Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật 26 Thường niên Năm C

 

“CON ƠI HÃY NHỚ LẠI:

LADARÔ SUỐT MỘT ĐỜI CHỊU TOÀN BẤT HẠNH.”

Lc 16, 25

 

Hát thánh ca khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả. Xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban, mà chúng con đang hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

(Sách lễ Rôma, Lời nguyện CN 26 TN)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo T. Luca 16, 19-31

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

 (Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người vắn tắt chia sẻ câu trả lời của mình. Không giải thích).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

 Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

 KHÔNG CHIA SẺ CHUNG

 

  1. Câu chuyện Chúa Giêsu kể : 2 thân phận làm người. (Lc 16,19-28)
  • 2 con người ở kề bên nhau, với 2 hoàn cảnh đối nghịch: ông nhà giàu được hưởng thụ mọi thứ trên đời, còn người nghèo Ladarô -tên gọi có nghĩa là Thiên Chúa giúp- lại chẳng có được gì.
  • Một kết thúc chung với hai thân phận đối nghịch: một người được đem chôn và chịu cực hình trong âm phủ; còn người kia ở trên thiên đàng “trong lòng tổ phụ Abraham”.
  • Tại sao? Được hưởng mọi phần phước đời này, mà chỉ biết lo cho mình, nhắm mắt trước cái khổ của đồng loại, thì mua lấy cái vô phước tồi tệ nhất. Còn chẳng hưởng được chi ở đời này, mà lòng vẫn cậy trông tín thác vào Thiên Chúa thì được bù đắp vô song.

Nhìn vào cuộc sống của mình, tôi nhận ra mình giống ai? Tôi sống thế nào với những gì mình có? Và sống với người gần bên như thế nào?

Chúa kêu gọi tôi nhớ lại và xem xét kỹ cuộc sống mình hôm nay.

…..........................................................................................................

…..........................................................................................................

 

  1. Bài học Chúa Giêsu dạy: Để được hạnh phúc Nước Trời: (c. 29-31)
  • Có một đời sau vĩnh cửu được quyết định bởi cách sống của mình hôm nay, thể hiện qua cách sử dụng những gì mình có trong tương quan với người lân cận. Hãy nhận biết ý nghĩa và cùng đích của đời này, để không đánh giá sai mục đích với phương tiện.
  • Chính nhờ nghe lời ông Môsê và các ngôn sứ, là lời của Thiên Chúa, mà biết ăn năn sám hối, con người sẽ nhận được hạnh phúc đời đời.

Tôi cần nghe theo lời Chúa Giêsu hôm nay, để nhận được sự khôn ngoan cần thiết cho cuộc sống của mình không? Hơn thế nữa, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh tôi tưởng nhớ mỗi Chúa Nhật khi cử hành Mầu Nhiệm thánh đã giúp tôi sống đời mình như thế nào theo viễn ảnh Nước Cha trên trời?

…..........................................................................................................

…..........................................................................................................

 

  1. Điểm chiêm nghiệm 3, tôi chọn từ 1 Lời Chúa đã chạm đến tôi.

…..........................................................................................................

…..........................................................................................................

…..........................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết. Thánh vịnh Đáp ca 145

Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,
xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.

Chúa giải phóng những ai tù tội,
Chúa mở mắt cho kẻ mù loà.
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng những người công chính.
Chúa phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.

Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.       

Sáng danh …

 

5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

.................................................................................................

  • Tôi đọc bài đọc 2, trích Thư 1 Timôthê 6,11-16, để học biết cách sống thánh Tông đồ Phaolô khuyên bảo người anh em của mình.

…..........................................................................................................

…..........................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

(150) … mỗi ngày các bạn gặp người bạn thân nhất của các bạn, người bạn có tên là Giêsu.

(151) Tình bạn là một trong những quà phúc của cuộc sống và một ơn thánh của Thiên Chúa. Qua bạn hữu của chúng ta, Chúa tinh chỉnh chúng ta và dẫn chúng ta đến sự trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người luôn sát cánh bên chúng ta trong những lúc khó khăn, cũng là một phản chiếu của tình yêu Chúa, sự hiện diện dịu dàng và đầy an ủi của Người trong cuộc sống của chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta cởi mở, thấu hiểu và quan tâm đến người khác, thoát ra khỏi sự cô lập êm ái của chính mình và chia sẻ cuộc sống của mình với người khác. Vì lý do này, “Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành” (Hc 6:15).

(152) Tình bạn không phải là mối liên hệ thoáng qua hoặc tạm thời, mà là mối liên hệ ổn định, bền chặt và chung thủy và trưởng thành với thời gian. Một mối liên hệ âu yếm mang chúng ta lại với nhau và một tình yêu rộng lượng khiến chúng ta tìm kiếm điều tốt đẹp của bạn mình. Bạn hữu có thể khá khác biệt với nhau, nhưng họ luôn có những điểm chung khiến họ gần gũi nhau hơn trong sự cởi mở và tin tưởng lẫn nhau [80].

(153) Tình bạn rất quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu tự gọi Người là một người bạn: “Thầy không gọi các con là đầy tớ, nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu” (Ga 15:15). Nhờ hồng phúc ơn thánh của Người, chúng ta được nâng cao một cách đến nỗi thực sự trở thành bạn hữu của Người. Với cùng một tình yêu mà Chúa Kitô đã tuôn đổ cho chúng ta, chúng ta có thể lần lượt yêu Người trở lại và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ chiếm vị trí của họ trong cộng đồng tình bạn mà Người đã thiết lập. … Các môn đệ nghe Chúa Giêsu gọi họ là bạn của Người. Đó là một lời mời không gây áp lực cho họ, nhưng nhẹ nhàng kêu gọi sự tự do của họ. Chúa Giêsu nói với họ “Hãy đến mà xem”; vì vậy, “họ đã đến và thấy nơi Người ở, và họ ở lại với Người ngày hôm đó” (Ga 1, 39). Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động đó, họ bỏ mọi sự và đi theo Người.

(trích “Christus Vivit” CK đang sống 25.3.2019)

 

Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 09 trên trang web của PT.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com