SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM C (11/08/2019)

SỰ TRUNG TÍN CỦA NGƯỜI QUẢN GIA

[Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Xã hội loài người ngày nay nói chung và xã hội Việt Nam hiện nay nói riêng, đầy dẫy những kẻ không chu toàn trách nhiệm của mình, dù trách nhiệm ấy được hiểu là do Thiên Chúa hay do Tổ Quốc hay nhân dân giao phó. Trong nhãn quan Ki-tô giáo thì mỗi người -Ki-tô hữu hay không Ki-tô hữu- sống trên cõi đời này chỉ là những người QUẢN GIA chứ không phải là CHỦ NHÂN ÔNG đối với của cải, sức khỏe, tài năng, cơ hội, điều kiện, chức vụ của người ấy. Chính THIÊN CHÚA và chỉ một mình THIÊN CHÚA mới là ông chủ đích thực của tất cả, kể cả sự hiện hữu, của tạo vật và con người.

Và điều hiển nhiên là Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi người QUẢN GIA là LÒNG hay SỰ TRUNG TÍN như Chúa Giê-su nhắn nhủ trong Tin Mừng Lc 12,32-48.

Người quản gia trung tin sẽ sống khôn ngoan và tỉnh thức: biết đầu tư vốn liếng được giao vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm và luôn sẵn sàng ngóng chờ ông chủ trở về để hoàn lại những gì ông chủ đã giao cho mình.

II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Kn 18,6-9): "Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy" Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Dt 11,1-2.8-19):  "Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập" Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Ab-ra-ham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như I-sa-ac và Gia-cóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sa-ra son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Ab-ra-ham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Hoặc bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Ab-ra-ham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như I-sa-ac và Gia-cóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sa-ra son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 12,32-48): "Các con hãy sẵn sàng" Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phê-rô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Hoặc bài vắn này: Lc 12, 35-40

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 18,6-9) là trích đoạn của Sách Khôn Ngoan nhắc đến đêm cứu thoát, đêm mà toàn dân Ít-ra-en được Thiên Chúa cứu thoát khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Nhận thức được ơn trọng đại của Thiên Chúa, con cái Ít-ra-en chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa và sống với nhau như những người anh em ruột thịt “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”.

Trong đoạn Sách Kn 18,6-9 trên chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng trung tín trong lời hứa và quyền năng trong hành động. Vậy thì tại sao chúng ta không tin tưởng, cậy trông và phó thác tất cả cho Ngài? Tại sao chúng ta không tán tụng, ngợi khen Thiên Chúa?    

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 11,1-2.8-19) là những lời trình bày của Thánh Phao-lô với những  người Do-thái là đồng chủng và đồng hương của ngài về bài học lòng Tin của Tổ Phụ Áp-ra-ham và của Xa-ra, vợ ông. Nhờ lòng tin mạnh mẽ ấy của hai người mà Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho hai ông bà và cho dòng dõi của hai ông bà.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Dt 1-2.8-19 trên chúng ta thấy Thiên Chúa không bao giờ nói xuông hay nói để đấy. Trái lại Thiên Chúa thực hiện lời Người nói và thực hiện trên mức mà con người có thể nghĩ ra. Điều ấy đúng trong trường hợp của Áp-ra-ham thì cũng đúng trong mọi trường hợp tương tự. 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 12,32-48) là những lời căn dặn của Chúa Giê-su về sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và về sự thức tỉnh trong cuộc sống. Tin tưởng phó thác để không bám víu vào những thứ chóng qua và hư nát, không tự cột chặt mình vào những ấy. Động lực để tin tưởng là Thiên Chúa đã ban Nước của Người cho chúng ta. Thức tỉnh để lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng với Thiên Chúa, sẵn sàng trong giờ phút gặp gỡ “lịch sử” giữa Thiên Chúa và mỗi người. Động lực thúc đẩy chúng ta thức tỉnh là chắc chắn Chúa Ki-tô sẽ xuất hiện và Người xuất hiện vào lúc bất ngờ nhất!

Trong Bài Phúc Âm Lc 12,32-48 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng Công Minh Chính Đại. Nói cách bình dân là Chúa Giê-su đối xử rất đẹp (fair-play) với chúng ta. Chúa Giê-su nói rõ với chúng ta về “sự xuất hiện” của Người. Chúa Giê-su còn cảnh báo là Người sẽ đến bất thình lình để chúng ta không bị bất ngờ. Chúa Giê-su còn fair-play hơn nữa trong việc ban thưởng cho những người tỉnh thức: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong hai lời này: “Anh em hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời" và  "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng giầu có tột cùng nhưng đã chia sẻ với tạo vật và loài người sự giầu có của mình bằng cách ban Con Một cho loài người để dậy chúng ta biết con đường hạnh phúc thật.    

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

“Những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời”

- là những thứ có giá trị thật sự và lâu bền như tấm lòng và hành động hiếu thảo đối với Thiên Chúa;

- là tấm lòng và hành động yêu thương bác ái đối với tha nhân;

- là nếp sống trong sạch, thanh bần, hy sinh từ bỏ và dấn thân vì Nước Trời.

“Thắt lưng cho gọn”

- là sống siêu thoát (không vướng bận, không dính bén) đối với của cải, chức quyền, danh vọng, lạc thú trần gian.

“Thắp đèn cho sáng”

- là sống tỉnh thức, nhiệt thành, sốt sáng và sẵn sàng nghênh đón Chúa Ki-tô vào bất cứ thời điểm nào.  

Lời Chúa hôm nay mời tôi nhìn vào tâm hồn và cách sống của mình xem hằng ngày: 

 “Tôi có sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời  không? và tôi có luôn sống siêu thoát, khó nghèo và tỉnh thức để nghênh đón Chúa Ki-tô không?

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Anh em hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Anh em hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời.» Trong thế giới ngày nay có không biết bao người say sưa chạy theo của cải vật chất và quyền lực mà không ý thức được rằng đó chỉ là những thứ chóng qua và có thể nguy hiểm cho phần rỗi của họ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người ấy biết tỉnh thức và giác ngộ kịp thời để không bị khốn khổ đời đời.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 «Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa tự nguyện sống siêu thoát và khó nghèo để được vào Nước Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân nam nữ, già trẻ lớn bé biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Thiên Chúa xuất hiện.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 «Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người có chức  quyền, có tiền của và tài năng, trong đạo cũng như ngoài đời, để họ biết đáp trả và đền ơn Đấng đã giao phó cho họ tất cả những gì họ đang có, bằng cách đem chức quyền, tiền của và tài năng ấy ra phục vụ Thiên Chúa và đồng loại.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Sàigòn ngày 04 tháng 08 năm  2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.      


SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

----oooOooo----

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C (04/08/2019)

 

DẸP BỚT LÒNG THAM

 

Rồi Người bảo họ rằng:

"Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam:

vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu"

 

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ

Đã là con người thì ai cũng ham giầu sang, chức quyền, vì tham lam là thuộc bản năng của con người. Nhưng tham lam gì thì cũng phải có mức độ và luật lệ, nếu không, ”THAM SẼ THÀNH THÂM” như cha ông chúng ta đã nói, có nghĩa là tham lam sẽ sinh ra độc ác, bởi vì người tham lam muốn có thật nhiều của cải, quyền lực và chỉ muốn một mình mình có những thứ đó mà thôi nên sẽ tìm mọi cách triệt hạ người khác để độc chiếm những thứ ấy. Nhìn vào các tệ nạn trong xã hội ta hiện nay thì chúng ta liền thấy rõ điều đó. Thật vậy vì tham tiền, tham của nên người ta buôn gian bán lận, buôn bán đố giả và đồ độc hại. Vì tham tiền, tham của, tham chức quyền địa vị nên người ta tham nhũng hối lộ, vơ vét của công.... Dẹp bớt lòng tham là biện pháp để xã hội bớt tội ác, lòng người được an vui hạnh phúc.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 12,13-21:

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giê-su rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi".Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình  mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".

 

III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 12,13-21:

3.1 Giầu có không bảo đảm cuộc sống: Chúa Giê-su đã nói với đám đông rằng:  "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu" Thật ra thì giầu có giúp cuộc sống đỡ nhọc nhẵn vất vả và cung cấp nhiều điều kiện cho một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng không phải cứ giầu có là người ta hạnh phúc. Không phải cứ giầu có là người ta không gặp tai họa. Không phải cứ giầu có là người ta không chết bất ngờ. Không phải cứ giầu có là người ta sống lâu. Không phải cứ giầu có là người ta vào Nước Thiên Đàng. Muốn được hạnh phúc, muốn có bình an, múon được cứu rỗi chúng ta cần rất nhiều thứ.

3.2 Cần phải dẹp bớt (hay hạn chế) lòng tham vì tham thì thâm:  Nều chúng ta suy nghĩ thêm thì chúng ta sẽ thấy những nguy cơ hay tai hại của sự giầu có. Người ta nói lòng tham không đáy: khi người ta có một thì người ta muốn có hai, ba, bốn… mười.  Khi người ta giầu có thì người ta rất dễ sống ích kỷ, hẹp hòi, thờ ơ với người khác, như ông phú hộ trong câu chuyện Chúa Giê-su kể trong Phúc âm. Khi người ta có nhiều tiền trong tay thì người ta rất dễ tiêu xài hoang phí, thậm chí chi tiêu những  khoản tội lỗi (trác táng, dâm tà). Lúc này thay vì là tên nô lệ phục vụ con người thì đồng tiển đã trở thành chủ nhân ông ra lệnh và điều khiển con người.

 

IV. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 12,13-21:

4.1 Bằng lòng với những gì đang có trong tay và cậy trông vào Cha trên trời về “khoản lương thực hằng ngày dùng đủ” như chúng ta cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha là phương thế dẹp bớt lòng tham một cách hữu hiệu.   

 

4.2 Quan tâm tới nhu cầu tinh thần và tâm linh của mình cũng là phương thế dẹp bớt lòng tham: Con người có xác có hồn nên ngoài nhu cầu của thân xác còn có nhu cầu của linh hồn. Vì thế chúng ta phải đáp ứng các nhu cầu tinh thần và tâm linh của mình cũng như đáp ứng các nhu cầu cơm ăn áo mặc và sức khỏe. Làm như thế chúng ta sẽ không rơi vào cảnh tối ngày chỉ biết có tiền, tiền, tiền…

 

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA  12,13-21]:

MỞ ĐẦU: 

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, chúng con ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Cha vì Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô đã dậy chúng con biết dẹp bớt lòng tham là nguy cơ cho sự sống vĩnh hằng của chúng con. Xin Cha lắng nghe lời cầu nguyện tha thiết của chúng con.

 

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

1. «Đức Giê-su bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người - lương cũng như giáo, giầu cũng như nghèo, biết dẹp bớt lòng tham, để đời sống cá nhân được bình an và xã hội bớt tội ác.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

2. «Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa, từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân, luôn biết sống siêu thoát khỏi của cải vật chất.

Xướng:  Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết sống khôn ngoan và sẵn sàng với lệnh gọi của Chúa.

Xướng: Chúng con  cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người giầu có của cải và quyền lực để họ biết làm giầu trước mặt Chúa bằng những việc làm bác ái và phục vụ.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!     

KẾT:  

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã sai Con Một Cha xuống trần gian để đem Ơn Cứu Độ cho chúng con và dậy chúng con không tham lam của cải vật chất.

Chúng con xin Cha ban cho chúng con cơm ăn áo mặc hằng ngày dùng đủ và lòng trông cậy phó thác vào sự quan phòng yêu thương của Cha.

Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con. Amen

Sài Gòn ngày 02 tháng 08 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.   


SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

----oooOooo----

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C (28/07/2019)

 

CẦU NGUYỆN VÀ SỐNG THEO KINH LẠY CHA

“Khi các con cầu nguyện,

hãy nói:  'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng…..

 “

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ

Đã là người Công giáo thì không ai không biết là Kinh Lạy Cha là kinh (duy nhất) mà Chúa Giê-su đã dậy các tông đồ khi các ngài yêu cầu Chúa dậy họ cầu nguyện. Thế nhưng không phải người công giáo nào cũng hiểu hết những điều hàm chứa trong Kinh Lạy Cha. Vì thế mà có ít người Công giáo thực hành Kinh Lạy Cha.  

Chúng ta nên dành thời gian tỉm hiểu nội dung Kinh Lạy Cha và tìm cách thực hành Kinh Lạy Cha theo ý Chúa Giê-su đã dậy.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 11,1-13:

Ngày kia, Chúa Giê-su cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gio-an đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông:

"Khi các con cầu nguyện, hãy nói:  

'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng.

Nước Cha trị đến.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.

Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".

Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

 

III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA  10,38-42:

3.1 Nội dung hay các điều hàm chứa trong Kinh Lạy Cha: Điều đáng nói trước tiên và quan trọng nhất của Kinh Lạy Cha là Chúa Giê-su dậy cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Nên khi chúng ta cầu nguyện hay bầy tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với Thiên Chúa là chúng ta có quyền bày tỏ tâm tư nguyện vọng với Cha của mình:  Lạy Cha hay Cha ơi hay Thưa ba (Ab-ba)

Kế đến trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dậy chúng ta cầu nguyện/cầu xin cho những ý chí/nguyện vọng trước hết là của Chúa Cha, sau là của chúng ta.

Những ý chí/nguyện vọng của Chúa Cha là: 

(1) Danh Cha cả sáng,

(2)  Nước Cha trị đến,

(3) Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Còn những ý chí/nguyện vọng của chúng ta là:

(1) Lương thực ngày hôm nay

(2) Đuợc Cha tha tội/nợ (như chúng ta cũng tha mọi kẻ có nợ chúng ta)

(3) Được Cha che chở để không sa chước cám dỗ.

 

3.2 Những điều liên quan tới Chúa Cha thì quan trọng hơn những điều liên quan tới chúng ta: Chúng ta thường chỉ quan tâm đến những gì liên quan tới bản thân mình mà không đếm xỉa gì đến những gì liên quan tới Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta quả là những đứa con ích kỷ và bất hiếu. Những đứa con hiếu thảo sẽ quan tâm tới những gì liên quan tới cha mẹ mình hơn những gì liên quan tới cá nhân mình. Những Ki-tô hữu hiếu thảo sẽ lo cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha được mở rộng, Ý Cha được thực thi khắp chốn khắp nơi trước khi bận tâm về chuyện cơm ăn áo mặc, ơn tha tội và ơn không phạm tội của bản thân. Chúng ta sẽ cầu xin và hành động cho Danh Cha, Nước Cha, Ý Cha trước khi chúng ta cầu xin và hành động cho nhu cầu về luơng thực, ơn tha thứ và ơn lánh tội của chính chúng ta.

 

IV. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA  10,38-42:

4.1 Làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thể hiện: nơi bản thân mình và ytong các môi trường trong đó chúng ta sống nhu8 gia dình, khu xóm và xã hội. Bằng chính đời sống của mình tức bằng lời nói, việc làm, dấn thân, cống hiến. Người tín hữu đọc Kinh Lạy Cha phải là người truyền giáo, người loan báo Tin Mừng Nước Trời.

 

4.2 Lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng của mình: Con người có xác có hồn và những gì liên quan tới xác cũng tác dộng đến hồn. Vì thế việc lo lắng cho xác được khỏe mạnh, no đủ cũng quan trọng như việc lo cho hồn được ơn thứ tha và ơn lánhtội. Và chúng ta có quyền cậy trọng và cầu xin Cha chúng ta những ơn cần thiết ấy.

 

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LC-CA  10,38-42:

MỞ ĐẦU: 

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, chúng con ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Cha vì Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô đã dậy chúng con biết Thiên Chúa là Cha của chúng con nên chúng con có quyền cầu xin Cha những  ơn cần thiết cú hồn xác chúng con. Xin Cha lắng nghe lời cầu nguyện tha thiết của chúng con.

 

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

1. «Ngày kia, Chúa Giê-su cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gio-an đã dạy môn đệ ông»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho có nhiều người quan tâm đến đời sống cầu nguyện và thực hành việc cầu nguyện mỗi ngày.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

2. «Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:  'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa, từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân, luôn biết sống tình hiều thảo với Cha trên trời.

Xướng:  Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết cầu xin và hành động cho có lương thực hằng ngày, được tha thứ tội lỗi và xa tránh cám dỗ.

Xướng: Chúng con  cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người thân yêu của chúng ta biết tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa mà chạy đến với Người.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!     

KẾT:  

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã sai Con Một Cha xuống trần gian để đem Ơn Cứu Độ cho chúng con và dậy chúng con biết cách cầu nguyện và sống theo Kinh Lạy Cha.

Chúng con cầu xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện khắp nơi nơi.  

Chúng con cũng xin Cha ban cho chúng con cơm ăn áo mặc hằng ngày đầy đủ. Chúng con còn cấn được ơn tha tội và ơn tránh tội, cũng xin Cha ban cho chúng con.

Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con. Amen

Sài-gòn ngày 26 tháng 07 năm 2019

 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.   

 

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C (21/07/2019)

 ĐÓN RƯỚC THIÊN CHÚA  

[St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10, 38-42]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Nếu cốt yếu của Đạo Chúa là mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người thì điều quan trọng nhất của người có đạo làđón rước Thiên Chúa vào trong tâm hồn và cuộc sống của mình. Nhưng cũng như trong tương quan giữa người với người, trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, sự gặp gỡ, đón rước cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau. Câu truyện của sách Sáng Thế (St 18,1-10) cho thấy ông Áp-ra-ham đã đón rước Thiên Chúa một cách trân trọng và nồng hậu như thế nào. Và trong câu truyện của Phúc Âm Lu-ca (10,38-42) chúng ta thấy hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a đều ân cần đón rước Chúa Giê-su. Nhưng rõ ràng là Chúa Giê-su ưng ý hài lòng vể cách đón rước của Ma-ri-a hơn cách đón rước của Mác-ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học cùng tổ phụ Áp-ra-ham và thánh nữ Ma-ri-a mà đón rước Thiên Chúa cách đẹp lòng Người nhất!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (St 18,1-10a): "Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sa-ra được một đứa con trai" Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Ab-ra-ham dưới chòm cây ở Mam-brê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã ghé vào nhà con". Các Đấng ấy nói: "Như ông đã ngỏ, xin cứ làm".

Ab-ra-ham liền vào lều, và bảo Sa-ra rằng: "Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng". Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Đấng. Chính ông đứng hầu các Đấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Đấng hỏi Ab-ra-ham rằng: "Sa-ra bạn ông đâu?" Ông trả lời: "Kìa, bạn con ở trong lều". Một Đấng nói tiếp: "Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sa-ra bạn ông sẽ được một con trai".

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 1,24-28): "Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh" Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Ki-tô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức Ki-tô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giê-su Ki-tô.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 10,38-42): "Mar-tha rước Người vào nhà mình. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất" Khi ấy, Chúa Giê-su vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Mar-tha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Mar-tha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Mar-tha, Mar-tha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

3.1.1 Bài đọc 1 (St 18,1-10a) là câu chuyện kể lại tổ phụ Áp-ra-ham có lòng hiếu khách như thế nào: trước hết là thái độ và cử chỉ trân trọng (sụp xuống đất lạy), kế đến là khẩn khoản mời, và sau cùng là dọn bàn ăn, thức uống chiêu đãi các vị khách lạ. Các vị khách lạ chính là Thiên Chúa (ba ngôi) nhưng lúc ấy ông Áp-ra-ham không nhận ra đó là Thiên Chúa. Ông chỉ tiếp đón các ngài như những người khách lạ đang đi đường vất vả, cần chỗ dừng chân, nghỉ ngơi lấy sức.

Trong đoạn Sách St 18,1-10a chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng rất dễ thương và tế nhị: Trước hết Thiên Chúa đã xuất hiện như những người lữ khách, cần đến lòng hiếu khách của tổ phụ Áp-ra-ham; Kế đến Thiên Chúa quan tâm đến ước nguyện thầm kín của hai vợ chồng già Áp-ra-ham và Xa-ra mà thi ân giáng phúc cho họ: "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai."

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 1,24-28) là những lời vàng ngọc của Thánh Phao-lô giãi bày với các tín hữu Cô-lô-xê về: (a) sự gắn bó của ngài với Chúa Ki-tô và với các tín hữu Cô-lô-xê nói riêng và Hội Thánh nói chung; (b) về sứ mạng rao giảng Tin Mừng là mầu nhiệm được giấu kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa: Đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ nhân loại.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Cl 1,24-28 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su Ki-tô là “Đấng đang ở giữa cộng đoàn Hội Thánh”, là “Mầu nhiệm được giấu kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.”

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 10,38-42) là tường thuật của thánh Lu-ca về cách đón rước Chúa Giê-su của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a. Cả hai người phụ nữ này đều rất yêu mến và quí trọng Chúa Giê-su. Cả hai đều muốn dành cho Chúa Giê-su những giờ phút thoải mái, dễ chịu nhất tại nhà họ. Cô chị thì chuẩn bị cơm nước, nhưng cô quá lăng xăng và lo lắng khiến tâm hồn mất bình an trước sự có mặt của vị khách quý. Cô em thì dành cả thời gian và tâm trí cho vị thượng khách khi cô ngồi nghe Chúa Giê-su nói và nuốt từng lời của Ngài.  

Trong Bài Phúc Âm Lc 10,38-42 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng nào (là Thiên Chúa) qua cách đón rước của hai người phụ nữ làng Bê-ta-ni-a. Có thể nói cách Mác-ta đón rước Chúa Giê-su mới chỉ là cách đón rước Chúa với tư cách là một người bạn thân. Còn cách đón rước Chúa Giê-su của Ma-ri-a mới là cách đón rước Chúa với tư cách Chúa Giê-su chính là Lời, là Sứ giả của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa! Một cách đón rước chỉ mang chiều kích nhân linh (Mác-ta) và một cách đón rước mang chiều kích thiên linh (Ma-ri-a).

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong lời này“Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."   

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đến với loài người và mong được mọi người đón rước cách trọng thị và lắng nghe những lời Người nói, vì đó là những Lời Hằng Sống.   

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Chúa Giê-su nói với Mác-ta [Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi]. Chúa Giê-su có nói câu đó với tôi hôm nay không?

Tôi có băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá không?

Tôi băn khoăn lo lắng về những gì?  

Tại sao tôi băn khoăn lo lằng nhiều như thế?

Tôi có lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày không?  

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một thành phần hay đối tượng đặc biệt nào đó]

5.1 «Ngày ấy Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngà.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người đang sống trên trái đât này, biết mở lòng đón rước Thiên Chúa đến viếng thăm họ.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 «Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết rao giảng Lời của Thiên Chúa!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết quan tâm đến việc vun trồng đời sống thánh thiện.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 «Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người phải sống trong lo âu khốn khổ vì nghèo, già và bệnh; và cho những người quá ham mê tiền bạc, chức quyền, danh vọng mà lãng quên đời sống tinh thần và tâm linh.  

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Saigon ngày 14 tháng 07 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.     


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY  

 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C (14/07/2019)

CỨU GIÚP NHỮNG NGƯỜI HOẠN NẠN   

[Đnl 30,10-14; Cl  1,15-20; Lc 10, 25-37]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Qua các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta không khỏi đau lòng về thái độ  vô cảm và dửng dưng của nhiều người trước những khổ đau, hoạn nạn của người khác. Thái độ ấy trái ngược hẳn với điều mà Chúa Giê-su muốn các Ki-tô hữu thực hành.

Đọc dụ ngôn người xứ Sa-ma-ri-a tốt lành trong Tin Mừng hôm nay (Lc 10,25-37) chúng ta thấy thầy tư tế và thầy lê-vi tuy là những người đạo đức của đạo Do-thái nhưng lại là những người vô cảm trước người bị cướp đánh dọc đường.

Chúa Giê-su muốn cảnh báo chúng ta đừng bắt chước hai con người ấy, mà hãy làm như người xứ Sa-ma-ri-a, tuy là người ngoại đạo nhưng lại thương người và cứu giúp người gặp hoạn nạn trên đường. Người xứ Sa-ma-ri-a tốt lành là mô hình mẫu của các Ki-tô hữu.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Bài đọc I: Trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 30, 10-14): "Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi"  Mô-sê nói cùng dân chúng rằng: "Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi"

2.2 Bài đọc II: Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê (Cl 1, 15-20): "Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người" Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

2.3 Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 10, 25-37): "Ai là anh em của tôi?" Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giê-su nói tiếp:

"Một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Sa-ma-ri-a đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giê-su bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

3.1.1 Bài đọc 1 (Đnl 30,10-14) là những lời của căn dặn của ông Mô-sê về sự gần gũi và vừa sức của tiếng/lời/mệnh lệnh/thánh chỉ của Thiên Chúa đối với người tín hữu Do-thái (và Ki-tô), nên không ai có thể viện lý do gì mà không đem ra thực hành.

Trong đoạn Sách Đnl 30,10-14 chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng có mặt ngay bên cạnh con người, thậm chí trong lòng mỗi người, thầm thì vào tai mỗi người những lời yêu thương và hỗ trợ việc thực hiện mệnh lệnh hay chỉ thị của Người.

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 1,15-20) là bài thánh thi chúc tụng ngợi khen Chúa Ki-tô là Đấng có một địa vị và vai trò độc nhất vô nhị trong Kế Hoạch Tạo Dựng và Cứu Chuộc của Thiên Chúa.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Cl 1,15-20 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su Ki-tô quan trọng và cao trọng như thế nào: Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của mọi loài thụ tạo cũng như của loài người, là Đầu của Hội Thánh, là Đấng giải hòa con người với Thiên Chúa bằng máu hiến tế trên thập giá, là Đấng cao trọng hơn tất cả mọi loài thụ tạo và mọi loài được Thiên Chúa dựng nên nhờ Người và cho Người.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 10,25-37) là dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành. Chủ đích của Chúa Giê-su khi kể dụ ngôn này là giúp “người thông luật kia” (và mọi người chúng ta) hiểu rằng: điều quan trọng không phải là tìm xem ai (hay những ai) là người thân của mình, mà là tự xét xem mình đã trở thành người thân của người (hay những người) gặp hoạn nạn chưa?  

Trong bài Phúc Âm Lc 10,25-37 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là một bậc Thày siêu hạng, vì Người đã dùng một câu truyện đơn sơ, sống động và dễ hiểu để chuyển tải một nội dung Đạo Lý rất cao siêu và cốt yếu nhất của Ki-tô giáo: Ki-tô giáo là Đạo của Tình Thương! Mỗi Ki-tô hữu phải là một người Sa-ma-ri tốt lành, tức người biết biến mình thành người thân thiết của những người nghèo khó, túng thiếu, hoạn nạn trong xã hội bằng cách cứu giúp những đối tượng nêu trên.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" tức “thực thi lòng thương xót” đối với những người gặp hoạn nạn. Chúng ta có thể hiểu những người gặp hoạn nạn là tất cả những ai nghèo khó, túng thiếu, bệnh tật, bị đàn áp bóc lột hay phân biệt đối xử, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, khinh miệt. Trong xã hội Việt Nam ta hiện nay, những rất nhiều người gặp cảnh như vầy.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã trở thành bạn hữu và người thân cận của tất cả những ai gặp cảnh đau thương, khốn khổ như nạn nhân trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-khô trong Phúc Âm Lu-ca mà chúng ta đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

  

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Xin chia sẻ với quý anh chị một kỷ niệm ấn tượng mà tôi đã học được trong Khóa Huấn Luyện Thừa Tác Viên Lời Chúa (Ministers of the Word Training) tại Viện Mục Vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute), Phi-líp-pin, năm 1997. Một hôm giảng viên yêu cầu chúng tôi lấy giấy bút ra và ghi tên những người mà mình có thể chết cho những người ấy. Cả lớp hôm ấy đều trố mắt ngạc nhiên và cúi mặt xấu hổ, vì ai nấy đều thấy số những người mình sẵn sàng chết cho không có là bao.

Mời bạn hãy làm bài tập tương tự.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Đức Giê-su là hình ảnh Thiên Chúa vô hình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho nhân loại ngày hôm nay để mọi người biết nhận biết và tôn thờ Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!  

 

5.2 «Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa luôn lắng nghe và thực thi mệnh lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết sống yêu thương, bác ái và cứu giúp những người đau khổ và thiếu thốn.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 «Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người bị đàn áp,  bách hại, cướp bóc trong xã hội Việt Nam hôm nay để các nạn nhân ấy gặp được n những người Sa-ma-ri nhân hậu ủi an, chăm sóc.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

   

Sàigỏn ngày 07 tháng 07 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.     


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C (07/07/2019)

ANH EM HÃY RA ĐI

[Is 66,10-14; Gl 6, 14-18; Lc 10, 1-12. 17-20]

 

 I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Từ ngày Đức Giê-su ra lệnh cho 72 môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi!”  thì  các tín hữu Ki-tô vẫn không ngừng thực thi mệnh lệnh ấy.  Suy nghĩ về mệnh lệnh của Chúa Giê-su Ki-tô và tỷ lệ khiêm tốn của người công giáo trên tổng dân số Việt Nam (khoảng 7 triệu/hơn 90 triệu), chúng ta sẽ có thêm động lực để dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho đồng bào thân yêu của chúng ta. Muốn ra đi có kết quả, trước hết chúng ta cần kiểm điểm cách sống Đạo của mình xem vì đâu mà chúng ta không truyền giáo được cho người khác; kế đến là chúng ta trang bị cho mình một hành trang cần thiết theo phương châm “không ai cho cái mình không có” (nemo dat quod non habet) và cuối cùng là hăng hái và dũng cảm lên đường theo mệnh lệnh “Anh em hãy ra đi” của Chúa Giê-su Ki-tô!          

 

LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 66,10-14c): "Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó" Các ngươi hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Gl 6,14-18): "Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh của Chúa Giê-su" Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Ki-tô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giê-su.

Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em! Amen.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 10,1-12.17-20): "Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy" Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

"Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 'Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sô-đô-ma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Sa-tan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh

3.1.1 Bài đọc 1 (Is 66,10-14c) là những lời của ngôn sứ I-sai-a nói tiên tri về những việc Thiên Chúa sẽ thực hiện cho thành thánh Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa ngự và cho dân Ít-ra-en là dân riêng của Đức Chúa.

Trong đoạn Sách Is 66,10-14c chúng ta thấy Thiên Chúa đối xử yêu thương như thế nào đối với những người con của Chúa và với Giê-ru-sa-lem, nơi có ngai tòa của Chúa. Người tuôn đổ muôn hồng ân. Người âu yếm chăm sóc như người mẹ hiền chăm sóc con thơ.

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Gl 6,14-18) là những lời tâm tình của Thánh Phao-lô về niềm hạnh phúc được rao giảng Thập Giá của Chúa Ki-tô và được vác thập giá ấy trong đời sống tâm linh và truyền giáo của ngài.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Gl 6,14-18 chúng ta khám phá ra thập giá của Chúa Giê-su Ki-tô là niềm tự hào của Thánh Phao-lô, là nguồn ơn cứu độ của hết mọi người.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 10,1-12.17-20) là những lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su nói với 72 môn đệ mà Người sai đi loan báo “Triều Đại Thiên Chúa đã gần” cho các làng mạc mà Chúa sẽ đến sau. Không chỉ loan báo bằng lời nói mà phải bằng cả thái độ và cách sống nữa. Có thể nói đó là hành trang cần thiết cho người loan báo Nước Trời. Cụ thể là một tinh thần cảnh giác và khôn ngoan (chiên giữa bày sói); là lối sống khó nghèo (không mang túi tiền, bao bị. giầy dép); là tâm tình cầu phúc cho người khác (bình an cho nhà này); là cách sống đơn sơ giản dị (ăn những gì người ta dọn cho); là tinh thần phục vụ (chữa lành những người đau yếu) và khiêm tốn (chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời).

Nhờ bài Phúc Âm Lc 10,1-12.17-20 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là một bậc Thày siêu hạng, vì Người đã cặn kẽ chỉ bảo từng ly từng tý cho các môn đệ  là những người được giao sứ mạng ra đi loan báo Triều Đại của Thiên Chúa.

 

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Anh em hãy ra đi!" 

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã sai các ngôn sứ và Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để mời gọi chúng ta sống theo đường lối của Thiên Chúa và trở thành môn đệ của Con Thiên Chúa.   

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Cách thực thi Sứ Điệp Lời Chúa của Chúa Nhật XIV Mùa Thường Niên hôm nay là điều chỉnh cách chúng ta sống cho phù hợp với sự kiện trọng đại là “Triều Đại Thiên Chúa đã đến.” Cụ thể là sống trong/dưới Triều Đại ấy và loan báo Triều Đại ấy cho những người chung quanh.

Sống trong/dưới Triều Đại của Thiên Chúa là đón nhận Tình Yêu và sự Chăm Sóc của Thiên Chúa (bài đọc 1).

Cũng  là đón nhận và chia sẻ Thập Giá của Chúa Ki-tô (bài đọc 2).

Loan báo “Triều Đại Thiên Chúa đã đến” (bài Tin Mừng) là làm cho những người chung quanh nhận biết và đón nhận Vương Quyền Yêu Thương của Thiên Chúa, bằng lời nói, việc làm và cách sống cụ thể của chúng ta. Để hoàn thành sứ vụ một cách đẹp lòng Chúa và hiệu quả chúng ta cần có một tinh thần cảnh giác và khôn ngoan, một đời sống khó nghèo và tâm tình cầu phúc cho người khác, một cách sống đơn sơ, phục vụ và khiêm tốn.

Mỗi người hãy xét mình xem đã sống và thực hiện đến đâu nội dung giáo huấn của Lời Chúa?

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân cần có đủ 4 ý cầu nguyện: ý thứ nhất là cầu nguyện cho thế giới tức toàn thể nhân lọai; ý thứ hai cầu nguyện cho Hội Thánh Công giáo toàn cầu, cách riêng cho các mục tử; ý thứ ba cầu cho giáo xứ/cộng đoàn của chúng ta; ý thứ bốn cầu cho một thành phần nào đó trong Giáo Hội hay xã hội.

 

5.1 «Triều Đại Thiên Chúa đã đến » Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho nhân loại ngày hôm nay để mọi người biết tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau theo ước muốn của Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 «Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho tất cả các Ki-tô hữu để mọi người Công giáo đều tích cực thi hành sứ mạng được sai đi loan báo Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế giới này!

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Anh em hãy ra đi», Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta được ơn Thánh Thần tác động để ra đi phục vụ và truyền giáo cho những người xung quanh.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 «Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các tân linh mục mới được phong chức và cho các tu sĩ nam nữ mới tuyên khấn trong kỳ hè này để các vị ấy biết sống khó nghèo siêu thoát hầu làm chứng cách hùng hồn cho Phúc Âm giữa lòng xã hội hôm nay.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Sàigòn ngày 01 tháng 07 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.   


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM C (30/06/2019)

THEO CHÚA CÁCH DỨT KHOÁT VÀ TRIỆT ĐỂ

[1 V 49,16b.19-21; Gl 5,1. 13-18; Lc 9, 51-62]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào các thánh đường đầy ắp người dự lễ ngày chủ nhật thì chúng không khỏi vui mừng cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. 
Nhưng nếu nếu chúng ta nhìn sâu vào cách “mộ đạo, hiểu đạo và hành đạo” của phần đông người giáo dân thì chúng ta không khỏi giật mình, vì rất nhiều người mộ đạo cách hời hợt, hiểu đạo cách a.b.c và hành đạo cách vô cùng yếu kém. Vì thế nếu chúng ta nhìn vào con số người trưởng thành xin gia nhập đạo Công giáo mỗi năm và so sánh con số người Ki-tô hữu với số dân Việt Nam thì chúng ta phải đau lòng vì thấy việc truyền giáo của chúng ta chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn!
Thiên Chúa muốn các Ki-tô hữu nói chung, các Ki-tô hữu Việt Nam nói riêng mộ đạo một cách nhiệt tình, hiểu đạo một cách sâu sắc và xác tín và hành đạo một cách tích cực. Nói cách khác là theo Đạo vá sống Đạo cách dứt khóat và triệt để như Chúa Giê-su mong muốn.
            

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (1 V 49,16b.19-21): "Ê-li-sê đi theo Ê-li-a" Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Ê-li-a rằng: "Ê-li-sê, con ông Sa-phát, người A-bel-Mê-hu-la, ngươi hãy xức dầu phong y làm tiên tri thế ngươi".

Ê-li-a ra đi tìm gặp Ê-li-sê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai. Khi Ê-li-a đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông. Lập tức ông bỏ bò lại và chạy theo Ê-li-a mà nói rằng: "Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài". Êlia nói với ông: "Ngươi đi đi, rồi trở lại, ta có làm gì ngươi đâu?" Ê-li-sê rời Ê-li-a, rồi bắt một đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi đốt quay thịt cho dân ăn. Đoạn ông đi theo làm đầy tớ Ê-li-a.

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Gl  5,1.13-18): "Anh em được kêu gọi để được tự do"Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.

Hỡi anh em, anh em được tự do, nhưng đừng lấy nê tự do mà sống theo xác thịt; trái lại, anh em hãy lấy bác ái của Thánh Thần mà phục vụ lẫn nhau. Vì chưng, tất cả lề luật tóm lại trong lời này: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Nhưng nếu anh em cắn xé và phân thây nhau, anh em hãy coi chừng kẻo huỷ diệt nhau. Tôi nói điều này là: Anh em hãy sống theo thần trí, và đừng tìm thoả mãn theo đam mê xác thịt nữa. Vì đam mê xác thịt thì chống thần trí, và thần trí thì chống lại xác thịt; giữa đôi bên có sự chống đối nhau, khiến anh em không thi hành được những điều anh em mong muốn. Nhưng nếu anh em được thần trí hướng dẫn, anh em không còn sống dưới lề luật nữa.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 9,51-62):  "Người cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy" Vì gần tới thời gian Chúa Giê-su phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Sa-ma-ri-a để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giê-ru-sa-lem. Thấy vậy, hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.

Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giê-su bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giê-su đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

3.1.1 Bài đọc 1 (1 V 49,16b.19-21) là bài tường thuật về ơn gọi của ngôn sứ Ê-li-sa. Trước khi được chọn và được gọi, Ê-li-sa chỉ là một người dân cày, tối ngày đi theo đàn bò trên các thửa ruộng. Khi nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa qua ngôn sứ Ê-li-a, Ê-li-sa liền mau mắn và dứt khoát từ giã người thân và công việc đồng áng để đi theo Chúa và thực thi sứ mạng nói Lời Thiên Chúa.

Trong đoạn Sách 1 V 49,16b.19-21 chúng ta thấy cách Thiên Chúa gọi và chọn ngôn sứ Ê-li-sa và cách ngôn sứ ấy đáp lại Chúa như thế nào. Thiên Chúa quan tâm đến việc chỉ định người kế thừa cho Ê-li-a và đã chọn cho ông một môn đệ xứng đáng. Còn Ê-li-sa, người được chọn, cũng hành xử một cách rất đáng kính phục và noi theo: dứt khoát (liền để bò lại), biết ơn (bắt cặp bò giết làm lễ tế), hiếu thảo và chu đáo với bà con ruột thịt (xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã; nấu thịt đãi người nhà).

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Gl  5,1.13-18) là những lời giáo huấn của Thánh Phao-lô về tình trạng tự do của những người đã nhận Phép Rửa nhân danh Chúa Ki-tô và về trách nhiệm của những người ấy là phải sống như những người tự do tức phải sống theo Thần Khí, chứ không được sống theo xác thịt là lối sống của những kẻ nô lệ.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Gl 5,1.13-18 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ (đam mê xác thịt, ham hố tiền tài, danh vọng và chia rẽ nhau) và đưa chúng ta vào cảnh sống tự do (thờ phượng Thiên Chúa, sống theo Thần Khí và yêu thương, phục vụ lẫn nhau).

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 9,51-62) là bài tường thuật của Lu-ca về một số sự kiện đã xẩy ra khi Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem lần sau cùng để chịu cuộc Thương Khó trước khi về Trời. Cuộc hành trình ngang qua một làng Sa-ma-ri nên xẩy ra chuyện người ta không đón tiếp và thái độ muốn “trả thù” hay “trừng phạt” của hai môn đệ thân tín của Chúa Giê-su. Cuộc hành trình kéo dài và là chuyến đi cuối cùng của Chúa Giê-su nên có ba hạng môn đệ tỏ thái độ theo Chúa. Và nhân đó Chúa Giê-su giảng dậy về cách thức của những ai muốn đi theo Người.

Trong Bài Phúc Âm Lc 9,51-62 chúng ta học biết ý muốn và giáo huấn của Chúa Giê-su về người môn đệ. Muốn đi theo Chúa thì chúng ta phải chấp nhận

(a) một cuộc sống hy sinh, thiếu thốn và vất vả: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”,

(b) một thái độ dứt khoát và triệt để: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" và   

(c) một dấn thân trọn vẹn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Là sống ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giê-su tức chấp nhận hy sinh, thiếu thốn, vất vả, dứt khoát và triệt để theo Chúa và dấn thân cho công cuộc rao giảng Tin Mừng!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã sai các ngôn sứ và Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để mời gọi chúng ta sống theo đường lối của Thiên Chúa và trở thành môn đệ của Con Thiên Chúa.   

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Là chấp nhận hy sinh, thiếu thốn, vất vả, thiệt thòi mà dứt khoát và triệt để theo Chúa và dấn thân cho công cuộc rao giảng Tin Mừng!

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! »Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho nhân loại ngày hôm nay để mọi người biết tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau theo ước muốn của Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 «Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa sống theo Thần Khí của Thiên Chúa!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.»Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người theo Chúa mà còn chạy theo thế gian, để ai nấy dứt khoát bước theo Chúa Giê-su Ki-tô.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người được sai đi loan báo Nước Thiên Chúa cho các vùng sâu, vùng xa, vùng cao và vùng thù nghịch để họ hăng say với sứ mạng được giao!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Sàigòn ngày 23 tháng 06 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.  


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B (23/06/2019)

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ

“GIAO ƯỚC TÌNH YÊU!’’

 [St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9, 11b-17]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

Điều làm nên sự khác biệt của dân Ít-ra-en trong Cựu Uớc so với các dân tộc khác là dân ấy đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và ký kết với họ Giao Ước Xi-nai. Dân Ki-tô giáo là Ít-ra-en mới chẳng những kế thừa Giao Ước cũ mà còn được nâng cấp trong Giao Ước Tình Yêu nhờ/trong Hiến Tế Thập Giá của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa.

Hôm nay chúng  ta mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa trong tâm tình cảm tạ tri ân khi hiện tại hóa Giao Ước Tình Yêu trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể trên bàn thờ!

      

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (St 14,18-20): "Ông mang bánh và rượu tới": Trong những ngày ấy, Men-ki-xê-đê là vua thành Sa-lem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Ab-ram rằng: "Xin Thiên Chúa Tối Cao và Đấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Ab-ram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông". Và Ab-ram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

 

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 11,23-26): “Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết": Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giê-su trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

 

2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 9,11b-17): "Tất cả đều ăn no nê" : Khi ấy, Chúa Giê-su nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa

1o) Bài đọc 1 (St 14,18-20): là một đoạn văn hết sức quan trọng của Cựu Ước vì cho chúng ta biết Thiên Chúa của Ít-ra-en (và của hết mọi dân, mọi nước) là Đấng Thiên Chúa nào. Đó là Thiên Chúa của Tình Yêu và của Giao Ước. Vì yêu thương, Người đã chọn Ít-ra-en làm dân riêng và đã ban cho họ các điều luật để họ cứ đó mà sống và sẽ được hạnh phúc. Vì đã ký kết Giao ước với Ít-ra-en, Người sẽ trung tín thực hiện mọi lời hứa với dân riêng của Người và với cả nhân loại.

 

2o) Bài đọc 2 (1 Cr 11,23-26): Thánh Phao-lô trình bày Chúa Giê-su vừa là Vị Thượng Tế của Thiên Chúa, vừa là Của Lễ của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Người đã dùng chính Máu mình mà đền tội nhân loại và thanh tẩy các tâm hồn, làm cho con người nên trong trắng tinh tuyền đẹp lòng Thiên Chúa. Máu xúc vật và nghi lễ của Cựu Ước chỉ là hình bóng của Hy Lễ Thập Giá của Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô!

 

3o) Bài Tin Mừng (Lc 9,11b-17): là tường thuật của Phúc Âm Mác-cô về Bữa Ăn Tối cuối cùng của Chúa Giê-su với các Tông đồ. Trong bữa ăn lịch sử ấy. Chúa Giê-su đã công bố một điều tuyệt diệu và hết sức bất ngờ: “Anh em hãy cầm lấy bánh này mà ăn vì đây là Mình Thầy sẽ bị giao nộp vì anh em; anh em hãy cầm lấy chén rượu này mà uống vì đây là Máu Thầy, Máu Giao ước đổ ra vì muôn người.”Đức Giê-su đã trở thành lương thực cho các môn đệ được sống. Người đã chuộc tội chúng sinh bằng chính Máu và Mạng Sống của mình để Giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại được lặp lại và được nâng lên một tầm cao mới.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa đã yêu thương và tuyển chọn chúng ta làm dân riêng của Người và đã ký kết với chúng ta một Giao Ước Tình Yêu bằng/nhờ hy tế thập giá của Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã đổ hết Máu mình ra để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta là dân của Giao Ước Tình Yêu nên có nghĩa vụ thi hành mọi lời Đức Chúa đã phán.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần (Chúa Ba Ngôi)  Đấng đã ký kết Giao Ước Tình Yêu với loài người để loài người được sống trong tình nghĩa với Người.

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là đáp lại sự Chọn Lựa và Tình Yêu của Thiên Chúa, là tuân giữ các điều khoản của Giao Ước Tình Yêu, bằng những cách cụ thể như:

(1o) Luôn có tâm tình và lời kinh cảm tạ về 

(a) Sự chọn lựa yêu thương và vô vị lợi của Thiên Chúa,

(b) Hy Lễ Thập Giá mà Chúa Giê-su đã dâng lên Chúa Cha để đền tội và cứu vớt chúng ta.

(2o) Chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa mà thôi và tuân giữ các giới răn yêu thương và công bình trong đời sống cá nhân và xã hội.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI

[Xin đề nghị một trong hai cách cầu nguyện dưới đây:]

* Lời nguyện giáo dân:

5.1 «Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho ngày càng có nhiều người đón nhận giao ước của Thiên Chúa với loài người nơi Con Một Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô.

Hát:  Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!  (2 lầa)

 

5.2 «Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai.»  Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả mọi người được hưởng phúc lộc mà Chúa Ki-tô đã đem lại cho những kẻ tin, bằng cuộc sống và cái chết thập giá của Người. 

Hát:  Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!  (2 lần)

 

5.3 «Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả các Ki-tô hữu biết siêng năng và trận trọng lãnh nhận Mình Máu Chúa để được kết hợp với Chúa Giê-su Ki-tô trong Lễ Tế Tạ Ơn và Chuộc Tội.

Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!  (2 lần)

 

5.4 «Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho chính chúng ta biết dâng hiến đời mình như của lễ Tạ Ơn theo gương Chúa Giê-su Ki-tô! 

Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!  (2 lần)

 

* Hoặc lời cầu nguyện tự phát sau đây: 

1. Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ký kết giao ước tình yêu với Ít-ra-en và nhân loại, để chúng con trở thành Dân Giao Ước và được làm hòa cùng Cha là Đấng mà chúng con hằng xúc phạm. Chúng con nguyện thi hành và tuân theo mọi lời Cha đã phán dậy!

 

2. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa vì Chúa đã hiến mình làm Của Lễ Đền Tội cho chúng con được giao hòa với Thiên Chúa. Chúa còn biến mình thành bánh và rượu nuôi dưỡng chúng con trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng con nguyện sẽ siêng năng và sốt sáng đến với Thánh Thể Chúa!

 

3. Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa vì Chúa luôn hiện diện và cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con trong lễ ký kết giao ước Xi-nai và Gol-go-tha. Chúng con nguyện sống dưới sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa để trở thành hiến tế đẹp lòng Thiên Chúa, theo gương Chúa Giê-su Ki-tô!

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

Sàigòn ngày 16 tháng 06 năm 2019


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM C (16/06/2019)

LỄ CHÚA BA NGÔI

GIÁO HỘI LÀ MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

[Cn 8,22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 11-15]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và yêu thương. Ba Ngôi mà một Chúa duy nhất, vì cùng một bản tính duy nhất. Vì thế Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông, hiệp thông giữa các tín hữu với Thiên Chúa và giữa các tín hữu với nhau. 
Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mỗi Ki-tô hữu, mỗi cộng đoàn (giáo xứ/dòng tu/hội đoàn/giáo phận) kiểm điểm xem mình đã sống và thể hiện mầu nhiệm hiệp thông đến mức độ nào rồi.
            

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cn 8, 22-31): "Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành" Đây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: "Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 5,1-5): "Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa" Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 16,11-15): "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con" Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

.III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)    

3.1.1 Bài đọc 1 (Cn 8, 22-31) là đoạn Sách Châm Ngôn nói về Đức Khôn Ngoan ở nơi Thiên Chúa. Thật ra không chỉ là một nhân đức, một phẩm chất hay một cung cách nhưng là một cách biểu hiện, một ngôi vị, Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.

Trong đoạn sách Cn 8, 22-31 trên, trước hết chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đã có mặt bên Thiên Chúa trước ngày trời đất được tạo dựng và với tư cách là thợ cả, tức là người thực hiện những ý định (tạo dựng và cứu độ) của Thiên Chúa. Kế đến, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần gần gũi gắn bó với Thiên Chúa như hình với bóng. Và sau cùng chúng ta biết Chúa Thánh Thần là niềm vui của cả Thiên Chúa lẫn của loài người.

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Rm 5,1-5) là những lời của Thánh Phao-lô nói về những ơn huệ đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin: trước hết là ơn bình an; kế đến là ơn đến được với Thiên Chúa tức tiếp cận được Thiên Chúa; và sau cùng là ơn vững lòng trông cậy, cả trong lúc bình thường lẫn trong cảnh gian truân và nhất là trong cảnh gian truân thử thách.

Trong đoạn Thư Rm 5,1-5 trên, chúng ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất và ban mọi ơn cần  thiết cho chúng ta.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 16,11-15) là những lời căn dặn của Chúa Giê-su nói với các môn đệ, về vai trò và công việc của Chúa Thánh Thần: Người tiếp nối và hoàn thành công việc mà Chúa Giê-su đã khởi sự: mạc khải sự thật của Thiên Chúa và giúp các môn đệ hiểu và sống theo giáo huấn chân thật của Chúa Giê-su Ki-tô.

Trong bài Phúc Âm Ga 16,11-15 chúng ta thấy mối hiệp thông sâu sắc giữa Chúa Cha, Chúa Con (Chúa Giê-su Ki-tô) và Chúa Thánh Thần. Mọi ‘tài sản’ đều là của chung. Mọi hành động đều cùng thực hiện và quy về nhau. Vì thế giáo lý Hội Thánh mới dậy chúng ta về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)    

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong lời này của chính Chúa Giê-su trong Phúc Âm Gio-an: 

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”

Và  “Chúa Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần là Đấng vì yêu thương đã sang tạo vũ trụ vạn vật và cứu độ nhân loại. Hơn nữa Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần còn đến sống với con người.

 

4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa 

Xin được đề nghị hai điều sau đây:

4.2.1 Sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần:

(a) Với Chúa Cha, chúng ta sống như một người con hiếu thảo: sống gắn bó, tùng phục và yêu mến.

(b) Với Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta sống như một người em ruột thịt và một môn đệ tín trung: sống mật thiết và đi theo con đường của Thầy.

(c) Với Chúa Thánh Thần, chúng ta sống như một người bạn chí cốt và như một đền thờ sống động của Thiên Chúa: sống gần gũi và công chính.

 

4.2.2 Thể hiện đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi ra bên ngoài:

(a) Tìm mọi cách thể hiện Tình Huynh Đệ với mọi người vì tất cả đều thuộc gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, đều là anh chị em, là chi thể của nhau, liên đới chặt chẽ với nhau.

(b) Nỗ lực hết sức mình để thể hiện Tình Hiệp Thông và Chiều Kích Cộng Đoàn với hết mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc, thành phần xã hội; vì bản chất thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi là Hiệp Thông và Cộng Đoàn và kế hoạch đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi là qui tụ hết mọi người, mọi dân tộc thành một đại gia đình là Vương Quốc Tình Thương và Đại Đồng!

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI VÀ CHO HỘI THÁNH

5.1 «Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, để họ mau chóng nhận ra Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng Vũ Trụ Vạn Vật và loài người.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 «Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa, từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân, biết sống và thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xướng:  Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Thầy còn nhiều điều phải nói với các con. Nhưng bây giờ, các con không thể lĩnh hội đượci. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dậy các con biết tất cả sự thật» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những ai sống hờ hững với đời sống đức tin, để mọi người quan tâm đến việc học hỏi Giáo Lý, Thánh Kinh nhằm hiểu biết và sống thân mật hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xướng: Chúng con  cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trong cảnh gian truân thử thách và bách hại vì đức tin, để họ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, ủi an!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

Sàigon ngày 09 tháng 06 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.    


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM C (09/06/2019)

“ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN”

[Cv 2, 1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Với mỗi người cũng như mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu, điều làm nên sự khác biệt là người/cộng đoàn ấy có tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa hay không? là người/cộng đoàn ấy có sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần hay không?  
Vì thề điều quan trọng nhất đối với mọi Ki-tô hữu cũng như mọi cộng đoàn Ki-tô hũu là đón nhận Chúa Thánh Thần mà chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh đã ban tặng cho các môn đệ:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”   
            

II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 2, 1-11): "Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói"  Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Ga-li-lê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Par-thi, Mê-đi, Ê-lam, Mê-so-po-ta-mi-a, Giu-đê-a, Cap-pa-đô-ci-a, Pôn-tô, Tiểu Á, Phry-gi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, Ly-bi-a, cận Cy-rê-nê, và người Rô-ma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crê-ta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Cr 12,3b-7.12-13): "Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể" Anh em thân mến, không ai có thể nói "Đức Giê-su là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Ki-tô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giê-su lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 2, 1-11) là đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ mô tả biến cố trọng đại xẩy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần năm 30 sau Công Nguyên: Thánh Thần Thiên Chúa (cũng là Thánh Thần của Chúa Ki-tô) xuống trên các Tông Đồ là trụ cột của cộng đoàn Ki-tô hữu. Hiện tượng khả giác có thể kiểm tra được là hình lưỡi lửa đậu xuống trên các Tông Đồ. Nhưng hiện tượng có sức lôi cuốn và thuyết phục mọi người là việc các Tông Đồ nói các thứ tiếng địa phương khác nhau để làm chứng về Chúa Giê-su Ki-tô Đấng đã chết và phục sinh để cứu chuộc nhân loại.  

Trong đoạn sách Cv 2,1-11 trên, chúng ta thấy rõ sự hiện diện và hành động diệu kỳ của Chúa Thánh Thần trong các tâm hồn và trong cộng đoàn môn đệ  Chúa Ki-tô. Nhờ đó, chúng ta vững tin hơn vào lời hứa cũng là quà tặng của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh: “Thầy sẽ xin Cha ban Thánh Thần cho anh em” và “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”

 

3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 12 3b-7.12-13) là những lời của Thánh Phao-lô nói về tầm quan trọng của Thần Khí cũng như về các ơn hay đặc sủng mà Thần Khí ấy ban cho các tín hữu để họ làm nên một cộng đoàn, một thân thể hiệp nhất, yêu thương và làm chứng  cho “tính duy nhất” của Ki-tô giáo: một Thiên Chúa, một Thánh Thần, một phép rửa, một nìềm tin, một sứ vụ, một niềm hy vọng, một ơn cứu độ!

Trong đoạn Thư 1 Cr 12,3b-7.12-13 trên, chúng ta thấy Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất và của mọi hoạt động của người và cộng đoàn Ki-tô hữu.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23) là tường thuật về cuộc hiện ra của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Chỉ trong một ít câu mà chứa đụng cả một nội dung vô cùng phong phú gồm toàn những điều cực kỳ quan trọng:

(a) Chúa Giê-su Phục Sinh chúc và ban bình an cho các Tông Đồ;

(b) Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh cho các Tông Đồ xem các dấu đinh trên thân thể Người;

(c) Chúa Giê-su Phục Sinh khẳng định lại sứ mạng mà Chúa Cha đã giao cho Người mà nay Người giao lại cho các Tông Đồ;

(d) Chúa Giê-su Phục Sinh ban Thánh Thần cho các Tông Đồ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần;

(đ) Chúa Giê-su Phục Sinh ban quyền tha tội cho các Tông Đồ.

Trong Bài Phúc Âm Ga 20,19-23 chúng ta thấy rõ tấm lòng yêu thương và quan phòng của Chúa Giê-su Phục Sinh đối với các môn đệ của Người. Chúng ta cũng thấy được Chúa Giê-su Phục Sinh tin tưởng vào các Tông Đồ như thế nào. Nói một cách khác, chúng ta khám phá ra kế hoạch hậu Phục Sinh của Thiên Chúa: Từ nay trở đi công trình cứu chuộc nhân loại được Thiên Chúa thực hiện qua/trong Thánh Thần và Hội Thánh Tông Truyền!

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong câu này của Phúc âm Gio-an: Người thổi hơi vào các ông và bảo: 
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”

 

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa Tình Yêu; với Chúa Con là Đấng Phục Sinh và giao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các môn đệ; với Chúa Thánh Thần là Đấng xuống tràn đầy trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.

 

4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa  

Để “nhận lấy Chúa Thánh Thần” mà Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh ban cho, tôi phải thực hiện những việc sau đây:  

* Một là tôi phải hết lòng mong đợi và mở lòng mở trí, sẵn sàng đón nhận sự xuất hiện và tác động của Thánh Thần Thiên Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của tôi.

* Hai là tôi phải chuyên chăm và thiết tha cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống và hoạt động trong tâm hồn và cuộc sống của tôi.

* Ba là tôi phải trân trọng và nghe theo những soi sáng hay tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống thường ngày, nhất là trong những giờ phút cầu nguyện, tĩnh tâm, học hỏi và suy niệm Thánh Kinh và phục vụ tha nhân.

* Bốn là tôi phải trân trọng những ân ban hay đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho tôi và đem những ơn ấy ra phục vụ cộng đoàn, xây dựng sự hiệp thông, tình hiệp nhất, sự liên đới và san sẻ giữa anh chị em đồng đạo và đồng loại.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân, các nước được Thánh Thần đánh động mà nhận ra Thiên Chúa là Chúa Tạo Dựng và Cứu Chuộc!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

 

5.2 «Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.»Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo toàn cầu và tại Việt Nam, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Ki-tô hữu được ơn bình an và Thánh Thần mà Chúa Ki-tô ban tặng!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.3 «Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.»Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để mọi người sống yêu thương, đoàn kết và hợp tác với nhau để xây dựng giáo xứ  thành cộng đoàn của Thần Khí!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.4 «Bình an cho anh em!»  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người ốm đau, bệnh tật và những người bị đàn áp, bóc lột khiến họ phải lo âu sầu muộn để Chúa ban bình an của Người cho những con người ấy.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

Saigon ngày 02 tháng 06 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.         


SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH NĂM C  (02/06/2019)

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ ĐƯỢC THIÊN CHÚA TÔN VINH

[Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Cách nay mấy năm Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần đã có bài viết rất hay, đáng chúng ta tìm đọc. và suy nghĩ, nhất là trong dịp Lễ Chúa Thăng Thiên: “Chúa Giê-su Phục Sinh với những thành tích và những thương tích.” 
Lễ Chúa Thăng Thiên (hay Chúa Về Trời) là “mắt xích” cuối cùng của Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể và Cứu Chuộc. Thiên Chúa (Cha) chẳng những đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết mà còn đem Người về Trời, như để trọng thưởng công trạng lớn lao của Người. 
Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên chúng ta phải xác tín hơn nữa về Bản Tính Thần Linh của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta; về Ơn Cứu Độ Người đã thực hiện cho chúng ta, về Giáo Lý Người rao giảng, để chúng ta sống gắn bó mật thiết hơn với Người và làm chứng cho Người trong các môi trường gia đình và xã hội! 
            

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 1, 1-11): Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông. 1Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."

 6Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?" 7Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất."

9Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Ep 1,17-23): Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời. 17Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.22Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; 23mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc Tin Mừng (Lc 24,46-53): Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 46Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 49"Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."

50Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 1, 1-11) là lời mở đầu của Sách Tông Đồ Công Vụ. Thánh Lu-ca tóm tằt những sự kiện quan trọng liên quan tới Chúa Giê-su Ki-tô trong quãng đời trần thế của Người. Sự kiện cuối cùng là việc Chúa Giê-su được đưa lên trời ngay trước mắt các môn đệ.

Trong đoạn sách Cv 1,1-11 này, chúng ta nhận ra khung cảnh “thần hiện” quen thuộc của Thánh Kinh khi Chúa Giê-su được cất lên trời: cũng có đám mây, tượng trung cho sự hiện diện và bao trùm của Thiên Chúa. Cũng có sứ thần xuất hiện và tiếng nói của các ngài là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Giống hệt như sự kiện xẩy ra khi Chúa Giê-su bước ra khỏi dòng sông Gióc-đan. Nhưng nội dung lời Thiên Chúa có khác biệt đáng kể: “Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Ep 1,17-23) là những lời giãi bày của Thánh Phao-lô về những ơn mà ngài cầu xin cùng Thiên Chúa là Chúa và là Cha của Chúa Giê-su, cho các tín hữu Ê-phê-xô. Lý do khiến Thánh Phao-lô vững tin là lời cầu nguyện của ngài sẽ được Thiên Chúa chấp nhận là những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giê-su là cho Người trỗi dậy từ cõi chết, đặt Người ngồi bên hữu, tôn vinh Người trên các thần thánh, đặt tất cả dưới chân Người.

Trong đoạn Thư Ep 1,17-23 trên, chúng ta thấy nổi bật quyền năng vô song và lòng ưu ái tột cùng của Thiên Chúa đối với Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 24,46-53) là những lời dậy dỗ thân tình của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh: về chính Người (Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại); về sứ mạng rao giảng và làm chứng của các môn đệ (phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy) và những lời hứa ngọt ngào (quyền năng của Thiên Chúa là Thánh Thần). Sau đó là sự kiện Chúa Giê-su được cất lên trời với một hình ảnh rất dễ thương: Người đang giơ tay chúc lành cho các môn đệ.

Trong Bài Phúc Âm Lc 24,46-53 chúng ta thấy rõ tấm lòng ưu ái của Chúa Giê-su đối với các môn đệ. Chúng ta cũng thấy được Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa khi Người được đem lên trời và các môn đệ bái lạy Người!

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong những lời này của Thư Ê-phê-sô:
“Thiên Chúa đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn!”

 

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết, đã siêu tôn tức tưởng thưởng Người vì những thành tích và thương tích vĩ đại của Người;

với Chúa Con là Chúa Giêsu Ki-tô, Đấng được (Chúa Cha) rước về trời và sẽ đến phán xét trần gian sau khi đã lập những thành tích và thương tích vô cùng lớn lao;

với Chúa Thánh Thần là quà tặng và sức mạnh mà Thiên Chúa ban cho những ai yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô.

 

4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa  

Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi không chỉ phải tin rằng Thiên Chúa đã tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô (như Thánh Phao-lô viết trong thư Ê-phê-xô) mà còn phải hiểu tại sao Chúa Giê-su Ki-tô lại được Thiên Chúa tôn vinh như vậy và nhất là tôi phải biết sống như thế nào đề tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân, các nước chưa nhận biết Chúa, để họ sớm nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng xét xử muôn người!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.2 «Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô làm đầu toàn thể Hội Thánh.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo toàn cầu và Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Ki-tô hữu biết sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô là Thủ Lãnh của mình!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.3 «Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy tích cực làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh với những thành tích và những thương tích!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.4 «Thiên Chúa đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị và đã đặt tất cả dưới chân Người.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa và cho những người không nhìn nhận vai trò của Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc đời của họ, để họ mau suy phục Chúa Ki-tô là Chúa và là Vua của vũ trụ và loài người!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

Sàigòn ngày 26 tháng 05 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.        


Càng đi sâu vào trong phụng vụ, ta càng thấy nhiều thêm những tia sáng Phục Sinh chói lọi trong đó, y như vầng hào quang của ánh bình minh. Trong khi ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mở ra trước mắt ta cái dung nhan méo mó của kẻ bị đóng đinh, thì phụng vụ ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh lại phản ảnh nhiều hơn cái bóng dáng cây thánh giá thật thân gần với Hội Thánh ngày xưa: bóng thánh giá phủ đầy ánh sáng, trong cùng một lúc, vừa là dấu chỉ của sự chết, vừa là chỉ dấu của sự phục sinh.


Càng ngày người ta càng nhấn mạnh rằng hôm nay Thiên Chúa đã chết rồi. Lần đầu tiên người ta nói thế, trong tác phẩm của Jean Paul, đó thật là một giấc mộng hãi hùng: Giêsu, kẻ đã chết, công bố với những người đã chết, từ trên thượng tầng thế giới rằng, khi du hành sang qua bên kia thế giới, ông chẳng thấy gì cả, không thiên đàng, không Thượng Đế từ nhân, chỉ có hư không biền biệt, và niềm im lặng của cõi hư vô trống rỗng.


Mặc dù chúng ta vẫn nhìn thấy cây thập giá Chúa Giêsu hằng ngày, nhưng hình ảnh cây thập giá có ý nghĩa đặc biệt với chúng ta trong Tuần Thánh. Bởi lẽ trong tuần này, chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, cùng chia sẻ cuộc sống của Chúa Giêsu trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Người, nhằm đem lại ơn cứu độ cho trần gian.


Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá diễn ra tiếp theo đó với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Rôma và đặc biệt là 300 bạn trẻ trên thế giới về Rôma tham dự khoá họp Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên. Thánh Lễ đã được diễn ra tại trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô.


Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com