Suy niệm Lễ Chúa Nhật Truyền Giáo Năm 2015

Thánh Lễ cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc


Hôm nay, Ngày Chúa Nhật 18 tháng 10 năm 2015, được gọi là Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo vì Phụng Vụ cho phép cử hành Thánh lễ cầu cho việc Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.

Cộng đoàn Phụng vụ chúng ta hãy cùng nhau suy niệm Bổn phận Truyền Giáo là bổn phận quan trọng nhất của Chúa Giêsu  truyền dạy cho Giáo Hội Công Giáo chúng ta.

......

Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo trước hết và trên hết.

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã xuống thế với mục đích làm chứng cho Cha Ngài. Bằng lời nói, bằng công việc, bằng tất cả con người của mình, Ngài đã tỏ ra cho nhân loại biết Ngài đã được Thiên Chúa Cha sai đến thế gain để thực hiện ý định muôn đời của Thiên Chúa là cứu rỗi toàn thể nhân loại: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Hoài bảo lớn nhất của Chúa Giêsu Cứu Thế là làm sao đem Tin Mừng Cứu Độ đến giải phóng loài người khỏi ách tội lỗi để Danh của Cha Ngài được cả sáng, Nước  của Cha Ngài được trị đến.

Để thực hiện hoài bảo Tin Mừng này, Con Thiên Chúa đã đi từ cung lòng Thiên Chúa Cha đến cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, nhập thể để trở nên Đấng Cứu Thế, nhập thế để ra đi, để đem Tin Mừng Cứu Rỗi đến cho mọi người.

Sau ba mươi năm sống ẩn dật để chuẩn bị trong âm thầm và thinh lặng, giờ ra đi rao giảng Tin Mừng đã điểm, Chúa Giêsu Cứu Thế đi lên rừng sâu, ăn chay bốn mươi đêm ngày, cầu nguyện cho nhân loại được cứu rỗi và chiến đấu với vua tội lỗi là thần dữ Satan.

Tiếp đó, trong cuộc đời ra đi truyền giáo công khai, Chúa Giêsu Cứu Thế đi đây đi đó suốt ngày để loan báo Nước Trời, loan báo Tin Mừng Cứu Độ, làm chứng cho Tình yêu của Thiên Chúa và dạy mọi người hãy yêu thương nhau.

Sau những ngày đi truyền giáo mệt mỏi, tối đến, Chúa Giêsu Cứu Thế còn leo đồi trèo núi, một mình trong thinh lặng, cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, nơi cao thâm tĩnh mịch, trong những đêm lạnh buốt của Phương Đông.

Sau khi bị người đời độc ác bắt, không còn đi truyền giáo được, Chúa Giêsu Cứu Thế vui lòng chịu chết truyền giáo trên Thập Giá.

Khi đã nếm cái chết chẳng đủ ba ngày trên Thập Giá và trong Ngôi Mộ, Chúa Giêsu Cứu Thế tung ra khỏi mồ, tự mình sống lại, đi từ cõi chết đến cõi sống, và trước khi về trời, ngự đời đời bên hữu Thiên Chúa Cha, Ngài đã ra lệnh cuối cùng, là Lệnh Truyền Giáo, dạy Giáo Hội phải tiếp tục sứ mạng của Ngài: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Giáo Hội là một tổ chức đã được Chúa Giêsu Cứu Thế thành lập để truyền giáo và được sai đi để truyền giáo. Vì thế, Giáo Hội: hoặc là truyền giáo, hoặc không còn phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu Cứu Thế nữa.

Giáo Hội dạy con cái mình phải có tinh thần truyền giáo: “Tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm.” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, số 36)

Giáo Hội dạy con cái mình phải sống đời truyền giáo: “Mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin, là sống sâu xa đời sống Kitô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho Giáo Hội xuất hiện như một dấu chỉ nổi lên giữa các dân , là “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14) và là “muối đất” (Mt 5,13)” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, số 36)

Nhiều kẻ có những quan niệm hạn hẹp và sai lầm về truyền giáo.

Khi nói đến truyền giáo, họ nghĩ ngay đến những dân tộc xa xôi phải được truyền giáo, mà quên rằng chính đồng bào của họ, đang ở gần họ, cần phải được truyền giáo trước hết.

Khi nói đến truyền giáo, họ nghĩ ngay đến những công việc to tát như mở trường học, bệnh viện, mà không xác tín rằng chính mình, khi treo gương  sống đạo một trăm phần trăm, sẽ lôi kéo người ta cề với Chúa. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng xác tín rằng: với những công việc mho nhỏ mà chúng ta làm trong bóng tôi vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta có thể làm cho những linh hồn ở xa được biết Chúa, được trở lại.

Truyền giáo là sống Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giêsu Cứu Thế theo ba chiều cao, sâu, rộng:

theo chiều cao, là tìm cách đưa mọi người lên cao, lên đến với Chúa;

theo chiều sâu, là tìm cách đưa Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giêsu Cứu Thế thấm sâu vào trong mọi sinh hoạt của con người trong xã hội;

theo chiều rộng, là làm sao cho nhiều người được biết Chúa nhờ thấy đời sống gương mẫu và đáng phục của người công giáo chúng ta.

Người công giáo chúng ta đừng sợ vì thấy thế giới hiện nay quá đông, quá vô thần, quá vật chất, quá thù nghịch với Giáo Hội. Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh vô địch, sức mạnh đến từ nơi Chúa Giêsu Cứu Thế, Đấng đã nói: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy, anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Ngày 15 tháng năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI động viên người công giáo chúng ta sống đời truyền giáo và sống tinh thần truyền giáo trong ba điều như sau:

Điều thứ nhất: “Ngày nay, giống như thời ban đầu, Lời Chúa đang gặp thái độ khép kín và từ khước, lối tư duy và cuộc sống của nhiều người xa lìa sự tìm kiếm Thiên Chúa và chân lý. Nhưng thật ra, lời Chúa tiếp tục tăng trưởng và phổ biến...”

Điều thứ hai: ”Thế giới ngày nay đang cần những người nói với Thiên Chúa, để có thể nói về Thiên Chúa. Và chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng Chúa Giêsu không cứu độ thế giới bằng những lời hoa mỹ, hoặc bằng những phương thế ”hoành tráng”, nhưng bằng đau khổ và cái chết của Người. Luật về hạt lúa chết đi trong lòng đất, ngày nay vẫn còn giá trị; chúng ta không thể trao ban sự sống cho người khác, nếu chúng ta không hiến chính mạng sống của chúng ta”.

Điều thứ ba: ”Chỉ có những người nam nữ được nhào nặn bằng sự hiện diện của Thiên Chúa, bằng Lời Chúa, thì mới có thể tiếp tục con đường của Chúa trong thế giới, mang lại nhiều hoa trái. Anh chị em hãy trở thành những dấu chỉ hy vọng, có khả năng nhìn về tương lai với niềm xác tín chắc chắn đến từ Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Anh chị em hãy thông truyền cho mọi người niềm vui đức tin, với lòng nhiệt thành hăng hái đến từ cuộc sống được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, vì “chính Chúa canh tân mọi sự” (Kh 21,5).”

Chúng ta phải làm sao để từ nay về sau, danh từ “người công giáo” và danh từ “người truyền giáo”: phải là một danh từ mà thôi.

Amen.

Lm Emmanuen Gioang

Chúng con cám ơn Cha Linh hướng Phê-rô đã chia sẻ bài viết này.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com