Các nhóm thân hữu

HỘI NHÓM THÂN HỮU CURSILLO


PHONG TRÀO CURSILLO VIỆT NAM

PT CURSILLO SÀI GÒN

 


 

HỘI NHÓM THÂN HỮU CURSILLO

I. Mục đích:

1. Mục Đích của Hậu Cursillo:

Mục đích chính của Hậu Cursillo là cung cấp phương tiện cho mỗi cá nhân, giúp họ kiên trì sống cuộc đời Kitô hữu đích thực, làm men muối ngay tại nơi chốn duy nhất mà Chúa đã đặt để họ trong các môi trường của họ.

2. Mục đích của Hội nhóm:

Có hai phương tiện căn bản giúp tăng trưởng và kiên trì đời sống Kitô hữu trong giai đoạn Hậu Cursillo: đó là Hội Nhóm cho cá nhân, và Ultreya cho cộng đồng.

Riêng về khái niệm Nhóm, có 4 loại:

1/ Nhóm Thân hữu

2/ Nhóm Ultreya

3/ Nhóm trường lãnh đạo

4/ Nhóm môi trường

Hôm nay, chỉ xin đề cập đến Nhóm Thân hữu.

Trong khóa Cursillo, quý anh chị đã nghe về 4 mục đích của Nhóm Thân hữu và 6 yếu tố để Hội nhóm thành công. Xin được phép nhắc lại:

2.1 Bốn mục đích của Nhóm Thân hữu là:

      + Một:       giúp tiếp tục tiến trình hoán cải cá nhân.

      + Hai:        giúp nhận ra mối tương quan với người khác trong cộng đồng Kitô.

      + Ba:         giúp chu toàn trách nhiệm tông đồ trong các môi trường.

      + Bốn:       giúp nảy nở và củng cố tình bạn tự nhiên và siêu nhiên.

2.2 Sáu yếu tố giúp Hội nhóm Thân hữu thành công là:

      + Một:       tình bạn đời thường hoặc tình người kitô hữu.

      + Hai:        nhân số từ 3-5 người thì dễ thân thiện nhau hơn.

      + Ba:         thường xuyên gặp nhau định kỳ một tuần, hai tuần, ba tuần hay mỗi tháng một lần.

      + Bốn:       nghiêm chỉnh vì có Chúa hiện diện.

      + Năm:     thận trọng trong lời nói, biết lắng nghe, tôn trọng chia sẻ của người khác, giữ kín điều đã chia sẻ trong nhóm.

+ Sáu:       chân thành, chỉ chia sẻ sự thật, không thêm thắt, sửa đổi điều chi.

Mặc dầu buổi Hội nhóm có những đặc tính chuyên biệt đối với phong trào Cursillo, nhưng ý hướng của phong trào không phải là bắt người ta theo “lối sống Cursillo”. Hội nhóm chỉ là một trong những phương tiện. (Tư tưởng nền tảng của phong trào Cursillo số 492).

Sự hữu hiệu của Hội Nhóm sẽ bị sụt giảm đi nhiều, nếu chúng ta đặt quá nhiều chú tâm vào những thủ tục hình thức. Điều quan trọng là việc chia sẻ những gì đang diễn biến trong đời sống riêng tư và tông đồ của mỗi thành viên của Nhóm. Như vậy, ngay từ lúc khởi đầu, Nhóm cần tập trung vào những điều thiết yếu - tức là việc chia sẻ những điều căn bản đang xảy ra nơi đời sống siêu nhiên, nỗ lực học hỏi và các hoạt động nơi các thành viên của Nhóm, đặc biệt là trong mối liên hệ với những môi trường khác biệt. (Tư tưởng nền tảng của phong trào Cursillo số 495).

Ngày mãn khóa, mỗi người chúng ta đều nhận sứ vụ lệnh, trong đó có hướng dẫn các bước của một buổi Hội Nhóm trong khoảng 30 phút.

Khi hội nhóm, chúng ta cứ theo đó mà làm thì sẽ không sợ bị lạc đường, ví dụ như biến buổi hội nhóm thành một buổi nghe giảng Lời Chúa, hoặc tâm sự dài lê thê. Cái kiềng ba chân của một buổi Hội Nhóm là Sùng Đạo - Học Đạo - Hành Đạo phải được giữ vững.

II. Chia sẻ trong hội nhóm thân hữu:

SÙNG ĐẠO - HỌC ĐẠO - HÀNH ĐẠO

Diễn tiến của một buổi họp nhóm gồm 3 bước:

1.   Bước một: Kiểm điểm

Ai kiểm điểm, kiểm điểm ai, kiểm điểm cái gì, kiểm điểm khi nào?

Xin thưa: Tôi kiểm điểm tôi hay nói cách khác, tự xét mình về mối tương quan của tôi với Chúa và với anh chị em từ lần họp trước đến lần họp này. Tôi kiểm điểm với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và làm hằng ngày hoặc ít nhất trước khi tôi đến họp nhóm. Như vậy tôi đã chuẩn bị cho mình những điều tôi muốn chia sẻ.

2.   Bước hai: Chia sẻ trong buổi họp nhóm

Sau khi kiểm điểm, tôi lượng định những điều tôi đem đến nhóm để chia sẻ. Vì thời lượng chia sẻ dành cho mỗi người chỉ từ 3-5 phút, nên tôi không thể chia sẻ tràn lan, dông dài hoặc chia sẻ tất cả mọi sự đã diễn ra được. Tôi có thể chọn 1 hoặc 2 hoặc cả 3 nội dung về Sùng Đạo, Học Đạo,Hành đạo để chia sẻ và nên đi ngay vào trọng tâm điều tôi muốn chia sẻ.

Trình tự chia sẻ của nhóm cần theo đúng Sứ Vụ Lệnh hoặc Chỉ Nam Cursillista từ trang 160-164.

Xin nói vắn tắt về 3 khía cạnh chia sẻ là Sùng đạo - Học đạo - Hành đạo.

2.1 Sùng Đạo:

Đầu tiên, để chia sẻ với nhau về việc sùng đạo, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: “Trong thời gian qua, tôi đã dùng phương cách nào để củng cố sự liên hệ giữa tôi với Đức Kitô?”. Mục đích của câu hỏi là để giúp chúng ta nhìn lại những gì đã hứa trong Phiếu Cam Kết, xem chúng ta thực hiện được những gì. Điều quan trọng là chia sẻ một trong những phương cách nào giúp chúng ta phát triển đời sống thiêng liêng trong tháng qua, vàtại sao phương cách ấy có lợi. Nếuchỉ liệt kê các công việc đạo đức đã thực hiện, thì chỉ mang tính báo công chứ chưa chia sẻ được điều gì.

Câu hỏi thứ hai của việc sùng đạo: “Trong thời gian qua, lúc nào tôi cảm thấy sự hiện hữu của Chúa một cách rõ ràng nhất?” Tìm được câu trả lời cho câu hỏi này là chúng ta đã có được những giây phút cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa. Thí dụ qua những biến cố trên thế giới như thiên tai, bão lụt, chiến tranh v..v.. hoặc những biến cố xảy ra cho chính bản thân chúng ta trong việc sùng đạo, học đạo và hành đạo.

Đôi khi không cần phải có những biến cố lớn lao chúng ta mới có được cảm nghiệm mà ngay cả khi chúng ta cảm thấy sự thiếu vắng Chúa trong tâm hồn, thì đó cũng chính là ta đã ý thức được sự hiện diện của Chúa rồi. Điểm quan trọng nhất là những ý thức về sự hiện hữu của Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh và khi chúng ta chia sẻ cho nhau về những nhận thức này, chúng ta sẽ có thêm nhiều hiểu biết mới về cảm nghiệm hơn.

2.2 Học Đạo:

Trong lãnh vực học đạo, câu hỏi chính được đặt ra trong buổi hội nhóm: “Trong thời gian qua tôi đã làm gì để hiểu biết hơn về Thiên Chúa?” Chúng ta hãy kiểm điểm lại xem chúng ta có giữ lời hứa đọc kinh thánh, đọc sách thiêng liêng, để chia sẻ những điều chúng ta đã học với những người trong nhóm không? Những điều chúng ta học được đã thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta thế nào? Nó có đem lại những điều hữu ích cho người khác không?

Học đạo không lệ thuộc khả năng thông minh, nhưng nhờ vào thiện chí. Học đạo không phải chỉ giới hạn trong việc đọc sách, nhưng bao gồm tất cả mọi cơ hội chúng ta có, để thay đổi cái nhìn
của chúng ta theo đường lối của Phúc Âm. Chẳng hạn qua biến cố thời sự xảy ra chết chóc, đau thương cho con người, như bão lụt, cuồng phong, thiên tai, khủng bố. Từ đó chúng ta có được bài học về yêu thương, bác ái, tha thứ, hiệp nhất. Để rồi tiếp theo chúng ta có thêm được suy nghĩ thực tế là chúng ta phải làm một điều gì, tuy nhỏ bé để xoa dịu nỗi đau thương cho tha nhân...

2.3 Hành Đạo:

Phần kế tiếp là hành đạo, hay nói một cách đơn giản, đó là công tác tông đồ. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi: “Trong thời gian qua tôi đã làm được gì trong gia đình, nơi chỗ làm, trong môi trường mình sống để làm sáng danh Chúa?” Việc tông đồ là hành động tích cực để thay đổi được suy nghĩ, hay một việc nào đó trở nên tốt hơn theo tinh thần Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ Chúa trong mọi môi trường chúng ta sống để Phúc âm hóa môi trường ấy.

Trong Khóa Cursillo, chúng ta đã nghe câu: Tìm bạn, trở nên bạn thân, và đem bạn đến với Chúa. Việc Phúc âm hóa không nhất thiết là phải nói về Đức Kitô với những người chúng ta gặp. Nhưng qua việc làm, bằng việc làm, tư cách, lối sống của chúng ta sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói, để từ đó dần dần cảm hóa được những người sống quanh ta, nhất là những người chưa có cơ hội biết Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta không nên giới hạn công tác tông đồ hàng ngày bằng cách cư xử tốt với người chung quanh, nhưng chúng ta cần phải cố gắng hoạch định những công tác tông đồ một cách cụ thể. Thí dụ: chúng ta dự định Phúc âm hóa gia đình của chúng ta bằng cách đưa gia đình đi dự một nghi thức phụng vụ để họ có cơ hội đến gần Chúa hơn, hoặc đi thăm một người đang bị bịnh nặng v.. v.. Nếu có chuẩn bị, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự thành công hay thất bại của việc tông đồ này. Nhưng nếu chúng ta không làm gì cả thì đó không phải là thành công hay thất bại, mà là sự lười biếng, thụ động hay ích kỷ của chúng ta.

Những điều cần tránh khi chia sẻ:

a/ Về phía người nói: nói sự thật để sinh ích cho người khác.

1)  Tránh kể chuyện trong từng chi tiết vì không cần thiết và rất mất thời gian. Chỉ tóm gọn để mọi người có thể hiểu điều mình muốn chia sẻ.

2)  Tránh tâm sự dài dòng về chuyện của mình hay của người khác.

3)   Tránh phê bình, chỉ trích người có liên quan đến điều muốn nói.

4)  Chỉ chia sẻ cảm nghiệm của mình, không nói chuyện của người khác

b/ Về phía người nghe: nghe trong cảm thông và cầu nguyện.

1)  Tránh ngắt lời người nói để hỏi thêm thông tin, hoặc vỗ về an ủi, hiến kế, bình luận. Nên nhớ đây là buổi chia sẻ và chỉ nên lắng nghe trong thinh lặng, sau đó cầu nguyện cho nhau. Mọi chuyện khác có thể trao đổi thêm trong phần tiếp xúc cá nhân sau buổi chia sẻ.

2)  Đừng minh họa chia sẻ của người trước bằng những chia sẻ kế tiếp. Mỗi người chia sẻ khác nhau. Đây không phải là buổi triển khai một chủ đề chung.

3)   Thái độ đúng đắn nhất là nghe trong cảm thông và cầu nguyện.

3.   Bước ba: Hoạch định cho cá nhân và cho nhóm

Sau phần chia sẻ, mỗi cá nhân cho biết quyết tâm của mình sẽ làm gì trong thời gian tới. Có thể đó là cố gắng đi lễ ngày thường đều đặn hơn, năng lần chuỗi, đọc Lời Chúa mỗi ngày, dành thời gian để đi chầu Thánh thể, nguyện gẫm, đọc sách thiêng liêng. Cũng có thể đó là quyết tâm làm hòa với một ai đó, đi thăm viếng người anh/chị em bỏ họp nhóm nhiều lần, chăm lo công việc gia đình chu đáo hơn, chuẩn bị quà cho chuyến đi cứu trợ v.v…

Nếu có thể được, Nhóm cũng đưa ra một việc gì cả nhóm có thể làm chung với nhau trong tháng, thí dụ như lần chuỗi Mân côi sống, thăm bệnh nhân v.v…

Quyết tâm của từng cá nhân cũng như của nhóm cũng là tiền đề giúp mọi người kiểm điểm chính mình trước khi tham dự phiên họp lần sau.

Nếu 3 bước này được thực hiện tốt thì buổi họp nhóm sẽ không kéo dài mà thực sự sinh ích cho từng người, củng cố được tình thân trong nhóm. Ngược lại, nếu làm qua loa chiếu lệ bất cứ bước nào trong 3 bước nói trên cũng đều là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của việc hội nhóm.

Ngoài ra, việc quá chú trọng đến hình thức ăn uống, tiếp đón, cũng làm cho trọng tâm của việc họp nhóm bị loãng nếu không muốn nói bị đẩy vào hàng thứ yếu. Họp nhóm nhanh nhanh cho xong để còn nhập tiệc!

o0o

Qua những nội dung trên đây, nếu chúng ta theo đúng phương pháp mà Phong Trào đã nêu ra, là chia sẻ trong ba lãnh vực Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo, thì chúng ta sẽ giữ vững cho sinh hoạt của Nhóm được bền lâu. Bởi vì nhóm không phải là nơi quy tụ lại để học hỏi Phúc âm hay chia sẻ Lời Chúa; và Hội Nhóm cũng không phải là lúc để anh chị em đem những chuyện ngoài đời sống thiêng liêng, để mổ xẻ phê phán người khác; nhưng Hội Nhóm là dịp để người cursillista gần gũi nhau, trao đổi kinh nghiệm sống ngày thứ tư theo tinh thần mà Phong trào mong muốn là làm men, làm muối cho môi trường.

Trong buổi Hội Nhóm, cũng đừng bao giờ đem cái tôi ra để bắt người khác phải nghe, mà chính mình lại không chịu nghe người khác. Nhóm không phải là nơi người cursillista gặp nhau để sống lại những kỷ niệm của Khóa Ba ngày, nhưng phải là nơi để chia sẻ sự phát triển đời sống trong Ân sủng và những công tác tông đồ trong thời gian qua.

Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị và ý thức tầm quan trọng của việc chia sẻ trong Nhóm, thì việc gặp nhau sẽ trở nên buồn chán. Nếu tất cả mọi thành viên của nhóm không ý thức được sự đóng góp về những tiến bộ của việc sùng đạo, học đạo, và hành đạo hàng tuần, hàng tháng, thì buổi họp nhóm chỉ là những lần gặp gỡ của một hội ái hữu, không có gì để nâng đỡ đời sống tâm linh cho cá nhân và cho sự phát triển của cộng đồng.

Quí anh chị thân mến, không ai có thể dành một khoảng thời gian nào đó, đều đặn mỗi tuần hoặc mỗi tháng, dù mưa gió hay bận rộn cũng sắp xếp mọi công việc để đến gặp gỡ những người không mấy thân thiết; và dĩ nhiên là không thể chia sẻ những cảm nghiệm riêng tư hoặc mở lòng ra với những người như vậy. Vì thế tình bạn là một yếu tố không thể thiếu được trong một nhóm Cursillo.

Trong những sinh hoạt của nhóm cần phải có một bầu khí yêu thương thật sự, một thái độ chân thành không khách sáo, và phải hoàn toàn tín nhiệm lẫn nhau, thì mọi người trong nhóm mới có thể chia sẻ một cách cởi mở chân tình. Nhờ đó việc chia sẻ mới có được kết quả lâu dài.

Tài liệu ngày họp Nhóm Trưởng 18/07/2015


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com