ĐGM Simon Hòa Hiền - GM người Việt tiên khởi TGP Sài Gòn

 

 

1906 - 1973

 

TIỂU SỬ ÐỨC CHA CỐ SIMON HÒA NGUYỄN VĂN HIỀN

GIÁM MỤC NGƯỜI VIỆT TIÊN KHỞI TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

Khẩu hiệu:

"CHÚNG TÔI RAO GIẢNG CHÚA GIÊSU CHỊU ÐÓNG ÐINH"

Sinh tại Nhu Lý, Quảng Trị ngày                         23-03-1906

Tiểu chủng viện An Ninh                                      08-09-1917

Ðại Chủng viện Phú Xuân                                    08-09-1917

Du học Roma                                                        1932

Thụ phong Linh Mục tại Roma                             21-12-1935

Tiến sĩ Thần học                                                    16-07-1937

Du học tại Pháp                                                    1937-1939

Cử nhân văn chương Pháp                                   16-10-1939

Giáo sư trường Thiên Hựu                                   1940

Phó xứ Kim Long                                                 1943

Phó xứ Phủ Cam                                                   1944

Chánh xứ Phường Tây                                          1946

Giám đốc Ðại chủng viện                                     1947

Tổng ủy giáo phận                                                1948

Giám đốc Tiểu chủng viện Huế                            1953

Giám đốc trường Thiên Hựu                                1955

Giám mục hiệu tòa Sagalasso                               1955

Ðại diện Tông Tòa cai quản giáo phận Sàigòn     11-10-1955

Thụ phong Giám mục                                           30-11-1955

Giám mục chính tòa Dalat                                    24-11-1960

Chính thức nhận giáo phận                                   06-04-1961

Qua đời                                                                 05-09-1973

CON ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC CHA CỐ
SIMON HÒA NGUYỄN VĂN HIỀN

Khi được chọn làm Giám mục, Đức Cha cố Simon Hòa Nguyễn văn Hiền đã chọn một câu trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô : "Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh". Chẳng những đó là lẽ sống và lý tưởng nhưng ngài còn rao giảng và làm chứng ngay chính trong cuộc đời mình.

Trước hết đó là một chọn lựa, sự chọn lựa này hoàn toàn khác và ngược lại với sự chọn lựa của thế gian. (Thế gian thường chọn sự khôn ngoan của mình như người Hy-lạp đã làm ; chọn sức mạnh như người Do-thái đã mong đợi những phép lạ và chắc chắn còn nhiều sự chọn lựa khác dựa trên sự khôn ngoan trần thế. Còn nếu chọn lựa thập giá, sự đau khổ, cái chết trong cuộc đời mình, thì sự chọn lựa ấy chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa mà thôi). Đức cố Giám mục đã xác tín và chọn lựa ngay trong cuộc đời của ngài : chỉ có con đường hẹp, con đường thập giá mới làm chúng ta trung thành với sứ mạng của mình và trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô. Sự chọn lựa đó là một khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa chứ không phải đến từ loài người.

Tôi còn nhớ ngài thường nói về vấn đề truyền giáo và về Thập Giá Đức Kitô, ngài luôn nhắc những người mà ngài tiếp xúc về mầu nhiệm thập giá một cách rất đơn sơ : "Thập giá Đức Kitô gắn liền với cuộc đời của chúng ta, phải luôn có trước mắt và có trong lòng trí của chúng ta. Dù ở nơi nào, chúng ta cứ dùng ngón cái của tay mặt vạch nên hình Thánh Giá. Đang ngồi, chúng ta có thể vạch hình Thánh Giá trên đùi ; đang viết, chúng ta vạch hình Thánh Giá trên bàn. bất cứ lúc nào cũng lấy dấu hiệu đó để tự nhắc lý tưởng của chúng ta là đi theo Đức Kitô trên con đường thập giá".

Trong suốt cuộc đời Đức Cố Giám Mục, ngài là con người truyền giáo, nhưng là nhà truyền giáo khắc khổ, ngài không chọn những phương thế trần gian, không chọn những gì dễ dãi. ngài luôn nhắc nhở mọi thành phần, cách riêng là hàng linh mục và tu sĩ về sứ mạng truyền giáo. Có lần trước sự hiện diện đông đảo của các tu sĩ, ngài đã nói rất say sưa về chương trình truyền giáo của ngài (chúng ta biết trước năm 75, Giáo phận Đalạt và cách riêng thành phố Đalạt là nơi có khá nhiều hội dòng, vì lúc bấy giờ các hội dòng đều muốn có một nhà tại Đalạt để gửi các thành viên của mình theo học tại Đại Học Công Giáo), ngài cho thấy trong thành phố Đalạt không chỗ nào không có vết chân, không có sự hiện diện của các tông đồ Chúa, ngài xác tín : thành phố này cũng đã được thánh hóa, "Kitô hóa" và đã được rao giảng cho hết mọi người. Dĩ nhiên đó vẫn còn là một ước mơ, nhưng không phải là một ước mơ xa lạ nếu tất cả mọi thành phần Dân Chúa tại đây ý thức được vai trò làm chứng và truyền giáo của mình.

Khi truyền giáo, chủ yếu ngài dựa vào việc cầu nguyện và hy sinh (Như chúng ta biết, không có Chủng viện nào xây cất như chủng viện Simon Hòa Đalạt, đó là chủ ý của ngài. Chủng viện là nơi ươm trồng những vị tông đồ tương lai, ngài muốn tại đó phải thể hiện lý tưởng nghèo khó. Lúc bấy giờ dễ dàng xin tiền để xây dựng một cơ sở bề thế, nhưng ngài không chọn điều đó, ngài muốn những tông đồ tương lai phải có đời sống nghèo khó khắc khổ, chỉ đặt niềm tin vào Đức Kitô chứ không vào những phương tiện theo sự khôn ngoan của thế gian). Suốt cuộc đời Ngài là một cuộc sống khắc khổ, khó nghèo và say mê rao giảng về Đức Kitô.

Khi ngài qua đời, một hình ảnh rất rõ nét để lại trong lòng Giáo phận . người ta thấy từ những giáo xứ, giáo sở cho đến các buôn làng dân tộc, nơi nào cũng chỉ duy nhất một câu : "Thương tiếc Cha Hiền". Cha Hiền vừa là tên của ngài và chắc chắn Cha Hiền cũng là vị mục tử hiền lành theo gương Đức Kitô.

Xác tín và lý tưởng của ngài cũng phải là xác tín và lý tưởng của chúng ta, vì đó không phải là một chọn lựa bởi con người. Chúng ta không thể nghi ngờ vì chính Chúa Giêsu nói : "Hạt lúa mì gieo xuống đất nếu không chết đi, thì sẽ trơ trọi một mình, không bao giờ mang lại hoa quả.". Khi nói điều đó, Chúa Giêsu nói về chính Ngài. Ngài là hạt lúa mì mà Chúa Cha đã gieo vào thế gian này, hạt lúa đã bị huỷ diệt để mang lại nhiều hoa quả.

Mỗi lần dâng Bánh Thánh hãy nhớ đến những lời này của Chúa Giêsu. Ngài là hạt lúa bị nghiền nát để trở nên tấm bánh, chính tấm bánh đó mang lại cho chúng ta sự sống thật, sự sống đời đời.

Chúng ta cử hành lễ giỗ và nhớ đến Đức Cha Cố với tất cả lòng yêu mến kính phục. Nhưng hãy nhớ đến và tỏ lòng biết ơn bằng cách tiếp nối công việc và công trình ngài đã dày công xây dựng. Tôi tin rằng giờ đây bên cạnh Thiên Chúa, ngài vẫn tiếp tục nhìn đến đoàn con trong địa phận này màsuốt cả cuộc đời, ngài không ngớt yêu thương, cầu nguyện, hy sinh.

Xin Chúa cho hạt lúa đã được gieo, đã bị huỷ hoại, đã chết đi mang lại kết quả là chính đời sống của chúng ta, của Giáo phận, của Giáo Hội. Xin cho chúng ta biết góp phần để tiếp nối sứ mạng của ngài.

 

Tam Linh ghi

Nguồn: simonhoadalat.com

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com