Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 01 Mùa Chay Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (St 2, 7-9; 3, 1-7)

 

"Nguyên tổ được tạo thành và phạm tội."

Trích sách Sáng Thế. 

 

7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.

8 Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.

ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác

1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?

2 Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.

3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết."

4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!

5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."

6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.

7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

 

Vào thế kỷ thứ X trước CN, trong triều vua Salômon, tại Giê-ru-sa-lem có một nhà thần học bị dồn hỏi nhiều vấn đề: tại sao có sự dữ, tại sao phải chết ? Tại sao có sự bất hoà trong các cặp vợ chồng ? Tại sao cuộc sống khó khăn ? Tại sao lao động quá khó nhọc, thiên nhiên khắc khe, việc ở cữ, sinh đẻ phải đau đớn thể xác và có khi cả tâm lý ? Làm sao có thể trả lời tất cả các câu hỏi ấy khi chỉ là một nhà thần học thế kỷ thứ X trước CN trong vương triều vua Salômon ở Giê-ru-sa-lem. Dĩ nhiên là chỉ dựa vào đức tin của mình thôi, vào đức tin của những người nghe. Thế nhưng thế kỷ thứ X tức là mới chỉ có 250 năm sau khi thoát ra khỏi Ai-cập và dân chúng được có 250 năm trải nghiệm quan hệ với Thiên Chúa, có thể nói sau 250 năm được Chúa mặc khải.

Chúa muốn dân Ngài tự do: đối với Ít-ra-en không phải là một niềm tin mà là một trải nghiệm. Chỉ có điều: tự do không phải muốn làm gì thì làm, sự tự do phải học. Cùng lúc Chúa ban tự do cho dân Ngài, Chúa cũng ban cho Lề luật, có thể nói đây là cách xử dụng tự do. Suốt lịch sử Xuất Hành, bốn mươi năm sống trong sa mạc Si-nai với ông Mô-sê, là lịch sử của một cuộc huấn luyện. Nhà thần học thế kỷ thứ X của chúng ta cũng biết không phải là chuyện dễ, rất khó giữ Lể Luật và - còn quan trọng hơn nữa - người ta còn ngờ vực Thiên Chúa và cả ý định của Chúa cho dân Ngài.

Điều sâu xa của vấn đề là ở chỗ ấy, nhà thần học của chúng ta tự nhủ như thế. Nếu mọi người biết đầy đủ mục đích duy nhất của Thiên Chúa là sự sống của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta, tự do của chúng ta thì người ta sẽ tin tưởng và sẵn lòng tuân theo lề luật. Trái lại, nếu chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng Chúa không muốn điều tốt lành cho chúng ta … và nhiều khi còn tưởng tượng Ngài muốn sự dữ (chúng ta sẽ thấy điều này trong chúa nhật thứ ba Mùa Chay, trong một bài sách Xuất Hành về Ma-xa và Mơ-ri-va )

Tôi vừa nói người ta bị cám dỗ nghĩ rằng…: đấy chữ ấy nói ra đúng lắm. Nghĩ như thế, nghĩ rằng không muốn điều tốt lành cho chúng ta, có lẽ cũng không cho cuộc sống chúng ta, sự tự do chúng ta, hạnh phúc chúng ta… đó là một « cám dỗ ». Cái thảm kịch là, nhà thần học thế kỷ thứ X của chúng ta trả lời, cách nhìn như thế méo mó hết mọi sự. Và ông nói với chúng ta: « đừng tìm chi cho xa, từ thời nào đến bây giờ cũng bấy nhiêu chuyện… và ông kể cho chúng ta một câu truyện giàu hình ảnh ».

Một mảnh vườn huyền diệu được Thiên Chúa tạo ra và sau đó nhân loại được bàn tay người thợ gốm nhào nặn, nói như ngôn sứ Giê-rê-mi-a ( Gr18, 6)… Trong vườn ấy có mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon. Và hai thứ cây đặc biệt: « cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác » (St 2, 9). Tôi xin lưu ý cây trường sinh ở giữa vườn còn cây kia, cây cho biết điều thiện điều ác, bài không có nói nó ở đâu.

Và Thiên Chúa giao mảnh vườn ấy cho con người trồng trọt và canh giữ, Chúa nói trong một câu khác. Chúa còn nói thêm: « Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết. » (St 2, 16-17) (Xin lưu ý ở đây, không có chỗ nào nói đến trái táo và trái của cây trường sinh ở giữa vườn thì được ăn). Thế rồi con rắn vào cuộc. Nó nói với người phụ nữ và làm cho bà hiểu sai đi: « Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? » Người đàn bà trả lời: « Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết » (St 3, 3)

Các bạn hẳn đã chú ý có sự chuyển dịch: rất đơn giản, vì bà nghe tiếng nói của ngờ vực, bấy giờ bà chỉ nói đến cây ấy và bà nói: « cây ở giữa vườn »: kể từ đây cây ấy chứ không phải cây trường sinh bà thấy ở giữa vườn. Cái nhìn của bà bị sai lệch đi vì bà để cho con rắn nói với bà. Lúc bấy giờ con rắn tiếp tục cuộc tấn công: « Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. » (St 3, 4-5)

Ở đây nữa, người phụ nữ quá nghe những lời tốt đẹp này và bài gợi ý cho hiểu cách nhìn của bà càng ngày càng chệch hướng: trong chỉ một câu có ba từ về cái nhìn được dùng đến: « Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn ».

Con rắn có nói rõ « mắt ông bà sẽ mở ra ». Cái sai của người phụ nữ là tin rằng con rắn nói để bênh vực quyền lợi cho bà và phát hiện cho bà những ý định xấu của Thiên Chúa. Đó chỉ là lời nói láo: Cái nhìn của bà đã thay đổi, thật vậy, nó bị sai lệch. Không phải ngẫu nhiên sự ngờ vực Thiên Chúa được trình bày dưới những nét con rắn, ở Ít-ra-en họ có kinh nghiệm về những con rắn độc trong sa mạc. Nhà thần học trong vương triều Sa-lô-môn của chúng ta nhắc lại cái trải nghiệm thấm thía ấy và nói: có một loại nọc độc nghiêm trọng hơn nhiều nọc rắn thứ thật độc, ngờ vực Thiên Chúa là thứ nọc độc chết người, nó đầu độc đời chúng ta.

Nói rằng cây làm cho biết hạnh phúc và những gì bất hạnh, tức là chỉ có Chúa mới biết cái gì làm cho ta hạnh phúc và cái gì làm cho ta bất hạnh… Nhưng điều Ngài ước muốn là sự sống của chúng ta, sự tự do của chúng ta: có thể nào tưởng tượng một người làm nghề gốm rất yêu nghề lại nắn cho mình một cái hũ bằng đất để có cái thú là đem đi đập vỡ nó ?

Phần thêm

*Con rắn. Người ta nói con rắn là loài xảo quyệt nhất các loài thú vật và thật vậy, nó nói - dĩ nhiên là cố tình - một câu không rõ ràng: « Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? »: điều này có thể hiểu hai cách: « các ngươi có thể ăn mọi thứ trái chỉ trừ từ một thứ cây, hay là không được ăn thứ từ cây nào hết. » Để giản dị hoá, trong bài này cách chọn nghĩa nào của phụng vụ giúp hiểu phần sau của bài.

*Tại sao có sự dữ ? Từ đâu đến ? Sự dữ đâu phải là định mệnh: đó là điều bài này muốn cho ta hiểu. Sự dữ đến từ con người dùng sai tự do của mình; chính con người làm hỏng mọi sự: sự dữ không ghi trong định mệnh con người. Vì thế có một lối thoát: xử dụng đúng sự tự do sẽ thắng sự dữ. Đó là điều chính xác Thánh Phao-lô sẽ triển khai trong thư gửi tín hữu Rô-ma.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 50, 3-6.12-14.17) )

 

"Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa."

 

3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

6 Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.

12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

14 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;

17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

 

« Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Đây là câu đầu của Từng Giờ Kinh Phụng Vụ, mỗi buổi sáng. Câu này được trích từ Tv50. Chỉ câu này thôi là cả một bài học. Lời ngợi khen, lòng biết ơn chỉ được phát sinh một khi Thiên Chúa mở lòng và môi miệng chúng ta. Thánh Phao-lô phát biểu ý này một cách khác: « Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! » (Rm8, 15b). Điều này gợi lên cho tôi một cử chỉ của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Chúa chữa lành một người câm điếc. Khi Ngài chạm vào tai và miệng người bệnh, Chúa nói: Ê-pha-ta, có nghĩa là « Hãy mở ra », tức thì đám đông áp dụng ngay câu này cho Đức Giê-su mà Thánh Kinh chỉ dành cho Thiên Chúa: « Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. » (Is 35, 5). Ngay cả ngày nay, nhiều khi chủ tế lúc làm phép Rửa lặp lại cử chỉ của Chúa Giê-su trên người tân tòng và nói: « Chúa Giê-su làm cho mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, xin Ngài ban cho bạn nghe được Lời Chúa, và tuyên xưng đức tin để ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Cha, Cha Ngài. » 

Xin đừng nghĩ Thiên Chúa như các thủ lãnh trần gian, khao khát được ngợi khen: ngợi khen Thiên Chúa là đem lợi ích về chúng ta, làm cho chúng ta lớn lên. Như Thánh Au-gút-ti-nô nói: « Tất cả những gì con người làm cho Thiên Chúa là sinh lợi cho chính con người chứ không cho Thiên Chúa ». Lời ngợi khen dân tộc Ít-ra-en hướng về Thiên Chúa, là một cách nhìn nhận muôn ngàn ơn đã tràn xuống cho họ và bao lần được tha thứ, từ những ngày đầu lịch sử dân tộc họ. Và bài Thánh Vịnh này được hát lên trong các phụng vụ lễ sám hối. Điều này chứng tỏ lời nguyện quan trọng nhất trong lúc cử hành phụng vụ sám hối là lời công nhận những ân huệ lãnh nhận và ơn được Chúa thứ tha: phải bắt đầu chiêm ngắm Ngài, và sau dó sự chiêm ngắm ấy mặc khải cho chúng ta sự khác biệt giữa Chúa và chúng ta, chúng ta có thể nhận ra chúng ta là kẻ tội lỗi. Nghi lễ hòa giải nói rõ trong phần đầu: « Chúng con tuyên xưng tình yêu của Chúa đồng thời những tội lỗi của chúng con ».

Cả ngàn lần Ít-ra-en đã có thể trắc nghiệm Thiên Chúa thật sự là « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6), như Lời Ngài mặc khải cho Mô-sê trong sa mạc. Tương tự như thế, các ngôn sứ cũng quảng bá, trong mấy câu chúng ta vừa đọc có đầy dãy những lời của hai tiên tri I-sa-i-a và Ê-dê-ki-en. Ví dụ như nơi I-sa-i-a: « Ta sẽ làm cho tội của ngươi tan ra như làn khói, lỗi của ngươi biến mất tựa áng mây. Hãy trở lại cùng Ta, vì Ta là Đấng cứu chuộc ngươi. » (Is 44, 22). Hay nơi Ê-dê-ki-en: « Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần » (36, 25);

« Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng » (Ed 37, 23)

Đứng trước những lời tuyên xưng ấy, lặp lại lòng thương xót Chúa, dân tộc Ít-ra-en - bởi vỉ ở đây chính là lời của họ nói ra, như trong các thánh vịnh - nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Một ngày khi xưa tiên tri I-sa-i-a cũng đã nói với họ rằng: «Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA. »(Đnl 9, 7). Lời thú tội không đi vào chi tiết (cũng không bao giờ như thế trong các thánh vịnh sám hối). Thế nhưng điều quan trọng nhất đã được nói lên trong lời thỉnh cầu: « Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. » (c3). Và Thiên Chúa là đấng từ bi nhân hậu - như thể bị thu hút bởi sự thống khổ - không chờ đợi gì hơn nhìn nhận sự nghèo hèn của chúng ta. Hẳn các bạn biết chữ « xin xót thương » có cùng gốc của chữ « của bố thí »; theo nghĩa đen chúng ta là những người ăn xin trước mặt Thiên Chúa.

Đọc đến đây làm sao không nghĩ đến bài dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng ? ( Lc15). Khi hắn quay trờ về nhà cha, Chúa Giê-su đặt trên môi hắn một câu của thánh vịnh 50: « Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa »(c6), và chỉ câu này cũng đủ nối lại mối liên lạc mà đứa con đã cắt đứt. Chúng ta có thể đọc bài Thánh Vịnh này dưới ánh sáng của bài dụ ngôn nói trên.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 5, 12-19)

 

"Chỗ mà tội lỗi đã đầy tràn, thì ân sủng đã đầy dàn dụa."

Trích thư Thánh Phao-lô Tôngđồ gửi tín hữu Rô-ma.

 

12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.

13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.

14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

16 Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính.

17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.

18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.

19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

 

Hồi thế kỷ thứ X trước CN, tại Giê-ru-sa-lem, trong vương triều vua Salomon, một nhà thần học bị chất vấn về sự chết, sự dữ dưới mọi hình thức, để trả lời, ông kể cho chúng ta một câu truyện, đó là truyện vườn Địa đàng với những nhân vật: Chúa, người đàn ông và người đàn bà, con rắn. Nghe lời con rắn, người đàn ông và người đàn bà để lời con rắn xâm nhập vào lòng và bước sang phía bị sự chết chế ngự. Cố tình tác giả không nêu rõ tên họ người đàn ông lẫn người đàn bà. Chỉ gọi là A-đam, có nghĩa là đất cát, là bụi đất (được làm từ bụi đất). Sở dĩ không cho tên họ rõ cho A-đam người thần học thế kỷ thứ X của chúng ta cố ý muốn cho chúng ta hiểu bi kịch của A-đam không phải là một truyện của quá khứ: chúng ta tất cả đều là A-đam: mỗi lần chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa, chúng ta để cho thế lực của sự chết chiếm hữu đời chúng ta.

Thánh Phao-lô tiếp lời cho nhà thần học thế kỷ thứ X của chúng ta và loan báo nhân loại đã vượt qua một bước quyết định trong Chúa Giê-su Ki-tô: chúng ta đều là anh em với A-đam và cũng là anh em với Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta là anh em với A-đam một khi chúng ta để nọc độc của sự ngờ vực tàn hại tâm hồn chúng ta. Chúng ta là anh em với Chúa Giê-su Ki-tô khi chúng ta để lòng tín thác vào Chúa dẫn dắt đời chúng ta. Chúng ta dưới chủ quyền của sự chết khi sự ngờ vực đầu độc chúng ta; chúng ta được phục sinh với Chúa Giê-su Ki-tô, đã vào vương quốc của sự sống, khi chúng ta làm như Ngài, tức là « vâng lời », có nghĩa là tin tưởng vào Ngài.

Hẳn các bạn chú ý Thánh Phao-lô dùng nhiều lần từ: « thống trị »… Hai vương quốc đối chọi với nhau. Bài này có thể viết bằng hai cột chữ: một bên có thể viết về A-đam (tức là nhân loại khi hành động như A-đam), do tội lỗi thống trị, sự chết thống trị, phán xét, kết án. Trong cột bên kia về Chúa Giê-su Ki-tô (tức là cùng với Ngài nhân loại mới), ân sủng thống trị, sự sống thống trị, quà ban nhưng không, công chính. Không một ai trong chúng ta hoàn toàn đứng một phía của hai cột. Chúng ta là những người nam và người nữ bị chia ra. Thánh Phao-lô cũng nhìn nhận như thế, ngài nói: « điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm » (Rm 7, 14b)

A-đam (với nghĩa là nhân loại) được tạo dựng để « thống trị mặt đất… (và) làm bá chủ » điều được viết trong (St 1, 28). Thế nhưng ông muốn tự mình làm với khả năng của mình. Thế nhưng vai trò làm bá chủ là do nhận dược từ Thiên Chúa, vì chính quyền bá chủ của Thiên Chúa, ngài sẽ truyền cho ông. Một khi cắt đứt với Thiên Chúa, là ông ta cắt đứt với nguồn cội. Trái ngược lại, Chúa Giê-su Ki-tô không « đòi hỏi » quyền bá chủ ấy, quyền ấy Ngài được lãnh nhận. Như Thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê: « Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa» (Pl 2, 6). Bài tường thuật vườn địa đàng cũng nói như thế nhưng bằng nhiều hình ảnh: trước khi sa ngã người đàn ông và người đàn bà có thể ăn trái của cây sự sống; sau đó không còn được như thế nữa.

Mỗi bài một cách, hai bài, sách Sáng Thế và thư gửi tín hữu Rô-ma nói lên cho chúng ta một sự thật sâu sắc của đời chúng ta: với Thiên Chúa, tất cả là ân sủng, là quà nhưng không. Trong bài này Thánh Phao-lô nhấn mạnh về tính cách dồi dào, thừa thãi của ân sủng, ngài còn nói: « dồi dào hơn biết mấy » (c15): « 15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. » Có thể nói tất cả là quà ban nhưng không. Không có gì đáng ngạc nhiên, dĩ nhiên, như Thánh Gio-an nói, Chúa là tình yêu. 

Đến đây rõ ràng, chúng ta có thể hiểu những chữ, vâng lời và bất vâng lời khi Thánh Phao-lô dùng. Có thể thay chữ vâng lời bằng tin tưởng và chữ bất vâng lời bằng chữ ngờ vực. Nói như nhà triết học Đan Mạch thế kỷ XIX Kierkegaard, tôi vừa kể ở trên: ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, mà là đức tin. Không phải vì Chúa Ki-tô hành động đúng mới nhận được phần thưởng hay A-đam cư xử không đúng mới dẫn tới bị trừng phạt; sâu xa hơn thế nữa kia. Đấng Ki-tô tin tưởng Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài tất cả… và thật thế, tất cả đã được ban cho Ngài trong sự Phục Sinh. Trái lại, A-đam (tức là mỗi chúng ta trong một khoảnh khắc nào đó) muốn chiếm đoạt một điều gì đó mà ông ta chỉ có thể sở hữu như một món quà; ông ta trở nên « trần truồng » tức là mất tất cả. 

Tôi xin trở lại hai cột viết: bởi lúc sinh ra chúng ta là công dân dưới sự thống trị của A-đam, chúng ta đã xin thay quốc tịch sang vương quốc Chúa Giê-su Ki-tô.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 4, 1-11)

 

"Chúa Giê-su nhịn ăn bốn mươi ngày đêm và chịu cám dỗ."

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.

2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.

3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! "

4 Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."

5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ,

6 rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."

7 Đức Giê-su đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy,

9 và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi."

10 Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

 

Mỗi năm, Mùa Chay được khởi đầu bằng bài tường thuật Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc: Hẳn đây là một bài thật sự nền tảng! Năm nay chúng ta đọc trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-Thêu.

« Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ ». Ngài tên Giê-su và Thánh Mát-thêu trong vài câu trước nói: « … con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ » (Mt 1, 21), đó là ý nghĩa của tên Giê-su. Ngài vừa được nhận phép rửa trên sông Gio-đan do ông Gio-an Tẩy Giả. Ông Gio-an không bằng lòng và nói: « Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi » (Mt 3, 14) (Câu này ngụ ý nói, thế giới đảo ngược) … Và như thế, trong phép rửa này đã xảy ra một sự kiện: « Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. » (Mt 3, 16-17). Cụm chữCon Yêu Dấu của Ta đồng nghĩa với Đấng Mê-si-a và câu: « Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người », được trích từ những bài ca Người Tôi Trung của Tiên tri I-sa-i-a.

Chỉ trong vài từ, Thánh Mát-thêu vừa nhắc lại cho chúng ta Mầu Nhiệm Chúa Giê-su; và chính Ngài - Đấng Mê-si-a, Đấng cứu độ, Người Tôi Trung - sẽ đối đầu với Kẻ Cám Dỗ. Cũng giống như dân Ngài mấy thế kỷ trước, Ngài được dẫn vào hoang địa và chịu đói; như dân Ngài, Chúa phải khám phá ra ý Chúa trên con cái Ngài; như dân Ngài Chúa phải biết chọn lựa phải bái phục ai. « Nếu ông là con Thiên Chúa » kẻ cám dỗ không ngớt lặp lại câu này, vì đây mới chính là vấn đề. Và Chúa Giê-su chẳng những phải đối diện ba lần, nhưng suốt cuộc đời trần thế của Ngài: là Đấng Mê-si-a là như thế nào ? Câu hỏi được đặt ra dưới nhiều hình thức: có phải giải quyết các vấn nạn của nhân loại bằng những phép lạ như biến đá thành bánh ? Hay là thách đố Thiên Chúa để kiểm tra những lời hứa của Ngài ? – Như nhảy từ trên đỉnh đền thờ chẳng hạn, như trong thánh vịnh 91, trong ấy Thiên Chúa cứu Đấng Mê-si-a – Có phải chiếm hữu cả thế giới, ngự trị bất cứ giá nào, kể cả thờ phượng bất cứ bụt thần nào ? (tôi xin lưu ý, lần thứ ba này, kẻ Cám Dỗ không lặp lại « Nếu ông là con Thiên Chúa ».)

Điều trớ trêu là trong các sự cám dỗ này, đều nhắm đến những lời hứa của Thiên Chúa: không hứa gì ngoài những lời hứa của Chúa cho Đấng Mê-si-a. Và cả đôi bên, Kẻ Cám Dỗ và Chúa Giê-su đều ý thức. Thế nhưng… những lời hứa của Thiên Chúa là trên bình diện tình yêu; chỉ được lãnh nhận như những món quà; tình yêu không đòi hỏi, không chiếm đoạt, quỳ gối xuống lãnh nhận với lòng cảm tạ. Thật ra như những gì xảy ra trong vườn Sáng Thế. A-đam biết rằng, và điều này rất hữu lý, ông được tạo dựng để làm vua, để được tự do, để chế ngự mọi tạo vật; nhưng thay vì đón nhận những hồng ân ấy như món quà, với lòng cảm tạ và biết ơn thì ông đòi hỏi, ra yêu sách và tự đặt mình như ngang hàng với Thiên Chúa… ông tự thoát ra khỏi lãnh vực của tình yêu và ông không còn có thể nhận tình yêu được đề nghị… bất chợt ông trở nên nghèo nàn, trần trụi.

Chúa Giê-su thì có những chọn lựa trái ngược lại: « Xa-tan, lui lại đàng sau! » Có lần Chúa cũng nói với Phê-rô như thế: « tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. » (Mt 16, 23). Hơn nữa trong bài này, nhiều lần Thánh Mát-thêu gọi kẻ Cám Dỗ là « quỷ » theo tiếng Hy-lạp từ này có nghĩa là « kẻ chia rẽ ». Satan đối với mỗi chúng ta cũng như đối với Chúa là kẻ muốn chia cách chúng ta với Chúa, nhìn mọi sự như A-đam chứ không như Chúa. Nhân dịp này tôi xin lưu ý, tất cả là trong cái nhìn: A-đam nhìn sai lệch; ngược lại để có cái nhìn trong sáng, Chúa Giê-su kín múc từ Lời Chúa. Cả ba lần trả lời cho Kẻ Cám Dỗ ngài trích từ sách Đệ Nhị Luật, chính là đoạn suy niệm về các cơn cám dỗ của dân Ít-ra-en trong hoang địa.

Thế rồi Thánh Mát-thêu xác định, quỷ bỏ đi; nó đã thất bại không chia rẽ được, không hướng sai lệch lòng Con Chúa. Điều này làm cho ta không thể cưỡng nghĩ đến câu trong phần mở đầu Tin Mừng theo Thánh Gio-an (Ga 1, 1) « Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa ». Quỷ không thành công chia rẽ, hướng sai lệch lòng Người Con vì thế Ngài hoàn toàn có thể lãnh nhận quà từ Thiên Chúa: « các sứ thần tiến đến hầu hạ Người » (c11)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com