Một thương gia trong một thị trấn nhỏ nọ có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai cùng làm việc tại cửa hàng của cha mình.
Khi ông qua đời, họ thay ông trông coi cửa hàng. Mọi việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất…
Người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách. Khi quay lại, tờ giấy bạc đã biến mất.
Người em hỏi người anh: - “Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không?”. - “Không !”, người anh đáp.
Tuy thế, người em vẫn không ngừng tìm kiếm và gạn hỏi: - “Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được ! Chắc chắn anh phải thấy nó !”
Sự buộc tội phảng phất trong giọng nói củangười em. Căng thẳng bất đầu tăng lên giữa hai anh em. Sự oán giận cũng theo đấy mà len vào.
Không lâu sau, một hố ngăn cách gay gắt và sâu thẳm đã chia cách hai chàng trai trẻ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào. Cuối cùng không làm chung với nhau, và một bức tường ngăn cách đã được xây ngang giữa cửa hàng. Sự thù địch và oán giận cũng lớn lên tiếp theo 20 năm sau đó, lan đến cả gia đình họ.
Một ngày nọ, một người đàn ông đỗ xe ngay trước của hàng. Ông bước vào và hỏi người bán hàng : - “Anh đã ở đây bao lâu rồi?”. Người bán hàng đáp rằng anh đã ở đây cả cuộc đời. Vị khách nói tiếp : -“Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước tôi đang đi xe lửa và tạt vào thị trấn này. Lúc đó vì tiền khô chày túi tôi đã phải chịu đói khát suốt 3 ngày trời. Khi tôi đến đây bằng cửa sau thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó.Tôi biết nó không phải là món tiền lớn nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh tha thứ lỗi.”
Người đàn ông ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này.
“ Ông có vui lòng sang cửa hàng bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không”. Anh ta đề nghị.
Rồi người khách lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng.
Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn.Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ.
___________________
CHIASẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
Cái nhìn nông cạn, kết luận vội vàng.
Biết bao thứ đổ vỡ chỉ vì lý do người ta có cái nhìn nông cạn, kết luận vội vàng.
Ta thử suy ngẫm vài mẫu chuyện nhỏ về vấn đề này:
Có một nhà phẫu thuật nổi tiếng ở Vienne nói với học trò mình rằng: - “Một bác sĩ giải phẫu cần có hai khả năng đặc biệt: Một là không nôn mửa, hai là có tài quan sát.”
Liền lúc đó, ông nhúng ngón tay vào một thứ chất lỏng có mùi gây nôn mửa, rồi thè lưỡi liếm lấy ngón tay. Ông yêu cầu các sinh viên của mình làm theo y như mình. Họ bậm môi cố gắng làm theo, và họ cũng làm được ngon lành.
Bây giờ nhà phẫu thuật mỉm cười, nói: “Này các bạn, tôi chúc mừng các bạn đã thực hiện bài trắc nghiệm thứ nhất một cách thành công. Nhưng rất tiếc, các bạn không thành công trong bài trắc nghiệm thứ hai – Vì không một ai trong các bạn quan sát thấy ngón tay tôi liếm không phải là ngón tay tôi nhúng vào chất lỏng kia.”
Có biết bao sự việc mà người ta chỉ lo “nhìn” thôi, cái nhìn nông cạn và định kiến, vì lệ thuộc ý nghĩ riêng tư, nên khôngthể quan sát kỹ để thấy chi tiết quan trọng rồi đi đến kết luận sai lầm.
Ta suy ngẫm thêm câu chuyện vui có liên quan sau đây.
Có một gã keo kiệt, chỉ muốn tom góp thu vào mà không muốn xuất ra, dù chỉ một xu. Anh ta có một con lừa, và anh ta chỉ muốn cho nó ăn rơm, vì nếu cho nó ăn cỏ xanh thì phải mua rất tốn kém. Nhưng nó không chịu ăn rơm.
Anh đến một người hàng xóm khôn ngoan, than phiền và hỏi xem có cách nào làm cho con lừa chịu ăn rơm không.
Anh hàng xóm bảo anh hãy đeo vào mắt con lừa cặp kính màu xanh lá mạ. Anh chàng keo kiệt về làm theo lời của ông bạn hàng xóm. Quả nhiên kết quả thật tuyệt vời: sau khi mang kính vào, con lừa ăn rơm ngấu nghiến.
Gã keo kiệt vô cùng hưng phấn, ước muốn xa hơn: “Ôi, phải chi có cặp kính nào đeo vào có thể thấy đá thành cơm bánh thì hay biết mấy !”
Suy cho cùng, cũng đã có biết bao người nhìn đời và chọn cách sống qua cặp kính ảo giác mà đâu hay biết gì.. Không biết trong số những người đó có mình hay không !? Con lừa thì còn hiểu được, nhưng con người thì… thật đáng tiếc thay !
Những bức tường ô nhục.
Có những con người ôm mối thù hận dai dẳng trong lòng. Vì sao thế ? Có phải họ là bậc Thánh Hiền nên họ không thể chịu đựng nổi những lỗi lầm của “người trần mắt thịt” ư ? Hay là vì hổ thẹn với lương tâm điều gì mà không thề “chấp nhận sự thật về người khác” được ?
Messala- nhân vật trong phim Benhur, trước khi tắt thở lòng còn nuôi thù hận. Hắn báo cho Benhur biết mẹ và em của Benhur đã bị hắn đày đọa và đang sống trong thung lũng những người cùi. (Ảnhphim)
Chắc bạn đọc đã có dịp xem phim Benhur ?
Trong phim này, có nhân vật tên là Messala, là bạn thân từ thời thơ ấu của Benhur, hắn phản bội quê hương Do Thái để chạy theo bả vinh hoa của đế quốc La Mã, hãm hại bạn mình là Benhur, vì Benhur theo chủ nghĩa dân tộc, bất đồng ý kiến với hắn, làm bản thân Benhur phải bị khốn đốn còn mẹ và em gái anh phải bị đày ải vào chốn dành cho người phong hủi và lây bệnh, để rồi hắn – Messala – kết thúc cuộc đời với cái chết thê thảm khi bại trận trong cuộc đua ngựa với Benhur. Tên Messala vào những giây phút cuối đời với cái chết tức tưởi và đau đớn mà vẫn không nhận ra được sự sai lầm của mình vì thù hận đã làm mờ mắt lương tri.
Ôm mối hận thù có làm cho mình hạnh phúc không ?
Giấc ngủ có bình yên không ?
Lòng có thanh thản nhẹ nhàng không ?
“Ghìm giữ nỗi đau hay là phóng thích nó bằng sự tha thứ ? Hai điều đó khác nhau như là : ban đêm ta nằm ngủ trên chiếc gối chỉa đầy gai nhọn, hay trên chiếc gối phủ đều những cánh hồng” (LOREN FISCHER).
Thù hận tạo nên bức tường chắn lối ngăn cách con người đến với nhau. Những “Bức tường ô nhục” nói lên sự bất lực của con người khi muốn xây dựng một thế giới huynh đệ yêu thương.
Có những bức tường vật chất ngăn cách. Trongquá khứ, như bức tường Đông Đức – Tây Đức. Vĩ tuyến 17 với dòng sông Bến Hải ở Việt Nam. Hay hiện tại, như hàng rào kẽm gai chia đôi đất nước Triều Tiên - HànQuốc…
Có những bức tường vô hình phân chia đôi bờ chiến tuyến. Cảnh cốt nhục tương tàn, cảnh nồi da xáo thịt, cùng là anh em ruột thịt, cùng là một dân một nước, cùng là nhân loại, nhưng thực hiện được lời khuyên “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là chuyện còn rất xa vời.
Hận thù giá bao nhiêu ?
Quay trở lại câu chuyện, hai anh em đang chung sống, cùng làm ăn thuận hòa - “mọi việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất…”. –Tờ giấy bạc đó mệnh giá bao nhiêu ? – Cứ cho là 100 đô la, thế mà từ số tiền đó đã mua được 20 năm thù hận giữa hai anh em song sinh ! Từ số tiền đó nó sinh sản ra “bức tường ô nhục” chia đôi mái nhà êm ấm. Từ số tiền đó họ mang về hận thù cho cả hai gia đình, và thật khó mà tưởng tượng hận thù đó sẽ kéo dài đến bao giờ nếu như người ăn cắp số tiền đó không quay trở lại để nói lên sự thật.
Trong câu chuyện hôm nay có sự vội vàng, lòng hẹp hòi, hận thù dai dẳng… Nó bắt đầu từ một sự nhỏ mọn. Số tiền quá nhỏ mà lòng tự ái quá lớn. Hay vì họ coi đồng tiền quá lớn nên tình anh em quá nhỏ…
Có thể nào ta bỏ qua oán hờn không ?
Có thể nào thế giói bỏ qua thù hận không ?
Nhân loại luôn khao khát hòa bình mà hòa bình thì không thể nào tồn tại với thù hận.
“Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt.5,1-12). Con Thiên Chúa, nghĩa là ta gọi Thiên Chúa là Cha – “Lạy Cha chúng con ở trên trời” – và cũng có nghĩa là mọi người là anh em với nhau. –“Tứ hải giai huynh đệ”.
Anh em chung sống một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui !
Bức tranh thanh bình ấy thật đẹp biết bao !
Giấc mơ nhân loại chung sống hòa bình, mọi người yêu thương nhau, đó là giấc mơ đẹp nhất ! – Đúng hơn, đó là một khát vọng sâu thẳm muôn đời.
Vì sao giấc mơ ấy không là hiện thực ?
Hãy tìm về “Giới luật yêu thương” của Chúa. Hãy bỏ lại sau lưng oán hờn, thù hận.
Có con tim nào mang thù hận mà con tim ấy lại bình an ?
MAI NHẬT THI