Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật 29 Thường niên Năm C

 

NHỮNG KẺ CHÚA ĐÃ TUYỂN CHỌN

PHẢI CẦU NGUYỆN LUÔN KHÔNG ĐƯỢC NẢN CHÍ."

Luca 18, 7

 

Hát thánh ca khai mạc.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, và cũng là tình yêu bất tận, xin dủ lòng thương xót chúng con là con cái Chúa, mà giúp chúng con thoát cảnh ngặt nghèo. Xin củng cố lòng tin của chúng con để chúng con không bao giờ ngờ vực rằng Chúa thật là Cha nhân hiền luôn hết tình yêu mến đoàn con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Cầu cho mọi nhu cầu B)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo T. Luca 18, 1-8.

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

 (Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

 Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

 KHÔNG CHIA SẺ CHUNG

 

  1. Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (câu 1)…Vì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Ngài tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao?” (câu 7)

Tại sao Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn và không được nản chí? Trước đó, trong chương 16 và 17, T. Luca đã kể :

  • Chúa Giêsu kể câu chuyện ông Ladarô và ông nhà giàu.
  • Các tông đồ xin Thầy thêm lòng tin cho mình (Lc 17,5). Rồi khi nghe Chúa Giêsu báo trước những khốn khó và bất ngờ sẽ xảy ra “trước ngày Con Người được mạc khải” (Lc 17,26-30), họ đã hỏi “Khi nào Con Người được mạc khải” (Lc 17, 37).

Lời Chúa dạy “phải cầu nguyện” trả lời cho các vấn nạn và thử thách đó. Đàng khác, cho dù chuyện gì sẽ xảy ra đi nữa, tựa như câu chuyện bà góa và quan tòa bất chính (c. 2-5), các môn đệ phải luôn giữ vững niềm tin vào lòng thương xót và trung thành của Thiên Chúa đối với “những kẻ Ngài tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài.” (c. 7)

Thái độ của tôi đối với việc cầu nguyện thế nào? Để làm gì? Tôi có còn tín thác vào lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa đối với mình kể cả khi những lời cầu xin tha thiết của mình chưa được đáp trả?

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

  1. "Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?" (câu 8).

Lời này của Chúa Giêsu phải chăng quá bi quan? Trong hoàn cảnh chông chênh của thế giới và xã hội hiện nay, để vững tin sống và chờ đợi Vương Quốc của Thiên Chúa được hoàn thành, cần phải có một Niềm Tin vào AI và như thế nào? Vấn đề cốt lõi phải chăng là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – xưa đã được tỏ bày nơi thập giá – có còn được lòng con người bám chặt nữa không? Với trái tim của trẻ thơ (câu 16-17) ?

Mỗi lần đón Chúa Giêsu đến với tôi nơi Thánh thể củng cố thêm lòng tin, cậy mến của tôi đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thế nào?

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

  1. Chọn điểm chiêm nghiệm 3 dựa vào Lời Chúa đã chạm đến tôi.

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết Thánh vịnh đáp ca 120.

Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa
là Đấng dựng nên cả đất trời.

Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
Đấng gìn giữ Ítraen,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!

Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn,
chính Chúa là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.

Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.

Sáng danh…

 

5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để học thuộc và suy ngẫm.

..........................................................................................................................

..........................................................................................................................

  • Tôi xem xét cách mình cầu nguyện với Thiên Chúa trong quá khứ? Nhất là những khi Chúa chậm lắng nghe và đáp lời mình kêu xin. Để suy nghĩ “Tại sao như thế ?” Nhớ đến Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong hoang địa 40 ngày, và trong vườn Cây Dầu trong giờ Khổ nạn.

................................................................................................

................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

 Chúng ta hãy nhìn ngắm vua Đa-vít, hãy suy nghĩ về ông. Thánh thiện và tội lỗi, bị bắt bớ và là người bắt bớ, nạn nhân và kẻ giết người. Đa-vít là tất cả những điều này. Và trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng đã ghi lại những sự kiện thường trái ngược nhau; trong cuộc sống, tất cả mọi người thường phạm tội vì sự không nhất quán. Có một sợi chỉ đỏ duy nhất chạy suốt cuộc đời vua Đa-vít, liên kết mọi thứ xảy ra: đó là lời cầu nguyện của ông. Đó là tiếng nói không bao giờ bị dập tắt... Một con người cầu nguyện. Khi làm như vậy, vua Đa-vít dạy chúng ta hãy đưa mọi sự vào cuộc đối thoại với Chúa: niềm vui cũng như cảm giác tội lỗi, tình yêu cũng như đau khổ, tình bạn cũng như bệnh tật. Tất cả mọi thứ có thể trở thành một lời thốt ra với “Ngài”, Đấng luôn lắng nghe chúng ta.

Đây là sức mạnh của lời cầu nguyện nơi tất cả những người biết dành chỗ cho cầu nguyện trong cuộc sống của họ. Cầu nguyện làm cho bạn trở nên cao thượng, và Đa-vít cao thượng bởi vì ông cầu nguyện. …Cầu nguyện cho chúng ta sự cao quý: nó có khả năng đảm bảo mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, là Người Đồng hành thực sự trên hành trình của mỗi người, giữa muôn ngàn nghịch cảnh của cuộc sống, tốt lành hay xấu xa: nhưng luôn luôn cầu nguyện. Con cảm ơn Chúa. Con sợ Chúa. Lạy Chúa xin hãy giúp con. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con.… Bởi vì sự cao quý của cầu nguyện để chúng ta trong tay Chúa. Đôi tay chịu thương tích của tình yêu, và đôi tay an toàn duy nhất mà chúng ta có.

(trích Huấn dụ Thứ Tư 24.6.2020)

 

Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 10 trên trang web của PT.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com