Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 06 Mùa Thường niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Hc 15, 15-20)

 

"Người không truyền dạy cho một ai làm điều ác"

Trích sách Huấn Ca. 

 

15 Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn
mà trung tín làm điều đẹp ý Người.

16 Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,
con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.

17 Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,
ai thích gì, sẽ được cái đó.

18 Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao,
Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.

19 Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người,
và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.

20 Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.

 

Hôm nay, sách Huấn Ca đề nghị chúng ta suy nghĩ về sự tự do con người. Có ba điểm: điểm thứ nhất, sự dữ ở ngoài con người; điểm thứ hai, con người tự do, tự do chọn lựa sự lành hay sự dữ; điểm thứ ba, chọn sự lành là chọn hạnh phúc.

Điểm thứ nhất, sự dữ ở ngoài con người. Nói như thế có nghĩa, sự dữ không ở trong bản thể chúng ta, đây là một tin vui rồi; vì nếu sự dữ thuộc về bản thể chúng ta, thì không có cơ may nào chúng ta được cứu độ, vì chúng ta không thể nào cởi bỏ được. Đó là quan niệm của dân Ba-by-lon. Trái ngược lại, Thánh Kinh rất lạc quan, quả quyết rằng sự dữ ở ngoài con người. Không phải Thiên Chúa tạo nên sự dữ, mà cũng không phải Ngài đưa đến cho ta; Ngài không chịu trách nhiệm về những điều dữ chúng ta phạm. Đó là ý nghĩa câu cuối chúng ta vừa đọc: «Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội». Vài câu trước bài này, Sách Huấn Ca chép: “11 Con đừng nói: "Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội… 12 Đừng nói: Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối “.

Nếu Thiên Chúa dựng nên A-đam, thành một thọ tạo có lẫn lộn hai phần, phần tốt và phần xấu, như người Ba-by-on tưởng tượng, thì cái dữ hệ tại nơi bản thể chúng ta. Thế nhưng, Chúa là tình yêu, sự dữ hoàn toàn xa lạ với Ngài. Sở dĩ có bài tường thuật về A-đam và E-và trong sách Sáng Thế, chính là để hiểu rằng, sự dữ ở ngoài con người vì nó đến từ con rắn. Sự dữ tràn lan khắp thế gian, một khi con người bắt đầu ngờ vực Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy sự khẳng định ấy trong thư Thánh Gia-cô-bê: «Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai» (Gc 1, 13-17). Nói cách khác, Thiên Chúa hoàn toàn xa lạ với sự dữ, Ngài không thể xúi dục lỗi phạm. Và thánh Gia-cô- tiếp: «Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt».(Gc1,14)

Điểm thứ hai trong bài: đó là con người tự do, tự do chọn lựa sự dữ cũng như sự lành. Sự xác tín ấy được dân Ít-ra-en lãnh hội từ từ, thế nhưng, một lần nữa, Thánh Kinh dứt khoát: Chúa sanh ra con người tự do. Muốn cho sự xác tín này được  khai triển  ở Ít-ra-en, thì dân tộc này phải qua trải nghiệm hành động cứu độ của Thiên Chúa, trong mỗi giai đoạn lịch sử của họ, bắt đầu bằng cuộc giải thoát khỏi Ai-cập. Tất cả đức tin của Ít-ra-en phát sinh từ trải nghiệm lịch sử của họ: Chúa là đấng cứu độ họ. Thế rồi, từng chút, từng chút, mọi người hiểu những gì họ tin ngày nay, thì từ khi mới được tạo dựng đã là thế. Từ đó, được rút ra hệ luận rằng Chúa sáng tạo con người tự do.

Rồi, chúng ta cũng phải học, tìm cách dung hoà hai xác tín của Thánh Kinh: đó là Thiên Chúa toàn năng, thế nhưng, trước mặt Ngài con người được tự do. Và, chính vì con người tự do chọn lựa mới có tội lỗi, ngay khái niệm tội lỗi giả thiết phải có tự do. Nếu chúng ta không có tự do, những sai phạm chúng ta, không thể gọi là tội lỗi. Có lẽ, muốn đi thêm sâu vào bí nhiệm ấy, chúng ta nên nhớ rằng quyền năng của Chúa là tình yêu. Chúng ta biết rằng, tình yêu đích thực là muốn cho kẻ khác tự do.

Để dìu dắt con người trong mọi chọn lựa, Chúa đã ban cho lề luật. Lẽ ra rất giản dị như thế. Và sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh rằng: «11 Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em).12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.» (Đnl 30, 11-14).

Điểm thứ ba của sách Huấn Ca hôm nay : chọn lựa sự lành là chọn lựa hạnh phúc. Xin trở về với bài: «Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó… Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy». Nói cách khác, chính lúc con người tín trung với Thiên Chúa là lúc tìm được hạnh phúc thật. Xa cách Ngài,  không sớm thì muộn, sẽ gặt lấy khổ đau cho bản thân. Có thể nói một cách trừu tượng, con người luôn luôn gặp phải những ngã ba đường, trước mặt có hai hướng, (Thánh Kinh gọi là hai «con đường»). Một con đường dẫn đến ánh sáng, niềm vui và sự sống, phúc cho ai đi trên con đường ấy. Đường kia là con đường của bóng đêm, và cuối cùng, chỉ đem lại sầu khổ và sự chết, vô phúc cho ai dấn thân vào con đường ấy. Đến đây, chúng ta không thể không nghĩ đến sự sa ngã của A-đam và E-và. Chọn lựa sai đã dẫn họ vào con đường xấu.

Đề tài hai con đường, rất thường được khai triển trong Thánh Kinh, đặc biệt trong sách Đệ-Nhị-Luật: «15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. 16 Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu… nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất ĐỨC CHÚA» (Đnl 30, 15-20). Chúng ta không bao giờ vĩnh viễn bị tù hãm, ngay khi chọn lựa sai đường: vì thế, chúng ta mới gọi là đấng cứu độ, có nghĩa là người giải thoát. Sách Huấn Ca nói rằng: «Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Người», những kẻ được «Rửa Tội» như chúng ta, có thể thêm «nhờ quyền lực Chúa Giê-su Ki-tô».

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 118, 1-5, 17-18,33-34)

 

"Phước đức những ai tiến thân trong pháp luật của Chúa."

 

1 Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI

2 Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.

3 Họ không làm điều ác, nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.

4 Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

5 Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.

17 Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây
để con được sống và tuân giữ lời Ngài.

18 Xin mở mắt cho con nhìn thấy
luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.

33 Lạy CHÚA, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
con nguyện đi theo mãi đến cùng.

34 Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.

 

Bài Thánh Vịnh hôm nay, là một tiếng vang thật thích hợp với đoạn sách Huấn Ca trong Bài Đọc Một, bài này cũng cùng tiếp theo một suy niệm. Ý được triển khai (dĩ nhiên có khác giữa hai bài nhưng  liên kết chặt chẽ với nhau ) là con người, chỉ tìm thấy hạnh phúc trong sự tín thác vào Thiên Chúa, và vâng theo các điều răn của Ngài. Một khi sống tách rời con đường thanh thản tín thác vào Thiên Chúa là tai họa và sự chết xảy đến. Một khi để thấm vào đầu chúng ta, lòng ngờ vực Thiên Chúa, và những điều răn của Ngài, từ đó cứ làm theo ý mình, thì có thể nói, khi ấy ta dấn thân vào con đường sai lầm, một ngõ cụt. Đó là vấn nạn của A-đam và E-và, theo tường thuật sự sa ngã  ở vườn Địa Đàng.

Chúng ta nhận trong bài thánh vịnh mập mờ ẩn ý đề tài hai con đường, như khi chúng ta suy niệm Bài Đọc Một. Theo sách Huấn Ca, chúng ta là lữ khách trên một hành trình bất tận, luôn luôn phải rà soát lại con đường mình đi… Phúc cho ai trong chúng ta tìm thấy con đường tốt cho mình! Vì hai con đường luôn mở ra trước mặt chúng ta, một bên dẫn đến hạnh phúc, một bên  đưa đến bất hạnh.

Hạnh phúc, theo bài Thánh Vịnh này thật đơn giản. Con đường tốt đối với một tín hữu là tuân theo Lề Luật của Thiên Chúa: «1 Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI». Người tín hữu biết thế nào là vẻ dịu êm của cuộc sống, khi tín trung vào các điều răn Thiên Chúa, đấy là điều bài Thánh Vịnh muốn nói cho chúng ta.

Bài thánh vịnh 118 (119) là bài dài nhất các thánh vịnh, và các câu được chọn trong phụng vụ hôm nay chỉ là một phần nhỏ, tương đương với một khúc của bài thơ. Thật ra, bài gồm 172 câu, nghĩa là có 22 khúc, mỗi khúc có 8 câu. Những con số 22 và 8 không phải là một sự ngẫu nhiên.

Tại sao bài có 22 khúc? Bởi vì có 22 chữ cái trong vần A,B,C Do Thái: mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái và các khúc lại cũng theo vần A,B,C. Thể văn này, theo tiếng Pháp gọi là Acrostiche, nhưng ở đây không phải là một thành tích văn chương! Đây chính là một sự tuyên xưng đức tin: bài thánh vịnh tôn vinh Lề Luật, sự chiêm ngắm một ân huệ từ Thiên Chúa, đó là Lề Luật (những giới răn). Còn hơn một bài thánh vịnh, chúng ta nên xem như một lời kinh cầu nguyện. Một kinh cầu nguyện tôn vinh Lề Luật, điều không vinh dự gì khi thú nhận đề tài này khá xa lạ với chúng ta!

Điều rất lạ với chúng ta,  một trong những đặc điểm của Thánh Kinh, là tình yêu Lề Luật thật sự chiếm hữu người Tín Hữu. Những giới răn không áp đặt cho chúng ta như những gì phải chịu lụy, mà là những lời khuyên, những lời khuyên duy nhất dẫn đến để sống cuộc đời hạnh phúc: «Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI». Khi người của Thánh Kinh nói lên câu này, họ thật lòng nghĩ như thế. Đây, dĩ nhiên không phải là một phép mầu. Những người tuân theo Lề Luật có thể gặp mọi gian khổ ở đời, nhưng trong các trường hợp bi đát ấy, người tín hữu biết rằng, con đường duy nhất tin tưởng vào Thiên Chúa có thể đem đến cho họ bình an trong tâm hồn.

Chẳng những Lề Luật không phải một gánh nặng phải chịu đựng như một áp lực, nhưng là một món quà nhưng không, đến từ Thiên Chúa ban cho dân Ngài, cảnh báo họ tránh mọi con đường lầm lẫn. Lề Luật được xem như một biểu hiện sự quan tâm người Cha đối với con cái Ngài, một người bạn để tránh những điều hiểm nguy. Mọi người tin rằng Chúa ban cho Lề Luật, và Lề Luật được xem như một món quà. Chúa không chỉ hài lòng giải thoát dân Ngài khỏi nô lệ Ai Cập, nếu để mặc họ, Ít-ra-en có nguy cơ sa ngã vào những ách nô lệ khác, e rằng tệ hại hơn nữa. Có thể xem như việc Chúa ban cho Lề Luật, đại loại như trao ban phương thức sử dụng sự tự do. Vì vậy Lề Luật là biểu hiện của tình yêu Chúa dành cho dân Ngài.

Cũng phải nói không chờ đến Tân Ước mới khám phá ra Chúa là Tình Yêu, và Lề Luật không có chủ đích gì khác hơn là dẫn chúng ta đến con đường tình yêu. Tất cả Thánh Kinh là lịch sử kinh nghiệm bước đầu về tình yêu, và cuộc sống huynh đệ của dân tộc được Chúa chọn. Sách Đệ Nhị Luật chép: «4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)» (Đnl 6, 4-5). Ít lâu sau, Chúa Giê-su làm cho hai điều răn ấy gần nhau hơn, chúng ta có thể nói, Ngài đã tóm lược cả Lề Luật Do Thái.

Tôi xin trở lại cái Mối Phúc Thật lạ kỳ của câu thứ nhất. «Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI.» Chúng ta có dịp suy nghĩ về ý nghĩa của cụm từ “hạnh phúc thay”, chúng ta cũng có dịp xem cách dịch từ nguyên bản, có nghĩa là «trên đường tiến lên». Như thế, chúng ta có thể đọc: «Hỡi người biết noi theo luật pháp hãy vững lòng bước đi trong tin tưởng». Tác giả bài Thánh Vịnh xác tín rằng, đây là đời sống và hạnh phúc của mình, nên hát lên bài thánh vịnh - lời nguyện này như đang cầu nguyện. Sau ba câu đầu, là những lời xác quyết về hạnh phúc con người khi giữ Lề Luật, còn 173 câu kia hướng thẳng đến Thiên Chúa với một thể văn, có lúc thì chiêm ngắm, lúc thì van xin, như câu sau đây: «18Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao». Và lời cầu nguyện cứ như thế tiếp tục không ngừng, với những cung cách tương tự hay gần giống như thế. Ví dụ trong mỗi khúc, bằng tiếng Do Thái, trở lại tám chữ lúc nào cũng tám chữ ấy, để miêu tả Lề Luật. Chỉ có những kẻ đang yêu mới dám lặp lại không nhàm chán…

Tám chữ lúc nào cũng tám chữ ấy, tám câu trong mỗi khúc trong 22 khúc. Số 8 trong Thánh Kinh là con số có ý nghĩa tạo dựng mới. Sự Tạo Dựng tiên khởi của Thiên Chúa được hoàn tất trong 7 ngày, thế thì, ngày thứ tám là ngày của sự tạo dựng mới, những «trời mới và đất mới», như một lời tuyệt vời của Thánh Kinh. Sự Tạo Dựng cuối cùng này, sẽ xuất hiện lúc nhân loại sống theo lề luật Thiên Chúa, có nghĩa là trong tình yêu, vì hai điều là như nhau!

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Cr 2, 6-10)

 

"Thiên Chúa đã tiền định từ muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta."

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

 

6 Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.

Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.

Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá.

9 Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người

10 Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.

 

Chúa nhật vừa qua, thư Thánh Phao-lô, đối chiếu sự khôn ngoan loài người với sự khôn ngoan Thiên Chúa: «Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa». (1Cr 2, 5) Và, ngài nhấn mạnh, để nói rằng mầu nhiệm Chúa Ki-tô không liên quan gì với sự suy luận loài người  chúng ta. Dưới mắt con người, Phúc Âm là chuyện điên rồ, và những kẻ phó thác đời mình vào đó cũng là điên rồ “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.” 

«Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá». Nhân đây, tôi xin lưu ý, Thánh Phao-lô nhấn mạnh vào sự khôn ngoan, triết lý cao siêu, điều này có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng Thánh Phao-lô nói với những người dân thành Cô-rin-tô; tức là những người Hy-lạp, đối với họ, sự khôn ngoan là nhân đức quý giá nhất.

Hôm nay, Thánh Phao-lô tiếp tục trên hướng ấy, khai triển một ý tưởng mới: Thật vậy, công bố mầu nhiệm Thiên Chúa, có thể là một sự điên rồ dưới mắt thế gian, thế nhưng, đây là sự khôn ngoan cao siêu biết bao, đó là lẽ khôn ngoan Thiên Chúa: «Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này… Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa» 

Chúng ta có thể chọn lựa, hoặc là: sống đời sống chúng ta theo sự khôn ngoan của thế gian - theo tinh thần thế gian - hoặc là theo sự khôn ngoan Thiên Chúa. Cả hai có vẻ hoàn toàn tương phản nhau! Chúng ta đang ở trong cùng đề tài các bài đọc khác trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay. Sách Huấn ca cũng như thánh vịnh 118, cả hai đều khai triển, mỗi bài một cách, đề tài được gọi là hai con đường: con người đứng trước ngõ rẽ hai con đường, và tự do chọn lựa đường mình đi. Một bên dẫn đến sự sống, ánh sáng và hạnh phúc; đường bên kia dẫn chui vào bóng đêm, sự chết, và chỉ đem đến niềm vui giả tạo.

«Sự khôn ngoan được dấu kín»: đây là một lời xác quyết của Thánh Kinh rằng, con người không thể hiểu tất cả mầu nhiệm sự sống, sự Tạo Dựng, và càng không thể, Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Giới hạn ấy thuộc về bản thể của chúng ta, đây là điều sách Đệ Nhị Luật muốn nói: «28 Có những điều ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, giữ kín cho mình; nhưng những điều này được mặc khải cho chúng ta và con cháu chúng ta đến muôn đời, để chúng ta đem ra thực hành những lời của Luật này.» (Đnl 29, 28). Có nghĩa là Thiên Chúa biết mọi sự, nhưng, chúng ta chỉ biết những gì Ngài muốn mặc khải cho chúng ta, bắt đầu bằng Lề Luật, và đây là chìa khóa mở ra mọi sự.

Một lần nữa, điều này mời gọi chúng ta nhớ lại bài tường thuật vườn địa đàng. Sách Sáng Thế kể lại, trong vườn địa đàng có rất nhiều loại cây: «Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon», và có hai cây đặc biệt: một cây được trồng giữa vườn là cây sự sống, cây kia được trồng một chỗ không được nói rõ, cây cho biết sự thiện sự ác. A-đam có quyền ăn trái của cây sự sống, chẳng những thế, còn được khuyến khích ăn, bởi vì Chúa phán: «Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn… », nhưng trừ một cây (St 2, 16). Chỉ trừ cây biết điều thiện điều ác, bị cấm. Đó là cách nói bóng, con người không thể biết mọi sự, và phải chấp nhận giới hạn ấy. «Có những điều ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, (ngụ ý nói: chỉ có Chúa mà thôi) giữ kín cho mình» (Đnl 29, 28). Trái ngược lại, sách Torah, Lề Luật là cây sự sống được trao cho con người, thực hiện Lề Luật là dưỡng nuôi mình, ngày nọ sang ngày kia bằng những gì làm cho chúng ta sống: «lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời» (c.7). Thánh Phao-lô thường xuyên lưu ý trong các thánh thư ngài viết rằng kế hoạch Thiên Chúa đã được tiền định từ muôn đời. Tôi có thể nói không bao giờ Ngài thay đổi chương trình. Nhiều khi chúng ta trình bày kế hoạch Thiên Chúa như Ngài phải thay đổi tùy theo cách cư xử của con người. Ví dụ như chúng ta tưởng tượng rằng trong - Màn 1 Thiên Chúa tạo đựng vạn vật hoàn hảo cho đến lúc - Màn 2 – Adam phạm tội và để sửa sai - Màn 3 - Thiên Chúa tưởng tượng gửi Con Một của mình. Để chống lại quan niệm này, Thánh Phao-lô khai triển trong nhiều thánh thư rằng nhiệm vụ của Chúa Giê-su Ki-tô đã được tiền định từ muôn đời và ý định của Thiên Chúa có trước cả lịch sử nhân loại. Để ví dụ tôi xin nhắc lại đoạn thư gửi thành Êphêsô: « Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô »(Ep1,9-10) Hoặc trong thư Roma : « Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.»(Rm16, 25-26)

«Để mang lại vinh quang cho chúng ta » Vinh quang ở đây là để nói về Thiên Chúa, và dành cho Ngài mà thôi. Ơn gọi chúng ta là tham dự vào vinh quang của Chúa. Đối với Thánh Phaolô cách nói này là kế hoạch yêu thương, là chương trình  Thiên Chúa qui tụ tất cả chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô để chung hưởng vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi.

…  « như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người »(C9) Cụm chữ « như đã chép »nhắc lại một câu của tiên tri I-sa-i-a «3 Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình » ( Is64,3) Câu này nói lên sự kinh ngạc thán phục người tín hữu yêu Kinh Thánh được thoả lòng trước sự mặc khải các mầu nhiệm Thiên Chúa.

Cỏn câu cuối «điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người » nghe câu này chúng ta có khuynh hướng hỏi  « thế còn những người khác » ? Những người không được dọn sẵn ? – Dĩ nhiên là không, chương trình của Chúa, kế hoạch của Ngài dành cho mọi người, thế nhưng chỉ có những người được chuẩn bị mới tham dự. Những người mở lòng, con người hoàn toàn tự chủ. Đây là cách nói những ai có đức tin. Mầu nhiệm kế hoạch Thiên Chúa chỉ được ban cho những kẻ bé nhỏ. Như Chúa Giêsu từng nói « Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.» (Mt11,25). Thì đây, bấy giờ chúng ta an tâm, vì chúng ta là những kẻ bé nhỏ, chỉ cần nhìn nhận như thế mà thôi.   

***

 

PHÚC ÂM (Mt 5, 17-37)

 

Alleluia, alleluia!

Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

-----------------

"Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo các con như thế này"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu

 

17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.

18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.

19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.

22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.

23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,

24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.

25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.

26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

27 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.

28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.

29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

31 "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.

32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

33 "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.

34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.

35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.

36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.

37 Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

 

«Kiện toàn», đây là một từ ngữ chính yếu trong Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu. Ngài nhắm đến dự án vĩ đại mà Thánh Phao-lô gọi là «Kế họach yêu thương Thiên Chúa», và nếu từ ngữ này đến từ Thánh Phao-lô, thì ý tưởng này bao gồm một quá khứ còn thật xa hơn nữa. Từ ông Áp-ra-ham, suốt Thánh Kinh mọi sự đều hướng về sự  kiện toàn này. Người Ki-tô hữu, lẽ ra, không quay về quá khứ mà hướng về tương lai, và suy xét mọi sự trên đời theo góc nhìn liên quan đến mọi công trình ấy, tức là việc xây dựng Vương Quốc. Có người còn nói, Thánh Lễ mỗi tuần là «buổi họp công truờng xây dựng Vương Quốc», nơi để kiểm tra tình hình tiến triển công trường xây dựng. Và thật vậy, Vương Quốc tiến triển chậm rãi, nhưng với những bước chắc chắn, đó là cốt lõi của đức tin chúng ta. Dĩ nhiên, không thể xét qua vài chục năm: phải nhìn qua một thời gian dài. Chúa chọn một dân tộc như mọi dân tộc khác, Chúa dần dần mặc khải cho họ, và khi nhìn lại, phải công nhận rằng một đoạn đường thật dài đã trải qua. Trước hết,  trong sự mặc khải về Thiên Chúa, sau đó,  trong quan hệ với tha nhân, những lý tưởng về công lý, tự do, tình huynh đệ, dần dần thay thế luật của kẻ mạnh và bản năng báo thù.

Nỗ lực chậm rãi để hoán cải lòng người, là kỳ công của Lề Luật Chúa ban cho ông Mô-sê. Những điều răn đầu tiên chỉ là những cọc báo hiệu những điều tối thiểu không nên vượt qua, một cách nào đó, chỉ để đời sống xã hội khả thi: chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ gian dối… Sau đó, suốt nhiều thế kỷ, Lề luật được tinh tế hơn, xác định rõ ràng hơn, song song với những tiến triển của nhu cầu đời sống luân lý.

Chúa Giê-su cũng hoà nhịp với sự tiến triển ấy, Ngài không xóa bỏ những thành quả trước, Ngài chỉ làm cho tinh tế hơn: «Luật dạy rằng... Còn Thầy, Thầy bảo». Không có vấn đề xoá bỏ mọi giai đoạn trước, nhưng hãy bước qua một giai đọan khác: «Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn» (c.17). Giai đoạn đầu, chớ giết người, giai đoạn thứ hai, chớ nóng giận, và phải đi đến tha thứ. Trong lãnh vực khác, chớ lấy vợ chồng người, giai đoạn hai chớ ước muốn vợ chồng người, và tập cho mắt nhìn sự tinh tuyền. Sau cùng, trong lãnh vực lời hứa, giai đoạn đầu, chớ thề thốt gian dối, giai đoạn hai chớ thề thốt chi cả, và hướng đến miệng chỉ nói ra điều có thật.

Hãy đi xa hơn, xa hơn nữa trong tình yêu, đó mới là sự khôn ngoan thật! Thế nhưng, nhân loại khó theo con đường ấy! Tệ hơn nữa, còn từ chối những giá trị của Phúc Âm, mơ tưởng xây dựng đời mình dựa trên những giá trị khác. Thánh Phao-lô đả kích cái gọi là khôn ngoan ấy, gây bất hạnh cho con người, như ngài nói trong Bài Đọc 2: «không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.» (1Cr 2, 6)

Trong mỗi lãnh vực, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước qua một giai đoạn mới để Vương Quốc đến - đúng là phù hợp với truyền thống Tin Mừng - những điều răn mới của Chúa Giê-su, tất cả đều nhắm vào quan hệ giữa con người. Nghĩ cho cùng, điều này không lạ chi, nếu: «kế hoạch yêu thương Thiên Chúa», như Thánh Phao-lô nói, là để qui tụ nhân loại trong Chúa Giê-su Ki-tô, thì mọi nỗ lực của chúng ta để thực hiện sự hiệp nhất huynh đệ, đều góp phần kiện toàn kế họach Thiên Chúa, hầu Vương Quốc Ngài đến. Không nên chỉ đọc «Nước Cha trị đến»: Chúa Giê-su đến dạy chúng ta thực hiện như thế nào, - từng chút từng chút - nhưng chắc chắn, chúng ta có thể góp phần vào kế hoạch ấy được.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com