BÀI ĐỌC 1 (Cv 2, 1-11)
Các vị đuợc tràn đẩy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,
2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.
3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.
4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.
6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.
7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư?
8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?
9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a,
10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây;
11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!"
Trước khi là ngày Lễ Ki-tô, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một lễ Do Thái (LND: còn được gọi là Lễ Ngũ Tuần). Lễ này đã từng có từ nhiều thế kỷ trước khi là một lễ Do Thái, đó là ngày lễ hội nhà nông, mừng mùa gặt hái. Không ai biết rõ ngày này xuất phát từ khi nào, chỉ được biết nhắc đến đây đó trong lịch sử, ở các nghi thức được nhắc lại trong truyền thống. Còn về lễ Ngũ Tuần, trước tiên là một ngày lễ nông thôn, nhưng dần dần các kỷ niệm về Giao Ước được ghép vào đó, và ý nghĩa tôn giáo trội vượt hơn những ý nghĩa khác. Xin mở ngoặc, cũng như sự kiện xảy ra cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Phục Sinh cũng tương tự như thế.
Lễ Vượt Qua (LND: nay Ki-tô giáo gọi là lễ Phục Sinh) đã có trước ông Mô-sê. Các nghi thức là ngày nông dân và cả người làm nghề chăn nuôi mừng mùa xuân đến. Và gần như có mối liên quan giữa hai lễ, một là đầu mùa xuân, lễ kia là khi vừa cuối mùa gặt hái. Hai lễ cách nhau một mùa gặt, có thể từ 6 đến 8 tuần. Thế mà sách Xuất Hành kể lại rằng cuộc giải thoát khỏi Ai-cập xảy ra vào ngày Lễ Vượt Qua. Từ nay, khi cử hành các nghi lễ của tổ tiên vào mùa xuân, tưởng niệm Lễ Vượt Qua, cũng là dịp suy niệm Thiên Chúa giải thoát dân Ngài.
Vì lẽ đó, dần dần lễ Vượt Qua trở thành lễ Thiên Chúa giải thoát khỏi Ai-cập. Cũng như thế, sách Xuất Hành nói cho chúng ta, Thiên Chúa đã ban các Bia Lề Luật cho ông Mô-sê vài tuần sau ngày được giải thoát khỏi Ai-cập, và vì vậy lễ được mùa cũng thêm phong phú, mang một ý nghĩa mới: trở thành Lễ được ban Lề Luật. Sau này, người ta ấn định ngày cho hai lễ ấy, hai lễ cách nhau chính xác 7 tuần (và ngày lễ thứ hai, lễ chúng ta đang đề cập, được đặt tên theo tiếng Do Thái là «shavouôth», có nghĩa là «những tuần», theo tiếng Hy-lạp là «pentecote» nghĩa là «năm mươi»: 7 tuần lễ, tức là 49 ngày, lễ mừng ngày thứ năm mươi)
Dần dần, trong suy niệm, dân Ít-ra-en khám phá giữa hai ngày lễ một ý nghĩa thâm sâu. Lễ Vượt Qua là cuộc giải phóng thể lý: thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, nhưng có những nô lệ khác ngoài nô lệ thể lý. Lễ Ngũ Tuần mừng được Lề Luật, được hiểu là cuộc giải thoát siêu nhiên. (Dân Ít-ra-en hiểu Lề Luật là con đường dẫn đến tự do)
Thời Chúa Giê-su Ki-tô, lễ Ngũ Tuần Do Thái, lễ được ban Lề Luật, là một lễ rất quan trọng: đó là một trong ba lễ người ta lên đền Giê-ru-sa-lem hành hương. Câu đầu bài đọc hôm nay nhắc chúng ta đến điều ấy: «Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi» Dĩ nhiên, Thánh Lu-ca nói ở đây về các môn đệ, nhưng phần sau của bài, nói dân chúng đầy nhiệt thành có mặt tại Giê-ru-sa-lem đến từ khắp nơi, hàng ngàn người Do Thái Sùng đạo có khi đến từ những nơi xa xôi, «Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về» (c5). Thật vậy, năm Chúa Giê-su chết, rất nhiều người đến Giê-ru-sa-lem. Tôi cố tình nói «Chúa Giê-su chết», không nói đến sự Phục Sinh của Ngài, vì việc này lúc ấy còn là điều chỉ được biết trong vòng thân mật. Các người đến từ khắp nơi, hẳn có người chưa hề được biết ông Giê-su thành Na-da-rét là ai. Năm ấy cũng như mọi năm, lễ Ngũ Tuần cũng như những lễ Ngũ Tuần khác, nhưng cũng đã là điều hay lắm rồi! Đến Giê-ru-sa-lem với lòng sùng kính, trong đức tin, và phấn chấn của một cuộc hành hương để hâm nóng lại Giao Ước với Thiên Chúa.
Đối với các môn đệ, dĩ nhiên, lễ Ngũ Tuần này, năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su, Đấng họ biết là Đấng Ki-tô, có nghĩa là Đấng «Mê-si-a», họ đã thấy, đã nghe, đã được chạm vào sau khi Ngài Phục sinh, ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay không còn như mọi lễ Ngũ Tuần khác nữa. Không có nghĩa là họ biết chuyện gì sắp xảy ra!
Để cho chúng ta hiểu chuyện gì xảy ra, Thánh Lu-ca tường thuật với những từ ngữ chính xác được ngài chọn kỹ, để gợi lên ít nữa ba tài liệu rút từ Cựu Ước. Ba bài ấy là Lề Luật được ân ban, một lời của tiên tri Giô-en, và giai đoạn tháp Ba-ben. Bắt đầu bằng sa mạc Sinai, các lưỡi lửa ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, có tiếng «như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà» (Cv 2, 2), điều này cũng nhắc lại chuyện đã xảy ra ở Sinai khi Chúa ban bia Lề Luật. Họ thấy Chúa bước xuống từ đám lửa, và khói bốc lên như từ một lò lửa, núi rung động dữ dội… Ông Mô-sê nói với Chúa, Ngài trả lời bằng tiếng vang dội như sét đánh. Tường thuật của Thánh sử Lu-ca với ngụ ý tường thuật sự kiện sa mạc Sinai, ngài muốn cho chúng ta hiểu Lễ Ngũ Tuần năm ấy rất khác biệt với mọi cuộc hành hương cổ truyền: là một sự kiện Sinai mới. Như khi xưa Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài để huấn luyện họ sống trong Giao Ước, từ nay Chúa ban chính Thần Khí của Ngài cho dân Chúa chọn. Và đây, chúng ta nghe lại lời của tiên tri Ê-dê-ki-en chẳng hạn: «Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành» (Ed 36, 27). Lề Luật của Chúa (điều kiện duy nhất để sống thật sự tự do và hạnh phúc, xin đừng quên). Lề Luật của Chúa nay không còn khắc ghi trên bia đá mà được ghi khắc trong bia bằng thịt, vào lòng người.
Điều thứ hai, tôi vừa nói với quý bạn, Thánh Lu-ca hẳn muốn gợi lại lời tiên tri Giô-en. Trong chương thứ 3 chúng ta có thể đọc: «Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm» (Ge, 1). Việc Thánh Kinh kể tên các quốc tịch hiện diện ở Giê-ru-sa-lem năm ấy và câu nói rõ: «Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về» (c5) minh chứng cho chúng ta lời tiên tri Giô-en được hoàn tất.
Sau cùng, là giai đoạn tháp Ba-ben. Hẳn quý bạn còn nhớ câu chuyện Tháp Ba-ben, để tóm lược chúng ta có thể nói như một vở kịch hai màn. Màn I mọi người nói một thứ tiếng, và một ngôn ngữ. Họ quyết định xây dựng một kỳ công vĩ đại và quy tụ mọi nỗ lực: xây một cái tháp đồ sộ… Màn II, Chúa can thiệp và chặn lại: Chúa phân tán họ ra khắp địa cầu và làm rối loạn các ngôn ngữ của họ, từ nay họ không còn hiểu nhau nữa. Chúng ta tự hỏi phải kết luận ra sao về sự kiện này. Nếu không muốn gán cho Chúa ý định không ngay lành, thì không thể nào nghĩ gì khác là Chúa hành động như thế là cho hạnh phúc nhân loại. Vì thế, Chúa can thiệp để con người không dấn thân trên một nẻo đường sai lầm: đó là con đường tư tưởng duy nhất, dự án duy nhất, đâu đó như Chúa nói: các con ơi, các con tìm sự hiệp nhất, nhưng không nên lầm đường: hiệp nhất không phải là đồng nhất hóa mọi sự! Hiệp nhất thật sự của tình yêu chỉ có thể ở trong sự đa dạng.
Bài tường thuật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Thánh Lu-ca thể hiện đúng tư tưởng của giai đoạn Tháp Ba-ben: tại Ba-ben con người học tính đa dạng: lễ Thánh Thần Hiện Xuống con người học hiệp nhất trong đa dạng. Từ nay, trong mọi dân tộc dưới một bầu trời đều nghe tuyên xưng trong mọi ngôn ngữ riêng của họ, một sứ điệp duy nhất: những kỳ công Thiên Chúa.
***
THÁNH VỊNH ( Tv103, 1ab . 24ac-30.31 và 34)
Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất.
1 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
24 Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.
31 Vinh hiển CHÚA, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình CHÚA làm Chúa được hân hoan.
34 Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.
Có lẽ nên đọc trọn 36 câu của bài thánh vịnh này ! 36 câu thuần tuý ngợi khen và thán phục trước những tác phẩm của Thiên Chúa. Tôi gọi là các « câu » như ta thường nói trong thánh vịnh nhưng lẽ ra tôi nên nói 36 câu thơ vì đây là một bài thơ tuyệt vời.
Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên bài Thánh Vịnh này được chọn cho ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vì trong sách Công Vụ Tông Đồ thánh Lu-ca kể rằng sáng ngày Lễ này, các thánh Tông Đồ lòng đầy Thánh Linh bắt đầu rao giảng những điều kỳ diệu của Chúa bằng nhiều thứ tiếng. Các bạn có thể nghĩ rằng, không cần có Đức Tin mới kinh ngạc thán phục trước những kỳ công Tạo Dựng ! Thật vậy chúng ta tìm thấy biết bao nhiêu bài thơ tán tụng vẻ đẹp của thiên nhiên trong mọi nền văn minh trên thế giới. Đặc biệt bên Ai-cập trên mộ một vị Pha-ra-ông ( A-mê-nô-phít IV) được khắc một bài ngợi ca Chúa-Mặt Trời. Vua A-mê-nô-phít đệ IV sống năm 1350 trước công nguyên, thuở ấy dân Do Thái còn ở bên Ai Cập, có lẽ họ cũng biết bài ngợi ca ấy.
Giữa bài thơ vua Pha-ro-ông và bài thánh vịnh 103 có những lối hành văn và những từ ngữ tương tự, dĩ nhiên : lời tán tụng, ngợi khen đều giống nhau khắp mọi nơi ! Điều thú vị là những khác biệt, ở đây những sự khác biệt mang dấu ấn của sự Mặc Khải cho Dân của Giao Ước.
Sự khác biệt đầu tiên – và cũng là điều chính yếu cho đức tin dân Ít-ra-en – Thiên Chúa là Thiên Chúa, không có chúa nào khác hơn Ngài, mặt trời không phải là Chúa ! Chúng ta có dịp chú ý đến điều này trong thuật trình tạo dựng trong sách Sáng Thế : Thánh Kinh đã cẩn thận đặt mặt trời mặt trăng vào chỗ đứng của nó, chúng không phải là thần thánh, chỉ là những ngọn đèn của vũ trụ. Chúng cũng chỉ là những tạo vật : có một trong những câu của TV nói rõ ràng :
« 19 Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết, dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian »
Tôi xin không nói thêm vì những câu này không được đọc trong ngày Lễ Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, nhưng có những câu giới thiệu Thiên Chúa là đấng Tạo Dựng duy nhất. Thi nhân dành cho Ngài những danh từ của vua chúa : Thiên Chúa là vị vua tuyệt vời, uy nghi và vinh thắng. Ví dụ như chữ « vô cùng cao cả » mà chúng ta nghe, đó là một cụm từ diễn tả sự chiến thắng của vua ngoài trận chiến. Đó là một cách nói theo thế gian để nói lên Thiên Chúa đã chiến thắng thời hỗn mang của vũ trụ trước kia như Sáng Thế đã miêu tả.
Và đây là sự khác biệt thứ hai của Sách Thánh : Việc Tạo Dựng chỉ có thể tốt mà thôi. Chúng ta thấy ở đây là tiếng vang của bài thơ tuyệt diệu trong Sách Sáng Thế lập đi lập lại như một điệp khúc « và Chúa thấy thế là tốt đẹp ». Hơn nữa, đây không phải là điều ngẫu nhiên bài thánh vịnh 103 được có một cấu trúc giống như sách Sáng Thế : Các thành phần được tạo dựng từng ngày trong sáu ngày, bài thánh vịnh cũng nêu rõ trong thứ tự cho đến đỉnh cao chót trong đó con người nhận được hơi thở của Thiên Chúa. Chính hơi thở của Chúa làm cho chúng ta rung động trước sự hiện diện của Chúa, làm cho ta hoà nhịp với Ngài. Từ đầu đến cuối bài thánh vịnh này chỉ có một giọng điệu là lời thán phục tán tụng Thiên Chúa. :
« 31 Vinh hiển CHÚA, nguyện muôn năm tồn tại, công trình CHÚA làm Chúa được hân hoan.
34 Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.
Không vì thế mà sự dữ bị quên đi, gần cuối bài có câu : « 35 Ước gì tội nhân phải biệt tích cõi đời, bọn bất lương sạch bóng chẳng còn ai ».
Sự dữ không do Thiên Chúa tạo dựng. Một ngày Chúa sẽ làm cho biến mất khỏi thế gian : Vua sẽ chiến thắng những gì cản trở đến hạnh phúc con người.
Điều khác biệt thứ ba là đức tin dân Ít-ra-en. Công trình tạo dựng không thuộc về quá khứ. Tất cả giống như Thiên Chúa phóng quả đất và con người vào vũ trụ. Đây là một quan hệ vẫn tồn lưu giữa đấng Tạo Hoá và tạo vật của Ngài. Khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính : « Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất », chúng ta không tuyên xưng đức tin chúng ta vì chỉ lẽ Chúa đã tạo dựng chúng ta nhưng nhìn nhận quan hệ phụ thuộc của chúng ta đối với Ngài. Bài thánh vịnh hôm nay nói rõ điều ấy : « 29 Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.)
Hơn nữa các động từ nói về công trình Thiên Chúa đều được chia theo thể hiện tại.
Còn điều khác biệt nữa của đức tin Ít-ra-en : đỉnh cao của công trình tạo dưng là con người. Được tạo dựng để làm chúa tể các tạo vật, được đầy hơi thở của chính Thiên Chúa. Phải có một mặc khải để con người mới dám có ý nghĩ táo bạo như thế. ! Chính là điều chúng ta cử hành trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống này : Thánh Linh ngự trong chúng ta, làm chúng ta rung động trước sự hiện diện của Thiên Chúa, làm cho chúng ta rung cùng nhịp điệu với Ngài. Và vì thế chúng ta có thể nói : « 31…công trình CHÚA làm Chúa được hân hoa 33 …Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA »
Sau cùng và là điều quan trọng nhất, đối với Ít-ra-en mọi suy niệm về tạo dựng phải được lồng vào viễn ảnh của Giao Ước. Ít-ra-en đã trải nghiệm công trình giải thoát của Thiên Chúa và chỉ sau đó mới suy niệm về Tạo Dựng dưới ánh sáng của trải nghiệm đó. Trong bài thánh vịnh hôm nay chúng ta còn nhìn ra nhiều dấu vết ấy
Trước hết tên Chúa được gọi bằng 4 chữ cái không thể đọc được YHVH, cũng chính là mặc khải của Chúa trong Giao Ước. Sau đó chúng ta nghe khi nãy : « Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả », cụm chữ THIÊN CHÚA CON THỜ, có ý sở hữu là cách nhắc lại Giao Ước : « 22 Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi » ( Gr 30,22) . Lời hứa ấy là ân huệ do Thánh Linh « Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm » như tiên tri Giô-en đã phán.
***
BÀI ĐỌC 2 (1Cr12, 3b-7.12-13)
Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Tôi nói cho anh em biết: ... không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí.
4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.
5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.
6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.
7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.
13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
« Tự do, bình đẳng, huynh đệ » : ba khẩu hiệu này không phải từ Thánh Phao-lô, nhưng rất có thể phát xuất từ ngài. Và có lẽ chúng ta chưa hết khám phá các lời tuyên bố của ngài có tính cách cách mạng như thế nào ! Ví dụ như, một trong những điểm đáng chú ý nhất của Thánh Phao-lô cách triển khai bài chúng ta vừa nghe, ngài gạch xoá bỏ bằng một nét bút khẳng định mọi suy tưởng về giai cấp, hay tính cao trọng, Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả những điều quan tâm thế tục của chúng ta, không có gì đáng kể nữa cả. Từ nay chỉ có một điều đáng kể : bí tích Rửa Tội của chúng ta trong Thần Khí duy nhất của Chúa, tham dự vào thân thể duy nhất của Chúa Ki-tô. Tất cả những cách biệt trần tục của chúng ta không đáng kể nữa : hết rồi những thái độ quan tâm tới sự cao trọng hay thấp hèn. Mọi kỳ thị không còn có thể được. Cách nhìn của Chúa khác hẳn «Giữa anh em thì không được như vậy » ( Mt20, 26) Chúa nói như thế cho các Tông đồ.
Dĩ nhiên các vấn đề của các tín hữu thành Cô-rin-tô không hẳn là các vấn đề của chúng ta. Rõ ràng, đối với họ những lý do chia rẽ bắt đầu từ nguồn gốc : « Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do » ( 1Cr12, 13). Nhưng các cộng đoàn thời đó chưa được cấu trúc rõ ràng, vì thế chúng ta luôn gặp khó khăn khi miêu tả tổ chức các cộng đồng Ki-tô tiên khởi. Nhưng ý tưởng Thánh Phao-lô mang lại cho chúng ta làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Nơi chúng ta những vấn nạn có nguồn gốc xã hội hay chủng tộc vẫn tồn tại, nhưng còn thêm vào đấy những khó khăn để sống thanh thản và mỗi người tìm thấy được chỗ đứng thích hợp với mình trong cấu trúc của Giáo Hội mặc dù đã được lập nên từ 2000 năm nay.
Sứ điệp đầu tiên của Thánh Phao-lô hôm nay, đó là trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô chính là một Giáo Hội có sứ mệnh là một nơi được huấn luyện không còn nghĩ đến chuyện cao trọng, thứ bật, tăng thưởng, vinh dự. Nơi khi được trao một nhiệm vụ không phải là một thăng chức hay là một hình thức trá hình hạ chức. Nơi mà nhậm chức thánh không trao cho một đặc quyền ăn trên ngồi trước. Nếu phải vẽ ra một Hội Thánh, biểu hình này không phải một hình kim tự tháp, nhưng là một đám đông chung quanh Một Người( Dĩ nhiên Một Người viết hoa)
Thánh Phao-lô cũng vẽ. Nhưng ngài vẽ đơn giản là một thân thể : Chúa Ki-tô là đầu, và tất cả những người được rửa tội, chúng ta là chi thể. Và những ai trong chúng ta được chịu chức thánh, chính những người ấy có vai trò là dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện vô hình của Chúa Ki-tô trong thân thể của họ. Điều này không mang cho họ một sự cao trọng mà một sứ vụ. Mặc dù chúng ta không ai giống ai : tuổi tác, lý lịch cũng mang lại cho mình phần nào quan trọng…thế nhưng không như mọi người tưởng.
Thì đây là sứ điệp thứ hai của Thánh Phao-lô : tính đa dạng của chúng ta là một hồng ân. Không phải ngẫu nhiên ngài dùng nhiều lần từ ngữ ân sủng : «Có nhiều đặc sủng khác nhau ; Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người (LND :đã nhận ân sủng) một cách, là vì ích chung» (4.7) Ở đây cũng thế, cuộc đời đảo ngược, vì thông thường sự đa dạng làm cho chúng ta đau khổ, chúng ta thường trải nghiệm điều này trong phụng vụ. Trái lại Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta vui lên vì điều này : tính đa dạng là một sự giàu có ! Và một cách nghịch lý chính tính đa dạng xây dựng sự hiệp nhất của chúng ta. Đó là một sứ điệp hết sức quan trọng trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, chúng ta thấy trong bài tường thuật sách Sứ vụ Tông đồ. Thật tình, nếu chúng ta tưởng tượng biểu hiện Giáo Hội bằng một hình vẽ, chúng ta có thể vẽ một đám đông, nhưng là một đám đông với tất cả các màu da.
Hiệp nhất trong đa dạng là một thách đố lớn, nhưng chúng ta có thể thắng được một khi Thần Khí ban cho là Thần Khí Tình Yêu, Tình Yêu kết hiệp Chúa Cha và Chúa Con. Vì lẽ ấy, có một cách rất hay để đọc bài này là thay vào chữ Thần Khí bằng Tình Yêu.
***
PHÚC ÂM ( Ga20, 19-23) A & B
Alleluia, alleluia !- Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong l ;òng họ.- Aleluia.
« Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con : các con hãy nhận lấy Thánh Thần »
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
CA TIẾP LIÊN
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Đấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.
(Amen. Alleluia.)
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Chúng ta đã từng đọc bài Tin Mừng này ở tuần II Chúa nhật Phục Sinh nhưng hôm nay mang lại cho ta một ánh sáng mới, vì lẽ có các bài khác cùng đọc ở ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ví dụ như sự kiện nêu lên trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong sách Công Vụ Tông Đồ là cho chúng ta chú ý ngay đến hơi thở :
« 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần » ( Ga 20,22) ;
Sách Công Vụ TĐ nói « 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp »( Cv 2,2).
Trong lúc đó bài TV hôm nay Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống chép : « 30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên » ( Tv 103 30) ;
Cùng một tiếng vang ấy trong sách Sáng Thế : « 7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật » ( St 2,7) . Đó có nghĩa là Thánh Linh đối với chúng ta là hơi thở đem lại sự sống, và ơn sủng của Ngài làm cho chúng ta được sự tái sinh.
Điều thứ hai chúng ta lưu ý về hơi thở : Hình như thứ tự các sự kiện thánh sử Gio-an chọn về Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là cho chúng ta một bài học. Tôi xin chép lại 3 câu theo thứ tự :
1/- « Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em »
2/- "22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
3/- 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Câu thứ nhất và câu thứ ba là 2 sứ vụ ; đóng khung cho câu giữa là ân sủng Chúa Thánh Thần. Tất cả để muốn nói ơn Chúa Thánh Thần ban cho là để chu toàn nhiệm vụ. Chúng ta không có lẽ sống nào khác ngoài nhiệm vụ ấy. Nhiệm vụ ấy là « tha tội ». Đó cũng là điều Chúa Giê-su đã làm ; vì thế ngài nói : « Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em ». Chúa Giê-su là đấng được sai đi, đó là một đề tài thánh Gio-an yêu chuộng.
Tới phiên chúng ta Chúa Giê-su cũng gởi chúng ta ra đi, và thánh Gio-an cũng dùng một ngôn ngữ như thế. Đức Chúa Cha gởi Chúa Giê-su đi, và chúng ta là được Chúa Giê-su gởi đi. Chúng ta có cùng một sứ vụ của Chúa Giê-su, Ngài đã gởi chúng ta ra đi. Nói như thế để thấy trách nhiệm, sự tín nhiệm nơi chúng ta ; điều này dành cho tất cả những ai nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội. Sứ vụ ấy của Chúa Giê-su, nếu chỉ theo Tin Mừng thánh Gio-an là thanh tẩy mọi tội lỗi của thế gian – tôi có khuynh hướng muốn nói « diệt tận rễ tội lỗi » thế gian – vì là con chiên Thiên Chúa :« Chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian » như ông Gio-an Tẩy Giả nói. Con chiên là kẻ « hiền và nhân hậu » đứng trước các đao phủ của mình ( như tiên tri I-sa-i-a nói ( Is 52-53) . Đó cũng là con chiên vượt qua mà máu của nó đã đánh dấu ngày được Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. Ngoài việc giải cứu ra khỏi Ai-cập câu sau đây của ông Gio-an Tẩy-giả còn muốn nói giải thoát khỏi hận thù và bạo lực.
Chúa Giê-su cũng thường nói về sứ vụ của Ngài : « 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ …để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,» ( Ga 3,17 ;3 16b). Có lẽ các lời Chúa Giê-su về sứ vụ của Ngài làm sáng tỏ câu khá khó hiểu của bài hôm nay : « 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ». Chúng ta chấp nhận tất nhiên dễ dàng phần đầu của câu ấy, phần thứ hai làm cho chúng ta bối rối. Để tôi thử nói rõ thêm câu này, hi vọng không làm sai nghĩa : « Anh em tha tội cho ai thì tội của người ấy được tha, anh em không tha tội cho người nào, thì tội người ấy sẽ không được tha »
Không thể nào tưởng tượng Cha chúng ta trên trời có thể không tha tội. Từ Cựu Ước mọi điều đều được sáng tỏ rằng sự tha thứ của Thiên Chúa còn đi trước lòng sám hối của chúng ta. Nơi Thiên Chúa sự tha thứ không phải là một hành động nhất thời, bản chất Ngài là tha thứ. Chúa là ơn cho không và tha thứ. Đặc điểm của lòng thương xót Thiên Chúa là nghiêng về kẻ khốn cùng, và chúng ta là kẻ khốn cùng.
Thế ra Chúa trao cho các Tông đồ quyền loan báo lời tha thứ của Thiên Chúa ; và đồng thời một trách nhiệm kinh khủng trong đoạn thứ hai của câu trên : Không loan báo lời tha thứ ấy của Thiên Chúa, để cho thế gian không hiểu biết gì về lòng tha thứ ấy của Ngài, là để thế gian trong sự tuyệt vọng. Nghe tới đây chúng ta muốn ra đi thi hành ngay. !
Sự tha thứ của Chúa phải được loan truyền bằng hai phương cách : lời nói và hành động. Điều đòi hỏi nơi chúng ta chính chúng ta là Tha thứ. Chúng ta đối với thế gian là những chứng nhân của lòng tha thứ của Chúa. Đó là sự tạo dựng mới, Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta lòng tha thứ của Ngài. Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ơn tha thứ đã được thổi và chúng ta. Chúa thổi vào, nhắc nhở chúng ta ( Người dịch : theo tiếng Pháp chữ thổi và nhắc nhở đồng nghĩa của chữ souffler) những lời thứ tha. Cũng như trong rạp trình diễn kịch, hay cải lương từ cái lỗ trước sân khấu có người nhắc cho diễn viên. Kể từ nay có đấng nhắc nhở chúng ta có những lời và hành động tha thứ. Chúa Thánh Linh biến chúng ta thành những con chiên của Thiên Chúa và ban cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng vòng xoắn của hận thù và bạo lực. Đấy cuối cùng là « ngày thứ 8 » mà Cựu Ước loan báo, ngày mà tất cả nhân loại sống trong tình yêu và tha thứ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.