho họ nên can đảm, mạnh mẽ và khôn ngoan,
* đã đổ tràn các đặc sủng trên các tín hữu để làm cho họ nên một cộng đoàn, một thân thể hiệp nhất, yêu thương và phong phú trong phục vụ và hoạt động.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, chúng ta khám phá ra sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay gồm hai nội dung:

- Nội dung thứ nhất là: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi xem  
+ Chúng ta đã thực sự đón nhận Thánh Thần chưa?
+ Chúa Thánh Thần thể hiện sự hiện diện và hoạt động của Người như thế nào trong tâm/trí và cuộc sống hàng ngày của chúng ta?

- Nội dung thứ hai là: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em!”

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi xem
+ Chúng ta có ý thức về sứ mạng được sai đi của mình không?
+ Chúng ta thi hành sứ mạng ấy thế nào trong đời sống hàng ngày của chúng ta?

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như người bạn sống với bạn mình, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuân phục!

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa qua 4 bước:
- Bước 1: Đón rước Chúa Thánh Thần và đầu phục Người. Đã chịu Phép Rửa Tội và Thêm Sức là chúng ta đã đón nhận Chúa Thánh Thần vào lòng mình rồi. Nhưng có thể là chúng ta chưa ý thức về sự kiện đó và chưa biết cách sống với Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng chúng ta. Vậy chúng ta hãy đánh thức Người dậy bằng những lời cầu xin được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng con, xin Người tỏ mình và hành động trong con!”

- Bước 2: Để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong/qua chúng ta. Trước hết, chúng ta phải tạo một khoảng tĩnh lặng trong tâm trí và cuộc sống của chúng ta để có thể nghe được tiếng của Chúa Thánh Thần. Kế đến, chúng ta hãy để Người thúc đẩy chúng ta làm những gì Người soi sáng.

- Bước 3: Ý thức sứ mạng được sai đi của mình, nhờ/qua việc
* đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày,
* chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ,
* học hỏi Thánh Kinh và cầu nguyện với Lời Chúa,
* rèn luyện tâm linh,
* thực thi các việc bác ái, từ bỏ và dấn thân.

- Bước 4: Thực thi sứ mạng được sai đi của mình, bằng cách
* chu toàn bổn phận trong gia đình, cộng đoàn và xã hội,
* tham gia đóng góp vào công cuộc Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội,
* mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa và Tin Mừng.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 “Bình an cho anh em” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc đang phải chịu cảnh dịch bệnh coronavirus tàn phá, để họ được hưởng một nền hòa bình chân chính và vững bền.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu được tràn đầy Thánh Thần của Chúa Ki-tô.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.3 “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết quý trọng và triển khai các ơn huệ của Thánh Thần trong việc xây dựng cộng đoàn gia đình, giáo xứ và xã hội một cách hài hòa và vững mạnh.        

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà truyền giáo thời nay để họ kiên trì trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

 

  Sài Gòn ngày 25/05/2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH NĂM A

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN (24/05/2020)

LỆNH TRUYỀN VÀ LỜI HỨA CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

[Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Hơn ai hết các Tông Đồ trông chờ nhiều điều ở cuộc hẹn của Đức Giê-su tại Ga-li-lê, vì Người vừa trải qua một biến cố trọng đại vô tiền khoáng hâu: sống lại từ cõi chết. Đức Giê-su Phục Sinh đã không để các ông phải thất vọng: Người đã ban cho các ông một mệnh lệnh và một lời hứa. Mệnh lệnh là: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”  Còn lời hứa là: “Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!” Mệnh lệnh và lời hứa được đặt trên nền tảng vững chắc là quyền bính của Đấng Phục Sinh: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất."

Chúng ta hãy dành thời gian để chiêm niệm ý nghĩa của Lễ Chúa Giê-su Ki-tô Thăng Thiên và hãy mạnh dạn đi đến với chư dân như Chúa đã truyền.

  

II. LẰNG NGHE/ĐỌC LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 1,1-11): "Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời" Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Đức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng; Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Đâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Đang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".

2.2 Trong bài đọc 2 (Ep 1,17-23): "Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời". Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người; xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 28,16-20): "Người lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa" Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo.

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

* Là Thiên Chúa Cha, Đấng “đã biểu dương sức mạnh toàn năng nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh.

Hành động trên của Thiên Chúa Cha chính là ý nghĩa của Sự Kiện Thăng Thiên (lên trời) của Chúa Giê-su Na-da-rét.

* Là Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, Đấng

- “đã dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.”

- đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.”

- đã giao sứ vụ giảng dậy và làm phép rửa cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”

- đã long trọng hứa với các Tông đồ: “Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!”

- và đã lên trời trước mắt các Tông đồ: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”

* Là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ở bên cạnh và hành động cùng với Chúa Cha và Chúa Con; Đấng được Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ để giúp các ngài thực thi sứ vụ mà Chúa Giê-su giao phó trước khi Người về trời.

 

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba  bài Sách Thánh hôm nay, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm ba khía cạnh liên kết chặt chẽ với nhau:

Thứ nhất là tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng đã chịu khổ hình (chết) và phục sinh, đã thăng thiên về trời.  

Thứ hai là tin vào lời hứa của Người: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Thứ ba là thực thi lệnh truyền của Người cũng là sứ vụ Người giao cho chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”

Mỗi người được Thiên Chúa và Hội Thánh mời nhìn lại mình xem trong cuộc sống hàng ngày mình đã thể hiện lòng tin và đã chu toàn sứ vụ như thế nào?

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như người bạn sống với bạn mình, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuân phục!

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa qua 2 bước:

* Bước 1: Tăng cường lòng tin đối với Chúa Giê-su Ki-tô và với lời Người hứa, nhờ:  

- đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày;

- chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ;

- học hỏi và cầu nguyện Thánh Kinh;

- đào luyện tâm linh;

- các việc bác ái, từ bỏ và dấn thân.

* Bước 2: Hiến dâng tài năng, tâm trí, của cải và thời gian cho công cuộc loan báo Tin Mừng và hướng dẫn đời sống tâm linh cho những người cần được giúp đỡ.  

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 “Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Ngườ.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha của Người, để họ được Thần Khí khôn ngoan mặc khải về Mầu Nhiệm của Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu trở thành người rao giảng Tin Mừng Cứu Độ!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người vững tin vào lời hứa và sự hiện diện của Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc đời mỗi người!         

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhà truyền giáo trên mọi nẻo đường để họ nhận được sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

   Sài Gòn ngày 20/05/2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH (03/05/2020)

“TÔI ĐẾN ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO!”

[Cv 2,14a.36-41; 1 Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong nhiều thập niên gần đây Giáo Hội Công Giáo có diễm phúc là có được những Vị Giáo Hoàng vĩ đại khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ: từ Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I và II cho đến Đức Bênêđitô XVI và Đức Phanxicô, các Vị Giáo Hoàng trên đều là các vĩ nhân về thánh thiện và khôn ngoan. Nhưng trước hết các vị Giáo hoàng kể trên đều là các MỤC TỬ NHÂN LÀNH đúng như lời của Thầy Chí Thánh Giêsu Kitô: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào!”

Mừng Lễ Chúa Chiên Lành năm nay chúng ta hãy chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu Kitô, là Con Một Thiên Chúa và là Chúa chúng ta, được phản chiếu trên gương mặt hiền từ và đời sống thánh thiện của các vị Giáo hoàng cũng như của các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân đã hy sinh cho đoàn chiên, nhất là trong thời dịch cúm Covid-19 này.

 

II. LẰNG NGHE/ĐỌC LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2,14a.36-41):  "Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Đấng Kitô" Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô".

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến". Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: "Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

 

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Pr 2,20b-25):  "Anh em đã trở về cùng Đấng canh giữ linh hồn anh em" Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Đức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Đấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Đấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em.

 

2.3 Trong Bài Tin Mừng (Ga 10,1-10): "Ta là cửa chuồng chiên" Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung (Thiên Chúa là Đấng nào?)

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

- Là Thiên Chúa Cha, Đấng đã đặt Chúa Giê-su - Đấng đã bị người Do-thái treo trên thập giá - làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.

- Là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta, để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà chúng ta đã được chữa lành.

- Là Chúa Giê-su Ki-tô là Mục Tử, Đấng đã đến trần gian để qui tụ mọi người (chiên lạc) thành một đoàn chiên và chăm lo cho chiên (là chúng ta) được sống và sống dồi dào.

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)

Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, sứ điệp của Lời Chúa hay giáo huấn của Chúa là chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử; và hãy nhập vào đoàn (ràn) chiên của Người để được sống và sống dồi dào!

[Được sống và sống dồi dào trong bản văn Phúc âm Gio-an là có sự sống siêu nhiên, sự sống thần linh, sự sống của Thiên Chúa. Có sự sống của Thiên Chúa thì sẽ sống kết hợp mật thiết  (hiệp thông) với Thiên Chúa và hiến thân cho những giá trị của Nước Trời và cho tha nhân, cách riêng cho những người cần được hướng dẫn, chăm lo, nâng đỡ và ủi an (qua hình ảnh những con chiên lạc.)]

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

Chúng ta đáp lại lời mời gọi hay sứ điệp của Chúa bằng cách đến với Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử và đón nhận từ Người sự sống thần linh.

4.1 Đến Chúa Giêsu Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử để nhìn nhận Người là Chúa; là Đấng được xức dầu và sai đi; là Chúa Chiên Nhân Lành đã hiến mạng sống cho.vì chiên.  

4.2 Nhận sự sống thần linh từ Chúa Giêsu Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử để chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần; và để chúng ta cống hiến thời gian, tài năng và của cải cho tha nhân, nhất là cho những người yếu kém, bị khinh khi, thiệt thòi nhất chung quanh chúng ta.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 "Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô." Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa và là Đấng Ki-tô, để họ sớm nhận ra và đón nhận Người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2  “Người đã chịu đau khổ vì chúng ta, để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người." Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu càng ngày càng nên giống Chúa Giê-su Ki-tô hơn.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả giáo dân trong giáo xứ chúng ta để mọi người nhận được sự sống thần linh dồi dào mà Chúa Giê-su Ki-tô là Mục Tử Nhân Lành ban tặng cho những kẻ thuộc về Người và đi theo Người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4  “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thành tâm thiện chí để họ tìm thấy lối vào Vương Quốc của Chúa Giê-su Ki-tô là Vương Quốc Tình Thương và Cứu Độ.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

        

   Sài Gòn ngày 28/04/2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

 

 


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH  NĂM A (26/04/2020)

MẮT HỌ LIỀN MỞ RA VÀ HỌ NHẬN RA NGƯỜI …!

[Cv 2,14.22-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Tin vào Đấng Thiên Chúa đã sinh ra làm người sống cách đây hơn hai ngàn năm đã là một chuyện vô cùng khó khăn, không thể nào nói cho hết. Tin vào Đấng Thiên Chúa làm người ấy đã phục sinh từ cõi chết và hiện đang sống giữa chúng ta trong thế giới này thì quả là một sự điên rồ, nhất là khi sức mạnh của sự dữ vẫn ngày đêm hoành hành như giữa chốn vườn hoang (điển hình lá dịch cúm Covid 19)!

Vì thế mà chúng ta rất cần củng cố Niềm Tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô Phục Sinh. Các Tông đồ (đặc biệt là Phê-rô) và hai môn đệ trên đường Emmaus giúp chúng ta trong việc hệ trọng này. Cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi cũng là chỗ dựa cho niềm tin của chúng ta, vì giống như chúng ta hôm nay, cách đây hơn hai ngàn năm, họ cũng đã phải đương đầu với chuyện khó tin, chuyện không thể tin: Đức Giê-su Ki-tô đã sống lại thật vì Người là Đức Chúa!

 
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2, 14.22-33): "Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết" Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Đavít đã nói về Người rằng: 'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Pr 1,17-21): "Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền" Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Đấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

(3) Trong bài Tin Mừng (Lc 24,13-35): "Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh" Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".

Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.

Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

* Là Thiên Chúa Cha, Đấng chẳng hề thiên vị ai, nhưng xét xử công minh, kể cả với Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô: vì Người vô tội mà đã bị giết chết một cách oan uổng nên Chúa Cha đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết!

* Là Chúa Giê-su Na-da-rét,

- Đấng đã được Thiên Chúa phái đến với người Do Thái và nhân loại;

- Đấng đã được Thiên Chúa cho làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa những người đồng hương đương thời;

- Đấng đã bị các thượng tế và thủ lãnh của Đền Thờ (Do Thái giáo) nộp (cho người Rô-ma) để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 

* Là Chúa Ki-tô Phục Sinh mà các phụ nữ đã gặp khi sáng sớm ra mộ viếng xác Người; mà hai môn đệ trên đường Em-maus đã nhận ra khi Người bẻ bánh; mà Nhóm Mười Một và các bạn hữu đã tin là Người đã trỗi dậy; mà Phê-rô tông đồ trưởng đã gặp và đã làm chứng và rao giảng cách công khai trước đám đông. 

 

3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)

Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu Nadarét đã phục sinh từ cõi chết và hãy thuật lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình tức việc chúng ta tin và nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa Phục Sinh như thế nào (tương tự như hai môn đệ Em-maus thuật lại những gì xẩy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.)

         

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

Chúng ta đáp lại sự mạc khải và sứ điệp của Thiên Chúa bằng hai cách là sống với Thiên Chúa và thực thi ý Người (tức sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa):

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương nhân loại nên đã sai Con Một Người xuống thế, chịu nạn chịu chết bởi chính những những người lãnh đạo đền thờ là tôn giáo thờ phượng một mình Thiên Chúa. 

Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã được Cha sai đến để làm nhiều dấu lạ, điềm thiêng để chứng tỏ Người là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, để chịu nạn chịu chết trên thập giá và ba ngày sau trỗi dậy, như lời các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn năm trước.

Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và hành động trong  kế hoạch của Thiên Chúa Cha cũng như trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su Ki-tô, nhất là trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người.  

 

4.2 Thực thi Sứ Điệp hay Giáo Huấn Lời Chúa

Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, mỗi người tự xét mình nhờ ba câu hỏi sau:

(1) Tôi làm gì để củng cố và phát triển niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh của tôi? (nghe giảng? đọc sách? đọc và học hỏi Thánh Kinh? suy niệm và cầu nguyện? làm chứng? v.v...?)

(2) Tôi có nhận ra Chúa Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện và hành động trong cuộc đời tôi cũng như trong xã hội và thế giới hôm nay không? (trong các biến cố lớn nhỏ? các sự kiện quan trọng? trong những can thiệp tỏ tường? trong những người công chính? trong những nỗ lực bênh vực công lý hòa bình, nhân phẩm, nhân quyền?)

(3) Tôi có thuật lại những kỳ công mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đã làm cho tôi, cho gia đình và cộng đoàn tôi không? (tại sao không?) Tôi thuật lại cho ai? (người nhà, đồng đạo, đồng nghiệp?) bằng những cách nào? (lời nói, bài viết, tác phẩm nghệ thuật, chứng từ?)

 

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 "Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các dân tộc trong thế giới hôm nay để họ được ơn nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô là Ngôn Sứ của Thiên Chúa.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 "Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để mọi Ki-tô hữu, theo gương các Tông Đồ, làm chứng về Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 “Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả giáo dân trong giáo xứ chúng ta để mọi người nhận ra Chúa trong cuộc đời của mình và can đảm làm chứng về sự hiện diện và hành động của Chúa Giê-su Phục Sinh và hiện đang sống giữa chúng ta (1).

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.    

5.4 “Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá" Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi Ki-tô hữu, nhất là cho những người đang gặp nghịch cảnh, khốn khó, bách hại để ai nấy hiểu và hiệp thông với Mầu Nhiệm Thập Giá của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ trần gian.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.     

 

   Sài Gòn ngày 20/04/2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

---------------

(1) Xin mời các bạn tìm đọc cuốn sách “rất đáng đọc” của linh mục Lm Emiliano Tardif có tựa đề CHÚA GIÊ-SU ĐANG SỐNG, nơi các tiệm sách Công giáo hoặc trên website thanhlinh.net, Trang 
 Attachments area
 
 

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A (19/04/2020)

TÔN VINH VÀ QUẢNG BÁ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

[Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Từ ngày Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II được tuyên Thánh (27/04/2014) Lễ Kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như có thêm sức lôi cuốn trong Hội Thánh, vì chính Thánh Giáo Hoàng đáng kính yêu ấy là người đã cỗ võ mạnh mẽ Lòng Thương Xót Chúa trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. 
Còn Thánh Nữ Maria Faustina (1) là người đã được Thiên Chúa tỏ cho biết mong muốn của Người là Hội Thánh tôn sùng và cổ võ Lòng Chúa Thương Xót: “Ta muốn ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót là một trợ giúp và nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, Lòng Thương Xót của Ta sẽ rộng mở; Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch Lòng Thương Xót của Ta.” (Trích nhật ký, số 699). 
Vì thế các bài Thánh Kinh hôm nay phải được chúng ta đọc và suy niệm trong tâm tình hân hoan và biết ơn được nhân đôi. 

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 2, 42-47): "Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung" Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người.

Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Pr 1,3-9): "Nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống" Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Đức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-31): “Tám ngày sau, Đức Giêsu hiện đến” Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

* Là Đấng đã dùng quyền năng (điềm thiêng dấu lạ) mà tập họp các tín hữu đầu tiên thành một cộng đoàn hiệp thông, yêu thương, đoàn kết và san sẻ!

* Là Thân Phụ của Chúa Giê-su Chúa chúng ta và là Đấng đã ban cho chúng ta lòng tin và niềm hy vọng nhờ cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô.

* Là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã được Thiên Chúa Cha cho trỗi dậy từ cõi chết và đã hiện ra với các môn đệ để củng cố lòng tin và huấn luyện các ngài bằng lời giáo huấn và bằng nhiều dấu lạ.

 

3.2 Sứ điệp hay Giáo huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là Tin & Làm Chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh và cho Thiên Chúa là Cha của Chúa Ki-tô là Đấng Giầu Lòng Thương Xót đối với các môn đệ và loài người.

Làm chứng hay thể hiện lòng tin vào Thiên Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót bằng tâm tình, thái độ, cử chỉ, lời nói và việc làm.

Làm chứng hay thể hiện lòng tin ấy không chỉ bằng lời kinh, tiếng hát mà còn bằng cách truyền bá Lòng Thương Xót ấy trong gia đình và nhất là ngoài xã hội loài người hôm nay.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

 

4.1 Sống với Thiên Chúa  

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng luôn chăm lo cho Ít-ra-en và tuyển chọn những con người thích hợp (là vua Đa-vít và là chính Con Một Thiên Chúa) để chăm lo cho dân. Thiên Chúa đối xứ với Ít-ra-en cũ thế nào thì cũng đối xử với Ít-ra-en mới là Hội Thánh y như vậy!  

Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã được Cha sai đến để làm ánh sáng cho trần gian và đưa các Ki-tô hữu vào thế giới sự sáng.

Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và hành động trong lịch sử của Ít-ra-en cũng như trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su Na-da-rét, nhất là trong hành động chữa lành mắt người mù từ lúc mới sinh và trong mạc khải  là Con Người, là ánh sáng trần gian.   

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay Giáo Huấn của Chúa,

Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi xét mình dựa vào hai câu hỏi đơn sơ này:

- Tôi cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót như thế nào?

- Tôi truyền bá Thiên Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót bằng những cách nào? ở những nơi nào? cho những ai?

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 Bình an cho anh em!  Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các dân tộc trong thế giới hôm nay, nhất là cho các nước đang bị dịch cúm corona virus tàn phá, để các dân tộc ấy nhận được ơn bình an của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ là những người đã được Thiên Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại, để các vị ấy thực thi sứ vụ một cách trung kiên và quảng đại.

Xướng: Chúng ta cùng cầu cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Bình an cho anh em! Phúc cho những ai đã không thấy mà tin Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các Ki-tô hữu thuộc giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để ai nấy được sống trong bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh và vững mạnh trong đức tin chính thống cùa Đạo Thánh Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho những người cứng lòng và không tin để những người ấy thay đổi tư duy và hành động mà sống theo ánh sáng của lương tri và Thần Khí.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

Sài Gòn ngày 13/04/2020   

---------------------------

(1) Thánh Nữ Faustina Kowalska sinh ngày 25/8/1905 ở Glogowiec, nước Ba Lan và qua đời tại Cracovia năm 1938, lúc mới có 33 tuổi. Faustina là con thứ 3 trong đại gia đình gồm 10 anh chị em của một gia đình nông dân rất sùng đạo. Lúc 16 tuổi, Faustina làm việc trong những gia đình khá giả. Năm 20 tuổi, Faustina xin vào tu tại Dòng các Nữ tu Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của Lòng Thương Xót. Từ nhỏ Faustina đã nổi bật về đức tin, lòng mộ đạo và sự vâng lời. Faustina thường lập đi lập lại lời này: “Nơi Chúa Giêsu có tất cả sức mạnh của tôi.”

Trong 13 năm sống trong Dòng, Faustina đã được nhiều ơn mặc khải và thị kiến (visions). Ngày 22/2/1931, trong lúc ở tại tu viện ở Crakow, chị đã thị kiến Chúa Giêsu hiện ra với chị, và yêu cầu chị thực hành ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Chị thấy Chúa Giê-su trong phẩm phục màu trắng với một tay chúc lành,còn tay kia chỉ vào tim của Chúa. Tấm hình đã được vẽ lại và loan truyền đi khắp thế giới . Sau những lần mạc khải, nữ thánh Faustina đã ghi chép lại rằng Chúa Giê-su yêu cầu lần chuỗi kính Lòng Thương Xót Chúa, để cầu cho người mắc tội trọng và cũng có thể khấn xin ơn riêng cho mình. Vào ba giờ chiều mỗi ngày, hãy cầu nguyện cho kẻ có tội cùng tưởng niệm cái chết của Chúa Giê-su, vì Chúa cũng đã sinh thì trong giờ này.

Trong cuốn nhật ký “Lòng Thương Xót Chúa Trong Linh Hồn Tôi“ chị Faustina viết: “Buổi chiều khi đang ở trong phòng, tôi bổng thấy một thị kiến: Chúa hiện ra trong trang phục màu trắng, bàn tay mặt giơ lên như để chúc lành, bàn tay trái áp nơi con tim, từ nơi đó phát xuất hai luồng ánh sáng, một luồng đỏ và một luồng trắng. Tôi im lặng nhìn chằm chặp vào Chúa. Tâm hồn tôi dâng lên một nỗi sợ hãi, nhưng đồng thời với một niềm vui sướng khôn tả. Sau đó, Chúa Giê-su nói với tôi: “Con hãy họa một bức ảnh giống như con đã thấy, kèm theo chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Ngài". Ta hứa rằng linh hồn nào tôn sùng Ta qua hình ảnh này- sẽ không bị hư mất. Ta cũng hứa sẽ cho họ được chiến thắng những kẻ thù của họ trên trái đất này, đặc biệt là trong giờ chết. Ta sẽ bảo vệ họ như chính bảo vệ vinh quang của Ta. Ta sẽ hiến dâng nhân loại một nguồn mạch mà từ đó tuôn ra những ân sủng của Lòng Thương Xót. Nguồn mạch đó là bức ảnh này và dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Ngài“. Ta mong mỏi bức ảnh này phải được tôn sùng đầu tiên trong nhà nguyện của con, sau đó trên toàn thế giới “. (Trích tài liệu của thanhlinh.net/ lòng thương xót).

 

Chúng ta cũng có thể cầu nguyện bằng những lời này:

 

1. Lạy Thiên Chúa Cha là Đấng Giầu Lòng Thương Xót, Chúa đã thực hiện nhiều điềm thiêng dấu lạ để xây dựng cộng đoàn tín hữu đầu tiên và quy tụ nhiều người tin theo Chúa Ki-tô Phục Sinh là Con Một Chúa.

Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót. Chúng con xin Cha ban cho chúng con và những người khát khao tìm kiếm Chúa, những dấu chỉ “hiển nhiên” của sự hiện diện và hành động yêu thương của Cha trong chúng con và trong cộng đồng xã hội hôm nay!

 

2. Lạy Thiên Chúa Cha là Đấng Giầu Lòng Thương Xót, Chúa đã làm cho Con Chúa là Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết, đã để cho Người hiện ra với các tông đồ và nhiều tín hữu thời sơ khai để củng cố đức tin non yếu của họ.

Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha là Đấng Giầu Lòng Thương Xót. Chúng con xin Cha ban Chúa Giê-su cho chúng con và cho những người thiện chí để chúng con trở thành các môn đệ trung kiên của Con Một Chúa!

 

3. Lạy Thiên Chúa Cha là Đấng Giầu Lòng Thương Xót, Chúa đã dùng thánh nữ Maria Faustina để khuyến khích chúng con tin vào Lòng Thương Xót Bao La của Chúa.

Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha là Đấng Giầu Lòng Thương Xót. Chúng con xin Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để chúng con mạnh dạn và hăng say truyền bá quyền năng và lòng từ bi thương xót của Chúa khắp mọi chốn mọi nơi. Amen!

 

SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

----oooOooo----

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A (12/04/2020)

 

CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ PHỤC SINH

"Gioan thấy và tin,

vì chưng các tông đồ còn chưa hiểu rằng,

theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết"

 

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ

Thánh Kinh Cựu Uớc, nhất là ngôn sứ Isaia, nói nhiều về Đấng Mêsia (đuợc Thiên Chúa xức dấu tấn phong) và Cuộc Khổ Nạn Phục Sinh của Người (vd các bài ca Người Tôi Trung). Thánh Kinh Tân Ước có ba lần Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó thì trong ba lần ấy Chúa Giêsu đều nhắc đến Sự Phục Sinh của mình. Niềm tin Phục Sinh của Hội Thánh Công giáo nói chung và của mỗi người Kitô hữu chúng ta nói riêng được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh ấy. Ngôi mộ trồng chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cỏi chết. Điều kiện đủ để chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cỏi chết là niềm tin của các Tông Đồ và Truyền Thồng của Hội Thánh Công giáo.

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIOAN 20,1-9:

 Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

 

III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIOAN 20,1-9:

3.1 Xác Chúa Giê-su không còn trong mộ nhưng khăn liệm và dây băng thì còn đó: chứng tỏ là Chúa Giê-su đã được mai táng ở đây. Nay thân xác Người đã không còn trong mộ này thí hoặc người ta  đã mang xác Người di nơi khác hoặc thân xác ấy đã phục sinh. Các bằng chứng khác cho chúng ta biết là Chúa Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết đúng như Thánh Kinh Cựu và Tân Ước đã loan báo và nói/vết về Người.

3.2 Chúa Giê-su đã Phục Sinh có nhiều ý nghĩa: Trước hết là Chúa Giê-su đã chiến thắng sự chết vì Người là Thiên Chúa quyền năng.

Kế đến là các lời giảng dậy, các chỉ thị giới răn của Chúa Giêsu là chân lý.

Sau cùng là con đường Chúa Giêsu đã đi (con đường thập gía) là con đường an toàn bảo đảm nhất cho sự sống đời này và đời sau của mọi người.

 

IV. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIOAN 20,1-9:

4.1 Chúng ta vững tin vào Mầu Nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu: Đó là việc đầu tiên chúng ta có thể và phải làm. Tin vào Mầu Nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh của Chúa Giê-su là chúng ta tin vào kế họach cứu độ của Thiên Chúa Cha và vai trò trung gian duy nhất của Chúa Giêsu.

4.2 Chúng ta thi hành những điều Chúa Giê-su đã dậy nhất là sự hy sinh từ bỏ.  Đó là việc thứ hai chúng ta có thể và phải làm. Thi hành những điều Chúa Giêsu giảng dậy là chúng ta làm cho mình trở thành môn đệ của Chúa, nên giống Chúa.

4.3 Chúng ta tình nguyện bước vào con đường thập giá để đi theo Chúa Giêsu. Đó là việc thứ ba chúng ta có thể và phải làm. Theo Chúa Giêsu thì chúng ta không có con đường nào khác để đi, ngoài con đường thập giá. Thầy đi dường nào thi môn đệ đi đường ấy.

 

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIOAN 20,1-9:

KHAI MỞ:  

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì Chúa Giê-su, Con Cha, đã chịu khổ nạn và phục sinh. Chúng con cảm tạ Cha và xin dâng lên Cha lời cầu xin tha thiết của chúng con.  

 

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

1.- «Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người  quan tâm và sốt sáng với những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ làm cho nhân loại.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

2.-«Bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và cho các Tu Sĩ Nam Nữ để các thành phần ấy của Dân Chúa biết thao thức tìm kiến Chúa trong suốt cuộc đời.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

3.-«Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác để mọi người nhiệt thành trong việc tìm kiếm và gặp gỡ Chúa Kitô.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

4.- «Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa mọi tín hữu biết chuyên cần học hỏi Thánh Kinh để hiều biết và yêu mến Chúa Giê-su một cách tường tận hơn!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

LỜI KẾT:

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Con Cha là Chúa Giê-su Ki-tô đã chịu  đau khổ, chịu chết và đã phục sinh.

Chúng con xin Cha giúp chúng con biết chạy đến với Chúa Giê-su Con Yêu Dấu  của Cha để chúng con có sức mạnh chiến thắng mọi thế lục của sự ác và sự chết.

Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con.

 

Sài Gòn ngày 11 tháng 04 năm 2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội      


Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com