Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 07 Mùa Thường niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Lv19, 1-2.17-18)

 

"Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình."

Trích sách Lê-vi. 

 

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng:

2 "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.

17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.

18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.

 

Sẽ nên « như những vị thần », có một ngày nào đó chúng ta cũng mơ như thế …  sách Sáng Thế kể lại lỗi lầm A-đam và E-và nói rằng đó là vấn nạn của chúng ta! « Ông bà sẽ như những vị thần » (St 3, 5), đó là lời hứa, hay đúng hơn là lời dối trá của con rắn và khát vọng ấy làm cho họ sa ngã. Thế nhưng chính Chúa nói với chúng ta: « Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh ». Đây không là một mệnh lệnh, hơn thế nữa, là một lời kêu gọi, là sứ mạng của chúng ta. Vì thế chúng ta không lầm khi chúng ta mơ muốn là vị thần! Thánh vịnh 8 nói rằng: « 6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên » (Tv8, 6). Thế nhưng nếu thực sự muốn giống Thiên Chúa, phải có những ý tưởng đúng về Thiên Chúa.  

Những chương đầu Thánh Kinh đã nói con người được tạo dựng giống Thiên Chúa, có lẽ chúng ta cũng nên hỏi như thế là sao. Tôi xin bắt đầu bằng chương thứ nhất sách Sáng Thế: « Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất » (St 1, 26). Thành ngữ: « Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta » làm cho ta hiểu con người giống ở quyền lực và tính vương giả.

Sau đó một chút, cũng sách Sáng Thế lại nói đến sự giống Thiên Chúa: « Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa », và xa hơn một ít câu, khi nói về các con của A-đam: « Khi ông A-đam được một trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông », lần này chúng ta có cảm tưởng những chữ giống và theo hình ảnh mang nghĩa thường hiểu như khi nói đứa con giống cha: « cha nào con nấy ». Sau cùng, câu chúng ta thường quen thuộc: « Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. » (St 1, 27) muốn nói lên đôi vợ chồng được sáng tạo để cho tình yêu và đối thoại với nhau là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Thật sự con người được sáng tạo để làm vua các tạo vật. Nhưng tính vương giả dành cho con người là một quyền lực tình yêu chứ không phải thống trị.

Phải nhiều thế kỷ dân chúng mới hiểu những chữ thánh thiện và tình yêu là đồng nghĩa. Thánh, các bạn hẳn còn nhớ chữ này của ngôn sứ I-sa-i-a. Trong chương 6 ngài miêu tả sứ vụ của mình, trong lúc ở trong Đền Giê-ru-sa-lem, ông được có một thị kiến và một thị kiến lạ lùng, bị chói lòa, ông chỉ còn biết kêu lên « Thánh, Thánh, Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! » Chữ Thánh có nghĩa: Chúa là Đấng Thật Khác Biệt, có một hố sâu cách xa chúng ta với Ngài. Đồng thời ngôn sứ I-sa-i-a được một mặc khải, cái hố sâu ấy chính Chúa vượt qua và như thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta giống Ngài là chúng ta cũng có thể vượt qua… dĩ nhiên nhờ Ngài, hay có thể nói với ân sủng Ngài.

Hai câu cuối của bài hôm nay chỉ là cách áp dụng câu: « Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. » Một cách cụ thể: ngươi không được có ý nghĩ thù hận nào, ngươi không báo thù, không giữ niềm hận thù trong lòng, ngươi phải yêu thương… đó là giống Thiên Chúa: Ngài không biết hận thù, không biết báo oán, không giữ hiềm khích trong lòng. Chính vì Ngài là Tình yêu nên Ngài mới là Đấng Thật Khác Biệt. Và chỉ tiệm tiến, từng chút từng chút các ngôn sứ làm cho dân hiểu giống Thiên Chúa thánh thiện, vỏn vẹn chỉ là phát huy khả năng yêu thương.

Như thế không có nghĩa là chúng ta mất đi khả năng phán đoán đâu là đúng đâu là sai: « Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó… » (c17). Quở trách với ý thức ngay lành là một nghệ thuật thật khó. Thế nhưng đó cũng là tình yêu. Muốn điều tốt lành cho kẻ khác, có thể ngăn họ sa vào hố. Chỉ trích vì yêu thương làm cho lớn lên. Nhưng Chúa nhẫn nại với chúng ta: không phải một ngày một buổi cách hành xử chúng ta giống Ngài! Nếu tôi dựa các tin tức nghe thấy đó đây mỗi ngày, có lẽ điều này sẽ còn lâu lắm! … Nhưng Chúa sử dụng một phương pháp sư phạm rất tiệm tiến: lúc bài này được viết ra chưa có tình yêu phổ quát, bài chỉ nói: « 17Ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình ». Đây cũng là giai đoạn đầu của phương pháp sư phạm Thánh Kinh… Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu mở rộng giới hạn vòng tha nhân ra vô tận.

Đấy là vương quyền chúng ta được mời gọi: khi chúng ta mơ được như các vị thần, chúng ta đương nhiên nghĩ đến thống trị, quyền lực và nhất là có quyền năng thắng bệnh tật và sự chết. Trong lúc Thiên Chúa mời gọi chúng ta giống Ngài là Ngài kêu gọi chúng ta thánh thiện, sự thánh thiện của chính Ngài, không liên quan gì với một thứ thống trị nào cả! Sự thánh thiện này chỉ có tình yêu và dịu dàng. Điều này có lẽ khó cho chúng ta; nhưng một lần nữa, có lẽ chúng ta thường là «  những kẻ kém lòng tin ».

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 102 ( 103)1-4.8.10.12-13)

 

"Chúa là Đấng từ bi hay thương xót." 

 

1 Của vua Đa-vít.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

2 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

3 CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,

10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

13 Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

 

Phụng vụ chúa nhật hôm nay chỉ đề nghị chúng ta tám câu của thánh vịnh 102, nhưng thật ra bài có 22 câu như số chữ cái Do Thái ngữ, là 22 chữ. Thì đây cũng là một bài thánh vịnh ABC như thường lệ, một bài thánh vịnh tạ ơn vì Giao Ước. Thật vậy, ông André Chouraqui nói rằng bài thánh vịnh này là một Te Deum của Thánh Kinh, một bài ca tạ ơn vì mọi lời chúc phúc dành cho tác giả (là dân tộc Ít-ra-en) được tràn ơn từ Thiên Chúa.

Đặc tính thứ hai của bài thánh vịnh này, là những đối chiếu cặp đôi. Mỗi câu gồm hai hàng đối nhau như tiếng vang cho nhau: lý tưởng là nên đọc thành hai bè từng mỗi hàng. Có lẽ bài được sáng tác cho hai bè, hát đối nhau. Kỹ thuật song song này, chúng ta thường gặp trong Thánh Kinh, trong những bài thánh thi, nhưng có khi cũng trong các bài văn xuôi. Đây là một kỹ thuật lặp đi lặp lại giúp cho dễ nhớ, rất tự nhiên trong một văn minh truyền khẩu, và nhất là rất gợi cảm. Nếu chăm sóc cách đọc kỹ càng để làm rõ nét hai hàng đối diện với nhau trong câu thơ, thi tính của bài thánh vịnh được làm nỗi bật lên một cách tuyệt vời.

Mặt khác, việc lặp lại một ý, lần lượt dưới hai hình thức khác nhau, dĩ nhiên là để làm rõ một ý tưởng, và như thế đối với chúng ta còn làm cho chúng ta hiểu một vài từ ngữ Thánh Kinh. Ví dụ như câu đầu đề nghị chúng ta hai vế song song với nhau. Lần đầu câu này đối « Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! » Đối lần đầu: « Chúc tụng CHÚA đi… chúc tụng Thánh Danh! » Lần thứ hai thay vì lặp lại Chúa, thì bài nói Thánh Danh: trong Thánh Kinh, TÊN là chính nhân vật. Cách đối thứ hai, cũng trong câu này: « Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! » Chữ hồn ở đây không có nghĩa chúng ta thường hiểu. Theo tư tưởng thông thái Hy lạp, chúng ta có khuynh hướng biểu hiện con người bằng sự kết hợp hai yếu tố khác nhau, nhưng khác biệt nhau, linh hồn và thể xác. Nhưng những tiến bộ về khoa học nhân văn của thế kỷ thứ XXI xác định rằng thuyết nhị nguyên ấy không phù hợp với thực tế. Chính trong tâm thức Thánh Kinh có một khái niệm nhất quán hơn, và khi nói « linh hồn » đó là toàn nhân vật: « Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! »  

Một thí dụ khác về cách đối song song vài câu sau đoạn này, giúp chúng ta hiểu một từ ngữ khá khó đối với chúng ta, đó là cụm chữ « kính sợ Chúa », chúng ta thường gặp từ ngữ « kính sợ Chúa » này trong Thánh Kinh, và chúng ta có thành kiến không có cảm tình cho lắm. Nhưng ở đây chúng ta khám phá ra cách đối chữ thú vị: « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. » có nghĩa là sự kính sợ Thiên Chúa có bất cứ nghĩa gì nhưng nhất quyết không phải khiếp sợ; đó là thái độ giữa cha con.

Tôi thường nói đến tính cách sư phạm trong Thánh Kinh đối với dân Ngài: thì ở đây Chúa cũng dùng phương pháp sư phạm ấy một cách chậm rãi, nhẫn nại để hoán cải dần từ sự sợ hãi đến tâm tình Cha con. Ở đây tôi muốn nói, đứng trước một Thiên Chúa thánh thiêng, con người tự nhiên cảm thấy sợ hãi, phải cần đến một sự hoán cải người tín hữu để, tuy không đánh mất lòng kính trọng đối với Đấng Thật Khác Biệt, chúng ta học dần đối với Ngài bằng tâm tình Phụ tử. Theo Kinh Thánh, kính sợ Thiên Chúa là lòng sợ hãi được hoán cải thành tình Phụ tử: dĩ nhiên chương trình sư phạm ấy chưa hoàn tất. Thái độ chúng ta đối với Chúa, mối quan hệ chúng ta đối với Ngài cần được hoán cải liên tục. « Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. » (Mt 18, 3)… những trẻ nhỏ biết rằng cha mình chỉ có tình thương dịu hiền. Sự kính sợ ấy vừa có sự trìu mến đáp trả, biết ơn, và quan tâm vâng lời vì người con biết rằng các giới răn của cha chỉ phát xuất từ tình yêu: giống như đứa trẻ tránh xa lửa vì được cha báo trước cho nó để khỏi bị bỏng … Hơn nữa nếu viết theo nghĩa đen thì câu ấy sẽ như sau: « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ giữ Giao Ước, kẻ kính tôn. »

Không phải ngẫu nhiên bài thánh vịnh đề cập đến sự kính sợ Thiên Chúa lại trích một câu bất hủ của sách Xuất hành: « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6). Câu này rất nổi tiếng trong Thánh Kinh, vì đây là một mặc khải về chính Mình cho ông Mô-sê trong sa mạc Si-nai. Câu này thường được đọc trong các thánh vịnh, vì vừa là Tên Thiên Chúa và vừa để nhắc lại Giao Ước, nhất là các thánh vịnh tạ ơn, trước hết tất cả các thánh vịnh này đều là những lời ngạc nhiên thán phục trước Giao Ước Thiên Chúa.

Các câu được chọn hôm nay nhấn mạnh đến những biểu hiện của tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa: sự tha thứ. Một Thiên Chúa chậm giận, Ít-ra-en từng trải nghiệm suốt lịch sử của họ: từ khi vượt qua Si-nai, ông Mô-sê đã phải từng nói với họ: « Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA » (Đnl 9, 7). Suốt dòng lịch sử Giao Ước là hiện trường của sự tha thứ của Thiên Chúa cho dân Ngài mỗi lần suy thoái: « … Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. 12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. » (c4.10.12)

Tình yêu trìu mến chúng ta cần nhất để trổi dậy chính là được quên đi tội lỗi của chúng ta, những lúc chúng ta sa ngã. Chúa Giê-su chỉ đưa lên hình ảnh qua bài dụ ngôn người cha và đứa con hoang đàng. Nhưng xác tín vào sự tha thứ của Chúa không xúi dục chúng ta khoan dung thái quá với chính mình, trái lại: trung tín thật sự với tình yêu có nhiều đòi hỏi cho bản thân.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Cr 3:16-23)

 

"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Ki-tô, 
và Đức Ki-tô thuộc về Thiên Chúa.
"

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

16 Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?

17 Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.

18 Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.

19 Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.

20 Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.

21 Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em;

22 dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em,

23 mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

 

Nếu các bạn đã đến Petit Trianon ở Versailles, hẳn các bạn biết làng hoàng hậu Marie Antoinette và Đền Tình Yêu: thì đây, nếu tôi tin vào Thánh Phao-lô, mỗi chúng ta là một đền tình yêu… « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?» Thế mà Chúa, là Chúa tình yêu, Thần Khí là Thần Khí tình yêu. Vậy thì chúng ta - mỗi chúng ta và toàn thể Giáo Hội - là đền thờ của tình yêu. Thế nhưng, phải công nhận, vì chúng ta mà lời Thánh Phao-lô trở nên thất thiệt mỗi ngày! Ngài cũng biết thế, chính vì vậy, thánh nhân nhắc nhở lại sứ vụ chúng ta khi ngài nói: « Nào anh em chẳng biết rằng… » đó cũng vì dân thành Cô-rin-tô thỉnh thoảng có khuynh hướng quên đi… và chúng ta cũng thế.

Nhân dịp qua đoạn này tôi xin lưu ý công thức sau đây « Nào anh em chẳng biết rằng… », hay « Đừng quên rằng. » Trong Thánh Kinh từ Cựu Ước cụm chữ này báo hiệu một điều nền tảng, quan trọng sinh tử như những khi: « Đừng quên » được lặp lại nhiều lần trong sách Đê Nhị Luật. Đức tin là trí nhớ về công trình Thiên Chúa. Nếu dân tộc Ít-ra-en quên Chúa của họ, họ sẽ bị lạc lối vì những bụt thần: « Nhưng anh (em) hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh (em) đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh (em); trái lại, anh (em) hãy dạy cho con cháu anh (em) biết » (Đnl 4, 9); « Anh em hãy ý tứ đừng quên giao ước mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã lập với anh em, đừng làm tượng thờ mang hình ảnh bất cứ cái gì mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã cấm anh (em) » (Đnl 4, 23). Mỗi khi Thánh Kinh nói « đừng quên » là lúc nào cũng để cảnh báo một hướng sai, một con đường dẫn đến sự chết. Trí nhớ là một sự an toàn cho tín hữu.

Tại sao một điều rất quan trọng đó là đừng quên chúng ta được gọi là « đền thờ tình yêu » ? - Bởi vì chương trình của Thiên Chúa, chương trình tình yêu chỉ được thực hiện với chúng ta. Chúng ta không có cứu cánh nào khác trong đời. Có vẻ tự cao tự đại mới dám nói như thế, thế nhưng đó là sự thực. Khi Chúa Giê-su nói với các Tông đồ: « Chính anh em hãy cho họ ăn » (Lc 9, 13) đó là ý Chúa muốn nói điều ấy! Tất cả chúng ta là những đền thờ tình yêu được xây dựng khắp mặt đất để tình yêu của Chúa thể hiện khắp mọi nơi.   

Tới đây làm tôi nhớ đến thôn hoàng hậu Marie Antoinette, cái đền tình yêu ấy không đóng kín lại cho mình, trái lại được mở toang ra bên ngoài, chỉ có những trụ cột; dĩ nhiên sẽ thật vô lý đã gọi là đền tình yêu mà đóng kín lại về mình! … Đối với mỗi chúng ta và với toàn Giáo hội cũng có thể nói như thế… Một lần nữa, chúng ta nhận ra nơi Thánh Phao-lô cách rao giảng của các tiên tri: luôn luôn nhấn mạnh đến tình yêu tha nhân… Dĩ nhiên, một tình yêu bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói.

Thật thú vị nếu đặt câu hỏi - trong thâm tâm mỗi chúng ta và nơi Giáo hội - những cột trụ nào nâng đỡ chúng ta ? Chắc chắn không phải là những lý luận theo lẽ ở đời, theo Thánh Phao-lô: « sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng »

Trái ngược lại những người truyền đức tin cho chúng ta, đó mới là những cột trụ: Phao-lô, A-pô-lô hay là Phê-rô đối với dân thành Cô-rin-tô, những người khác đối với chúng ta. Những người ban ơn giúp cho chúng ta có đức tin - cha mẹ chúng ta, những người thân, cộng đồng chúng ta - là những nơi chúng ta nương tựa không thể nào thiếu được. Không ai là Ki-tô hữu đơn độc. Thế nhưng hãy chú ý đừng lấy các cột trụ làm trung tâm. Đoạn này hé ra cuộc tranh cãi làm chia rẽ cộng đồng Cô-rin-tô về những người rao giảng tại đây, họ tuyên bố « Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô »(1Cr 1, 12). Ngay từ đầu thư, Thánh Phao-lô đã cứng rắn đặt lại mọi sự vào đúng chỗ của nó: người tông đồ có trọng đại mấy đi nữa cũng chỉ như người làm vườn; khi chúng ta vỗ tay hoan nghênh một người nào rao giảng làm chúng ta rung động hay làm chúng ta hoán cải, những lời hoan hô ấy không hướng về người ấy mà dành cho Đấng duy nhất biết tận đáy lòng chúng ta.

Những tông đồ thật sự không giữ lấy chúng ta, không thu hút chúng ta, nhưng hướng chúng ta về với Chúa Giê-su-Ki-tô: « Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa » (c21-23). Ở đây hiện lên cho chúng ta hình ảnh một cuộc xây dựng, dường như một lần nữa, và luôn như thế Thánh Phao-lô loan báo kế hoạch Thiên Chúa: chúng ta là của Chúa Giê-su Ki-tô, có nghĩa là chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta được ghép vào Ngài, và chỉ vào Ngài mà thôi. Tất cả nằm trong một ý định: « sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai »(c22).

Chúng ta thật xa cách lý luận trần tục! Thế nhưng Thánh Phao-lô nói rằng đó là sự khôn ngoan duy nhất: « Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật »  (c18). Chúng ta tìm lại nơi đây điều Thánh Phao-lô nhấn mạnh về hố sâu chia cách tư tưởng Thiên Chúa và tư tưởng loài người: « tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta », Chúa nói qua ngôn sứ I-sa-i-a (Is 55, 8). Hố chia cách ấy sâu thẩm đến nỗi một khi chúng ta để các lý luận trần tục thắng thế sẽ có nguy cơ làm chúng ta chao đảo và phá huỷ cái đền kia, là chính chúng ta. Xin hãy nhớ lại câu khi này: « Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài! » (c20) Cơn gió không những không thể làm cột trụ vững chắc mà còn có thể trở thành cơn gió lốc, còn có thể làm trốc gốc những cột trụ vốn bền vững.

Nếu chúng ta xem bài này nghiêm túc, đây là ngày hơn bao giờ hết phải làm cử chỉ xông hương các tín hữu trong Thánh Lễ. Mỗi lần chúng ta được xông hương, chúng ta là những người đã nhận bí tích Rửa tội, là để nói lên: « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? » ( c16)

***

 

PHÚC ÂM (Mt 5, 38-48)

 

Alleluia, alleluia!

Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe;
Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

-----------------

"Các con hãy yêu thương thù địch các con"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.

40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41

Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.

42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.

44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?

47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?

48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

 

Chúa Giê-su nói: « Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. » Thật vậy, câu châm ngôn này nằm trong Cựu Ước. Nó có vẻ độc ác, nhưng một đàng, nó chưa ra khỏi cách sống của chúng ta, đàng khác, cũng đừng quên bối cảnh nào câu này được sinh ra: thời ấy đã là một tiến bộ đáng kể rồi! Xin nhớ lại, trước kia như thế nào: Ca-in đựơc trả thù bảy lần và năm thế hệ sau, hậu bối của anh là La-méc khoe rằng đã báo thù 77 lần. Hẳn các bạn biết bài ca của La-méc hát cho hai người vợ nghe: « A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ » (St 4, 23).

Để đối lại với cái vòng xoắn ốc khủng khiếp ấy, sách Xuất Hành ban bố luật bằng ngang, báo thù, nợ gì đòi nấy. Hình phạt bị giới hạn, phải tương đối với sự xúc phạm ban đầu: « 23 Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, 24 mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, 25 vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm. » (Xh 21, 23-25); ngụ ý nói một mắt trả một mắt chứ không phải cả hai, một cái răng trả lại bằng một cái răng chứ không phải cả hàm, và vân vân. Đấy cũng là tiến bộ rồi. Không phải hận thù và bản năng định đoạt mức độ báo thù, đây là một nguyên tắc luật pháp, áp đặt trên ý muốn cá nhân. Không còn 7 mạng sống cho một mạng sống hay là 77 mạng sống cho một mạng sống. Phương pháp sư phạm của Chúa đã bắt đầu tác động để giải thoát nhân loại khỏi luật của kẻ mạnh.

Dĩ nhiên muốn giống Thiên Chúa thì còn phải một đoạn đường xa hơn nữa, nhưng đây cũng đã là một giai đoạn. Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi, đề nghị vượt qua giai đoạn cuối: giống Cha chúng ta trên trời, tức là tự cấm mình trả miếng, bị tát bên này, hãy đưa má bên kia: « Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. » Tại sao từ nay không được trả thù trả oán ? Giản dị thôi, đó là để trở nên thật sự chúng ta: là con cái Cha chúng ta trên trời.

Vì thật ra, nếu đọc kỹ, bài này dạy chúng ta về Thiên Chúa, trước khi là một bài học cho chúng ta. Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa là ai. Cựu Ước đã dạy chúng ta Chúa là Cha, từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình yêu (theo sách Xuất hành) và nước mắt chúng ta chảy trên gò má Chúa vì Ngài là Đấng Thật Gần gũi (theo thành ngữ bất hủ của Ben Si-rắc – sách Khôn ngoan). Tất cả đã có trong Cựu Ước, nhưng chúng ta là kẻ cứng đầu cứng cỗ … và khó tin Thiên Chúa chỉ là tình yêu. Chúa Giê-su nói lại một cách giàu hình ảnh: « Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. » (c45). Dĩ nhiên hình ảnh này giúp dễ hiểu trong một văn minh nông nghiệp, nắng và mưa được tiếp nhận như hồng ân. Hình ảnh này rất đẹp nhưng ở đây không phải một bài học luân lý cho chúng ta. Còn sâu xa hơn nữa: Chúa trao cho chúng ta một sứ vụ, là ánh phản chiếu cho thế gian. Đến lượt chúng ta cho mặt trời chúng ta mọc lên cho tha nhân, và như thế chúng ta làm mọc lên cho họ mặt trời của Thiên Chúa.

Các thí dụ cụ thể Chúa Giê-su nêu lên cho chúng ta cũng mang dấu thời đại của Ngài, nhưng không khó chuyển đổi cho ngày nay: « Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm » (c40). Ở đây đòi hỏi chúng ta có lòng quảng đại tuyệt đối, không chút tính toán. Nói cách khác, có lẽ phải vượt qua mọi thái độ ngập ngừng của anh em, tính gây gỗ của anh em, sự phản kháng bên trong anh em.  

« Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi » (c42): đến đây, Cựu Ước đã triển khai tình yêu tha nhân, tình yêu người anh em đồng loại, cùng tín ngưỡng, và cả người lữ khách đến dưới một mái nhà. Lần này, Chúa Giê-su xóa bỏ mọi biên giới, không đặc biệt cho ai cả: « Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi » (c42). Chúng ta nhận ra sự đòi hỏi này trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu.

Tất cả những điều ấy có vẻ điên rồ, quá đáng, thế nhưng thật ra, chính xác đó là cách Chúa hành xử đối với mỗi chúng ta thường nhật, như Chúa đã không ngừng làm cho dân Ngài. Tương tự một tiếng vang, trong thư thứ nhất cho tín hữu thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô đối chiếu cách lý luận loài người với sự khôn ngoan Thiên Chúa: « Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài. » (1Cr 3, 20 - xem Bài đọc 2 chúa nhật hôm nay): Chỉ cần lý luận một chút (và với vài người bạn thành tâm) là có thể khiến chúng ta không « bị lừa », như người ta thường nói. Chúa Giê-su ở trong một lô-gíc hoàn toàn khác, lô-gíc của Thần Khí tình yêu và dịu dàng. Chỉ có Ngài mới làm cho Vương Quốc sớm đến… với điều kiện chúng ta đừng quên chúng ta là ai. Như Thánh Phao-lô nói: « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? » (1Cr 3, 16).

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com